Nàng công chúa huyền thoại của triều đại nhà Đường
Trong số rất nhiều công chúa nhà Đường, ngoài công chúa Văn Thành vang danh thiên hạ, thì Hòa Chính cũng là một vị công chúa đặc biệt. Nàng xuất thân cao quý nhưng không vì đắc sủng mà sinh kiêu, ngược lại có nhiều mỹ đức. Hòa Chính công chúa được Đường Đại Tông xem là “báu vật quốc gia.” Nhan Chân Khanh, danh thần thời nhà Đường, còn đặc biệt viết văn bia cho nàng. Ông không tiếc dùng những lời khen ngợi trong văn chương của mình, nói rằng công chúa Hòa Chính là người “đức, ngôn, dung, công, nghĩa, nhân, hiếu, trung; ôn nhu, lương thiện, cung kính, khiêm hòa, kính trên nhường dưới, khoan dung, độ lượng” và “trên thân hội tụ nhiều đức tính tốt đẹp.” Công chúa Hòa Chính mang nhiều mỹ đức như thế, rốt cuộc đã lưu lại những câu chuyện gì?
Công chúa Hòa Chính (khoảng năm 729-764, cũng có người cho rằng nàng sinh năm 728), không rõ tên thật, là con gái thứ ba của Đường Túc Tông Lý Hanh. Mẫu thân của nàng là Chương Kính Thái hậu Ngô thị. Nàng và Đường Đại Tông Lý Dự là huynh muội cùng một mẹ thân sinh. Khi Thái hậu Ngô thị còn đang bọc trong tã vải, phụ thân bà từng làm quan ở đất Thục. Có đạo sĩ sau khi bói mệnh cho bà, ngạc nhiên nói: “Nữ nhân này cao quý vô cùng, tương lai sẽ sinh ra hai người con, con trai sẽ làm vua, con gái sẽ làm công chúa và được gả cho người họ Liễu.”
Đúng như lời đạo sĩ đã nói. Sau này, cha của Ngô thị phạm tội, nhà họ Ngô bị đày vào cung làm nô tì. Sau đó, bà được ban thưởng cho Lý Hanh, lúc đó còn là Trung Vương. Ngô thị lần lượt sinh được một trai, một gái. Con trai sau này là Đại Tông, con gái chính là Hòa Chính công chúa. Trong cõi u minh, quả nhiên là do trời định sẵn.
Khi công chúa Hòa Chính được ba tuổi thì mẫu thân qua đời. Nàng được đem đến cho Vi phi nuôi dưỡng trưởng thành. Khi còn nhỏ, Công chúa Hòa Chính rất thông minh và vô cùng hiếu thảo, đối với phụ thân càng hiếu thảo hơn. Nàng hầu hạ Vi phi như mẫu thân thân sinh nên được Lý Hanh rất yêu quý. Khi lớn lên, nàng không chỉ có dung mạo xuất chúng như đóa hoa phù dung mà còn thông minh, cơ trí, phẩm đức cao thượng.
Công chúa Hòa Chính còn đa tài đa nghệ, thích đọc sách, ham học hỏi, tín niệm Phật Pháp và nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Ngoài ra, đối với âm thanh của nhạc cụ hay kỹ xảo hội họa, hễ những thứ nàng đã từng mắt thấy tai nghe thì thảy đều không bao giờ quên.
Phu thê ân ái
Vào tháng Ba mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 9 (năm 750), nàng được phong làm quận chúa (năm Thiên Bảo thứ 14, nàng được sắc phong làm Công chúa) và được ban hôn sự, gả cho Liễu Đàm ở Hà Đông. Phò mã Liễu Đàm sinh ra trong gia đình nhiều đời làm quan, phụ thân Liễu Sầm làm quan đến chức Thông sự xá nhân, được phong làm Bí thư giám. Liễu Đàm có tướng mạo tuấn mỹ, tài hoa, hơn nữa còn có đức tính khiêm tốn, thiện lương hiếm có. Chàng ân cần với hạ nhân, có danh tiếng rất tốt trong những người đọc sách. Liễu Đàm từng giữ chức Hộ tào vương phủ, Tham quân, về sau được chọn làm Phò mã, phong làm Thái tử Tẩy Mã.
Sau khi Quận chúa Hòa Chính và phò mã thành hôn, hai người rất kính trọng nhau, tình cảm tốt đẹp. Họ có với nhau năm người con trai và ba con gái. Trong bài văn bia của Hòa Chính công chúa do Nhan Chân Khanh viết có nói: “Phụng Hoàng vu phi, ngô đồng thị y.” Ý rằng, phu thê ân ái giống như chim phụng và chim hoàng luôn bay lượn cùng nhau trên bầu trời, luôn cùng nương tựa vào nhau trên cây ngô đồng.
Thê tử của Liễu Trừng, anh trai Liễu Đàm, là Tần Quốc phu nhân, bát tỷ [em gái thứ tám] của Dương Quý phi. So với chị dâu Tần Quốc phu nhân thích ăn vận sang trọng, thì trang phục của quận chúa Hòa Chính lại không hề hoa lệ. Thế nhưng, dù không dùng kim ngọc, phỉ thúy làm trang sức, cũng khó lòng che giấu được vẻ diễm lệ của nàng. Tương truyền khi ở nhà, công chúa luôn đề cao đức tính cần kiệm, tự mình may y phục, con cái cũng không mang phục sức bằng tơ lụa.
Tôn kính quả tỷ, lễ nhường muội muội, thiện đãi điệt nhi
Vào năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), loạn An Sử xảy ra, Đường Huyền Tông và Thái tử Lý Hanh cùng hoàng thân quốc thích và đại thần chạy khỏi Trường An. Trên đường đi, quận chúa Hòa Chính gặp Ninh Quốc công chúa, tỷ tỷ cùng cha khác mẹ mới mất chồng. Ngựa của công chúa Ninh Quốc bị người dân cướp mất, nên chỉ có thể đi bộ, hơn nữa nàng còn đổ bệnh, trông rất thảm thương.
Quận chúa Hòa Chính liền bảo phò mã Liễu Đàm xuống ngựa và đem ngựa của chàng cho công chúa Ninh Quốc. Hơn nữa, nàng còn bảo ba người con còn nhỏ vốn cần mẹ chăm sóc xuống ngựa tự đi bộ, còn bản thân thì ở bên cạnh chăm sóc tỷ tỷ. Vì trong lòng cảm thấy có lỗi với phu quân, nên quận chúa Hòa Chính đi bộ cùng Liễu Đàm. Họ phải đi bộ hàng trăm dặm mỗi ngày, nhưng nàng không bao giờ kêu khổ. Ngược lại, trong lúc nghỉ ngơi, Liễu Đàm tự mình lấy nước chặt củi, còn quận chúa thì đích thân nấu cơm và hầu phụng Công chúa Ninh Quốc. Mỗi lần gặp phải tình huống nguy hiểm, quận chúa đều để tỷ tỷ đi trước, còn bản thân lưu lại sau cùng. Dưới sự chăm sóc của Quận chúa Hòa Chính và Liễu Đàm, Công chúa Ninh Quốc và họ đều bình an đến được nơi yên ổn.
Sau cuộc binh biến Mã Ngôi, Huyền Tông đến đất Thục; Lý Hanh đi về phía bắc thâu nhặt tàn binh bại tướng, đăng cơ ở Linh Vũ, trở thành Đường Túc Tông, tôn Huyền Tông làm Thái Thượng hoàng. Quận chúa Hòa Chính luôn theo hầu Đường Huyền Tông đi đến đất Thục. Ở đất Thục, nàng được tiến phong làm công chúa, Liễu Đàm được phong làm phò mã Đô úy, Ngân Thanh Quang lộc đại phu, Thái phó khanh. Sau khi đến đất Thục không lâu, họ phát hiện thủ lĩnh quân Thục là Quách Thiên Nhận đã làm phản, quân phản loạn còn bao vây họ. Công chúa Hòa Chính và Liễu Đàm dẫn đầu binh lính, cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ địch, cuối cùng chờ được quân tiếp viện đến.
Vào năm Chí Đức thứ hai (năm 757), sau khi thu phục Trường An, Huyền Tông và Túc Tông lần lượt trở về đô thành. Một ngày nọ, Hoàng đế Túc Tông lâm bệnh nặng, công chúa Hòa Chính luôn kiên trì ở bên cạnh hầu hạ, không chịu rời đi. Túc Tông rất cảm động, nói: “Lòng thuần hiếu của con đã đến mức như thế này.” Sau đó ông hạ chiếu, ban thưởng cho nàng trang viện, nhưng công chúa Hòa Chính lấy lý do muội muội là Bảo Chương công chúa chưa được ban thưởng để từ chối, hi vọng Túc Tông có thể ban thưởng cho muội muội. Túc Tông cảm động trước tâm ý của nàng, liền mang trang viện ban thưởng cho Bảo Chương công chúa.
Lúc đầu, chị dâu Tần quốc phu nhân dựa vào Dương phi đắc sủng, hành sự ra vẻ cao sang, nhưng công chúa Hòa Chính chưa bao giờ lợi dụng mối quan hệ này để mưu giành lợi ích cho bản thân. Trước loạn An sử, Tần quốc phu nhân bị bệnh qua đời, trượng phu của bà là Liễu Trừng cũng rời bỏ thế gian. Trước khi mất, Tần quốc phu nhân giao phó con trai mình cho vợ chồng Liễu Đàm, và công chúa Hòa Chính đã nuôi cháu trai như con đẻ của mình.
Trượng nghĩa chấp ngôn
Trong cung đình nhà Đường lưu hành hý kịch về tham quân. Hoàng thân quốc thích thường cùng nhau xem kịch. Trong các con hát diễn kịch, cũng có người là người nhà của tội nhân.
Một ngày nọ, trong cung lại biểu diễn hý kịch về tham quân. Trong số con hát có một người phụ nữ là thê tử của A Bố Tư. A Bố Tư vốn là người Hồi Hột, vì tội mưu nghịch nên bị xử tử. Thê tử của ông cũng bị đưa vào hậu cung, còn bị ép mặc y phục màu xanh lá cây để diễn kịch. Lúc đó, Công chúa Hòa Chính cũng đang ngồi dưới khán đài, nhưng nàng tiến lên can gián Túc Tông rằng: “Nếu A Bố Tư phạm tội mưu nghịch, thì thê tử của hắn không nên được tiếp cận Hoàng thượng. Nếu thê tử của hắn vô tội, thì không nên bắt ép như con hát, khiến nàng ấy xấu hổ trước mọi người, bị mọi người cười nhạo.” Đường Túc Tông cảm thấy lời nói này có lý nên miễn tội cho thê tử của A Bố Tư, cho nàng ta rời khỏi cung.
Quan tâm đến đại sự quốc gia, quyên góp tài vật trợ giúp đất nước
Loạn An sử dần lắng xuống, nhưng hậu quả mà chiến loạn để lại rất rõ ràng. Quốc khố trống rỗng, đất nước lâm vào cảnh nghèo túng. Công chúa Hòa Chính thông minh tài giỏi đã thông qua con đường buôn bán để kiếm tiền. Nàng quyên hàng ngàn vạn tiền, giúp quân Đường chống lại kẻ địch bên ngoài đang xâm phạm; lại quyên thêm ngàn vạn tiền giúp tu sửa Đế Lăng.
Vào năm Bảo Ứng thứ nhất (năm 762), Đường Huyền Tông và Đường Túc Tông lần lượt lâm bệnh băng hà, Đại Tông lên ngôi. Sau khi Đại Tông lên ngôi, công chúa Hòa Chính nhiều lần kể cho ông nghe về những đau khổ của thiên hạ cũng như sự hưng suy của đất nước. Đại Tông đều nghe và tiếp nhận. Một lần, Hoàng đế Đại Tông định ban thưởng cho công chúa vì gia đình nàng không giàu có, nhưng công chúa một lòng cự tuyệt.
Đại Tông rất tin tưởng muội muội tài năng của mình, nên thường thảo luận chuyện đại sự quân quốc với công chúa. Năm Quảng Đức thứ hai (năm 764), Thổ Phiên xâm lấn. Sau khi biết tin, công chúa lúc đó đang mang thai, bất chấp sự lo lắng và kiên quyết phản đối của Liễu Đàm, nàng kiên trì vào cung để bàn mưu phòng bị biên giới với Đại Tông. Nàng nói: “Việc của ca ca là việc của thiếp. Lẽ nào chàng không có ca ca sao?” Nàng phân tích ưu nhược điểm với Đại Tông và đề nghị phương án: “Vui vẻ khen thưởng thu nạp.”
Lúc đó là giữa mùa hè, do bôn ba đi lại các nơi nên thân thể công chúa Hòa Chính còn chưa hồi phục lại mang thêm bệnh. Mặc dù Đại Tông đã phái ngự y đến chẩn trị, nhưng sau khi công chúa sinh con thì qua đời. Lúc ấy nàng mới 36 tuổi, đó là ngày 25/06/764.
Những điều kỳ lạ xảy ra trước khi qua đời
Đại Tông nghe tin muội muội mình qua đời thì rất đau lòng, nói: “Muội muội này của trẫm là báu vật quốc gia do Thượng thiên ban tặng. Trẫm đã nghĩ đến việc sau này sẽ được hưởng phúc cùng muội muội, nhưng làm sao có thể ngờ được muội ấy ra đi như thế này? Tại sao ông trời lại tàn nhẫn như vậy? Làm sao trẫm có thể chịu đựng được?!” Vì vậy, Hoàng đế đã nghỉ triều ba ngày vì muội muội, còn khâm mệnh cho Nhan Chân Khanh, nhà thư pháp bậc thầy lúc bấy giờ soạn viết bài văn bia. Đến ngày 19/08/764, Hoàng đế cho hậu táng công chúa Hòa Chính ở Nghĩa Phong, huyện Vạn Niên, Trường An.
Liễu Đàm có mối tình cảm sâu đậm với công chúa nên cũng đau buồn không thôi, nước mắt giàn giụa, muốn đi theo thê tử yêu dấu của mình. Con cái của họ khóc lớn gọi mẫu thân. Mọi người trên dưới triều đình và dân chúng khi nghe tin, ai cũng nghẹn ngào rơi lệ.
Công chúa Hòa Chính lúc còn sống tín phụng Phật Pháp, từng nói với Liễu Đàm rằng: “Sinh tử là lẽ thường tình, bất quá chỉ là trước hay sau mà thôi. Nếu thiếp ra đi trước chàng, chàng nhất định phải mặc cho thiếp Đạo phục, mai táng thiếp trong Phật tự. Lúc chàng nhớ đến lời nói và hành động của thiếp, thì chính là hoài niệm về thiếp. Nếu chàng rời đi trước, thiếp nhất định sẽ thường đến quét dọn phần mộ của chàng.”
Trước và sau khi công chúa Hòa Chính qua đời, có rất nhiều sự việc linh dị đã xảy ra. Khi công chúa sắp trút hơi thở cuối cùng, thì ngựa của nàng cũng chết; con trâu kéo xe cho nàng quỳ trên đất rơi lệ, trong ba ngày không chịu ăn uống gì; trong trạng thái xuất thần, nàng nhìn thấy vài người hầu đã qua đời trước đó, trong tâm nàng biết mệnh của mình không còn bao lâu nữa.
Lời kết
Trong bài văn bia do Nhan Chân Khanh soạn viết, chúng ta có thể thấy một công chúa triều Đường cao quý, trang nhã, xinh đẹp, khoan dung, ôn nhu, hiền thục, thông minh, tài cán, có sức đảm đương và trách nhiệm. Dù thân là thê tử, mẫu thân, nữ nhi, hay là tỉ muội, nàng đều khiến người bên cạnh mình cảm nhận được sự nồng ấm. Một nàng công chúa triều Đường hội tụ nhiều mỹ đức như vậy đã để lại một trang quý giá trong lịch sử nhà Đại Đường, cũng trở thành huyền thoại của triều đại này. Ngay cả Nhan Chân Khanh cũng nói rằng, từ thuở niên thiếu, khi đọc sử thư, ông chưa bao giờ nhìn thấy một công chúa như Hòa Chính trong tất cả các triều đại.
Lữ Khôn, văn học gia thời nhà Minh, khi viết cuốn “Khuê phạm” cũng không ngớt lời khen ngợi công chúa Hòa Chính, nói nàng “thiện hạnh không thể diễn tả hết.”
Bốn năm sau khi công chúa Hòa Chính rời khỏi thế gian, vào năm 768, Liễu Đàm cũng qua đời, được ban chức Thượng thư Tả bộc xạ. Con trai trưởng của Liễu Đàm và công chúa là Liễu Thịnh làm quan đến chức Tướng tác Thiếu giám; con trai thứ hai là Liễu Vựng làm quan đến Ung vương phó; con trai thứ ba là Liễu Cảo kết hôn với công chúa Nghĩa Thanh, con gái của Đường Đại Tông; con trai thứ tư Liễu Dục lấy công chúa Nghi Đô, con gái Đường Đức Tông.
Tư liệu tham khảo:
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ