Xung đột Israel-Palestine: ĐCSTQ bị nghi ngờ hậu thuẫn Hamas
Tổ chức vũ trang Hamas ở Palestine đã phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, tái diễn tình cảnh “Cuộc chiến Yom Kippur” 50 năm trước. Một chuyên gia cho biết Hamas và Israel có sự khác biệt rất lớn về năng lực quân sự, tài chính, và khoa học kỹ thuật. Cuộc đột kích thành công vào Israel lần này rất có khả năng là nhờ sự giúp đỡ đằng sau của Iran, Syria, và thậm chí là Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tổ chức Hồi giáo Hamas ở Palestine đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên “Bão Al-Aqsa” (Al-Aqsa Storm) nhắm vào Israel hôm 07/10. Hành động này đã bị các quốc gia phương Tây lên án. Tuy nhiên, tại các quốc gia ở Trung Đông như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, và Yemen v.v., rất đông người dân đã xuống đường ủng hộ hành động của Hamas chống lại Israel.
“Cuộc chiến Yom Kippur” 50 năm trước kéo dài từ ngày 06/10 đến ngày 25/10/1973. Để giành lại lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, quân đội Ai Cập và Syria đã cố ý chọn ngày linh thiêng nhất trong lịch Do Thái là “Yom Kippur” (trong tiếng Do Thái là ngày lễ chuộc tội) để hợp lực mở cuộc tấn công vào Israel. Israel trở tay không kịp và gánh chịu thương vong nặng nề, sau đó họ đã phản công.
Nửa thế kỷ sau, chỉ huy quân sự cao cấp của Hamas, ông Mohammed Deif, đã cố ý chọn ngày lễ Sukkot (lễ Lều Tạm) và ngày Sabbath (ngày yên nghỉ) của Israel để thông báo về một cuộc tấn công toàn diện, được cho là một hành động mang “ý nghĩa chiến lược.”
Ông Dư Thông Cơ (Yu Zongji), Thiếu tướng đã về hưu và là cựu Viện trưởng Viện Chiến tranh Chính trị tại Đại học Quốc phòng Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, cuộc đột kích thành công của Hamas vào Israel lần này cũng đã được ĐCSTQ chú ý. Trước đây, ĐCSTQ luôn có một lý thuyết gọi là “chiến tranh ba mặt trận,” tức là phát động chiến tranh ở châu Âu, Trung Đông, và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khiến lực lượng quân sự của Hoa Kỳ không thể ứng phó với tình huống ở các khu vực khác, chẳng hạn như Eo biển Đài Loan.
Ông cho biết, mặt trận thứ nhất là ở châu Âu, cũng chính là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay. Mặt trận thứ hai là Trung Đông. ĐCSTQ mong muốn xảy ra chiến tranh ở Trung Đông để tạo ra tình trạng bất ổn và phá hủy cơ chế định giá Petrodollar (Petrodollars giúp cho giá dầu niêm yết bằng đồng USD giữ được sự ổn định). Nhất là gần đây ĐCSTQ yêu cầu nhập cảng dầu từ Israel, Saudi Arabia, Iran, và Nga bằng đồng nhân dân tệ. Có thể thấy ĐCSTQ thực sự muốn làm xáo trộn tình hình ở Trung Đông, không muốn Saudi Arabia quay trở lại với Hoa Kỳ, và lấy Israel làm chiến tuyến.
Ông Dư nói rằng mặt trận thứ ba là bán đảo Triều Tiên. ĐCSTQ hy vọng Triều Tiên sẽ tạo ra tình trạng bất ổn trên bán đảo này và thu hút quân lực của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Một khi quân đội của Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong cái gọi là “chiến tranh ba mặt trận,” thì ĐCSTQ sẽ càng có ưu thế khi sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Dư Thông Cơ cho biết quân đội Hoa Kỳ cũng có cái gọi là “chiến tranh bốn mặt trận” để đối phó với ĐCSTQ. Đó chính là kiềm chế và bao vây ĐCSTQ thông qua bốn trận tuyến là Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải, Eo biển Đài Loan, và Biển Đông.
Ông cho biết thời điểm Hamas tấn công Israel hôm 07/10 trùng khớp với thời điểm Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa trở về từ Á Vận hội ở Hàng Châu, Trung Quốc. Điều này tương tự với tình huống sau khi trở về từ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức đưa quân tấn công Ukraine.
ĐCSTQ bị nghi ngờ hậu thuẫn Hamas
Ông Dư Thông Cơ nói rằng so với Israel, Hamas có sự chênh lệch [thua kém] rất lớn về quân lực, nguồn lực tài chính, và năng lực khoa học công nghệ. Tuy vậy, lần này Hamas lại đột kích thành công vào Israel. Điều này cho thấy đạn dược, kinh phí và hậu cần đằng sau từ đâu tới là điều rất quan trọng. Mặc dù Iran và Syria khó tránh khỏi có mối liên hệ ở trong đó, nhưng khả năng ĐCSTQ thao túng ở hậu trường cũng rất cao.
Ông Dư cho biết, các nghiên cứu hiện tại ở ngoại giới cho thấy có thể Hamas đã đào những đường hầm bí mật trên sa mạc để tránh sự phát hiện của tình báo Hoa Kỳ và Israel, nhằm vận chuyển một lượng lớn đạn dược. Xét cục diện thế giới hiện nay, Nga đang hãm sâu vào cuộc chiến ở Ukraine nên rất thiếu đạn dược, khó có thể cung cấp đạn dược cho Hamas, trong khi Iran cũng không có nguồn tài lực và nguyên liệu như vậy. Vì vậy, nếu có ai đó trên thế giới có đủ thực lực hậu thuẫn cho Hamas, thì ĐCSTQ chính là đối tượng bị nghi ngờ nhiều nhất.
Hamas lo lắng bị cô lập
Ông Dư nói rằng gần đây Hoa Kỳ đã đề nghị ý tưởng hòa bình Trung Đông với Saudi Arabia. Ông Mohammed bin Salman, Thái tử theo phái Hồi Giáo Sunni của Saudi Arabia, cũng tuyên bố việc thiết lập mối bang giao với Israel đã bước vào giai đoạn đàm phán thực chất, với một trong những điều kiện là phải đồng ý cho phép Palestine thành lập nhà nước.
Ông Dư nói rằng Hamas cũng thuộc phái Hồi Giáo Sunni, vốn là kẻ thù không đội trời chung của phái Hồi Giáo Shia ở Iran và Syria. Tuy nhiên, Hamas lo ngại rằng nếu Saudi Arabia thiết lập mối bang giao với Israel, thì Hamas sẽ hoàn toàn bị cô lập.
Ông Dư cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến Hamas, tổ chức tụt hậu về sức mạnh quân sự, không có trang bị hạng nặng và cũng không có đủ kho đạn dược, đã chọn cách tấn công Israel bằng toàn bộ sức mạnh của mình.
ĐCSTQ không hài lòng khi thấy hòa bình ở Trung Đông
Ông Dư cho biết gần đây, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu đã công bố khai triển kế hoạch “Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu” (IMEC). Đây là kế hoạch thay thế cho sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của ĐCSTQ. Vì vậy, ĐCSTQ không hài lòng khi thấy hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Đảng này mong muốn chiếm lấy Saudi Arabia và phá hoại việc thiết lập mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Iran. Nếu không, một khi Trung Đông trở nên hòa bình và ổn định, thì ĐCSTQ sẽ rất khó can thiệp vào khu vực này.
Ông Dư cũng cho biết Israel đã đồng ý cho phép Palestine thành lập nhà nước, nhưng chủ quyền phải là tổ chức chấp chính của những người Palestine theo phái “Fatah” ôn hòa. Mục tiêu của họ là theo đuổi sự chung sống hòa bình với Israel. Tuy nhiên, phái Fatah ôn hòa đã bị thay thế bởi phe Hamas cực đoan. Điều này đã dẫn đến cuộc xung đột lớn hiện tại. Nếu Hamas bị tiêu diệt, thì ngoại giới lo lắng rằng sẽ tiếp tục có các tổ chức cực đoan và bạo lực hơn thay thế Hamas. Đây là lý do tại sao trước đây Israel tỏ ra miễn cưỡng trong việc tiêu diệt hoàn toàn Hamas.
Hoa Kỳ ngăn chặn tình hình leo thang
Về việc liệu Iran và Syria có tham chiến và mở rộng quy mô xung đột hay không, ông Dư nói rằng sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, Israel đã lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh và huy động 300,000 công dân tham chiến. Giờ đây, đối với Syria, Iran hay Lebanon, đã không còn chỗ cho những cuộc tấn công lén lút nào nữa.