‘Hành trình của sinh mệnh’ với niềm ‘tín Thần’
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến trái tim
Cuộc sống của chúng ta luôn ngập tràn sự thú vị. Chúng ta được sinh ra trong một thế giới định sẵn với văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ, và với tất cả những thứ khác; và thông qua những trải nghiệm cảm quan chúng ta học được cách sinh tồn, đối với một số người thì đó là cách phát triển. Tuy nhiên, nhiều người trong số chúng ta cảm nhận được rằng có điều gì đó siêu xuất những trải nghiệm cảm tính – là điều chúng ta tin tưởng mà không cần chứng cứ, là điều chúng ta đặt niềm tin vào.
Loạt tứ tranh “Hành trình của sinh mệnh” của họa sĩ Thomas Cole đã khiến tôi suy ngẫm về cách chúng ta nhìn nhận đức tin trong suốt cuộc đời.
Loạt tranh “Hành trình của sinh mệnh” của họa sĩ Thomas Cole
Thomas Cole là một hoạ sĩ người Mỹ và được coi là cha đẻ của trường phái “Hudson River” – được biết đến với [phong cách] lãng mạn hóa hội họa phong cảnh. Trường phái Hudson River tin rằng thiên nhiên là một biểu hiện của Đấng sáng tạo, và hướng đến thiên nhiên là cách đạt được sự thấu hiểu về thần.
Trong “Hành trình của sinh mệnh,” họa sĩ Cole mô tả bốn giai đoạn của cuộc đời: Thời thơ ấu, Thời thanh xuân, Tuổi trưởng thành và Tuổi xế chiều. Phân tích từng giai đoạn một cách riêng biệt trong chủ đề bao quát là hành trình của sinh mệnh có thể giúp chúng ta thấu hiểu về tầm quan trọng của đức tin.
Thời thơ ấu
Bức tranh “Hành trình của sinh mệnh: Thời thơ ấu,” họa sĩ Cole khắc họa một khung cảnh dường như là khởi đầu của mùa xuân. Mặt trời mọc ở phía bên phải của bố cục, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Khi mặt trời ló rạng, một bé trai bước xuống thế gian trên một con thuyền được một vị thiên sứ dẫn dắt. Chiếc thuyền lướt trên dòng sông của sinh mệnh, và con sông sẽ luôn là dòng chảy ngầm xuyên suốt cuộc đời của cậu bé. Những đóa hoa xinh đẹp và cây xanh tươi tốt tô điểm cho sảnh đường của thế giới như để đón chào em bé và vị thiên thần.
Con thuyền được chạm khắc với những hình ảnh thiên sứ, và ở mũi thuyền, một thiên thần cầm chiếc đồng hồ cát hướng lên bầu trời, báo hiệu chúng ta rằng thời gian của cậu bé là hữu hạn.
Thời thanh xuân
Bức tranh thứ hai của họa sĩ Cole khắc họa những biểu tượng của tuổi trẻ. Khung cảnh tựa như chốn thiên đường. Dòng nước trong lành, êm đềm đưa chàng trai trẻ tới gần một kiến trúc của thế giới khác ở phía xa xa. Thậm chí bố cục của những tán cây dường như đang khích lệ hành trình của chàng trai trẻ, dẫn dắt ánh mắt của chúng ta từ chàng trai trẻ đến tòa lâu đài trên bầu trời.
Vẫn trên con thuyền ấy chàng trai trẻ tiếp tục hành trình xuôi theo dòng sông sinh mệnh, chỉ có khác biệt rằng, lần này vị thiên sứ ban đầu đồng hành cùng anh tới thế gian không còn chèo lái con thuyền với anh nữa. Thay vào đó, vị thiên thần đứng bên bờ. Quay lưng lại với thiên thần, chàng trai trẻ giờ đây đang tự mình hướng con thuyền về tòa kiến trúc ở phía xa.
Tuổi trưởng thành
Tự mình ra đi khi còn là một thanh niên, chàng trai, giờ đây đã trưởng thành, nhận thấy mình đang giữa những hỗn loạn. Dòng sông không còn tĩnh lặng, và cảnh vật không còn trong xanh và mời gọi. Thay vào đó, những phiến đá lởm chởm nhô ra từ những con sóng hung tợn và bủa vây người đàn ông, người lúc này đã không còn điều khiển được con thuyền của mình. Mặt trời dường như đang lặn ở phía đằng xa.
Thiên thần không còn ở thế gian với người đàn ông này nữa, thay vào đó Ngài tỏa ánh hào quang xuyên qua những đám mây đen phía trên cùng bên trái của bố cục. Người đàn ông vẫn quay lưng lại với thiên thần. Ông chắp tay cầu nguyện nhưng không hướng về thiên sứ, mà hướng tới những khuôn mặt tối tăm, u ám trong những đám mây trước mặt.
Tuổi xế chiều
Người đàn ông lớn tuổi, người lữ hành của chúng ta giờ đây tóc đã ngả bạc, bỏ lại đằng sau những địa hình lởm chởm và hỗn loạn. Phía trước con thuyền không còn trưng vị thiên sứ cầm đồng hồ cát, nhưng lần đầu tiên, ông đã quay người hướng về vị thiên thần luôn ở bên ông và dõi theo ông. Vị thiên thần chỉ tay về hướng ánh sáng trên bầu trời.
Những đám mây đen và u ám dần tan ra để lộ ánh hào quang nơi thiên đường, và một vị thiên sứ xuất hiện phía xa ‘đón nhận’ người đàn ông lớn tuổi. Người đàn ông đưa đôi tay ra trước trong lòng tôn kính thiên thượng huy hoàng.
Niềm tín Thần
Họa sĩ Cole đã khắc họa nên nguyên mẫu một hành trình sinh mệnh của chúng ta. Tuy nhiên, đối với tôi, bài học lớn nhất từ những bức họa này là tầm quan trọng của không chỉ bất kỳ đức tin nào, mà còn là niềm tin vào các vị thần.
Khi suy ngẫm về tầm quan trọng việc tín Thần, một vài điều trong những bức tranh trên khiến tôi lưu tâm.
Đầu tiên là vị trí của thiên sứ trong mối quan hệ với người đàn ông xuyên suốt cuộc hành trình của anh ấy. Ban đầu, vị thiên thần dẫn đứa bé tới thế gian, và đứa trẻ bắt đầu cuộc hành trình định mệnh của mình – một hành trình của số phận, khắc họa qua hình ảnh con thuyền và dòng sông mà cậu bé luôn gắn bó cùng. Như vậy, việc đứa trẻ đi chiếc thuyền trên dòng sông đã là định mệnh. Và hình ảnh cậu bé không thể tự mình lèo lái con thuyền thể hiện rằng cậu hãy còn ngây thơ.
Tuy nhiên, vị thiên sứ lại đứng ở phía sau cậu bé; điều đó có nghĩa là, đứa trẻ không thể cảm thấy được vị thiên thần một cách trực tiếp: Cậu bé không thể ý thức được thiên thần bằng các giác quan của mình. Đứa trẻ chỉ cảm nhận được những gì phía trước mặt, những thứ luôn ở trước mắt – ít nhất cho tới thời khắc cuối cùng – biểu tượng bởi vị thiên sứ cầm chiếc đồng hồ cát phía trước thuyền. Như vậy, đứa trẻ cũng sẽ luôn ý thức được rằng, hoặc ít nhất nhận biết được rằng thời gian sinh mệnh của cậu là hữu hạn.
Khi đứa trẻ lớn lên trở thành một chàng trai và một người đàn ông, anh ta không thể thấy được vị thiên sứ luôn ở bên mình. Tin vào thiên sứ đòi hỏi một Đức tin. Người thanh niên đặc biệt không đặt niềm tin nơi thiên sứ mà vào những thứ khác. Tự mình chèo lái con thuyền, anh dường như quan tâm hơn tới tòa kiến trúc lý tưởng ở một thế giới khác mà anh thấy trước mắt. Anh ta thậm chí có vẻ đã phóng tầm mắt qua khỏi chiếc đồng hồ cát nơi phía trước con thuyền của anh ấy.
Điều người thanh niên không thể nhìn trước được là kết cuộc của những hành động của mình. Việc hoàn toàn phớt lờ vị thiên sứ để theo đuổi tòa nhà nơi phía xa đã dẫn tới giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, một giai đoạn đầy biến động. Chàng trai như thể đã đánh đổi niềm tin vào thiên sứ bằng niềm tin vào những viễn cảnh được lý tưởng hóa trên những trải nghiệm của anh với thế giới.
Tòa lâu đài trên trời phải chăng tượng trưng cho những ham muốn lợi ích vật chất của chúng ta? Từ bỏ niềm tin vào các vị thần để chú tâm vào chủ nghĩa vật chất có dẫn tới sự hỗn loạn không?
Bức tranh thời thanh xuân là bức tranh duy nhất mà chàng trai tự mình chèo lái con thuyền với bàn tay đặt trên bánh lái. Phải chăng những kết cục bi quan từ những mưu cầu của chàng đã cho thấy rằng việc cố gắng kiểm soát cuộc đời chúng ta, thay vì nghe theo đấng thiêng liêng là một điều vô minh?
Hậu quả của việc quá tập trung vào những trải nghiệm cảm quan có thể dạy chúng ta rằng cuộc sống vốn rộng lớn hơn những điều trong tầm mắt. Họa sĩ Cole đã nói về Thời trưởng thành như sau:
“Những phiền toái là đặc tính của tuổi trưởng thành. Thời thơ ấu không có những lo âu muộn phiền, thời thanh xuân không có những suy nghĩ tuyệt vọng. Chỉ khi kinh nghiệm dạy ta về thực tại nơi thế giới, ta mới vén bức màn vàng kim của cuộc sống thuở đầu ra khỏi tầm mắt; ta mới cảm nhận được nỗi đau buồn sâu lắng và dai dẳng.”
Người đàn ông, trong khổ đau của mình, đang cầu nguyện, nhưng anh ta cầu nguyện điều gì? Vị thiên sứ vẫn ở phía sau ông đó thôi, nhưng ông lại hướng về những khuôn mặt trong đám mây đen nơi phía trên mà cầu nguyện, như thể van xin họ hãy giúp ông chấm dứt những đau khổ. Ông không thể nhận ra rằng những khuôn mặt tối tăm kia là một phần của hoàn cảnh u ám mà ông phải chịu đựng hiện giờ. Điều duy nhất tách biệt với khung cảnh tăm tối là vị thiên sứ với hào quang trên bầu trời, vị thiên sứ mà ông vẫn đang quay lưng lại.
Tuy nhiên, người đàn ông vẫn có thể cầu nguyện với Đấng tạo hóa trong khi nhìn vào những khuôn mặt u tối trong đám mây, cho thấy sức mạnh từ đức tin của ông: Mặc cho những thứ [tối đen] trong tầm mắt, ông vẫn tin vào những điều siêu xuất khỏi bản thân. Sức mạnh của đức tin cũng có thể lý giải tại sao vị thiên sứ, hiện giờ đang ẩn đi, nhưng sẽ được hiển lộ trong bức tranh tiếp theo.
Điều thú vị là, đức tin được thể hiện hai lần nhưng đối lập nhau. Chàng trai trẻ ban đầu đặt niềm tin vào tòa lâu đài trên bầu trời. Anh bỏ lại tất cả phía sau để theo đuổi những hứa hẹn mà tòa lâu đài đó dường như mang lại. Sau này, chỉ khi đã nếm trải gian khổ, anh mới đặt niềm tin của mình nơi đấng thiêng liêng.
Niềm tin ấy cuối cùng đã tiết lộ một chân lý: Niềm tin vào chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm sẽ mang tới sự hủy diệt và hỗn loạn, trong khi niềm tin vào thần sẽ mang lại sự huy hoàng vĩnh cửu, thể hiện qua ánh sáng nơi thiên thượng và sự không hiện diện của chiếc đồng hồ cát phía trước con thuyền.
Tôi tự hỏi rằng chúng ta sẽ giúp đứa trẻ đi trên hành trình của chúng như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích niềm tín thần chân chính ngay từ thuở đầu, để các vị thần có thể sớm hiển hiện, để hành trình của sinh mệnh không còn là [hành trình đầy] trăn trở giữa “nỗi đau buồn” của truy cầu vật chất và đức tin, mà sẽ trở thành một hành trình của đức tin?
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường dung chứa những hình mẫu tâm linh và có nhiều ý nghĩa biểu tượng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến trái tim,” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái, và can đảm hơn.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Minh Anh biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: