Bà Yellen: Hoa Kỳ cần cho IMF, các tổ chức toàn cầu khác vay nhiều hơn để tăng lực ảnh hưởng
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ cần có vai trò lãnh đạo lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức tài chính quốc tế khác để trợ giúp các quốc gia nghèo và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Xuất hiện trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, bà Yellen bảo vệ một đề nghị tăng cường sự tham gia của chính phủ Hoa Kỳ vào chương trình Thỏa thuận Cho vay Mới (NAB) của IMF nhằm bảo đảm viện trợ tài chính cho các nguồn lực của tổ chức này. Bà Yellen cũng đã yêu cầu thẩm quyền mở rộng tài trợ cho hai quỹ tín thác quan trọng của IMF — Quỹ tín thác Giảm Nghèo và Tăng trưởng (PRGT) và Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và Bền vững (RST) — đồng thời thúc đẩy sự tham gia của Hoa Kỳ vào Quỹ Phát triển Châu Phi (ADF) và Ngân hàng Phát triển Quốc tế (IDB).
“Những hành động này sẽ giúp IMF giải quyết được các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt chú trọng vào việc trợ giúp các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương trong bối cảnh rủi ro gia tăng,” bà nói trong lời khai đã chuẩn bị của mình. “Những khoản đầu tư sẽ thúc đẩy sự tham gia của chúng ta vào các khu vực này vào một thời điểm cạnh tranh địa chính trị như thế này.”
Cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang lưu ý rằng Hoa Kỳ “không phải là một cổ đông thụ động” và thường xuyên định hình “các ưu tiên của những tổ chức này.” Bà nói thêm rằng việc cho các tổ chức tài chính quốc tế vay có thể đóng vai trò “như một đối trọng quan trọng đối với hoạt động cho vay không minh bạch, không bền vững từ Trung Quốc.”
Vai trò của Trung Quốc trong tài chính quốc tế
Trong những năm gần đây, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Bắc Kinh đã đóng vai trò là một bên cho vay đáng kể đối với nhiều quốc gia nghèo, chẳng hạn như Ghana và Sri Lanka. Tuy nhiên, một loạt các quan chức Hoa Kỳ, gồm cả Bộ trưởng Ngân khố, đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về cách Trung Quốc can dự vào các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính, cuối cùng khiến họ mắc kẹt trong nợ nần chồng chất mà không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế rộng lớn hơn.
Người ta ước tính rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) duy trì mức lãi suất 5% cho các khoản vay của mình. Con số này cao hơn mức 2% của IMF.
Các chuyên gia nói rằng chính quyền Trung Quốc đã khởi xướng các cuộc thảo luận tái cấu trúc với các quốc gia đi vay, nhưng Dân biểu French Hill (Cộng Hòa-Arkansas), Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, lập luận rằng Trung Quốc tiếp tục kéo dài các cuộc đàm phán này.
“IMF đã hoàn toàn thất bại trong việc khiến Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế. Quỹ này phải nghiêm túc trong việc cứng rắn với chính quyền Trung Quốc nếu quỹ thực hiện sứ mệnh của mình một cách nghiêm túc,” ông nói. “Nếu IMF tiếp tục để Bắc Kinh kéo dài các cuộc đàm phán tái cấu trúc với những quốc gia vay tiền từ Bắc Kinh, thì sẽ không có nhiều sức thuyết phục để biện minh cho các nguồn lực bổ sung thêm cho IMF vào cuối năm nay.”
Bà Yellen đã thừa nhận mối quan tâm của chính phủ đương nhiệm về việc ngày càng nhiều các quốc gia mắc nợ đang tìm cách giảm nợ để khôi phục tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia trong số đó sẽ yêu cầu IMF viện trợ và nhận trợ giúp để thực hiện các cải tổ về cấu trúc.
Nhưng Dân biểu Blaine Luetkemeyer (Cộng Hòa-Missouri) lập luận rằng nếu chính phủ cho “các tổ chức tài chính ngoại quốc hư giả” vay thêm tiền, thì Hoa Kỳ cần phải “có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các tổ chức này” để ngăn Trung Quốc tiếp cận nguồn tiền đó hoặc phá hoại những nhóm này.
Ông nói với bà Yellen: “Chúng ta cần sử dụng quyền hạn của mình để có thể … đặt Trung Quốc trở lại vị trí của mình.”
Tại phiên điều trần của Tiểu ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 25/05, một nhóm chuyên gia đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần cho thế giới thấy một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc và Hoa Kỳ phải vượt ra khỏi chiến lược “không làm việc với Trung Quốc.”
Ông Daniel Runde, phó chủ tịch cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói tại phiên điều trần: “Để chống lại BRI, Hoa Kỳ cần một câu chuyện tích cực khác nói lên nhiều điều hơn là chiến lược ‘không làm việc với Trung Quốc.’ Hy vọng rằng BRI thất bại không phải là một chiến lược. Chúng ta cần một cơ sở hạ tầng và năng lượng thay thế có chất lượng cao hơn cho BRI trong 20 năm tới.”
Ông Mark Rosen, cựu quyền giám đốc điều hành của Hoa Kỳ tại IMF, cho biết một cơ chế khác mà Hoa Kỳ và các đối tác có thể sử dụng là yêu cầu Trung Quốc giảm nợ cho các quốc gia đang vay nợ quá mức.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã chi khoảng 240 tỷ USD của các quỹ cứu trợ cho 22 quốc gia ở châu Phi, châu Á, và Nam Mỹ, với 80% khoản cho vay cứu trợ khẩn cấp diễn ra sau năm 2016. Các nhà phê bình cho rằng khoản tài trợ này đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế của các thị trường đang phát triển đồng thời khiến các chính phủ này phải chịu ơn Bắc Kinh.
Nhận xét về mức trần nợ
Bà Yellen thông báo với các nhà lập pháp rằng bà “nhẹ nhõm” khi Quốc hội đã giải quyết mức trần nợ để tránh vỡ nợ, đồng thời nói thêm rằng những kiểu đàm phán này “không thể được bình thường hóa.”
“Tuy nhiên mặc dù chúng ta đã có thể tránh được vỡ nợ, nhưng Hoa Kỳ đã lại một lần nữa tiến đến gần ranh giới một cách nguy hiểm,” bà Yellen nói trong tuyên bố của mình. “Cách giải quyết này không thể được bình thường hóa như cách chúng tôi làm việc ở Hoa Thịnh Đốn. Sự chờ đợi cho đến phút cuối sẽ làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo toàn cầu và uy tín của chúng ta trên trường thế giới. Chúng ta là một quốc gia giữ lời hứa và thanh toán được các hóa đơn của mình. Chúng ta không bao giờ nên cho bất kỳ ai lý do để nghĩ khác.”
Ông Hill nói với bà Yellen rằng vấn đề này có thể đã được giải quyết vào năm ngoái (2022) tại Quốc hội tiền nhiệm bởi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
Hơn nữa, ông tuyên bố rằng có sự thất vọng xung quanh “sự thiếu minh bạch” về thời điểm Bộ Ngân khố dự đoán Hoa Kỳ sẽ chạm mức trần nợ, còn được gọi là ngày X.
Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) đã viết một lá thư cho bà Yellen để yêu cầu cung cấp tất cả thông tin liên quan đến các dự đoán và tính toán.
Ông Hill nói, “Nói một cách nhẹ nhàng, thì câu trả lời [của bà ấy] bị thiếu sót. Toàn Quốc hội đã không nhận được phản hồi nào từ bà cho đến ngày 01/05.”
Sau khi Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng được thông qua, bà Yellen đã trình bày hai ngày X khác nhau — ngày 01/06 và ngày 05/06 — mà “không có lời giải thích, không có sự minh bạch nào.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times