Na Uy, Tây Ban Nha, Ireland tuyên bố sẽ công nhận quốc gia Palestine
Tuyên bố này đã khiến Israel triệu hồi đại sứ của mình tại ba nước Âu Châu này.
Hôm 22/05, Na Uy, Tây Ban Nha, và Ireland tuyên bố sẽ chính thức công nhận một quốc gia Palestine, khiến Israel ngay lập tức triệu hồi đại sứ của mình tại ba quốc gia này.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết việc công nhận chính thức sẽ diễn ra vào ngày 28/05.
“Giữa một cuộc chiến tranh, với hàng chục ngàn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì lựa chọn duy nhất mang lại một giải pháp chính trị như nhau cho cả người Israel và người Palestine: Hai quốc gia, sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh,” ông Store nói trong một tuyên bố.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói trong một bài diễn văn trước Hạ viện rằng người đồng cấp Israel, ông Benjamin Netanyahu, không có “một kế hoạch hòa bình cho Palestine,” và rằng cuộc tấn công đang diễn ra của Israel ở Gaza đang làm suy yếu triển vọng về một giải pháp hai quốc gia.
“Chiến đấu với Hamas là hợp pháp sau ngày 07/10, nhưng ông Netanyahu tạo ra quá nhiều phẫn nộ. … Cuộc tấn công sẽ chỉ làm tăng thêm sự thù hận, làm xấu đi triển vọng an ninh cho Israel và toàn bộ khu vực,” ông nói.
“Giải pháp duy nhất là sự tồn tại của hai quốc gia, một Israel và một quốc gia khác là Palestine, với những cam đoan chung về an ninh,” ông Sánchez cho biết, đồng thời cho rằng việc công nhận một quốc gia Palestine là cần thiết để “trao quyền cho Chính quyền Quốc gia Palestine chống lại Hamas, một nhóm khủng bố phải biến mất.”
Thủ tướng Ireland Simon Harris nói rằng ông hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo việc công nhận một quốc gia Palestine.
“Ước mơ của Ireland là trẻ em Israel và Palestine vào ngày 28/05/2024 sẽ lớn lên trở thành những người hàng xóm hòa thuận,” ông nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi muốn cảm ơn và vinh dự được công nhận Palestine cùng lúc với những người bạn của chúng tôi ở Tây Ban Nha và Na Uy. Chúng tôi hy vọng những nước khác cũng sẽ làm như vậy trong đợt tiếp theo.”
Chính phủ Ireland cũng kêu gọi thả vô điều kiện các con tin bị Hamas bắt giữ và được tiếp cận nhân đạo “đầy đủ, an toàn, và không bị cản trở” tới Gaza.
Israel cảnh báo trước ‘những hậu quả nghiêm trọng’
Để phản đối những tuyên bố này, hôm 22/05, Israel cho biết họ sẽ triệu hồi đại sứ tại Na Uy, Ireland, và Tây Ban Nha.
“Tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng và dứt khoát tới Ireland và Na Uy: Israel sẽ không tiếp tục im lặng trước những kẻ đang phá hoại chủ quyền và gây nguy hiểm cho an ninh của mình,” Ngoại trưởng Israel Israel Katz viết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X trước khi Tây Ban Nha đưa ra thông báo.
“Biện pháp xuyên tạc này của những quốc gia này là một sự bất công đối với ký ức về những nạn nhân của [vụ tấn công ngày 07/10], một đòn giáng vào nỗ lực trao trả 128 con tin, và là động lực cho Hamas và những kẻ thánh chiến của Iran, điều làm suy yếu cơ hội đạt được hòa bình và nghi ngờ quyền tự vệ của Israel.”
Ông cũng cảnh báo các nước khác không nên làm theo.
“Israel sẽ không tiếp tục im lặng—sẽ có những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa,” ông nói. “Nếu Tây Ban Nha thực hiện ý định công nhận một quốc gia Palestine, một bước tương tự sẽ được thực hiện để chống lại nước này.”
“Ý nghĩ điên rồ của người Ireland-Na Uy không ngăn cản được chúng tôi; chúng tôi quyết tâm đạt được các mục tiêu của mình: khôi phục an ninh cho người dân của chúng tôi, giải tán Hamas, và đưa con tin trở về nhà. Không có mục đích nào chính đáng hơn những mục đích này.”
Tháng 10/2014, Thụy Điển trở thành thành viên đầu tiên của Liên minh Âu Châu công nhận một quốc gia Palestine. Bulgaria, Cyprus, Czechia, Hungary, Malta, Ba Lan, Romania, và Slovakia theo sau trong thập niên tiếp theo.
Suy tính lại về Hiệp định Oslo
Na Uy, quốc gia đi đầu những tuyên bố hôm 22/05, cũng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vào đầu những năm 1990.
Những cuộc đàm phán hòa bình đó, được hướng dẫn bởi những gì ông Store nhận định là một chiến lược mà trong đó việc công nhận quốc gia Palestine sẽ tuân theo một thỏa thuận hòa bình, cuối cùng đã dẫn đến Hiệp định Oslo, một tập hợp các thỏa thuận đã dần bị phá vỡ kể từ đó.
Hiệp định Oslo thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine và trao cho họ quyền kiểm soát các phần của Tây Ngạn và Dải Gaza. Cơ quan chính phủ này của Palestine tiếp tục mất quyền kiểm soát Gaza vào tay Hamas sau giao tranh năm 2007 và hiện kiểm soát chỉ khoảng 40% Tây Ngạn. Phần còn lại của Tây Ngạn nằm trong tay Israel.
Ở Israel, động lực của Hiệp định Oslo phần lớn đã bị cản trở sau khi người ký kết chính hiệp định, Thủ tướng Yitzhak Rabin, bị coi là một kẻ phản bội và bị ám sát năm 1995. Người kế nhiệm ông, Thủ tướng lâm thời khi đó là ông Shimon Peres, đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm sau đó và bị thay thế bởi ông Netanyahu, người tỏ ra không mấy quan tâm đến tầm nhìn của những người tiền nhiệm về một quốc gia Palestine bên cạnh Israel.
Thừa nhận sự thất bại của Hiệp định Oslo, ông Store lập luận rằng Na Uy và các nước Âu Châu khác phải “nghĩ khác đi và hành động phù hợp” khi họ thúc đẩy giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times