Trung Quốc: Hai công nhân đào xuyên thủng Vạn Lý Trường Thành, gây thiệt hại không thể cứu vãn
Gần đây, một đoạn của Vạn Lý Trường Thành thuộc địa phận huyện Hữu Ngọc, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, đã bị đào xuyên qua, gây thiệt hại không thể cứu vãn. Tin tức này đã trở thành chủ đề nóng, đứng đầu danh sách tìm kiếm của Baidu.
Hôm 04/09, tờ Nhật Báo Bắc Kinh đưa tin, vào khoảng 16 giờ ngày 24/08, Văn phòng Công an huyện Hữu Ngọc nhận được thông báo cho biết đoạn Tam Thập Nhị Trường Thành tại thị trấn Dương Thiên Hà bị đào phá thủng một khoảng. Đây là đoạn Vạn Lý Trường Thành thuộc thôn Tam Thập Nhị, thị trấn Dương Thiên Hà, huyện Hữu Ngọc, thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây.
Sau khi kiểm tra dấu vết ở hiện trường, cơ quan chức năng kết luận sơ bộ rằng đoạn Trường Thành cổ xưa này đã bị đào bới gây hư hại bằng một loại máy móc lớn. Sau đó, tại huyện Hòa Lâm Cách Nhĩ bên cạnh, người ta phát hiện một chiếc máy xúc cùng một người đàn ông và một người phụ nữ. Sau khi thẩm vấn tại hiện trường, công an xác định đoạn Trường Thành nói trên đã bị hai người này dùng máy xúc đào thủng.
Hai công nhân này cho biết họ đang thi công ở khu vực gần đoạn Tam Thập Nhị Trường Thành. Vì để rút ngắn lộ trình, nên họ dùng máy xúc đào xuyên thủng Trường Thành từ một lỗ hổng nhỏ ban đầu, tạo thành một khoảng trống lớn để máy xúc dễ dàng đi qua.
Hiện hai người này đã bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.
Sự việc nói trên đã trở thành chủ đề nóng làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên cộng đồng mạng.
Một cư dân mạng cho biết, hai người đào phá đoạn Vạn Lý Trường Thành này phải chịu trách nhiệm, nhưng cơ quan bảo vệ di tích văn hóa của địa phương cũng không thể thoái thác trách nhiệm của họ.
Một cư dân mạng khác cho rằng: “Xung quanh khu di tích văn hóa có biển báo và được khoanh vùng rõ ràng không? Nếu có, thì những người đào phá này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm; nếu không có biển báo, thì sở du lịch văn hóa địa phương hoặc các đơn vị bảo vệ di tích văn hóa liên quan cũng phải chịu trách nhiệm.”
Cư dân mạng có tên “Tửu Đa Tình Thâm 666” (酒多情深666) cho biết Tam Thập Nhị Trường Thành không giống như Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh mà mọi người nghĩ: “Tôi là người dân ở vùng đó, nếu bạn đứng trước đoạn Vạn Lý Trường Thành này, mà tôi không nói cho bạn biết đây là Vạn Lý Trường Thành thì bạn cũng sẽ không biết. Nó đã bị đất vùi lấp từ lâu, xung quanh cũng không được khoanh vùng bảo vệ, không có biển báo. Thứ duy nhất hiện nay có thể nhìn thấy là Phong hỏa đài mà thôi. Nó không phải là Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh như các bạn nghĩ. Mới nhìn qua thì nó giống như dãy gò đất, hàng ngày dê bò leo qua leo lại trên đó.”
Cư dân mạng có tên “Lạp Đăng Nhị Ca” (拉登二哥”) cũng nói: “Quả thực cần phải đặt biển báo, tốt nhất là dùng một hàng rào đơn giản bao xung quanh.”
Tuy nhiên cũng có cư dân mạng cho rằng: “Bên cạnh có Phong Hỏa Đài, hơn nữa bức tường được xây bằng gạch vuông, điều này cho thấy có thể bức tường không phải hình thành một cách tự nhiên, mà là có niên đại xa xưa. Nó không phải là kiến trúc bình thường, kiến trúc bình thường không thể có Phong Hỏa Đài.”
Theo các nguồn thông tin công khai, Tam Thập Nhị Trường Thành là di tích văn hóa được bảo vệ cấp tỉnh, nằm trên núi Hoa Lâm, cách thị trấn Hữu Vệ, huyện Hữu Ngọc, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, khoảng 10km về phía Tây Nam. Sở dĩ nó có tên gọi “Tam Thập Nhị Trường Thành” là do đoạn Vạn Lý Trường Thành này nằm trong địa phận của thôn Tam Thập Nhị. Tên của thôn Tam Thập Nhị cũng bắt nguồn từ tháp canh thứ 32 của Vạn Lý Trường Thành tại địa phận huyện Hữu Ngọc. Đây là một phần của Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh. Hiện tại, bức tường hai bên và Phong Hỏa Đài của đoạn trường thành này vẫn còn tương đối hoàn chỉnh.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ