Tìm lại thiên đường đã mất trong mỗi chúng ta
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim
Khi chúng ta tiến đến gần giữa năm 2020, tôi tự hỏi bản thân mình “Liệu điều gì khác sẽ xảy ra tiếp theo?” Cho đến nay, đó là một năm đầy rẫy các sự kiện, ít nhất chúng ta có thể nói như vậy.
Tôi đã suy nghĩ sâu sắc về những sự kiện xảy ra trong năm 2020 và tôi tin rằng đã đến lúc để suy ngẫm về bản thân chúng ta và tự hỏi ý nghĩa của việc trở thành một người tốt thực sự là thế nào. Bản thân tôi cũng cảm thấy muốn chiêm nghiệm sau khi xem qua bức họa của William Blake có tựa đề “Đánh hạ những thiên thần nổi loạn xuống địa ngục” (The Casting of Rebel Angels Into Hell), dựa trên thiên sử thi “Thiên đường đã mất” (Paradise Lost) của John Milton.
John Milton và ‘Thiên đường đã mất’
John Milton là một tác giả người Anh sống ở thế kỷ 17. Tác phẩm vĩ đại nhất của ông là “Thiên đường đã mất”, một thiên sử thi về cuộc xung đột giữa Chúa Trời và Satan và ảnh hưởng của nó đối với loài người. Ông đã viết tác phẩm đó với sự giúp đỡ của một trợ lý sau khi bị mù hoàn toàn.
Ấn bản thứ hai của “Thiên đường đã mất” được xuất bản vào năm 1674 gồm 12 cuốn sách. Phần mở đầu của mỗi cuốn sách có các lập luận bằng văn xuôi để bảo vệ những con đường của Đức Chúa Trời. Theo trang web của Poetry Foundation:
“Trong hai cuốn sách đầu tiên, ta thấy hậu quả của Cuộc chiến trên Thiên đường, với việc Satan và binh đoàn thiên thần bại trận của hắn bị tống xuống Địa ngục, một nơi giam giữ mà họ bị tra tấn trong một hồ lửa lỏng hỗn loạn… Sách 6 mô tả chi tiết cuộc chiến khi đội quân của các thiên thần thiện và ác đụng độ nhau… Chúa Cha trao quyền cho Con trai mình để đánh đuổi các thiên thần xấu xa khỏi Thiên đường. Trèo lên chiến xa, Con trai của Chúa, được trang bị sấm sét, tăng tốc lao thẳng về phía các thiên thần ác quỷ và phóng vũ khí của mình. Để tránh cỗ xe đang lao nhanh về phía họ và sự phẫn nộ của Con trai Chúa trời, các thiên thần tà ác đã nhảy khỏi vách núi Thiên đường và lao thẳng xuống Địa ngục.”
Trong địa ngục, các loạn thần vẫn đang tranh cãi về cách họ nên chống lại Chúa và thiên đường như thế nào. Beelzebub, một tướng lĩnh của Satan, gợi ý rằng “Trái Đất và nhân loại mới [con người] được tạo ra cần phải bị phán xét và sau đó ức chế họ bằng vũ lực hoặc dụ dỗ họ bằng những trò lừa đảo.”
Để trở lại [chiến đấu] với Đức Chúa Trời, Satan tự mình thực hiện sứ mệnh này và rời khỏi địa ngục để hồi sinh “khả năng có thể chiến thắng ngay giữa Trái Đất.” Nói cách khác, Satan tin rằng tranh đấu trực tiếp với Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến thất bại, nên hắn quyết định chiến đấu để giành lấy linh hồn của những tạo hóa mới của Đức Chúa Trời: Đó là con người.
Sự sụp đổ của các thiên thần nổi loạn
William Blake là một tác giả và nghệ sĩ tôn giáo người Anh thế kỷ 19, ông thường xuyên nhìn nhận các vấn đề về tâm linh. Là một nghệ sĩ trưởng thành, ông đã minh họa lại những câu chuyện tâm linh từ Kinh thánh và các tác phẩm của Dante và Milton.
Vào năm 1808, Blake đã sáng tác ra một loạt các hình minh họa màu nước cho thiên sử thi “Thiên đường đã mất” của Milton, một trong số đó có tựa đề “Đánh hạ các thiên thần nổi loạn xuống địa ngục.” Tác phẩm minh họa cuộc chiến giữa Chúa Trời và các thiên thần nổi loạn nằm trong Quyển 6 của “Thiên đường đã mất”.
Tuy nhiên, Blake đã diễn giải cuộc chiến hơi khác một chút so với Milton mô tả. Blake không miêu tả Con trai của Chúa Trời bắn sấm sét vào các thiên thần nổi dậy từ một cỗ xe. Thay vào đó, ông chia bố cục thành nửa trên và nửa dưới.
Nửa trên gồm có Con trai Chúa Trời, người ngồi trong một vòng tròn và nhắm một mũi tên vào các thiên thần nổi loạn ở nửa dưới. Con trai Chúa Trời mặc bộ đồ màu trắng – màu biểu thị cho sự tinh khiết – và được các thiên thần bao quanh ở cả hai bên, họ đang dõi theo Con trai Chúa Trời giương cung tên. Tổng cộng có 7 nhân vật nằm ở nửa trên của bố cục và con số 7, theo nghĩa Kinh thánh, tượng trưng cho “sự trọn vẹn và hoàn hảo”, theo trang web BibleStudy.
Ở nửa dưới của bố cục, có 13 cái đầu, và “số 13 tượng trưng cho sự nổi loạn và vô luật pháp” chống lại Chúa. 13 cái đầu này tượng trưng cho những thiên thần nổi loạn mà Con trai Chúa đã giáng chúng xuống lửa địa ngục. Đối với những loạn thần lộ khuôn mặt, tất cả đều sợ hãi ngoại trừ một tên ở nhân vật trung tâm: Satan; hắn đang chăm chú nhìn xuống bên dưới với hai tay để sau đầu.
Lựa chọn chính nghĩa
Milton kể một câu chuyện hấp dẫn về cuộc chiến giữa thiện và ác. Chỉ bằng sự hiện diện của mình, chính nghĩa dường như làm cho cái ác khiếp sợ, cũng giống như sự chân chính của Con trai Chúa Trời đã khiến các thiên thần nổi loạn phải nhảy khỏi vách núi của thiên đường vì sợ hãi. Cái ác có thể biến mất trong giây lát, nhưng nó sẽ dùng mọi cách bất chính để tìm đường quay trở lại trong cuộc chiến trường kỳ.
Đối với Milton, cái ác tìm đường quay trở lại thông qua việc thao túng tạo vật mới của Chúa: con người. Với trái tim và trí tuệ của mình, con người chúng ta có khả năng lựa chọn chính hay tà.
Nhưng chính nghĩa là gì? Theo biểu tượng trong minh họa của Blake, sự chân chính gắn liền với sự trong sạch, trọn vẹn và hoàn hảo. Sự chân chính cũng trục xuất điều ác khỏi thiên quốc. Vì vậy, nếu chúng ta là người đứng đắn, bằng trái tim và trí tuệ của mình, chúng ta phải lựa chọn trở nên trong sạch, trọn vẹn và hoàn hảo với đức tin vào Chúa Trời. Chỉ khi đó, chúng ta mới trục xuất ma quỷ khỏi thiên quốc của mình, vì như Blake miêu tả, Thiên quốc của Đức Chúa Trời ở trong mỗi chúng ta.
Vậy ý nghĩa của cái ác là gì? Biểu tượng ở nửa dưới của bố cục bức tranh đã gợi ý rằng cái ác gắn liền với sự nổi loạn và vô pháp luật chống lại Chúa, tức là chống lại chính nghĩa.
Nếu Thiên quốc của Đức Chúa Trời tồn tại bên trong chúng ta, thì chẳng phải sự nổi loạn và vô luật pháp chống lại Đức Chúa Trời chính là sự nổi loạn và vô pháp chống lại bản tính tiên thiên của chúng ta, mà trong trường hợp này là chính nghĩa, hay sao? Và hậu quả của việc nổi loạn chống lại lẽ phải đích thực có trong mỗi chúng ta là gì? Đó là chúng ta tự làm tổn thương mình bằng cách chọn cái ác không chân thực.
Và giờ đây chúng ta đang lựa chọn điều gì cho chính mình? Trái tim và khối óc của chúng ta sẽ đi theo hướng nào với tư cách là cá nhân, gia đình, quốc gia? Liệu chúng ta có cam chịu ở nửa dưới của bố cục bức tranh, biện minh cho hành động xấu xa của chúng ta bởi vì chúng ta muốn theo một đám người nhảy vào một hồ lửa bỏng mà chúng ta không thể nhìn thấy? Hay là bây giờ chúng ta sẽ tự điều chỉnh mình theo hướng chính nghĩa và thức tỉnh thiên quốc đang ngủ quên bên trong tất cả chúng ta?
Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện thực hành (practicing representational artist). Ông hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Eric Bess
Thanh Mai biên dịch
Xem thêm: