Bà Cảnh Hòa kêu gọi lãnh đạo ĐCSTQ trả tự do cho luật sư Cao Trí Thịnh và cho biết tung tích của ông
Luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) đã mất tích ở Trung Quốc hơn sáu năm. Mặc dù cộng đồng quốc tế không ngừng tìm kiếm, gia đình của luật sư Cao cũng nghe ngóng nhiều nơi, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về ông. Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC), bà Cảnh Hòa (Geng He), vợ luật sư Cao Trí Thịnh, dự định yêu cầu ông Tập Cận Bình cho biết tung tích của luật sư Cao, phóng thích ông và đưa ra một lời giải thích cho gia đình ông.
Vào lúc 2 giờ chiều thứ Sáu (10/11), bà Cảnh Hòa đã tham gia cuộc diễn hành bằng xe hơi ở San Francisco để kháng nghị ĐCSTQ và lãnh đạo Tập Cận Bình trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC. Bà hy vọng ông Tập có thể cho bà và cả thế giới biết ông Cao Trí Thịnh hiện đang ở đâu? Thông qua cuộc biểu tình này, bà Cảnh hy vọng sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị hiểu được yêu cầu của bà.
APEC bao gồm 21 nền kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những quốc gia này chiếm 60% tổng sản phẩm thế giới, khối lượng mậu dịch bằng gần một nửa thế giới. Nguyên thủ các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, … sẽ tham dự hội nghị để thảo luận các vấn đề về hợp tác và phát triển. Trong số các quốc gia tham gia, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể khiến công dân của mình biến mất bất kỳ lúc nào.
Bà Cảnh Hòa hy vọng thông qua hội nghị này, các chính trị gia có tinh thần trọng nghĩa có thể gây áp lực lên ông Tập Cận Bình và kêu gọi chính quyền ĐCSTQ phải tuân thủ luật pháp. Bà nói, nếu một chính phủ không sẵn lòng tuân thủ luật pháp mà mình chế định, thì vì sao cộng đồng quốc tế phải tin vào bất kỳ lời hứa nào của họ?
Một ngày trước khi đến San Francisco tham gia diễn hành bằng xe hơi, bà Cảnh Hòa đã đến Công viên Điêu khắc Tự do ở Nam California. Với sự giúp đỡ của nhà điêu khắc Trần Duy Minh (Chen Weiming), bà đã in năm bức chân dung của ông Cao Trí Thịnh bằng nhiều màu sắc khác nhau trên đoạn đầu tiên của Bức tường Lennon. Giữa những bức chân dung với song sắt làm nền là những chiếc còng tay thật, ngụ ý luật sư Cao đang ở trong tù. Phần này của Bức tường Lennon dài 6.4 mét, tưởng niệm Sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Ông Trần Duy Minh cho biết, “bà Cảnh Hòa là người đầu tiên” in chân dung của luật sư Cao Trí Thịnh lên Bức tường Lennon ở Công viên Điêu khắc Tự do. Ông đã nhiều lần suy nghĩ, nên chọn ai trước? Cuối cùng ông đã chọn bà Cảnh Hòa.
Bà Cảnh nói: “Kể từ năm 2017 đến nay, đã hơn sáu năm, tôi không biết anh ấy còn sống hay đã mất. Yêu cầu của tôi [đối với chính quyền ĐCSTQ] là anh ấy có thể gọi một cuộc điện thoại cho gia đình chúng tôi.” Chỉ là một yêu cầu đơn giản như vậy, nhưng bà đã chờ đợi suốt sáu năm mà vẫn không có tin tức gì từ luật sư Cao.
Ông Cao Trí Thịnh có vi phạm luật nào không? “Không,” bà Cảnh Hòa nói. “Ông Cao Trí Thịnh là công dân hợp pháp của Trung Quốc. Ngay cả nếu ông ấy vi phạm bất kỳ luật nào, thì khi họ bắt ông ấy, họ cũng phải xét xử ông ấy theo luật pháp chứ? Là người thân, chúng tôi cũng có quyền thăm gặp theo pháp luật, đúng không? Ông ấy cũng có quyền có luật sư, đúng không?”
Cho đến nay, bà vẫn không nhìn thấy hy vọng. Trong những năm gần đây, bà phát hiện tình hình chính trị ở Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt.
Ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), Chủ tịch điều hành Đảng Dân chủ Trung Quốc, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc bà Cảnh Hòa lên tiếng trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC. Ông Giới nói rằng luật sư Cao Trí Thịnh là đại diện của cộng đồng pháp lý và các nhóm lương tâm ở Trung Quốc, là trụ cột của quốc gia; sự mất tích của ông là một trường hợp vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng của ĐCSTQ. “Vụ việc của luật sư Cao Trí Thịnh đủ để thế giới hiểu được sự tàn ác của chính quyền ĐCSTQ,” ông nói. “Trong tình huống này, ĐCSTQ vẫn đi theo con đường riêng của họ, và không cho thế giới câu trả lời. Có thể nói, ông Tập Cận Bình đang lùi xe và đạp ga hết sức.”
Ông Giới cho biết trong những năm gần đây, vì để ổn định quyền lực, nên lãnh đạo của ĐCSTQ đã thực hiện các vụ bắt cóc xuyên biên giới và kiểm soát chặt chẽ ngôn luận. Ngay cả cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, người từng là nhân vật “số hai” trong ĐCSTQ, cũng đã qua đời một cách khó hiểu. Điều này khiến người dân có cảm giác ĐCSTQ đang đi trên con đường “quay trở lại Đại Cách mạng Văn hóa.” Theo ông Giới, nếu cộng đồng quốc tế không chú ý đến trường hợp của luật sư Cao Trí Thịnh, không lên án hành động của ĐCSTQ, thì ĐCSTQ sẽ càng trở nên không kiêng nể gì.