Ghi chép của Kỷ Hiểu Lam: Vì quá thông minh khôn khéo nên lụy đến thân mình
Vì sao có những người thông minh lanh lợi, biết tính toán vì lợi ích cá nhân, nhưng kết cục lại vô cùng thảm bại? Hai câu chuyện của Kỷ Hiểu Lam trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” sẽ cho chúng ta đôi lời gợi ý.
Trong Hồng Lâu Mộng có câu thơ rằng:
“Cơ quan toán tận thái thông minh
Phản toán liễu khanh khanh tính mệnh”
(Việc đời tính rất thông minh
Còn mình, mình tính phận mình vẫn sai)
Ấy là hai câu thơ kể về những người cả đời thông minh, lanh lợi, không bao giờ chịu thiệt thòi nhưng cuối cùng lại rơi vào cảnh “thân bại danh liệt”. Đó cũng là hai số phận được Kỷ Hiểu Lam – một học sỹ nổi tiếng dưới thời Càn Long triều nhà Thanh – ghi chép trong “Duyệt vi thảo đường bút ký”.
Kỷ Xương
Kỷ Hiểu Lam có một gia nhân tên là Kỷ Xương. Vị này ban đầu họ Ngụy, nhưng sau đó đã mượn truyện “Hoàng Độc Tử Vi” để đổi sang họ Kỷ.
Chuyện kể rằng, thời nhà Tùy (581-600) có một người tên là Đào Phù, là gia nô của vị võ tướng triều đình Vi Cổn. Đào Phù thường theo Vi Cổn ra chiến trường, dũng cảm chiến đấu, giúp chủ lập nhiều công lao to lớn, nhờ đó mà sau này Vi Cổn được phong thành Tả vệ Trung lang tướng.
Vi Cổn nghĩ rằng Đào Phù đã sát cánh cùng mình trải qua nhiều năm nơi sa trường, lập được nhiều công lao nên đã quyết định miễn trừ thân phận nô bộc, cho Đào Phù được tự do. Đào Phù rất vui mừng, liền thịt con bò vàng của mình dâng lên chủ tướng, khẩn cầu ông đặt cho anh ta một tên họ. Vi Cổn nói: “Ngươi có thể theo họ của ta mà đổi thành họ Vi”. Đào Phù lập tức cúi đầu cảm tạ, nhưng không dám trùng họ với chủ tướng nên mới dùng cách nói “Hoàng Độc Tử Vi”. Gia nhân của Kỷ Hiểu Lam đã học theo câu chuyện này mà cũng đổi họ của mình thành họ Kỷ.
Kỷ Xương từ nhỏ rất ham đọc sách, giỏi văn chương, thông thạo văn học nghệ thuật và chữ viết cũng rất chỉn chu. Ngày thường, ông là người đa mưu túc trí, chưa bao giờ chịu thua thiệt về mình. Tuy nhiên vào những năm cuối đời, ông lại mắc một chứng bệnh lạ, mắt không thể nhìn, tai không thể nghe, miệng không nói được, thậm chí tay chân cũng không thể cử động. Ông ngày càng gầy gò ốm yếu, tê liệt đến mức gần như không còn cảm giác. Kỷ Xương nằm liệt trên giường giống như một khúc gỗ, toàn thân chỉ còn lại chút hơi thở tàn.
Gia đình đã mời các lang y đến tận tình cứu chữa, nhưng không ai tìm ra bệnh, ngay cả những vị danh y nổi tiếng cũng đành bó tay. Kỷ Xương chỉ có thể nằm trên giường, chịu thống khổ vài năm rồi tạ thế.
Có một lão hòa thượng Pháp hiệu là Quả Thành từng nói về Kỷ Xương rằng: “Căn bệnh này thuộc về ‘thân tử tâm hoạt’, tức thân thể đã chết nhưng tim vẫn còn sống. Từ xưa đến nay chưa có ghi chép nào tương tự về trường hợp này, có lẽ đây là nghiệp chướng của ông ấy!”.
Kỷ Hiểu Lam kể rằng Kỷ Xương cả đời chưa từng phạm bất kỳ tội ác nào lớn, chỉ bất quá là vì bản thân mà tham lam một chút tài lộc. Tuy nhiên, để có được những lợi ích đó Kỷ Xương đã không ngừng tính toán, tận dụng tâm kế để không phải chịu thiệt thòi.
Nho sinh ứng thí
Thầy dạy của Kỷ Hiểu Lam là Trần Văn Cần có một người đồng hương, cả đời cũng chưa từng phạm tội đại ác gì lớn, nhưng lại thích lạm dụng mọi việc, không muốn bản thân chịu thiệt nên luôn khiến người khác phải chịu tổn thất thay mình.
Một năm nọ, người đồng hương này lên đường đi ứng thí, phải tá túc qua đêm cùng với vài người bạn. Hôm ấy trời đổ mưa lớn khiến căn phòng bị dột, chỉ có bức tường phía bắc là không bị thấm nước. Người đồng hương này liền nói rằng anh ta bị cảm lạnh rồi đến nằm trên chiếc giường ở góc tường phía bắc. Mọi người đều biết rằng anh ta chỉ giả vờ bị bệnh, nhưng cũng không có lý do nào khác bảo anh ta ra khỏi chỗ đó.
Mưa càng lúc càng lớn, mọi người ngồi trong nhà như ngủ gà ngủ gật, riêng vị nho sinh nằm trên giường thì được ngủ ngon. Một lúc sau, bức tường phía bắc đột nhiên sụp đổ, mọi người liền vội vã chạy ra ngoài. Chỉ có vị nho sinh ngủ trên giường là bị bức tường đó đổ xuống, khiến đầu chảy máu, tay chân đều thương tích, cũng vì sự cố này mà anh ta phải bỏ lỡ kỳ thi khoa tuyển.
Kỷ Hiểu Lam kể rằng câu chuyện trên khiến ông nhớ đến một trong những gia nhân khác của mình là Vu Lộc.
Có lần Vu Lộc theo Kỷ Hiểu Lam đến Ürümqi, vùng đất mà hiện nay là thủ phủ của khu tự trị Tân Cương. Khi đoàn người khởi hành thì trên bầu trời mây đen dày đặc. Vu Lộc cho rằng trời sắp mưa nên mang hết quần áo và hành lý của bản thân vào thùng xe trước, rồi mới đặt quần áo và hành lý của chủ nhân lên trên. Tuy nhiên, sau khi đi được hơn mười dặm đường thì trời quang mây tạnh, nhưng không may các bánh xe lại mắc kẹt trong bùn. Nước bùn từ dưới xe bắn lên, thấm vào các thùng hành lý và quần áo của Vu Lộc để bên dưới.
Kỷ Hiểu Lam kể rằng những gì xảy ra với Vu Lộc cũng tương tự như hai câu chuyện về những người vì quá thông minh mà lụy đến thân mình. Ông hy vọng đây là bài học kinh nghiệm cho thế nhân, để những ai còn nuôi dưỡng tâm giảo hoạt sẽ không còn giẫm vào vết xe cũ, tự dẫn mình vào đường cùng.
Đỗ Nhược, Vương Du Duyệt thực hiện
Minh Sơn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: