Người phụ nữ thuyết phục chồng gieo mình xuống sông tuẫn tiết vì nước
Nàng thuyết phục chồng noi gương Khuất Nguyên, tận lực giữ gìn khí tiết, rồi đẩy chàng nhảy xuống hồ cùng mình. Chồng nàng đưa tay vào nước thăm dò, rút ra và nói: “Hôm nay nước lạnh quá, để hôm khác quay lại.”
Nữ hiệp trong Tần Hoài lâu
“Ngã kiến thanh sơn đa vũ mị, liêu thanh sơn kiến ngã ứng như thị” (Tạm dịch nghĩa: Ta nhìn ngọn núi biếc đẹp vô cùng, chẳng biết ngọn núi ấy nhìn ta có như vậy chăng), đây là câu thơ của Tân Khí Tật. Vào cuối thời nhà Minh có một nữ tử tên là Dương Ái đã lấy hai chữ “Như Thị” trong câu thơ này làm hiệu. Nàng được khen ngợi là người đứng đầu trong “Tần Hoài Bát Diễm” (tám mỹ nhân bên bờ sông tần Hoài sống vào thời Minh mạt Thanh khởi), còn được gọi là Hà Đông Quân.
Liễu Như Thị là người Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, sống vào giữa thời Vạn Lịch cuối thời nhà Minh. Thuở nhỏ, nàng bị bán vào nơi ca kỹ, mười tuổi được nhận nuôi trong thanh lâu, tài nghệ xuất chúng.
Năm mười bốn tuổi, nàng được Đại học sĩ Chu Mỗ mua về làm thị thiếp. Sau khi được ông ưu ái đào luyện, nàng càng giỏi thơ văn, điêu luyện về thư pháp, tinh thâm vẽ tranh nhân vật và vẽ đơn sắc. Sau khi Chu Mỗ mất, Liễu Như Thị bị ép phải bỏ nhà ra đi, quay lại nghề cũ.
Liễu Như Thị, một nữ tử học rộng tài cao, nay phải lưu lạc trong giang hồ. Vào cuối thời nhà Minh, nền chính trị hủ hóa, nịnh thần lộng quyền. Lúc bấy giờ, nàng thường giao lưu thân thiết với những người nổi danh trong nhóm Phục Xã, Kỷ Xã, Đông Lâm, thường đàm luận về thời thế, hòa xướng thơ ca, được người đời gọi là “nữ hiệp.” Nàng cảm thán nói: “Nếu thân ta là nam tử, tất sẽ quên mình cứu nước, lấy thân báo quốc!”
Rất nhiều danh sĩ nổi tiếng đã cầu hôn nàng, nhưng nàng đều không ưng ý, nói rằng muốn lấy một nam nhân “bác học hiếu cổ, khoáng đại dật tài,” đồng thời tuyên xưng rằng: “Trên đời có một người bạn tri kỷ, chết không hối tiếc.”
Đẩy chồng xuống sông để tận trung
Vào năm Sùng Trinh thứ 15 (năm 1642), thủ lĩnh Đông Lâm là Tiền Khiêm Ích 60 tuổi bỏ qua những định kiến thế tục, dùng đại lễ kết hôn với Liễu Như Thị ở tuổi 24. Liễu Như Thị trở thành kế thất phu nhân. Tiền Khiêm Ích dặn dò gia nhân phải gọi Liễu Như Thị là “phu nhân,” không được gọi là “di thái” (tên gọi của thiếp, vợ lẽ). Bản thân Tiền Khiêm Ích kính trọng gọi Liễu Như Thị là “Hà Đông Quân.”
Tiền Khiêm Ích là một đại tài tử thời Minh, cũng là tàng thư gia (người sưu tập thư tịch) nổi danh nhất thời bấy giờ. Hai người có thể gọi là nam tài nữ sắc, tình đầu ý hợp. Sau khi thành thân với Liễu Như Thị, Tiền Khiêm Ích đã xây dựng một tàng thư lâu tinh mỹ, đặt tên là “Giáng Vân lâu,” bên trong trưng bày thư họa, thư tịch và đồ cổ mà ông sưu tập. Hai người thường ở trong Giáng Vân lâu nghiên cứu kinh sử, đối thơ so phú, Tiền Khiêm Ích thường chưa nói hết một câu hay thì Lưu Như Thị đã đối xong rồi.
Sau khi Sùng Trinh Đế treo cổ tự vẫn, quân Thanh chiếm được Bắc Kinh, Nam Kinh trở thành triều đình nhỏ của Hoằng Quang Đế nhà Nam Minh. Liễu Như Thị ủng hộ Tiền Khiêm Ích làm Thượng thư bộ Lễ cho nhà Nam Minh. Không lâu sau, quân Thanh tiến về phía Nam, áp sát dưới chân thành.
Liễu Như Thị khuyên chồng lấy quốc gia làm trọng, bảo vệ khí tiết của thần tử, nếu cần thì không nên tiếc mạng sống, lấy cái chết tuẫn tiết vì nước. Tiền Khiêm Ích trong lòng mơ hồ, không nói nên lời, bởi vì ông đã thương nghị xong với các đại thần về việc đầu hàng, nhưng chưa báo tin cho Liễu Như Thị.
Một ngày nọ, cả hai chèo thuyền trên Thượng Hồ. Liễu Như Thị tán thưởng khí tiết ái quốc của Khuất Nguyên khi gieo mình xuống nước, nàng khuyên Tiền Khiêm Ích noi gương Khuất Nguyên, làm gương cho thiên hạ, bảo vệ khí tiết. Tiền Khiêm Ích vẻ mặt do dự, muốn nói gì đó nhưng lại thôi, mãi cho đến tối muộn vẫn chưa đưa ra quyết định.
Liễu Như Thị chờ đợi một hồi, liền khoác lấy cánh tay của Tiền Khiêm Ích, kéo ông nhảy xuống hồ cùng mình. Tiền Khiêm Ích quơ tay vào trong nước, sau đó rút lên nói với Liễu Như Thị: “Hôm nay nước lạnh quá, để hôm khác quay lại.”
Một ngày khác, Liễu Như Thị chuẩn bị một bàn yến rượu thịnh soạn, rót rượu cho phu quân, sau đó tự mình nâng ly và uống hết một hơi. Nàng lại trịnh trọng thuyết phục: “Thân làm trọng thần của triều đình Đại Minh, quốc gia khó giữ được, chàng một mình sống tạm, sẽ bị thiên hạ chê cười!”
Tiền Khiêm Ích lại lần nữa trầm mặc không nói, nhưng nhìn thấy Liễu Như Thị xoay người lao về phía mặt sông, muốn lấy cái chết để tỏ nghĩa, ông vội vàng chạy đến ôm lấy và ngăn nàng lại.
Vào năm Thuận Trị thứ hai (năm 1645), Tiền Khiêm Ích dẫn bá quan đầu hàng nhà Thanh, Liễu Như Thị từ chối đi cùng, kiên quyết không làm thê tử của hàng quan.
Treo quan báo quốc
Sau khi đầu hàng nhà Thanh, Tiền Khiêm Ích trở thành Lễ bộ Thị lang kiêm Hàn Lâm học sĩ của triều Thanh, nhưng chịu ảnh hưởng của Liễu Như Thị, nửa năm sau ông cáo bệnh trở về Nam Kinh. Triều đình nhà Thanh không yên tâm, phái người theo dõi ông.
Vào năm Thuận Trị thứ tư (năm 1647), Tiền Khiêm Ích bị bắt giải về Bắc Kinh. Khi đó Liễu Như Thị đang ốm liệt giường nhưng vẫn liều mạng đi theo, quyết định viết thư lên triều đình, xin được chết thay cho Tiền Khiêm Ích. Nàng nói rằng nếu phu quân không thể tránh được họa này, bản thân sẽ chết cùng với ông ấy. Hai người họ một đường đi lên phương Bắc, trải qua rất nhiều gian khổ.
Sau khi cùng phu quân vào kinh, Liễu Như Thị tìm mọi cách để cứu chồng. Sau 40 ngày, Tiền Khiêm Ích được trả tự do. Sau đó không lâu, Tiền Khiêm Ích lại bị giam trong đại lao Kim Lăng vì dính líu đến nghi án phản Thanh. Liễu Như Thị bất chấp bệnh tật ốm đau, lại lần nữa bôn ba khắp nơi. Sau một năm, cuối cùng nàng đã cứu được Tiền Khiêm Ích, khi đó Liễu Như Thị mới 30 tuổi.
Tiền Khiêm Ích vô cùng biết ơn Liễu Như Thị, ông viết câu thơ “đỗng khốc lâm giang vô hiếu tử, tòng hành phó nạn hữu hiền thê” (tạm dịch: Khóc than Lâm Giang không con hiếu, khó nạn đồng hành có hiền thê), ca ngợi dũng khí dám đứng lên đối mặt với nguy hiểm của nàng.
Sau khi Tiền Khiêm Ích ra khỏi ngục, Liễu Như Thị khuyến khích ông liên lạc với nhóm người Trịnh Thành Công vẫn đang chống lại nhà Thanh. Về sau, nàng hỗ trợ Tiền Khiêm Ích trong các hoạt động ngầm phản Thanh phục Minh, đồng thời dùng toàn lực hỗ trợ, ủy lạo nghĩa quân kháng Thanh.
Mặc dù việc Tiền Khiêm Ích đầu hàng nhà Thanh bị hậu nhân trách cứ, nhưng hành động trung nghĩa của Liễu Như Thị và chí hướng phản Thanh phục Minh trong những năm cuối đời của Tiền Khiêm Ích đã phần nào giảm bớt ô danh “làm bề tôi hai lòng” của ông trong lịch sử.
Vào năm 1664, Tiền Khiêm Ích qua đời vì bệnh ở tuổi 82. Thi cốt chưa lạnh, người trong tộc sống cùng thôn đã tụ tập đông đảo trước cửa bắt Liễu Như Thị giao giấy tờ đất đai và toàn bộ gia sản, cả ngày không chịu rời đi. Bị mắc kẹt trong nhà và không thể chịu đựng được sự sỉ nhục, Liễu Như Thị đã kết dây lụa tự vẫn, qua đời ở tuổi 46.
Về sau, Tiền Khiêm Ích và Liễu Như Thị đều được người trong tộc di táng tại núi Ngu Sơn, Thường Thục, hai người được táng chung trong một huyệt. Liễu Như Thị được lập một ngôi mộ nhỏ cách đó trăm bước, trên tấm bia mộ nhỏ viết “Hà Đông Quân chi mộ.”
Liễu Như Thị có tài nghệ văn học phi phàm, tác phẩm phong phú, thư họa của nàng được các thế hệ sau trân quý sưu tầm. Thân trong loạn thế, nhưng trời sinh có khí chất thanh cao, tuy sa vào nơi khói bụi nhưng lại có thể tránh thói trăng hoa, không truy cầu bình an phú quý. Cuộc đời nàng toát lên nhân cách sáng ngời của người liệt nữ đức hạnh.
Lúc khốn cùng có thể thấy được tiết tháo. Khi quốc gia lâm nguy, hầu hết các sĩ đại phu bao gồm cả Tiền Khiêm Ích đều quỳ gối đầu hàng. Khí tiết của họ kém xa Liễu Như Thị. Vương Quốc Duy từng làm thơ ca ngợi Liễu Như Thị rằng:
“Mạc quái nữ nhi thái đường đột,
Kế môn triêu sĩ kỷ tu mi?”
Tạm dịch:
Đừng trách nữ nhi quá đường đột,
Kẻ sĩ kiên trung được mấy ai?
Tương truyền, trong di thư của mình, Liễu Như Thị đã dặn dò hậu nhân rằng, nàng muốn được an táng trong quan tài treo, tức là dùng dây thép buộc lửng trong huyệt mộ, rồi đặt quan tài trên đám dây thép ấy, ý tứ là: mảnh đất dưới chân nàng đã không còn là đất của cố quốc, nàng có nhắm mắt xuôi tay cũng không chạm vào đất của kẻ thù.
Tài liệu tham khảo:
Tông Gia Tú thực hiện
Tô Minh Chân biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ