Bà Isabel Paterson: Người bảo vệ quyền tự do
Tháng 11 năm 1912, chàng phi công Harry Bingham Brown ấp ủ dự định phá kỷ lục Mỹ về độ cao trên một chiếc phi cơ. Khi biết ông Brown muốn mời một người phụ nữ bay cùng ông, cô gái 26 tuổi Isabel Paterson đã tình nguyện tham gia chuyến bay này.
Và thế là hai người cùng khởi hành, phi cơ của họ bay càng lúc càng cao trên bầu trời của Đảo Staten thuộc thành phố New York và sau đó hướng về phía đại dương, rồi tăng dần độ cao cho đến khi chiếc phi cơ vượt ngưỡng độ cao 5,000 feet. Bên dưới họ là 10,000 khán giả đang tụ họp để chiêm ngưỡng màn biểu diễn này. Có lẽ một vài người đã dự đoán sẽ có một vụ tai nạn, nên họ chờ đợi chiếc phi cơ quay lại. Khi màn đêm dần buông xuống, họ đốt những ngọn lửa quanh khu đất, và dùng chúng để làm những chiếc đèn hiệu hạ cánh. Chiếc phi cơ của ông Brown đã hạ cánh an toàn trong sự hân hoan chào đón của đám đông vây quanh. Ông Brown đã phá kỷ lục, và người hành khách đi cùng chuyến bay đó cũng phá một kỷ lục thế giới, vì đã bay ở độ cao cao hơn tất cả những người phụ nữ khác. Bà Paterson cảm thấy rất phấn khích khi hạ cánh xuống mặt đất và sau đó bà chia sẻ với một phóng viên rằng đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời bà.
Mãi cho đến sau này, sau khi trở thành một nhà bình luận trứ danh và là một tiểu thuyết gia có sách bán chạy nhất, bà Paterson, một người sinh ra ở Canada đã viết như sau: “Phi cơ được phát minh ở đất nước Hoa Kỳ là một điều hoàn toàn thích đáng bởi vì đây là quốc gia duy nhất trên Trái Đất, là quốc gia duy nhất từng hiện hữu, mà người dân có quyền riêng tư.”
Bà Peterson đã dành phần lớn cuộc đời bà để tôn vinh quyền này và cảnh báo về những hệ quả thảm khốc nếu chính phủ Mỹ chấm dứt quyền tự do cá nhân.
Sơ lược về cuộc đời bà Peterson
Bà Isabel Paterson (1886-1961) sinh ra ở thành phố Ontario, Canada, và là một người con trong gia đình có chín anh chị em. Gia đình bà thường xuyên di chuyển, xoay xở trong một cuộc sống khó khăn giữa Hoa Kỳ và Canada. Trong quá trình được nuôi dạy ở vùng “Miền Tây Hoang Dã”, bà chỉ được học chính quy trong hai năm, tuy nhiên bà là người yêu sách và thích đọc sách, và giống như nhiều người khác trong thời kỳ đó, bà trở thành một người hoàn toàn tự học.
Mặc dù vẫn chỉ là một thiếu nữ, nhưng bà Paterson đã xa gia đình, đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau, và cuối cùng bà tìm được công việc thư ký. Năm 1910, bà kết hôn với ông Kenneth Paterson, tuy nhiên cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài được vài tuần. Mặc dù bà không bao giờ tái hôn, và cũng rất ít quan tâm đến tung tích và số phận của người chồng cũ, nhưng bà vẫn giữ theo họ của ông và được nhiều người bạn gọi tên thân mật là “Pat.”
Một thời gian ngắn trước chuyến bay ở Đảo Staten, bà Paterson đã tìm đường đến thành phố New York, khi đó bà là một cây bút triển vọng ấp ủ nguyện vọng sinh sống ở thành phố lớn này. Sau khi làm việc tại một số nhà xuất bản, bà đã chuyển sang một công việc tại tòa soạn báo New York Tribune với vai trò là phụ tá cho biên tập viên Arthur Burton Rascoe. Ban đầu, ông Rascoe không có thiện cảm với cô gái trẻ này bởi tính cách có phần thô lỗ của cô, nhưng đồng thời ông cũng công nhận tài năng của cô. Sau một khoảng thời gian đảm nhiệm vị trí này, trong suốt 25 năm sau đó, bà Paterson đã đảm nhiệm một chuyên mục mang tên “Turns With Bookworm” (Xoay chuyển cùng Mọt sách) của tờ báo này, và vai trò này đã làm nên tên tuổi của bà trong giới báo chí.
Trong khoảng thời gian này, bà Paterson còn viết cho những chuyên mục khác, các cuốn tiểu thuyết bán chạy, và tác phẩm nổi tiếng nhất của bà mang tên “The God of the Machine” (Quyền Năng Của Cỗ Máy). Năm 1949, một biên tập viên của tòa soạn New York Tribune đã loại bỏ chuyên mục của bà, khi tuyên bố rằng bà đã về hưu – trong khi đó bà Paterson lên tiếng đính chính rằng bà đã bị sa thải vì các quan điểm chính trị của mình. Bà đã dành những năm tháng cuối đời để trở thành một nhà văn tự do, chăm sóc vườn tược, và quản lý một số tài sản mà bà sở hữu, bà qua đời trong lặng lẽ. Bà được an táng tại nghĩa trang của Nhà thờ Giám mục Thánh Mary ở thành phố Burlington, tiểu bang New Jersey.
Món quà dành cho nền tự do
Trong lời giới thiệu về cuốn sách “The God of the Machine” (Quyền Năng Của Cỗ Máy), ông Stephen Cox, người viết tiểu sử về bà Paterson có viết như sau: “Ngôi mộ của bà Paterson không có dấu hiệu gì đặc biệt. Cuộc đời của bà cũng như vậy. Nhưng tượng đài nổi bật nhất của bà chính là cuốn sách ‘Quyền Năng Của Cỗ Máy’ này.”
Cuốn sách “The God of the Machine” (Quyền Năng Của Cỗ Máy), vốn là một sự đan xen tuyệt vời giữa triết học, lịch sử, chính trị, và kinh tế, bán khá chậm khi xuất bản lần đầu vào năm 1943. Nhưng quyển sách này đã gây ảnh hưởng với nhiều nhà tư tưởng, đặc biệt là những người theo phái bảo tồn truyền thống như ông William F. Buckley và ông Russell Kirk, và quyển sách vẫn thu hút rất nhiều độc giả thời nay. Vì tác giả chủ yếu là người tự học, nên cuốn sách này đã trình bày cho độc giả một nền tảng kiến thức chuyên sâu có được từ việc đọc, nghiên cứu, và các cuộc tranh luận vốn là đặc trưng của nền văn học Mỹ. Những lời phê bình thẳng thừng và gay gắt của cuốn sách đối với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx, việc sử dụng rộng rãi một kỹ thuật ẩn dụ nhằm lý giải nguyên nhân mà các xã hội trở nên thịnh vượng cũng như sụp đổ trong mối liên hệ với các quyền tự do cá nhân, và việc tán dương các tư liệu và thể chế chính trị Mỹ — vốn là những giá trị mà tác giả lo ngại rằng đã bị chính phủ toàn trị làm xói mòn — tất cả những điều này và những nội dung khác đã giúp cuốn sách trở thành một tác phẩm nổi bật.
Ngoài ra, cuốn sách “The God of the Machine” (Quyền Năng Của Cỗ Máy) vẫn luôn là một lời nhắc nhở hữu ích và sống động cho độc giả về những mối nguy hại của chủ nghĩa toàn trị, như trong chính thời điểm mà cuốn sách được viết ra, và có lẽ còn hơn thế nữa. Chương “The Humanitarian with the Guillotine” (Nhà hoạt động nhân đạo với Cỗ Máy Chém) mở đầu như sau: “Hầu hết mọi điều xấu ác trên đời đều do những người tốt thực hiện, và không phải do tình cờ, sa ngã, hay thiếu sót. Đó đều là kết quả của những hành động có chủ đích, được trù tính lâu dài, mà họ cho rằng những hành động này được thúc đẩy bởi những lý tưởng cao cả để hướng đến các mục tiêu tốt đẹp.”
Một nhà bình luận thời nay có thể vận dụng chính xác những từ ngữ đó để mở đầu một bài báo bàn về những chính sách COVID-19 thất bại, tình hình hỗn loạn ở Afghanistan, hoặc tình trạng lạm phát trong những câu chuyện về giá cả thực phẩm của chúng ta.
Ở đây là một trích đoạn khác từ quyển sách này đã tạo một tiếng vang lớn trong xã hội đương đại, đã được các nghiệp đoàn giáo viên và nhiều trường đại học hưởng ứng: “Một hệ thống giáo dục bắt buộc, được hậu thuẫn bởi tiền nộp thuế là một mô hình hoàn chỉnh của nhà nước toàn trị. … Những người trong ngành sư phạm có thể sẽ rất oán giận với bất kỳ ý kiến nào nói rằng họ nên bị loại bỏ khỏi vị thế độc tôn; điều đó sẽ được diễn đạt chủ yếu bằng những từ ngữ xúc phạm ở mức độ dễ nghe nhất, chẳng hạn như ‘bảo thủ cực đoan.’”
Và đối với những thảm họa kinh tế của xã hội chúng ta thời nay, một lần nữa bà Paterson nói một cách chắc như đinh đóng cột vào trọng tâm của vấn đề này: “Luật pháp có thể gây ra tình trạng đói nghèo,” bà nhận xét rằng, “luật pháp không thể ngăn chặn tình trạng đói nghèo.” Những tác động nặng nề từ các chính sách của chính phủ lên sự thịnh vượng [của xã hội] vẫn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.
Một người cố vấn
Những người biết về câu chuyện của bà cũng tán thưởng tầm ảnh hưởng của bà Paterson đối với những nhà văn khác. Đặc biệt, bà đã có đóng góp lớn lao đến tư tưởng của các nhà văn Ayn Rand và Rose Wilder Lane.
Bên cạnh tác phẩm “Quyền Năng Của Cỗ Máy”, cuốn tiểu thuyết “The Fountainhead” (Ngọn Nguồn Của Dòng Suối) của nhà văn Rand và cuốn sách “The Discovery of Freedom” (Khám Phá Tự Do) của nhà văn Lane cũng được xuất bản vào năm 1943. Nhà văn trẻ Rand thường hay gặp gỡ bà Paterson, tại nơi mà, như ông Stephen Cox kể với chúng ta rằng, “Bà ấy đã mô tả như là ‘ngồi dưới bàn chân của cô giáo’ trong khi nhận sự chỉ dẫn từ bà Paterson. Trong một bản in của cuốn sách “The Fountainhead” mà bà Rand tặng cho bà Paterson, bà đã viết rằng, “Cô chính là một mối nhân duyên mà có thể không có lần thứ hai trong đời em.” Mặc dù về sau giữa hai người họ đã có một lần xảy ra tranh cãi, nhưng hai người phụ nữ này vẫn tiếp tục tôn vinh các tác phẩm của nhau.
Nhà văn Rose Wilder Lane, con gái của nữ văn sĩ Laura Ingalls Wilder, cũng là bằng hữu thân thiết của bà Paterson. Cuộc đời của hai người phụ nữ này có những nét tương đồng — họ cùng trải qua một tuổi thơ nghèo khó ở miền Tây Hoa Kỳ, và bị chồng bội tín — và cả hai đều là những người tha thiết tin tưởng rằng làm lụng chăm chỉ và cố gắng cá nhân sẽ mang đến thành công. Bà Paterson đã đọc tác phẩm “Credo” (Tôn chỉ) hồi năm 1936 của nhà văn Lane trên tạp chí Saturday Evening Post, và mặc dù cuối cùng hai người họ không còn là bằng hữu, nhưng các lý tưởng và sự khích lệ của bà Paterson đã củng cố niềm tin về chủ nghĩa cá nhân trong bà Lane.
Trong tác phẩm mới phát hành “Freedom’s Furies: How Isabel Paterson, Rose Wilder Lane, and Ayn Rand Found Liberty in an Age of Darkness” (Cơn Thịnh Nộ Của Tự Do: Hành Trình Tìm Thấy Tự Do Của Các Tác Giả Isabel Paterson, Rose Wilder Lane, Và Ayn Rand Trong Thời Đại Của Bóng Tối), cây bút Timothy Sandefur giải thích rằng ông đã lấy nhan đề cho cuốn sách của mình từ một lời mô tả của ông William F. Buckley về ba người phụ nữ này, rằng họ là “ba nhà theo đuổi chủ nghĩa tự do đương đại.”
Di sản
Như các độc giả có thể đã nhận thấy, bà Isabel Paterson là một người có cá tính gai góc khiến bà đánh mất mối quan hệ với những người bạn cũng như với các nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, trong khi đang viết cho tạp chí National Review của ông Buckley trong những ngày đầu mới thành lập, bà đã yêu cầu khoản lương cao và không cho chỉnh sửa bài viết của mình. Mặc dù giữa hai người đã xảy ra tranh cãi và dẫn đến việc chấm dứt mối quan hệ hợp tác, nhưng sau khi bà Paterson qua đời, ông Buckley vẫn nói về bà như sau: “Ngoại trừ những khuyết điểm về tính khí thất thường ra, thì bà ấy vẫn là một người phụ nữ vĩ đại.”
Tuy rằng bà Paterson đã trở thành một trong những linh hồn mờ nhạt luôn ám ảnh lịch sử văn học của chúng ta, nhưng ông Buckley đã đúng khi gọi bà là “người phụ nữ vĩ đại.” Nhiệt huyết trọn đời của bà dành cho [quyền tự do] cá nhân đối lập với nhà nước cũng như lòng khao khát theo đuổi nhân quyền và tự do đã để lại dấu ấn trong nền văn hóa Mỹ.
Mặc dù việc mở rộng quy mô và quyền lực của chính phủ khiến bà lo lắng, nhưng cho đến cuối đời, bà Paterson vẫn yêu mến và tôn vinh đất nước đã cưu mang mình. Trong đoạn cuối của cuốn sách “The God of the Machine” (Quyền Năng Của Cỗ Máy), bà đưa ra kết luận: “Bất kỳ ai đủ may mắn để trở thành một công dân Mỹ thì chính là người được nhận khoản thừa kế lớn lao nhất mà nhân loại từng được thụ hưởng. Người ấy thụ hưởng quả ngọt từ những người quả cảm và lĩnh hội tri thức được hun đúc trong hàng ngàn năm qua, đó là thành quả mà rốt cuộc người ấy đã nhận ra. Nếu bây giờ người Mỹ quay đầu lại, một lần nữa cam chịu chế độ nô lệ, điều đó sẽ là một sự phản bội, và nền tảng nhân loại có lẽ nên diệt vong.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times