Ba đệ tử tu luyện, vì sao chỉ có một người có thể thành Tiên?
Vào đời vua Hoàn Đế (146-168), cuối thời Đông Hán, ở vùng Thượng Ngu, huyện Cối Kê đất Ngô (khu vực Thượng Ngu, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay), có một người là Ngụy Bá Dương (khoảng 151-221), tên là Cao, đạo hiệu là Vân Nha Tử.
Ngụy Bá Dương xuất thân danh môn vọng tộc, phụ thân của ông là Ngụy Lãng, là một trong “Đông Hán Tam quân Bát tuấn”. Thế nhưng trời sinh ông có bản tính yêu thích Đạo thuật, trải qua cuộc sống an nhàn dưỡng sinh, không chịu ra làm quan tham gia chính sự, chức quan tước bổng lộc đối với ông giống như bã trấu bã cám cát bụi mà thôi, không có chỗ dùng. Ông viết “Tham đồng khế ngũ hành tương loại” tổng cộng có ba quyển, là tác phẩm trình bày hệ thống lý luận luyện đan đầu tiên hiện vẫn còn lưu giữ. Ông được thế giới công nhận là nhà hóa học đầu tiên với tác phẩm để đời này.
Ngụy Bá Dương thử nghiệm thành tâm và ngộ tính của đệ tử
Ngụy Bá Dương theo Âm Trường Sinh học được đạo thuật luyện Kim Đan. Về sau, ông mang theo ba đệ tử, ẩn cư trong núi sâu, luyện chế Thần đan. Khi Thần đan luyện thành, Ngụy Bá Dương thấy đệ tử của mình chưa dứt tục niệm, ông bèn thử thăm dò tâm ý của họ, nói rằng: “Đan mặc dù đã luyện thành, tốt nhất vẫn nên lấy con chó thí nghiệm trước một chút. Nếu như con chó ăn xong đan có thể bay lên, vậy thì chúng ta có thể dùng; còn như con chó chết đi, như vậy người cũng không thể dùng.”
Ngụy Bá Dương lấy viên đan cho con chó trắng đi theo bên người ăn, rất nhanh con chó liền chết. Ngụy Bá Dương nói với các đệ tử rằng: “Chúng ta thành tâm thành ý luyện đan, vì sợ có chút sai lầm nhỏ sẽ luyện đan không thành. Nay Kim Đan đã luyện thành rồi, nhưng con chó trắng này ăn xong lại chết mất, chỉ sợ là đan dược còn chưa đạt đến yêu cầu của Thần minh, nếu như chúng ta dùng nó, sợ là cũng giống như con chó trắng này. Các con định xử trí thế nào?”
Các đệ tử không biết như thế nào cho phải, hỏi dò Ngụy Bá Dương rằng: “Thưa Sư phụ, ngài có ăn hay không vậy?” Ngụy Bá Dương trả lời: “Ta đã làm trái với quỹ đạo thông thường của thế tục, bỏ lại người thân, vào núi tu luyện, chính là vì để đắc Đạo thành Tiên. Nếu như làm không thành, ta cũng hổ thẹn trở về nhà. Mặc kệ sống hay chết, ta quyết định ăn chúng.” Nói xong, ông cầm đan cho vào miệng ăn, rồi chết ngay tại chỗ.
Các đệ tử hai mặt nhìn nhau than rằng: “Luyện đan là vì cầu được trường sinh bất tử, nay ăn vào liền chết, vậy phải làm sao bây giờ?” Trong đó một đệ tử họ Ngu nói rằng: “Sư phụ không phải phàm phu tục tử, ngài ăn đan mà chết, chẳng lẽ không có dụng ý đặc biệt gì sao?” Nói xong, cũng lấy từ trong lò ra một viên đan, cho vào trong miệng, ăn xong cũng lăn ra chết.
Hai người đệ tử còn lại thương lượng với nhau: “Vốn muốn cầu được đan dược, là muốn trường sinh bất lão, nay nếu ăn vào liền chết, thì còn cần nó làm gì? Không ăn đan dược này, chúng ta còn có thể sống thêm mấy chục năm nữa ở trên thế gian.” Thế là cả hai đều không ăn đan dược, cùng nhau xuống núi, dự định chuẩn bị tìm quan tài và người khâm liệm cho Sư phụ và huynh đệ.
Sau khi hai đệ tử này đi, Ngụy Bá Dương liền đứng lên, lấy ra viên Thần đan thật đặt vào trong miệng người đệ tử và con chó, một lát sau họ đều sống lại. Người đệ tử họ Ngu này đã cùng Sư phụ của mình thành Tiên mà bay đi.
Hai thầy trò trước khi đi gặp một người lên núi đốn củi ở bên đường, Ngụy Bá Dương bèn viết một lá thư gửi cho người ở quê nhà, nhờ người đốn củi mang về, trong thư ngỏ ý cảm tạ đối với hai người đệ tử. Hai người đệ tử kia sau khi đọc thư thì hối tiếc không thôi.
Ngụy Bá Dương từng viết “Tham đồng khế ngũ hành tương loại” gồm ba quyển. Nội dung tựa như làm chú giải “Chu Dịch”, nhưng kỳ thật là mượn hào tượng trong “Chu Dịch” để giải thích, trình bày và phân tích nguyên lý luyện đan. Thế nhưng các nho sinh thế tục không hề biết chuyện luyện chế Thần đan là gì, đã dùng nhiều quan điểm học thuyết âm dương để chú giải cuốn sách, từ đó mà đã làm sai khác đi dụng ý của nguyên tác.
Xem ra, một người có thể học Đạo thành Tiên hay không, ngộ tính cũng rất trọng yếu. Tiếp theo chúng ta lại xem thêm một ví dụ về Lý Bát Bách.
Khảo nghiệm của Lý Bát Bách
Lý Bát Bách là người đất Thục, không ai biết được họ tên thật của ông, qua mấy đời đều có người nhìn thấy ông. Người đương thời tính tuổi của ông đã khoảng 800 tuổi rồi, bèn dùng “Bát Bách” để gọi ông. Ông có khi ẩn cư trong núi sâu rừng già, có khi lại ẩn hiện nơi phố xá náo nhiệt. Ông biết Đường Công Phưởng của Hán Trung (kỳ nhân thời Tây Hán) có chí học Đạo, nhưng vẫn chưa gặp được minh sư chỉ điểm, nên muốn đến truyền dạy cho Đường Công Phưởng. Ông quyết định đi thăm dò Công Phưởng trước một phen. Ông đến nhà làm thuê cho Công Phưởng được vài năm, Đường Công Phưởng cũng không biết lai lịch của Lý Bát Bách.
Lý Bát Bách nghe lời sai bảo làm việc rất tận tâm, không giống với những người làm thuê khác, Đường Công Phưởng rất yêu mến ông. Một hôm, Lý Bát Bách giả vờ bị bệnh nặng, trông gần chết đến nơi. Đường Công Phưởng đã mời đại phu đến chữa trị cho ông, tiêu tốn mấy chục vạn tiền nhưng không xem đó là tổn thất, thần sắc lo lắng thắc thỏm cho Lý Bát Bách đều biểu hiện ở trên nét mặt.
Lý Bát Bách lại mọc mụn nhọt lở loét, mọc đầy toàn thân, chảy cả máu mủ, tản ra mùi hôi thối, khiến cho người khác khó mà chịu nổi, không dám tới gần. Đường Công Phưởng chảy nước mắt nói với Lý Bát Bách: “Anh là người làm công cho nhà ta, cần cù vất vả đã nhiều năm, nhưng bệnh lại nghiêm trọng như thế. Ta đã tìm đại phu mong muốn chữa trị hết bệnh cho anh, đối với hao phí tiền tài không có luyến tiếc chút nào, nhưng bệnh của anh vẫn không tốt lên được, ta nên làm gì cho anh bây giờ?”
Lý Bát Bách nói: “Bệnh mụn nhọt lở loét của tôi có thể khỏi, nhưng nhất định phải có người đến liếm nó, như thế mới có thể tốt lên.” Công Phưởng bèn đưa ba người tỳ nữ tới, để các nàng liếm vết lở loét cho Bát Bách. Lý Bát Bách lại nói: “Tỳ nữ liếm không tốt được, nếu như ngài có thể liếm cho tôi một chút, hẳn là có thể sẽ khá hơn.” Công Phưởng liền liếm cho Bát Bách. Lý Bát Bách lại nói, “Vẫn là chưa tốt được, nếu như phu nhân có thể đến liếm, hẳn là sẽ hết.” Đường Công Phưởng bèn bảo phu nhân của mình liếm vết loét cho Lý Bát Bách.
Lý Bát Bách lại nói với Công Phưởng: “Vết lở loét của tôi sắp hết rồi, nếu có thể có được 30 hũ rượu ngon để tắm rửa thân thể, thì sẽ hoàn toàn hết bệnh.”
Đường Công Phưởng liền chuẩn bị 30 hũ rượu ngon, đổ vào một cái bồn rất lớn. Lý Bát Bách bước vào trong bồn rượu tắm rửa, mụn nhọt lập tức không còn nữa, thân thể cũng trở nên trắng mướt bóng loáng như mỡ đông, hơn nữa trên thân cũng không hề thấy bất kỳ vết sẹo nào.
Ngay sau đó Lý Bát Bách nói cho Đường Công Phưởng biết: “Ta là Tiên nhân, thấy ngươi có chí hướng học Đạo tu Tiên, cho nên mới khảo nghiệm ngươi như thế. Ngươi quả thực là người có thể dạy dỗ, bây giờ ta sẽ truyền dạy cho ngươi bí quyết trở thành Tiên nhân.”
Thế rồi ông quay lại bảo phu nhân của Đường Công Phưởng và ba người tỳ nữ liếm vết lở loét kia, lấy rượu mà ông đã tắm qua để tắm rửa. Các nàng liền lập tức trẻ ra, dung mạo và làn da đều trở nên vô cùng xinh đẹp. Lý Bát Bách đem một cuốn kinh thư hướng dẫn luyện đan như thế nào giao cho Công Phưởng. Công Phưởng liền vào trong núi Vân Đài chế dược, sau khi chế thành đan dược, ăn vào trở thành Tiên mà bay đi.
Tự liệu tham khảo:
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ