Yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 38 năm
Các nhà chức trách gợi ý về một đợt can thiệp thị trường tiền tệ nữa để trợ giúp cho đồng yên.
Tỷ giá đồng yên Nhật so với USD đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986, làm dấy lên suy đoán rằng chính phủ Nhật Bản có thể sẽ buộc phải can thiệp lần nữa để vực dậy đồng tiền này và hạn chế thiệt hại từ hoạt động bán tháo mạnh.
Khoảng cách giữa USD và đồng yên Nhật đã mở rộng trong phiên giao dịch ngày 26/06, khi tỷ giá hối đoái sụt xuống mức thấp nhất là 160.66 yên đổi 1 USD. Kể từ đầu năm đến nay, đồng yên đã giảm giá gần 14% so với đồng bạc xanh. Trong ba năm qua, đồng tiền Nhật Bản cũng đã mất khoảng ⅓ giá trị.
Đồng yên suy yếu đã đẩy giá nhập cảng tại Nhật Bản lên gần 7% trong năm qua, gây áp lực lên tài chính của người tiêu dùng và tạo ra sự bất ổn cho các doanh nghiệp.
Nhận xét từ người đứng đầu cơ quan tiền tệ quốc gia đã củng cố kỳ vọng rằng Tokyo có thể sẽ hành động để trợ giúp đồng yên, trong bối cảnh lần can thiệp gần đây nhất mới diễn ra cách đây hai tháng.
“Chúng tôi thực sự lo ngại về sự mất giá nhanh chóng gần đây của đồng yên, và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các xu hướng thị trường với sự thận trọng cao độ,” Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nói với các phóng viên hôm 26/06. “Chúng tôi sẽ có hành động cần thiết đối với những biến động quá mức.”
Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Bank, cho biết vẫn chưa rõ các quan chức Nhật Bản muốn chờ đợi tỷ giá chạm mức nào thì mới có hành động trợ giúp đồng yên.
Bà nói trong một ghi chú gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times: “Các nhà đầu tư phỏng đoán đồng yên giảm giá đang thử thách sức chịu đựng của các quan chức Nhật Bản, xem xem mức độ nào sẽ kích hoạt sự can thiệp vào ngoại hối (FX).”
Ông Kanda đã đưa ra những nhận xét trên vài ngày sau khi gợi ý rằng các quan chức Nhật Bản sẽ sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ vào thị trường tiền tệ.
“Biến động quá mức sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia,” ông Kanda cho biết hôm 20/06. “Nếu có biến động quá mức dựa trên đầu cơ, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp.”
Hôm 25/06, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi lưu ý rằng chính phủ sẽ có phản ứng thích hợp vì sự biến động mạnh của tỷ giá hối đoái đã ảnh hưởng đến nhu cầu của doanh nghiệp và gia đình.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Sau khi tỷ giá đồng yên so với USD sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm vào cuối tháng 04/2024, Nhật Bản đã chi hơn 61 tỷ USD để can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong giai đoạn từ ngày 29/04 đến ngày 29/05. Các nhà chức trách đã mua đồng yên và bán các loại tiền tệ khác, như đồng USD, để chống lại việc bán tháo đồng yên và ổn định giá trị cho đồng tiền này.
Ông Jim Bianco, chủ tịch và người sáng lập Bianco Research, cho biết trên X, “Sự can thiệp này không có tác động lâu dài.”
Dự báo về đồng yên
Theo ông Michael Cahill, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của Nhóm Nghiên cứu Thị trường và Vĩ mô Toàn cầu tại Goldman Sachs, đồng yên có thể sẽ duy trì quanh mức thấp này trong vòng sáu đến 12 tháng tới.
“Điểm mấu chốt là môi trường vĩ mô sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng tiền trú ẩn an toàn này, và việc cắt giảm lãi suất của Hệ thống Dự trữ Liên bang (và việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản) mà chúng ta kỳ vọng có thể sẽ không mang lại nhiều trợ giúp như vậy,” ông Cahill nói trong một ghi chú trong thư điện tử gửi The Epoch Times. “Đồng yên có thể suy yếu hơn nữa nếu nền kinh tế Hoa Kỳ thậm chí còn tỏ ra kiên cường hơn chúng ta mong đợi, và nếu Fed thực hiện cắt giảm lãi suất ít hơn nữa.”
Ông David Miller, nhà đồng sáng lập, giám đốc đầu tư, và quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Catalyst Funds, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi hiện đang bán khống đồng yên Nhật để mua USD trong quỹ Catalyst Systematic Alpha Fund (ATRFX) do có sự chênh lệch cực lớn giữa lãi suất Hoa Kỳ và lãi suất Nhật Bản. Đồng yên tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên khi giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất trở nên rất hấp dẫn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ít có khả năng sẽ can thiệp bằng cách giao dịch đồng yên cho đến khi Hoa Kỳ chứng kiến tỷ lệ lạm phát giảm xuống.”
Lần đầu tiên sau 17 năm, BOJ đã nâng mức lãi suất chính sách cơ bản vào tháng Ba, từ âm 0.1% lên mức 0% đến 0.1%.
Bất chấp việc Nhật Bản tăng lãi suất, điều đó vẫn chưa đủ để ngăn cản các nhà đầu tư đổ tiền vào tài sản bằng đồng USD.
Trong khi Hệ thống Dự trữ Liên bang đã phát tín hiệu rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất trong tương lai gần miễn là áp lực lạm phát giảm bớt, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dự kiến sẽ giữ lãi suất quỹ liên bang chuẩn cao hơn trong thời gian dài hơn. Theo Bản tóm tắt các Dự báo Kinh tế được cập nhật vào tháng Sáu, các quan chức Fed đã dự báo chỉ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay, hạ mức lãi suất chính sách trung vị xuống còn 5.1% vào cuối năm nay, từ phạm vi hiện tại là 5.25% xuống 5.5%.
Câu chuyện lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Fed đã khiến lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ tăng cao.
Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đạt mức 4.31% hôm 26/06. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn hai năm ổn định ở mức trên 4.74%, trong khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 30 năm vượt mức 4.44%.
Ông Bianco cho biết, mối quan hệ giữa đồng yên và công khố phiếu kỳ hạn 10 năm của Hoa Kỳ là rất quan trọng vì đồng tiền Nhật Bản suy yếu có thể khiến lợi suất công khố phiếu của Hoa Kỳ tăng cao hơn.
“Mối quan hệ giữa đồng yên và lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm không phải là chuyện đùa,” ông viết trên nền tảng truyền thông xã hội. “Nhật Bản là chủ sở hữu ngoại quốc lớn nhất của công khố phiếu Hoa Kỳ, hiện nắm giữ lượng công khố phiếu trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD, nhiều hơn nhiều so với Trung Quốc.”
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang tranh luận về việc có nên kích hoạt một đợt tăng lãi suất khác hay không, trong khi các quan chức vẫn duy trì cách tiếp cận phụ thuộc vào dữ liệu.
Theo bản tóm tắt cuộc họp tháng Sáu của BOJ, một nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã ủng hộ việc tiến hành tăng lãi suất “ngay lập tức” để ngăn chặn lạm phát do kỳ vọng vượt mức.
“BOJ phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ dữ liệu trước cuộc họp chính sách tiếp theo,” quan chức này cho biết. “Nếu thấy phù hợp, BOJ nên tăng lãi suất chính sách ngay lập tức.”
Tháng trước, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nhật Bản đã tăng lên 2.8%, tăng từ mức 2.5% trong tháng Tư.
Ngoài ra, chỉ số Tankan quý 2 về tâm lý và triển vọng của các nhà sản xuất lớn của BOJ sẽ được công bố hôm 02/07. Đây cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lãi suất tiếp theo của các quan chức.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times