Ngoại trưởng Blinken sẽ đến thăm Trung Quốc, tìm cách nối lại liên lạc trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng quân đội
HOA THỊNH ĐỐN — Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận rằng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc để gặp lãnh đạo cộng sản Trung Quốc trong tuần này (12-18/06).
Một thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết, ông Blinken sẽ gặp các quan chức cao cấp của Trung Quốc trong một chuỗi đàm phán ở Bắc Kinh vào ngày 18 và 19/06. Ông sẽ tìm cách thiết lập lại đường dây liên lạc thường lệ giữa hai cường quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết, chuyến thăm kể trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm thiết lập các hàng rào bảo vệ xung quanh sự cạnh tranh ngày càng gắt gao giữa hai cường quốc.
“Cạnh tranh gắt gao đòi hỏi chính sách ngoại giao mạnh mẽ và cứng rắn để bảo đảm rằng cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hoặc xung đột, và đó là những gì chúng tôi dự định cho chuyến thăm này,” ông Miller nói trong cuộc họp báo hôm 14/06.
Ông Miller cho biết ông Blinken sẽ tìm cách đạt được ba mục tiêu lớn ở Bắc Kinh: thiết lập lại đường dây liên lạc bình thường, bảo vệ các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời xác định các con đường tiềm năng cho việc hợp tác giữa đôi bên.
Hoa Kỳ tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc mà không có xung đột
Chuyến thăm Trung Quốc lần này là chuyến công du đầu tiên của ông Blinken tới Trung Quốc trong vai trò là nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng như lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh kể từ năm 2018.
Trước đó ông Blinken đã trù định đến thăm Trung Quốc hồi đầu năm. Những kế hoạch đó đã bị hủy bỏ khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua lục địa Hoa Kỳ, thu thập thông tin về ba địa điểm quân sự liên quan đến chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ.
Kể từ đó, chính phủ TT Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng chuyến đi vẫn sẽ diễn ra như một phần trong nỗ lực lớn hơn của họ nhằm giao tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Miller nói: “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có một kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nước chúng ta.”
“Rõ ràng là chúng ta có mối bang giao cạnh tranh với Trung Quốc … nhưng điều quan trọng là ở vị thế hai trong số các cường quốc trên thế giới chúng ta có khả năng liên lạc trực tiếp với nhau để cạnh tranh không leo thang thành xung đột.”
ĐCSTQ, vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc tài độc đảng, đã tìm cách cắt đứt hoặc giảm bớt các kênh giao tiếp với Hoa Kỳ một cách có hệ thống trong hơn một năm rưỡi qua.
Tình trạng mất kết nối đó hầu hết đã ảnh hưởng đến thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước, mà giới lãnh đạo Hoa Kỳ nói là có ảnh hưởng sống còn đến việc kiểm soát cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ một cách hòa bình và không để xảy ra những hiểu lầm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồi tháng trước (05/2023), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ely Ratner cho biết, ĐCSTQ hầu như từ chối mọi liên lạc với quân đội Hoa Kỳ, cho dù đó là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, các chỉ huy khu vực, hay thậm chí là nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng.
Chính phủ TT Biden hiện đang cố gắng đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán vì lo ngại rằng việc thiếu thông tin liên lạc có thể dẫn đến một hiểu lầm tai hại trong bối cảnh diễn ra các cuộc chạm trán quân sự ngày càng căng thẳng ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Blinken đã tổ chức một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) hôm 13/06. Trong cuộc gọi đó, ông Blinken và ông Tần đã thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở để tránh phán đoán sai lầm và xung đột.
Ông Blinken cũng nói với ông Tần rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng các cuộc gặp ngoại giao để nêu lên các lĩnh vực cần quan tâm và hợp tác.
Hoa Kỳ biết rằng kết giao sẽ không khiến ĐCSTQ thay đổi
Mặc dù chính phủ TT Biden tiếp tục đối thoại có ý nghĩa với ĐCSTQ, nhưng các quan chức đã gợi ý rằng có một sự ngầm hiểu là giao tiếp theo cách truyền thống với nhà cầm quyền này đã thất bại, và sẽ cần có những cách tiếp cận mới để quản lý mối bang giao này một cách hiệu quả.
Nói một cách dễ hiểu, thì chính phủ Hoa Kỳ hiện thừa nhận rằng sự can dự về kinh tế và ngoại giao với ĐCSTQ sẽ không khiến nhà cầm quyền này thay đổi, Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết trong cuộc họp báo hôm 14/06.
“Chúng tôi hiểu rõ về [Trung Quốc],” ông Campbell nói. “Chúng tôi biết những nỗ lực định hình hoặc cải tổ Trung Quốc trong nhiều thập niên đã thất bại. Và chúng tôi đoán là Trung Quốc sẽ hiện diện và trở thành một nhân tố chính trên trường thế giới trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta.”
“Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng chúng ta không tìm kiếm xung đột, đối đầu hay Chiến Tranh Lạnh mới. Chúng tôi ủng hộ việc quản lý cuộc cạnh tranh này một cách có trách nhiệm.”
Ông Campbell nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “đẩy lùi” những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kích khởi một cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan hoặc những nơi khác, nhưng việc liên lạc cởi mở giữa hai quốc gia vẫn rất quan trọng để ngăn chặn những leo thang không đáng có.
“Cạnh tranh gắt gao đòi hỏi ngoại giao mạnh mẽ nếu chúng ta muốn kiểm soát căng thẳng,” ông Campbell nói. “Đó là cách duy nhất để xóa bỏ những nhận thức sai lầm, để ra tín hiệu, để giao tiếp, và để cùng nhau làm việc ở những lĩnh vực và thời điểm mà lợi ích của chúng ta giao thoa.”
“Chúng tôi quan tâm đến việc thiết lập các cơ chế giao tiếp trong khủng hoảng để giảm thiểu rủi ro xung đột.”
Không phải tất cả đều đồng ý với quyết tâm của chính phủ TT Biden trong việc tăng cường giao tiếp với ĐCSTQ.
Những người chỉ trích chuyến công du đã miêu tả chuyến thăm này như một sự quỳ phục trước một chế độ ngày càng độc đoán không có dấu hiệu hướng đến tự do sau nhiều thập niên kết giao.
“Chính phủ ông Biden tiếp tục quỳ gối trước ĐCSTQ,” Thượng nghị sĩ Ted Budd (Cộng Hòa-North Carolina) cho biết trong một tweet.
“Yếu ớt và ngây thơ.”
Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị cho chiến tranh
Chuyến công du của ông Blinken đến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ ngày càng gia cường nỗ lực để chuẩn bị cho chiến tranh, cả về mặt quân sự lẫn dân sự.
Hai lần trong tháng trước, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cảnh báo người dân Trung Quốc rằng họ phải chuẩn bị cho “những tình huống xấu nhất.” Tương tự như vậy, nhà cầm quyền này đang cố gắng xây dựng cơ sở kinh tế và công nghiệp trong nước để bảo đảm hoạt động liên tục trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Ông Tập đã ra lệnh cho cánh quân sự của Đảng sẵn sàng chinh phục Đài Loan vào năm 2027, mặc dù không rõ liệu ĐCSTQ có cam kết thực sự tiến hành một cuộc xâm lược như vậy hay không.
Tương tự, ĐCSTQ cũng đang phát triển các năng lực quân sự được thiết kế đặc biệt để vượt qua và tiêu diệt các hệ thống của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Những năng lực này bao gồm các hàng không mẫu hạm mới, các năng lực không gian và phòng thủ không gian, và hoạt động phát triển kho vũ khí hạt nhân lớn nhất kể từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Hiện tại, Hoa Kỳ ước tính rằng Bắc Kinh sẽ tăng gấp năm lần kho vũ khí hạt nhân với quy mô khoảng từ 300 đầu đạn lên 1,500 đầu đạn vào năm 2035. Cho đến nay, nhà cầm quyền này đã từ chối mọi nỗ lực đưa họ vào các cuộc đàm phán không phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ không tham gia vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Hoa Kỳ.
Vì vậy, việc làm chậm sự gia tăng đó là một lĩnh vực quan tâm chính của chính phủ TT Biden.
Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết hồi đầu tháng này: “Nói một cách dễ hiểu, chúng tôi chưa thấy [Trung Quốc] sẵn sàng tách sự ổn định chiến lược ra khỏi các vấn đề rộng lớn hơn của mối bang giao.”
“Hôm nay, chúng ta đang đứng trước cái mà tổng thống của chúng ta sẽ gọi là ‘thời điểm bước ngoặt’ trong sự ổn định và an ninh hạt nhân của chúng ta.”
Khi được The Epoch Times hỏi liệu ông Blinken có đề cập đến chủ đề không phổ biến vũ khí hạt nhân trong chuyến thăm của mình hay không, phát ngôn viên Matthew Miller của Bộ Ngoại giao cho biết chính phủ sẽ không báo trước các luận điểm đàm phán cụ thể của mình trước thời điểm hội kiến.
“Tôi sẽ không nói trước những ý kiến cụ thể mà chúng tôi dự kiến sẽ nêu ra trong các cuộc họp, ngoài việc nói rằng chúng tôi có một số vấn đề cần quan tâm, chúng tôi có những vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hợp tác, và chúng tôi sẽ nêu lên nhiều chủ đề với các quan chức Trung Quốc,” ông Miller nói.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times