Áp lực thỏa hiệp gia tăng khi TT Biden và ông McCarthy tiếp tục đàm phán về hạn mức nợ
Khi Tổng thống (TT) Joe Biden chào đón Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tại Tòa Bạch Ốc hôm 09/05 để nối lại các cuộc đàm phán mức trần nợ, thì áp lực buộc tổng thống phải thỏa hiệp vấn đề này ngày càng tăng.
Cuộc họp này — cũng sẽ có sự tham gia của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) — diễn ra khi TT Biden đối mặt với những số liệu thăm dò đáng thất vọng và một Đảng Cộng Hòa đồng thuận.
Theo một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News được công bố hôm 07/05, tỷ lệ không ủng hộ của TT Biden đã tăng lên 56% — tăng ba điểm kể từ hôm 01/02, đó là ngày đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng tổng thống gặp ông McCarthy để thảo luận về hạn mức nợ.
Trong hơn ba tháng kể từ đó, TT Biden đã nhiều lần từ chối đàm phán với Chủ tịch Hạ viện, đồng thời nhấn mạnh rằng Quốc hội thông qua một mức tăng “thuần túy” đối với hạn mức vay của chính phủ liên bang mà không có điều kiện ràng buộc nào.
Trong khi đó, lập trường của ông McCarthy đã được củng cố hôm 06/05 khi 43 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, bao gồm cả ông McConnell, tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ việc tăng hạn mức nợ nào mà không có sự nhượng bộ từ Đảng Dân Chủ về việc cắt giảm ngân sách.
Vì các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua một kế hoạch hoàn thành các mục tiêu chính của lưỡng đảng, nên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa sẽ tham gia cuộc đàm phán ngày 09/05 với một vị thế mạnh mẽ.
Áp lực gia tăng
Nợ quốc gia hiện được đặt ở mức 31.4 ngàn tỷ USD. Khi Hoa Kỳ đạt đến hạn mức đó hồi tháng Một, Bộ Ngân Khố buộc phải thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tạo thêm khả năng cho vay, nhờ đó tạm thời tránh được tình trạng vỡ nợ.
Trong khi Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ trước đây, thì hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã cảnh báo rằng chính phủ liên bang có thể phá vỡ tiền lệ đó sớm nhất là vào ngày 01/06 nếu mức trần nợ không được nâng lên.
Dự đoán đó phù hợp với phân tích mới nhất (pdf) của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, ước tính rằng “ngày X” — ngày mà chính phủ liên bang không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn và đầy đủ — có khả năng xảy ra giữa đầu tháng Sáu và đầu tháng Tám do thời hạn nộp thuế kéo dài bất ngờ đối với những người ở các khu vực thảm họa được chỉ định ở California, Alabama, và Georgia.
“Những tuần tới rất quan trọng để đánh giá sức mạnh của dòng tiền của chính phủ,” ông Shai Akabas, giám đốc chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, cho biết trong một tuyên bố. “Nếu không đạt được một giải pháp trước tháng Sáu, thì các nhà hoạch định chính sách có thể đang chơi trò cò quay súng của Nga hàng ngày với toàn bộ niềm tin và uy tín của Hoa Kỳ, gây rủi ro thảm họa tài chính cho các cử tri của họ và đất nước. Ngay cả bây giờ, thời hạn đang đến gần đã làm tăng chi phí cho chính phủ, và do đó, cho tất cả những người đóng thuế.”
Tuy nhiên, với khả năng vỡ nợ đang đến gần, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã nhanh chóng nhắc nhở TT Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ rằng một mình họ đã hành động để giải quyết vấn đề.
“Chúng tôi không chỉ cho quý vị thấy một kế hoạch mà chúng tôi còn là những người duy nhất thông qua một kế hoạch,” ông McCarthy nói trong một cuộc họp báo hôm 26/04. “Vì vậy, tôi nghĩ điều đó hiện tùy thuộc vào [ông Biden].”
American Action Network, một tổ chức ủng hộ bất vụ lợi thuộc phái bảo tồn truyền thống, đã đồng ý. Hôm 08/05, tổ chức này đã phát động một chiến dịch quảng cáo truyền hình trị giá 250,000 USD trên thị trường truyền thông Hoa Thịnh Đốn để thúc giục ông Biden đàm phán.
“Tổng thống Biden đang đẩy nước Mỹ đến lần vỡ nợ đầu tiên, và sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm ngoài ông ấy,” Chủ tịch Mạng lưới Hành động Hoa Kỳ Dan Conston cho biết trong một tuyên bố.
Kế hoạch của Đảng Cộng Hòa
“Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng” của Đảng Cộng Hòa sẽ nâng mức trần nợ thêm khoảng 1.5 ngàn tỷ USD — hoặc kéo dài thời hạn vay đến hết tháng 03/2024, tùy theo điều kiện nào được thông qua trước — nhưng sẽ kết hợp mức tăng đó với việc cắt giảm chi tiêu trong tương lai.
Hôm 08/05, TT Biden đã chỉ trích kế hoạch đó trong một loạt các tweet, khẳng định rằng kế hoạch này “cắt giảm sự trợ giúp cho các gia đình, học sinh, và cựu binh” và sẽ “cắt giảm 60,000 giáo viên trên khắp nước Mỹ để giúp tài trợ cho các khoản miễn thuế cho những người vốn đã giàu có.”
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Nhân sự Hạ viện đã bác bỏ tuyên bố đó, đồng thời cho rằng các chính phủ tiểu bang và địa phương cung cấp hầu hết tài trợ cho giáo dục và kế hoạch của Đảng Cộng Hòa chỉ giảm chi tiêu xuống mức của năm tài khóa 2022.
“Dòng tweet của tổng thống là một luận điệu đảng phái cổ điển, trong đó bất kỳ nỗ lực nào về giới hạn ngân sách đều vấp phải những tuyên bố mang tính hủy diệt về việc cắt giảm các dịch vụ phổ biến của chính phủ,” ủy ban này cho biết thêm.
Tìm thấy điểm chung
Sau những chỉ trích, hôm 08/05, TT Biden cũng đưa ra dấu hiệu đầu tiên rằng ông có thể sẵn sàng xem xét một số cắt giảm chi tiêu, đồng thời lưu ý trong một dòng tweet khác rằng ông “hoàn toàn ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu lãng phí,” nhưng ông khác với các thành viên của Đảng Cộng Hòa về những gì được coi là “lãng phí.”
Kèm theo dòng tweet đó, ông đã chia sẻ một sơ đồ chỉ ra rằng Đảng Dân Chủ sẽ hỗ trợ cắt giảm 160 tỷ USD “chi tiêu lãng phí cho các Đại Công ty Dược phẩm (Big Pharma).”
Liệu lựa chọn đó có được thảo luận hay không thì vẫn còn phải chờ xem, nhưng với việc TT Biden sẽ trình bày vào ngày 10/05 tại New York về lý do tại sao Quốc hội phải tránh vỡ nợ, thì Tòa Bạch Ốc dường như không lạc quan về việc sẽ đạt được một thỏa thuận vào ngày 09/05.
Tổng thống cũng chưa loại trừ khả năng ông có thể viện dẫn Tu chính án thứ 14 để tránh Quốc hội và tự nâng mức trần nợ.
Tu chính án này quy định rằng “tính hợp lệ của khoản nợ công” của Hoa Kỳ “sẽ không bị chất vấn.” Tuy nhiên, do luật này chưa bao giờ được viện dẫn cho mục đích đó trước đây, nên làm như vậy có thể sẽ dẫn đến một thách thức pháp lý nhanh chóng và kéo dài.
Và khi đồng hồ điểm đến cái gọi là “ngày X,” các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã lưu ý hôm 09/05 rằng chính phủ đang cạn kiệt không chỉ tiền mà còn cả thời gian.
“Có những thành viên đề cao nguyên tắc vốn phục vụ trong chính phủ thuộc lưỡng đảng chính trị đều hiểu rằng đất nước không thể tiếp tục thịnh vượng nếu chúng ta tiếp tục cai trị trong tình huống hiểm nguy, thiết lập ngân sách từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác mà không đáp ứng các nghĩa vụ dài hạn của chúng ta và thiết lập một lộ trình về sự ổn định,” ông Michael Hanson, phó chủ tịch điều hành cao cấp phụ trách các vấn đề công cộng của Hiệp hội Các nhà Lãnh đạo Ngành bán lẻ, nói với The Hill.
Tương tự như vậy, trong một tuyên bố, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Chính sách Phòng Thương mại Hoa Kỳ Neil Bradley nhấn mạnh: “Không bao giờ nên để toàn bộ niềm tin và uy tín của chính phủ Hoa Kỳ gặp rủi ro, đó là lý do tại sao Quốc hội và Chính phủ cần phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận lưỡng đảng để nâng mức trần nợ.”
Cụ thể, ông Bradley nhấn mạnh việc cho phép sự cải tổ và chi tiêu tùy ý trở thành những lĩnh vực có khả năng thỏa hiệp, đồng thời lưu ý rằng những điều chỉnh trong những hạng mục có thể làm giảm thâm hụt đã được lưỡng đảng ủng hộ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times