Ai bảo hộ cho những người ‘thức tỉnh’ và ‘ra vẻ đức độ’?
Vua Solomon đã viết rằng “chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” (Kinh Cựu Ước – Sách Truyền đạo 1:9) và tất cả đều là hư không. Chúng ta chắc chắn có đủ sự phù phiếm trong thời đại này để làm hài lòng tất cả mọi người, trừ những người mắc chứng ái kỷ nặng nề nhất. Tuy nhiên, tôi luôn ấn tượng với các huyền thoại, truyền thuyết và những câu chuyện trong quá khứ vì chúng không chỉ để lại âm hưởng cho đến ngày nay mà còn diễn giải những gì đang diễn ra và lý do đằng sau theo một cách hoàn toàn mới.
Lấy ví dụ về chính trị bản sắc và hai đặc điểm nổi bật nhất của nó là: “Thức tỉnh” (woke) và ra vẻ đức độ (virtue-signaling). Trong một bài báo trước, tôi đã trích dẫn nhận xét của Giáo sư Norman Doidge rằng ra vẻ đức độ có thể được coi là tính cách xấu xa phổ biến nhất trong thời đại chúng ta.
Vậy “thức tỉnh” và ra vẻ đức độ là gì?
Thức tỉnh dường như là sự tự khen ngợi bản thân khi một người đã tỉnh ngộ trước những bất công trên toàn thế giới về các vấn đề giới tính, chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo, hay bất cứ điều gì đó mà bạn có thể tự nghĩ ra rồi thêm từ “bất bình đẳng” vào phía trước. Nhận thức này, sự “thức tỉnh” này, tri thức này dường như khiến cho những người có đạo đức tốt nhờ hiểu biết của mình mà tham gia vào đấu tranh chống lại những bất công hoặc chí ít là những điều được nhìn nhận là bất bình đẳng.
Ra vẻ đức độ được xem là biểu hiện bên ngoài của sự thức tỉnh, nghĩa là chúng ta thể hiện bản thân nhận thức được những bất công, và từ đó chúng ta sẽ tích lũy thêm những huân chương, huy hiệu đạo đức hoặc ghi điểm cho những hành động tốt.
Thu thập Huân chương và Danh hiệu đức hạnh
Khi thức tỉnh, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân mình thực sự tốt đẹp bởi vì chúng ta đề ra khái niệm của riêng mình: “Tôi là một người tốt bởi vì tôi chống lại sự bất công, chống lại vô gia cư và nghèo đói; chính phủ nên làm gì đó cho tất cả những điều này và các tỷ phú không nên có quá nhiều tiền; nó không công bằng, nó không bình đẳng…”. Và những điều tương tự như thế. “Người thức tỉnh” luôn tưởng rằng họ có nền tảng đạo đức cao.
Không có gì ngạc nhiên khi hiện tượng tự cho mình đúng đắn về mặt đạo đức này đã từng xảy ra nhiều lần trước đây, và cổ nhân đã rất sáng suốt nên điều đó cũng được ghi chép lại. Tôi tin rằng tôi có thể xác định được thánh bảo hộ của tất cả những người ‘nghiện’ sự thức tỉnh và ra vẻ đức độ này.
Thật đáng kinh ngạc, chỉ một dòng trong Kinh thánh mà toàn bộ sự thật đã được hé lộ: Thánh bảo hộ cho thức tỉnh và ra vẻ đức độ đó chính là Judas Iscariot.
Thế còn người nghèo thì sao?
Chúng ta thấy rằng Judas đã thức tỉnh trong một khoảnh khắc bất ngờ (Phúc âm John 12:5) khi ông ta thấy Mary đang xoa một loại dầu thơm đắt tiền vào chân của Chúa Giêsu và ông hỏi cô rằng: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc và bố thí cho người nghèo?”
Judas không hỏi với một thái độ trung lập – thái độ thể hiện việc quan tâm một cách khách quan đến vấn đề đó – mà với sự tức giận, cay đắng và phẫn nộ tự cho mình là đúng. Làm sao chúng ta biết được điều này? Bời vì Chúa Giêsu đã đáp lại rằng:
“Hãy để cô ấy được yên… vì ngươi thường có kẻ nghèo ở bên mình, … nhưng ngươi luôn luôn không có Ta.” (Phúc âm John 12:7, 12:8). Chúa Giêsu đã bảo vệ người phụ nữ bị Judas tấn công về mặt cảm xúc và đạo đức.
Tấn công kiểu “thức tỉnh” như thế này có ở khắp mọi nơi.
Vậy là chúng ta bắt đầu nhận thức sâu hơn bản chất của “thức tỉnh” và “ra vẻ đức độ”: Tại sao Judas lại nói ra những lời đó? Hiển nhiên là để thể hiện rằng ông ấy gắn bó với người nghèo, rằng ông ấy ghét sự lãng phí, rằng ông ấy ghê tởm sự xa hoa và lạc thú, rằng ông ấy toàn tâm hướng đến mục tiêu đó, có khi còn hơn cả thầy của mình. Nhưng động cơ thực sự của ông ấy là gì?
Có ý kiến cho rằng: ông ta thực chất là một tên trộm. Người viết phúc âm nhận xét về Judas như sau: “Giờ hắn nói điều này, chẳng phải là vì hắn ta quan tâm đến người nghèo, mà vì hắn vốn là tay trộm, và khi hắn ta giữ túi bạc, hắn đã từng trộm lấy những gì người ta bỏ vào đó.” (Phúc âm John 12:6)
Như vậy, lòng tham đã vây kín lấy ông ta. Một điều khá thú vị là ở nước Anh hiện giờ có rất nhiều nhà lãnh đạo theo xã hội chủ nghĩa là triệu phú nhưng lại lặng lẽ chiếm lấy những món lợi nhỏ cho bản thân, trong khi liên tục tự cho mình quyền chỉ trích chủ nghĩa tư bản, hệ thống mà họ đã hưởng nhiều lợi ích từ đó.
Điều tồi tệ thứ hai từ câu chuyện trên là thói đạo đức giả: Sử dụng vỏ bọc công việc để tích lũy cho bản thân. Nhưng cũng đáng chú ý rằng, đồng hành với thói đạo đức giả là sự phản bội, Judas sau này đã bán rẻ Chúa Jesus với 30 đồng bạc. Thói nguỵ thiện đã chứng tỏ việc không thể thành thật với chính mình, hoặc nuốt lời và sau cùng là không thể chân thành với người thầy hoặc lãnh đạo, hay ông chủ của mình. Dường như, thói đạo đức giả sẽ dẫn đến sự phản bội.
Lòng đố kỵ thâm sâu
Nhưng có lẽ, còn một động cơ đáng kinh ngạc khác được bộc lộ: Lòng đố kỵ. Judas đã ghen tị với Chúa Giêsu, đố kỵ với vị thế của Người, và với cách những người khác đáp lại lòng tốt của Người.
Tôi nhớ lại khoảnh khắc tuyệt vời trong tác phẩm “Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) của Milton khi Satan lần đầu tiên theo dõi Adam và Eva trong vườn Địa Đàng và nghĩ xem sẽ huỷ hoại họ như thế nào. Để phục vụ cho dã tâm của mình, hắn ngụy biện lời của Chúa dạy rằng: “Tất cả đều không phải của họ… Tại sao Chúa của họ lại Ghen tị với họ về thứ đó… vì thế ta sẽ kích động tâm trí họ / Với khát vọng biết nhiều hơn và loại bỏ những mệnh lệnh mang tính Đố kỵ, được [Chúa] sáng tạo ra / Để khiến họ trở nên thấp kém.”
“Tất cả đều không phải của họ” liên quan đến cảnh Satan nghe lén khi Adam và Eva thảo luận về điều kiện để được phép ở lại thiên đường: không được ăn trái cấm. Việc sở hữu vườn Địa Đàng của họ không phải tuyệt đối mà là có điều kiện. Satan lập luận rằng Chúa từ chối cấp cho Adam và Eva toàn quyền sử dụng vườn Địa Đàng như trước đây mà thay vào đó, họ chỉ được phép ở tạm, bởi vì Người ghen tị và muốn “họ trở nên thấp kém” – họ chỉ là những người đi thuê chứ không phải là chủ nhân của vườn Địa Đàng. Đây là một cách nghĩ phi lý, ngoại trừ khi tâm trí ta hoàn toàn bị lòng đố kỵ hay sự bất mãn chiếm cứ.
Trong phúc âm của John về Judas, hương thơm của dầu tràn ngập khắp ngôi nhà và tất cả mọi người đều có thể thưởng thức, nhưng Judas thì không; cũng như Satan không có khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thế giới hoặc của Adam và Eva trên thiên đường. Thay vào đó, cả Judas và Satan đều tật đố.
Như Samuel Johnson đã nhận xét, “Hầu hết tội ác đều diễn ra dưới sự trợ giúp của một số đức tính mà khi được sử dụng tốt chúng sẽ mang lại sự kính trọng hay tình yêu thương. Nhưng đố kỵ chỉ đơn thuần là cái ác; nó sử dụng những phương tiện hèn hạ để theo đuổi một kết cục xấu xa, và chủ yếu mong muốn người khác đau khổ hơn là cho bản thân mình hạnh phúc.”
Luôn tìm hiểu các động cơ thực sự phía sau
Liệu có phải Satan và Judas là những chỉ báo rằng dường như đức hạnh đích thực sẽ luôn khơi gợi sự oán hận, tật đố và phản kháng từ những người đã “thức tỉnh” và những người ra vẻ đức độ.
Tất nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ hoàn toàn là những kẻ phá bĩnh. Họ là nô lệ cho sự tự nghiêm trọng hóa bản thân, điều này nghĩa là – khi họ phản chiếu nó ra thế giới – họ phải là những nhân vật quan trọng. Người ta không thể biết chắc rằng Judas có suy nghĩ này không, bởi vì không có một ghi chép nào nói với chúng ta về điều đó (mặc dù việc không thể thưởng thức mùi dầu thơm ở trên là một dấu hiệu), nhưng khi chúng ta nghĩ về những người “thức tỉnh” hiện giờ, liệu có ai tìm thấy một người nào hài hước chăng? Tôi không thể: Họ hoàn toàn không hài hước và thường thiếu thốn hết thảy cảm giác vui vẻ lẫn thú vị.
Do đó tôi kết luận rằng với quan sát thu được sau khi đối mặt với những người “thức tỉnh” hay “ra vẻ đức độ” thì chúng ta thường ở thế yếu hay gặp bất lợi: Họ luôn khẳng định có một nên tảng đạo đức cao bằng cách rao giảng về đức hạnh của họ. Ví như, ai có thể tranh luận về việc giúp đỡ người nghèo? Hoặc có đức tính nào khác mà họ lớn tiếng ủng hộ không?
Nhưng chúng ta phải nhớ hai điều: Thứ nhất, rằng Thánh bảo hộ của họ là Judas, và tốt nhất nên xem xét động cơ của họ. Thay vì chấp nhận giá trị đạo đức bề mặt của họ, chúng ta có lẽ cần tìm hiểu mối liên hệ chính xác của chúng với họ.
Thứ hai, và có lẽ quan trọng hơn nhiều, chúng ta cần phân biệt giữa cảm giác ra vẻ tốt đẹp trong lời nói của họ với động cơ thực sự phía sau của họ: sự ghen tị. Đó cũng là điều mà tôi đề cập đến trong bài báo này.
“Phản bội” là từ ngữ tôi thường sử dụng, “đâm sau lưng” là hình ảnh đơn giản mà tôi hay dùng để mô tả tính cách này. Nếu chúng ta quan sát trong các điển cố văn chương, thì hình ảnh Iago trong tác phẩm “Othello” của Shakespeare tức khắc hiện lên trong tâm trí: Othello luôn tưởng rằng lago chân thành, một lago luôn kiên trì tỏ ra đức độ. Sau này, Othello mới hiểu ra lago có lòng đố kỵ thâm sâu như thế nào và tính cách này có thể gây ra điều gì, nhưng đã quá muộn.
Suy ngẫm về tất cả các chính quyền cộng sản và chủ nghĩa xã hội từ năm 1917, chúng ta thấy họ không chỉ ra vẻ đức độ “vì nhân dân” mà còn thể hiện mức độ phản bội sâu sắc nhất. Một ví dụ điển hình là “cuộc cách mạng văn hoá” tạo ra không khí mà con cái đấu tố cha mẹ và giáo viên, và do đó, gia đình vốn là một nền tảng quan trọng và duy nhất của xã hội từ thuở sơ khai đã bị hủy hoại nặng nề.
Điều này đang bắt đầu diễn ra ở phương Tây khi sinh viên tố cáo giáo sư chỉ vì quan điểm của họ hoặc bởi vì các giáo sư khiến chúng cảm thấy “không thoải mái”! Hay trẻ nhỏ tố cáo cha mẹ mình bởi vì chúng muốn phẫu thuật đổi giới tính, nhưng cha mẹ chúng nghĩ rằng điều đó không sáng suốt.
“Thức tỉnh” và “ra vẻ đức độ” không chỉ đơn giản là mối đe dọa mà còn là hiểm họa thực sự hiện hữu đối với nền văn hóa của chúng ta. Đáng buồn thay, Thánh Judas Iscariot vẫn tiếp tục tồn tại cường thịnh ở phương Tây.
Hoàng Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times