Bắc Kinh mở rộng vai trò của bộ công an để quản lý rủi ro kinh tế trong lĩnh vực tài chính và địa ốc
Một chuyên gia cho biết, mục đích là ưu tiên bảo vệ đảng và chế độ.
Bộ Công an Trung Quốc đã mở rộng vai trò của họ vượt ra bên ngoài việc chống tội phạm kinh tế để bao gồm chủ động phòng ngừa rủi ro trong tài chính, nợ chính quyền địa phương, và địa ốc. Theo một chuyên gia, đây là một hành động nhằm ưu tiên việc duy trì chế độ.
Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc đã công bố kế hoạch mới hôm 05/06.
Đầu năm nay, sự hiện diện bất ngờ của Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) bên cạnh Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) tại một phiên họp thị trường vốn đã làm dấy lên suy đoán trong giới phân tích.
Nói chuyện với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng hành động này nhấn mạnh vai trò then chốt của Bộ Công an trong việc giám sát quy định, làm nổi bật các chiến lược thực thi như bắt giữ và đe dọa.
Chuyên gia kinh tế vĩ mô sống tại Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho biết, việc Bắc Kinh nhấn mạnh vào quản lý rủi ro cho thấy nhà cầm quyền này đã từ bỏ nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, họ đang ưu tiên việc bảo tồn Đảng.
“Đó là ưu tiên an ninh hơn phát triển,” ông Ngô nói. “Việc duy trì sự ổn định chính trị và kiểm soát đối với người dân là quan trọng hơn việc đầu tư.”
Ông Ngô cho biết, những rủi ro tài chính mang tính hệ thống gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do các vấn đề chưa được giải quyết trong các khoản nợ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Guoxiang), giáo sư phụ tá tại Đại học Nam Hoa, cảnh báo về những ảnh hưởng đáng báo động từ vai trò mở rộng của Bộ Công an, đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc.
Ông lưu ý rằng sự tích hợp sâu rộng của bộ công an vào lĩnh vực địa ốc phản ánh mối lo ngại về sự bất mãn xã hội lan rộng xuất phát từ sự bất ổn của thị trường, và sự biến động trong lĩnh vực địa ốc đang làm suy yếu sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế nước này.
Ông Tôn cho biết: “Cuộc khủng hoảng lần này có thể chuyển từ một cuộc khủng hoảng địa ốc thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.”
Các biện pháp kích thích và phản ứng của thị trường
Bắc Kinh đã đề ra các biện pháp kích thích chi tiêu lớn hồi tháng Năm năm nay để giải quyết tình trạng sụt giảm đang diễn ra trong lĩnh vực địa ốc. Các biện pháp này bao gồm yêu cầu khoản trả trước thấp hơn đối với người mua nhà và một quỹ 300 tỷ nhân dân tệ (41.35 tỷ USD) từ ngân hàng trung ương để giúp các công ty được chính quyền hậu thuẫn mua nhà tồn kho dư thừa từ các nhà phát triển để chuyển đổi những căn nhà này thành nhà ở giá rẻ.
Tuy nhiên, thị trường đã phản ứng một cách hoài nghi. Bloomberg báo cáo rằng cổ phiếu của các công ty địa ốc Trung Quốc đã giảm tới 2.6% hôm 06/06, đưa mức giảm lên khoảng 20% so với mức cao nhất đạt được vào giữa tháng Năm.
Một số nhà phát triển tư nhân nhận thấy, nếu như có thì cũng rất ít các dự án của họ được chọn vì cơ chế cho vay chưa hoàn thiện và chương trình này dự kiến sẽ chỉ khai triển ở các thành phố lớn hơn, nơi nhà ở giá rẻ có sẵn.
Ông Tôn giải thích rằng việc chuyển đổi nhà ở chưa bán thành nhà ở giá rẻ có thể làm méo mó mối quan hệ giữa cung và cầu, ảnh hưởng đến cơ chế giá, đồng thời lợi nhuận bất hợp lý có thể làm xói mòn niềm tin của các nhà phát triển vào các khoản đầu tư trong tương lai.
Ông nói, nhà ở giá rẻ cũng sẽ cần trợ cấp, khiến tài chính của các chính quyền địa phương càng thêm căng thẳng.
Thất nghiệp và những thách thức kinh tế
Ông Ngô cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay là việc nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư địa ốc, cũng như sự đầu tư quá mức, cùng với các vấn đề tài chính của chính quyền địa phương và tình trạng dân số già đi.
Ông lập luận rằng cuộc khủng hoảng địa ốc phản ánh cuộc khủng hoảng việc làm, trong đó các doanh nghiệp nhà nước tụt hậu trong việc tạo việc làm so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh nhạy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang gặp khó khăn với hàng loạt các vụ phá sản do đại dịch gây ra cũng như triển vọng việc làm giảm sút và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra của các công ty địa ốc, Trung Quốc còn phải đối mặt với lượng lớn dự án nhà ở chưa hoàn thiện và các nạn nhân phản đối các dự án còn dang dở này. Ông Tôn cho rằng chỉ riêng chính sách thôi là chưa đủ để giải quyết các vấn đề cấu trúc lâu dài trên thị trường địa ốc Trung Quốc. Các gói giải cứu của chính quyền đã tỏ ra không hiệu quả.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Dịch Như, và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times