Xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm bảy tháng liên tiếp
Xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã sụt giảm trong bảy tháng liên tiếp. Các phân tích cho thấy xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn khi mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 07/03 cho thấy tổng giá trị thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong hai tháng đầu năm nay là 702.98 tỷ nhân dân tệ (khoảng 102 tỷ USD), giảm 10.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2022).
Trong số đó, xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ là 494.11 tỷ nhân dân tệ (khoảng 71.7 tỷ USD), giảm 15.2%, trong khi nhập cảng từ Hoa Kỳ là 208.87 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30.3 tỷ USD), tăng 2.8%.
Mức sụt giảm đáng kể trong hoạt động xuất cảng này đã làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ xuống còn 285.24 tỷ nhân dân tệ (41.4 tỷ USD), giảm 24.9% so với năm ngoái.
Xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã trải qua bảy tháng suy giảm liên tiếp, và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Theo Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, giá trị xuất cảng của nước này sang Hoa Kỳ đã giảm 3.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào thời điểm tháng Tám.
Trong khi đó, mức suy giảm xuất cảng sang Hoa Kỳ này đã tiếp tục gia tăng trong ba tháng tiếp theo, lần lượt là 11.6% trong tháng Chín, 12.6% trong tháng Mười, và 25.4% trong tháng Mười Một. Tuy nhiên, đến tháng Mười Hai mức suy giảm này đã có chút khởi sắc thay vì lao dốc thêm, ở mức 19.5%.
Sự sụt giảm trong xuất cảng của Trung Quốc đặc biệt thể hiện rõ trong giá cước vận tải container.
Theo Chỉ số Giá cước Vận tải Container Thế giới (World Container Index, WCI) do Drewry, một công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải có trụ sở tại Vương quốc Anh, công bố, giá cước vận tải container đã giảm trong hơn một năm qua, với mức giảm mạnh sau tháng Tám năm ngoái.
Chỉ số hôm 09/03 đã cho thấy giá cước một container 40 feet (khoảng 67.634 mét khối) từ Thượng Hải đến Los Angeles và New York lần lượt là 1,916 USD và 2,707 USD, giảm 83% và 79% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo bản tin hôm 02/03 của Wall Street Journal, lưu lượng truy cập từ các cảng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, vì “các container rỗng chất thành chồng cao sáu chiếc và các xe tải không có hàng nằm rải rác trên xa lộ dẫn đến các cảng chính. [Và] nhà điều hành tàu container lớn nhất thế giới đang dự trù trả lại hàng chục tàu thuê cho chủ sở hữu của họ.”
Dữ liệu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hồi tháng trước (02/2023) đã cho thấy Mexico, Canada, và Nhật Bản là ba quốc gia hàng đầu có tổng kim ngạch xuất cảng kỷ lục sang Hoa Kỳ vào năm 2022, trong đó Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ tư từ vị trí số một vào năm 2020.
Một báo cáo (pdf) do Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc công bố hôm 28/02 cho thấy rằng Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Quốc, và việc xuất cảng sang Hoa Kỳ suy yếu đã cản trở nghiêm trọng đến tăng trưởng xuất cảng chung của Trung Quốc.
Phân tích của báo cáo nói trên cho biết xu hướng này có thể sẽ tăng lên trong tương lai do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự tách rời chuỗi cung ứng công nghiệp khỏi Trung Quốc, và các công ty chuyển sản xuất ra khỏi nước này, tất cả sẽ dẫn đến một sự sụt giảm trong xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã bán công trái của Hoa Kỳ trong năm tháng liên tiếp. Dữ liệu đã được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố hồi giữa tháng Hai và được Nikkei Asia trích dẫn cho thấy lượng công khố phiếu mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống còn 867 tỷ USD hồi cuối tháng Mười Hai năm ngoái, mức thấp nhất trong 12 năm. Năm ngoái, họ đã bán lượng công khố phiếu Hoa Kỳ trị giá 173.2 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước đó (2021).
Liên quan đến hành động giảm nợ Hoa Kỳ của Bắc Kinh, ông Thi Tiến (bí danh), một cựu nhà phân tích tài chính tại Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, nói rằng hành động này có thể là một biện pháp phòng ngừa trước các lệnh trừng phạt có thể có của Hoa Kỳ và đa dạng hóa rủi ro tài chính.
Hôm 13/03, ông nói với The Epoch Times rằng chứng khoán nợ có một tỷ lệ hoàn vốn cao và được chính phủ liên bang Hoa Kỳ bảo đảm, cho nên đây thực sự là một phương thức đầu tư ổn định. Tuy nhiên, khi mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc tiếp tục xấu đi, thì Bắc Kinh lo ngại rằng Hoa Thịnh Đốn có thể sẽ áp dụng các hạn chế đối với các khoản nợ Hoa Kỳ mà họ nắm giữ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt này.
Bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc đã đạt đến một mức thấp chưa từng có sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc gần đây. Một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hôm 07/03 cho thấy chỉ có 15% người Mỹ có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times