Xuất thân từ thị nữ, bà trở thành nhà ngoại giao nữ đầu tiên của Trung Quốc
Một người phụ nữ mặc Hán phục, tay cầm Hán tiết, ngồi trên xe gấm tứ mã, thay mặt triều đình đến thuộc quốc (nước phụ thuộc) tuyên chiếu, đây là cảnh tượng mấy ngàn năm nay chưa từng có. Nàng vốn là một thị nữ, nhưng lại có thể bình định chiến loạn ở biên giới mà không cần đến một binh một tốt nào. Về sau, nàng được triều đình bổ nhiệm làm sứ thần chính thức, đi khắp Tây Vực và các nước khác nhau, công lao sánh như Tô Vũ.
Làm thị nữ của công chúa đi đến nước Ô Tôn
Vào thời nhà Hán, để chống lại tộc Hung Nô hung hãn tràn xuống phía nam, Hán Vũ Đế đã hòa thân với nước Ô Tôn, một nước hùng mạnh ở Tây Vực, kết thành liên minh chống lại Hung Nô. Được biết, hòa thân là một chính sách kết hôn chính trị của các quân vương Đông Á, khi quyết định gả con gái của chính mình hoặc nội tộc cho quân chủ nước khác để đổi lấy mối bang giao hữu hảo giữa hai nước.
Năm 101 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế đã gả Giải Ưu công chúa cho vua nước Ô Tôn. Phùng Liêu là thị nữ của công chúa, vậy nên đã đi theo công chúa hòa thân đến Ô Tôn xa xôi, tức lưu vực sông Y Lê, Tân Cương ngày nay.
Lúc đó, Phùng Liêu 14 tuổi, cùng với Giải Ưu Công chúa 17 tuổi thân như tỷ muội. Hai người khích lệ lẫn nhau, lập chí an cư ở Ô Tôn để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Là người thông minh, khéo léo, thiên tính cởi mở, Phùng Liêu có thể cưỡi ngựa trên thảo nguyên, ra vào lều trướng. Chỉ trong vài năm, nàng đã thông hiểu ngôn ngữ, văn tự và phong tục tập quán của Tây Vực.
Phùng Liêu tuy không xuất thân trong chốn hào môn, nhưng bản tính thông tuệ, nhạy bén, hơn nữa còn ham học hỏi, thông hiểu lịch sử Trung Quốc cổ đại và kinh điển Nho gia, rất giỏi viết chữ, nhất là Lệ thư.
Vì Phùng Liêu nói ngôn ngữ Ô Tôn rất trôi chảy, lại có thể giải quyết văn thư triều chính, vậy nên công chúa rất tín nhiệm nàng, thường để nàng đại diện cho Công chúa đi sứ các nước ở Tây Vực. Phùng Liêu vui vẻ lạc quan, đã tặng nhiều lễ vật của triều đình nhà Hán cho Quốc vương các nước, truyền bá rộng rãi vẻ đẹp của nền văn hóa và văn học nhà Đại Hán. Nàng thực khiêm cung nhã nhặn, phong thái đáng khen.
Vị nữ tử nhà Hán giỏi giang này rất nhanh đã khiến các nước ở Tây Vực khâm phục, nàng được tôn vinh là “Phùng phu nhân.” Các nước này đều kinh ngạc trước sự bác đại tinh thâm của văn hóa Đại Hán, rất nhanh đã liên minh với nước Ô Tôn, quy phục Vương triều Tây Hán, đồng lòng hợp sức chống lại Hung Nô.
Đại Tướng quân Ô Tôn Thạch ngưỡng mộ vẻ đẹp và tài năng của Phùng Liêu, nên đã cầu hôn nàng. Phùng Liêu mang chí giúp hai nước Hán – Ô kết mối bang giao thiên cổ, cho nên đã đồng ý hôn sự này. Kể từ đó, nhà Hán và nước Ô Tôn càng hòa hảo hơn. Các nước Tây Vực xung quanh đều không ngừng khen ngợi: “Công chúa nhà Hán dung mạo đẹp hơn thiên nga, đức thương dân như con được khắp thiên hạ truyền tụng.”
Nhận mệnh lúc lâm nguy, hóa binh đao thành gấm ngọc
Khi Nê Mỹ, vị phu quân thứ ba của Giải Ưu Công chúa lên ngôi Quốc vương nước Ô Tôn, liền hành động ngang ngược. Ông xưng hiệu là Cuồng Vương, vô cùng tàn bạo, xem người dân như cỏ rác. Giải Ưu Công chúa bí mật liên lạc với sứ giả nhà Hán để thiết lập “Hồng Môn yến,” trong bữa tiệc đó ám sát Cuồng Vương, nhưng mũi kiếm đi lệch, kết quả Cuồng Vương chỉ bị thương và trốn thoát.
Đại tướng Bắc Sơn Ô Tựu Đồ vốn mong chiếm đoạt ngai vàng nên đã nhân cơ hội truy sát Nê Mỹ, sau đó tự lập làm Quốc vương. Triều đình Đại Hán lại muốn con trai của Giải Ưu công chúa là Nguyên Quý Mỹ thừa kế vương vị.
Vì mẫu thân của Ô Tựu Đồ là người Hung Nô, nếu ông ta từ bỏ nhà Hán kết thân với Hung Nô, tất sẽ mang đến tai họa cho nước Ô Tôn. Hung Nô có thể lợi dụng tình hình, thâm nhập và đoạt lấy quyền kiểm soát Ô Tôn, từ đó gây nguy hiểm cho lợi ích của nhà Tây Hán ở Tây vực.
Do thế cục trong nước Ô Tôn thay đổi đột ngột, Hán Tuyên Đế khẩn cấp ra lệnh cho Phá Khương tướng quân Tân Vũ Hiền dẫn 15,000 quân tiến đóng ở Đôn Hoàng, chuẩn bị cho cuộc chiến sắp xảy ra.
Quân nhà Hán đi đường xa, bôn ba đến Tây Vực, không quen với nguồn nước và địa hình nên người kiệt sức, ngựa mệt mỏi, kết cục thực khó đoán. Đô hộ Tây Vực là Trịnh Cát kiến nghị lên triều đình, trước tiên phái Phùng Liêu đến đàm phán với Ô Tựu Đồ trước khi tiến đánh. Trịnh Cát đã nghe danh của Phùng Liêu từ lâu, hơn nữa, phu quân của Phùng Liêu và Ô Tựu Đồ lại có giao hảo thâm tình.
Phùng Liêu khẳng khái nhận mệnh, một mình vội vã đến doanh trại của Ô Tựu Đồ ở Bắc Sơn. Lúc đầu, Ô Tựu Đồ không thèm nhìn sắc mặt của Phùng Liêu, ra hiệu muốn mời nhà mẫu thân phái quân Hung Nô đến làm hậu thuẫn cho mình.
Phùng Liêu đi thẳng vào vấn đề, nói với Ô Tựu Đồ về nguy hại của việc phản loạn: “Ngài có biết đại quân Tây Hán đã đến đâu rồi không? E là lúc sứ giả ngài phái đi chưa tới được Hung Nô, thì đại quân Tây Hán đã tiêu diệt ngài rồi!”
Phùng Liêu dùng thuật cương nhu, đồng thời chỉ rõ lợi hại, nói: “Tướng quân vinh hiển bước lên vương vị, một tiếng hô có vạn người hưởng ứng, vốn là chuyện vui đáng chúc mừng. Tuy nhiên ngài thân thiết với Hung Nô mà rời xa Đại Hán, không quan tâm đến sự trợ giúp nhân nghĩa của Thiên tử nhà Hán đối với nước Ô Tôn trong nhiều năm nay, đây là đạo lý gì? Nay đại quân nhà Hán đóng ở Đôn Hoàng, với thực lực của Tướng quân, há chẳng phải là lấy trứng chọi đá sao?”
Ô Tựu Đồ bắt đầu dao động, nhưng vẫn ra vẻ kiên trì. Phùng Liêu hiểu lý do, nói rõ đại nghĩa với ông ấy: “Hán – Ô thân nhau như người một nhà, hai nước chiến tranh, bách tính lầm than, sinh linh đồ thán, tướng quân cũng tất sẽ thân bại danh liệt, có thể sẽ trở thành tội nhân thiên cổ của Ô Tôn. Mong rằng tướng quân, ngài hãy cân nhắc cẩn thận.”
Ô Tựu Đồ cuối cùng hạ giọng, tỏ vẻ nhượng bộ: “Ta không hề muốn kết giao với Hung Nô, chỉ muốn xưng Vương. Phu nhân nói rất có đạo lý, ta xin nhường ngôi cho Nguyên Quý Mỹ, nhưng xin phu nhân kiến nghị với Đại Hán cho ta một phong hiệu nhỏ.”
Với sự can đảm, tài trí cùng danh tiếng của mình, Phùng Liêu đã thuyết phục thành công Ô Tựu Đồ đầu hàng, tránh được một cuộc chiến đang cận kề, một phen binh loạn vô hình được hóa giải, sử gọi là “Phùng Liêu định cục.”
Ba lần đi qua con đường tơ lụa, công sánh với Tô Vũ
Khi biết Phùng Liêu đã thành công trong việc dẹp loạn, Hán Tuyên Đế vô cùng kinh ngạc trước lòng dũng cảm và tài năng của nàng, ông vui mừng triệu nàng về nước.
Từ đại mạc vắng vẻ đến Trường An huy hoàng, Phùng Liêu đã trở lại vương triều nhà Hán sau 40 năm xa cách biền biệt. Bách tính ở kinh đô tập trung đông đúc, văn võ bá quan cũng đều mong mỏi nghênh đón, mong được nhìn thấy phong thái của vị nữ sứ thần.
Phùng Liêu thuật lại với Hán Tuyên Đế quá trình đàm phán, đồng thời kiến nghị phong hiệu cho Ô Tựu Đồ để trấn an ông ấy. Hán Tuyên Đế khen ngợi lòng dũng cảm, trung thành và tầm nhìn xa của Phùng Liêu, phong làm Chánh sứ, đi đến Ô Tôn một lần nữa.
Thế là, Phùng Liêu cầm trong tay Hán tiết (là phù tiết do Hoàng đế ban), cưỡi xe gấm tứ mã, lại vượt qua hơn năm nghìn dặm đến nước Ô Tôn. Nàng đích thân triệu kiến Ô Tựu Đồ, tuyên đọc chiếu thư của nhà Hán, phong Nguyên Quý Mỹ là Đại Côn Di , Ô Tựu Đồ là Tiểu Côn Di, thực hiện lời hứa ban đầu với Ô Tựu Đồ.
Vào năm 51 trước Công nguyên, Nguyên Quý Mỹ bị bệnh qua đời, con trai là Tinh Mỹ (tức cháu của Giải Ưu) lên ngôi. Giải Ưu công chúa lúc này đã gần bảy mươi tuổi, bà nhung nhớ quê hương, tấu xin triều đình cho phép “lá rụng về cội.” Hán Tuyên Đế cảm thán công chúa phụng mệnh cống hiến, vì nước chia sẻ nỗi lo, 50 năm qua đều chưa từng bê trễ, liền phái người đón công chúa trở về. Phùng Liêu và công chúa thân thiết như tỷ muội nên cũng vinh quy cố quốc, nàng lúc ấy cũng đã già rồi.
Về sau, thế cuộc ở nước Ô Tôn lại trở nên hỗn loạn, Quốc vương Tinh Mỹ bản tính nhu nhược, không thể trị quốc. Phùng Liêu thân ở Trường An nhưng tâm luôn hướng ra nơi biên giới, bà đã viết thư dâng lên triều đình hy vọng lại được đi sứ để giúp việc triều chính.
Hán Nguyên Đế chuẩn tấu, phái một đội gồm 100 binh sĩ hộ tống Phùng Liêu, lúc này bà đã hơn 70 tuổi, lần thứ ba đi sứ đến Ô Tôn. Tại nước Ô Tôn, Phùng Liêu đã dùng uy tín và tài năng của mình thuyết phục các phe phái xóa bỏ hiềm khích, chân thành đoàn kết. Bà còn dạy Tinh Mỹ học Hán sử, điển tịch và đạo làm Vua, trợ giúp Tinh Mỹ an bang trị quốc. Ô Tôn nhờ vậy mà quốc thái dân an, mối bang giao hữu hảo giữa nhà Hán và Ô Tôn cũng được tiếp tục.
Phùng Liêu đã dành cả đời để duy trì hòa bình nơi biên cương nhà Hán, đem văn hóa truyền thống Trung Hoa truyền bá đến tận Tây Vực, công lao sánh như Tô Vũ (Tô Vũ là nhà ngoại giao thời Hán Vũ Đế (140 TCN-87 TCN), nổi tiếng qua điển tích Tô Vũ chăn dê).
Nhà sử học Thái Đông Phiên ca tụng bà rằng: “Nữ giới trung xuất thử kỳ anh, túc truyền thiên cổ” (Trong giới nữ nhi xuất hiện kỳ tài như vậy, đủ để truyền thiên cổ), đồng thời làm thơ ca ngợi:
Cẩm xa xuất tái tống nghênh mang
Chuyên đối trường tài thuộc nữ lang
Độc sử mạn khoa Tô Vũ tiết
Tu mi cân quắc tịnh lưu phương.
Tạm dịch:
Xe gấm biên thùy gửi lo mang
Một mình tài hoa, ấy nữ lang
Sử làu kinh thuộc khen Tô Vũ
Cùng đấng mày râu mãi truyền vang.
Tài liệu tham khảo:
“Hán thư – Tây vực truyện” của Ban Cố thời Hán;
“Hán thư Tây Vực truyện bổ chú” của Từ Tùng thời Thanh.
Tông Gia Tú thực hiện
Tô Minh Chân biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ