Các chuyên gia kinh tế: Muốn chuyển ngành công nghiệp ra khỏi Trung Quốc, Hoa Kỳ cần đổi mới theo định hướng quốc phòng
Phân tích của một nhà kinh tế làm nảy sinh quan điểm trái chiều trong các nhà kinh tế khác
Có một sự thật đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi ở Hoa Thịnh Đốn: Sức mạnh quân sự và năng lực sản xuất của Trung Quốc là những thách thức kép mà Hoa Kỳ phải đối mặt.
Nhà kinh tế David Goldman muốn giải quyết cả hai vấn đề này cùng nhau thông qua chính sách công nghiệp mạnh mẽ được hậu thuẫn bằng chi tiêu quốc phòng thông minh — nhưng phân tích của ông đã vấp phải sự hoài nghi trong các nhóm khác.
Ông Goldman nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/04: “Cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng sẽ phá sản thôi.”
Ông trích dẫn thâm hụt thương mại lâu dài của đất nước, vốn đã gia tăng trong nhiều thập niên khi Hoa Kỳ tiếp tục nhập cảng nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn là xuất cảng.
Ông Goldman lo lắng về vị thế tài sản ngoại quốc ròng của đất nước. Tính đến quý 4/2022, người dân Mỹ đã phải gánh chịu khoản nợ ngoại quốc hơn 16 ngàn tỷ USD.
Ông nói, “Chúng ta lấy hàng hóa của mọi người và trả cho họ tiền của chúng ta. Có một giới hạn tự nhiên về việc quý vị có thể làm điều đó trong bao lâu. Tại một thời điểm nào đó, mọi người sẽ không thể lấy tiền của chúng ta nữa.”
Bài báo mới của kinh tế gia này về sản xuất trong nước là bài mới nhất trong loạt bài “Provocations” (Những Lời Khiêu Khích) từ Trung tâm Lối sống Hoa Kỳ của Viện Claremont.
Ông Goldman nổi tiếng với chuyên mục dài kỳ dưới bút danh “Spengler”* trên tờ Asia Times, một lợi thế giúp ông theo dõi sát sao sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhà kinh tế này chỉ ra những dấu hiệu gần đây về sức mạnh địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ngay cả khi Hoa Kỳ hết mực phản đối, như chuyến thăm của Tổng thống Brazil Lula tới một cơ sở của Huawei ở Thượng Hải và vai trò của Bắc Kinh trong việc môi giới một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran.
Huawei đang xây dựng Neom City, một thành phố thông minh ở Saudi Arabia gần Biển Đỏ.
Ông Goldman cho biết: “Sức mạnh kinh tế mà Trung Quốc sử dụng thông qua cỗ máy xuất cảng của họ đang mang lại cho nước này một chuỗi thành công về mặt ngoại giao, và điều đó làm suy giảm sức mạnh của Mỹ.”
Ông nói thêm, “Nếu những xu hướng này tiếp tục, thì cuối cùng chúng ta sẽ giống như Vương quốc Anh, đóng vai trò như một cường quốc đế quốc cũ so với Hoa Kỳ, với Trung Quốc ở vị trí của Hoa Kỳ.”
Spengler chống suy giảm
Làm thế nào ông Goldman có thể ngăn ngừa được, hoặc ít nhất là ngăn chặn được, sự suy tàn của Hoa Kỳ?
Một phần của giải pháp này sẽ là trợ cấp cho một công ty Mỹ tương đương với Huawei.
Theo một số cách, việc trợ cấp này có thể là một kiểu quay trở lại thời kỳ đỉnh phong. Cách đây không lâu, Hoa Kỳ đã mang đến cho thế giới Bell Labs, một tác nhân mang lại sự đổi mới mạnh mẽ trong suốt thế kỷ 20.
Ông Goldman tuyên bố một loại kém hiệu quả kinh tế nào đó đã khiến cho việc trợ cấp này trở nên khả thi.
Ông nói với The Epoch Times, “Chính phủ đã trao cho AT&T trạng thái độc quyền. AT&T tính phí dịch vụ điện thoại quá cao. Và điều đó đã cho phép AT&T tài trợ cho Bell Labs.”
Việc chia nhỏ Ma Bell (tập đoàn do AT&T dẫn đầu, nắm giữ độc quyền theo chiều dọc đối với các sản phẩm và dịch vụ viễn thông ở hầu hết các khu vực của Hoa Kỳ và Canada trong vòng hơn 100 năm) do chính phủ khởi xướng đã tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo kỹ sư Michael Noll và các nhân viên cũ khác của Bell, việc chấm dứt độc quyền của AT&T khiến việc tạo thuận lợi cho các chương trình nghiên cứu căn bản, tầm xa dẫn đến các phát minh như bóng bán dẫn và tế bào quang điện trở nên khó khăn hơn.
Ông Goldman ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển của chính phủ, tập trung vào khoa học căn bản chứ không phải chú tâm vào việc chọn người thắng kẻ thua trên thị trường — một nhiệm vụ mà ông cho là phù hợp nhất với khu vực tư nhân.
Không giống như những người ủng hộ chính sách công nghiệp khác, bao gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump, ông Goldman không phải là người thích áp dụng thuế quan.
Ông nói, “Thuế quan là một hình thức trợ cấp rất rộng và tôi nghĩ đó là một hình thức tệ hại,” đồng thời lập luận rằng chính sách thuế quan của ông Trump đã thất bại.
Giáo dục Mỹ là một trong những mục tiêu khác của ông Goldman.
Ông nói, “Giáo dục kỹ thuật của chúng ta kém một cách đáng báo động,” đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc đào tạo ra nhiều chuyên ngành kỹ thuật hơn Hoa Kỳ.
Trong khi đó, những bộ óc trẻ sáng suốt nhất của Mỹ quốc thì lại chạy theo đồng tiền.
Theo lời của một người dùng Twitter ẩn danh, “hầu hết tất cả những người thông minh nhất mà tôi từng biết ở trường đại học, những người mà nếu ở vào thế kỷ 19 thì sẽ cai trị các thuộc địa, đang làm những công việc nhẹ nhàng (email-job) hoặc lập trình tại một công ty khởi nghiệp phần mềm tìm phối ngẫu cho chó cưng (Tinder-for-dogs).”
Ông Goldman cho biết: “Những đứa trẻ thông minh nhất sẽ đến các công ty công nghệ lớn (Big Tech), nơi chúng hy vọng trở thành triệu phú vào năm 26 tuổi.”
Ông muốn khuyến khích giáo dục khoa học và kỹ thuật bằng cách khôi phục Đạo luật Giáo dục Quốc phòng năm 1958, một đạo luật được thúc đẩy bởi việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik và những lo ngại liên quan về nguồn nhân lực trong ngành kỹ thuật của quốc gia.
Ông Goldman cũng sẽ tăng số lượng nhân viên công xưởng lành nghề thông qua hệ thống học việc được mô phỏng theo các hệ thống ở Đức, Thụy Sĩ, và Scandinavia.
Ngoài việc củng cố nguồn nhân lực Mỹ, ông sẽ thay đổi luật thuế để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thâm dụng vốn.
Sản xuất là một lĩnh vực đặc biệt thâm dụng vốn; sản xuất đòi hỏi rất nhiều hàng hóa vật chất thực sự, những thứ như máy móc và nhà máy sản xuất.
Ông Goldman nói với The Epoch Times: “Phải mất nhiều năm để trả hết nợ đầu tư vào thiết bị thâm dụng vốn, điều gây cản trở lớn đối với các công ty đang cố gắng đầu tư vào lĩnh vực đó.”
Ông cũng cho rằng môi trường pháp lý nghiêm ngặt của Hoa Kỳ cản trở hoạt động sản xuất trong nước.
‘Chiến tranh là cha của vạn vật’
Chi tiêu quốc phòng, có lẽ là cái gai sắc nhọn nhất của loạt bài “Provocations”, là trọng tâm trong kế hoạch tái thiết ngành sản xuất Hoa Kỳ của ông Goldman.
Ông viết: “Ở đỉnh điểm của Chiến Tranh Lạnh vào cuối những năm 1970 và 1980, chính sách quốc phòng đòi hỏi một loạt các đổi mới trong các hệ thống vũ khí yêu cầu phải khám phá ra các công nghệ mới.”
Nhiều công nghệ kỹ thuật số quan trọng, đặc biệt là Internet, đã bắt đầu với sự trợ giúp của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tân tiến (DARPA).
Ông Goldman tin rằng chi tiêu quốc phòng thông minh có thể giúp Mỹ đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất ở những giới hạn xa xôi của khoa học kỹ thuật.
Ông tóm tắt lời kêu gọi đổi mới dựa vào quốc phòng của mình bằng một câu nói của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus: “Chiến tranh là cha đẻ của vạn vật.”
Quan điểm đó nghe không hợp lý với kinh tế gia Marshall Auerback.
Ông Auerback, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bard, đã viết về chính sách công nghiệp cho American Compass và các hãng thông tấn khác.
Trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times hôm 18/04, ông đã trích dẫn nghiên cứu của kinh tế gia Seymour Melman, người đã cảnh báo về những nguy cơ của nền kinh tế quân sự.
Đáng chú ý, nhiều nhà phân tích tin rằng phản ứng với COVID-19 đã đặt nền kinh tế Hoa Kỳ vào thế giống như chuẩn bị cho chiến tranh.
Ông Auerback đặt câu hỏi về hiệu quả và lợi ích kinh tế rộng lớn hơn của chi tiêu quốc phòng.
Ông Auerback nói với The Epoch Times: “Hầu hết các dự án vũ khí hiện nay đều cần tương đối ít nhân lực. Thay vào đó, một phần không cân xứng được bòn rút vào R&D chi phí cao (từ đó nền kinh tế dân sự được hưởng lợi rất ít), chi phí quản lý cao ngất ngưởng, chi phí chung cao, và những chi phí không cần thiết khác, gồm cả tiền chảy ngược vào các chiến dịch chính trị.”
Ông thừa nhận rằng bất kỳ sự thúc đẩy thành công nào cho một chính sách công nghiệp đều cần có một lý do chính đáng phần nào dựa trên an ninh quốc gia, “đặc biệt là giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa.”
Ông nói thêm: “Quý vị sẽ không nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trừ phi quý vị đưa được Đảng Cộng Hòa vào cuộc.”
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times hôm 21/04, ông Goldman cho biết ông Auerback “chắc chắn đúng khi cho rằng có nhiều cách phân bổ kinh phí R&D hiệu quả hơn công nghệ quân sự.”
Tuy nhiên, “như một vấn đề thực tế, chúng tôi chưa bao giờ làm đúng bất cứ điều gì khác. Thời đại kỹ thuật số là đứa con của DARPA và Chiến Tranh Lạnh.”
Ông nói thêm: “Chúng ta chưa bao giờ làm được bất cứ điều gì vĩ đại thực sự mà không có động lực về không gian [hoặc] quốc phòng.”
Thuế, thuế quan, và chủ nghĩa công nghiệp thức tỉnh
Giống như ông Goldman, ông Auerback cho rằng chi tiêu căn bản cho R&D của liên bang có thể tăng lên.
Ông cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tiếp tục thuê ngoài sản xuất ở Trung Quốc hay Á Châu nói chung, một phần do nguy cơ đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông nói: “Rủi ro này đặc biệt đúng trong lĩnh vực xe hơi, nơi cơn sốt điên cuồng đối với xe điện cuối cùng sẽ phá hủy Detroit.”
Ông Auerback khác với ông Goldman khi nói đến thuế quan và thuế. Ông nói với The Epoch Times rằng ông sẽ nhắm mục tiêu đánh thuế vào các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở ngoại quốc.
Đối với thuế quan, ông Auerback lập luận rằng thương mại tự do chính thống ở Mỹ là một điều gì đó ngẫu nhiên trong lịch sử.
Ông Auerback nói, “Ý tưởng loại bỏ thuế quan của mọi người thay vì cho phép tiếp cận thị trường trên cơ sở từng trường hợp cụ thể dường như là đến từ phe Wilson của Đảng Dân Chủ do ông Cordell Hull, thượng nghị sĩ tiểu bang Tennessee, người sau này trở thành Ngoại trưởng của FDR (cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt) trong 11 năm, lãnh đạo.”
Ông nói thêm: “Ông Hull và những người miền Nam khác luôn ủng hộ thương mại tự do vì họ không có ngành nào cần sự bảo vệ cho khu vực công nghiệp non trẻ và muốn bán bông, đậu nành, thịt bò, và bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào khác cho thị trường của các đế chế Âu Châu.”
Thật vậy, xung đột về thuế quan giữa các nơi đã góp phần gây ra cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.
Thương mại tự do khởi sắc ngay sau Đệ nhị Thế chiến khi nền kinh tế Hoa Kỳ hầu như là duy nhất trong số các quốc gia phát triển chưa bị thiệt hại quá nhiều để có thể cung cấp hàng sản xuất cho thế giới.
Ông Auerback mô tả giai đoạn hiện tại là “thử nghiệm 40 năm của Reagan-Thatcher với chủ nghĩa tư bản không được quản lý,” một thử nghiệm mà ông tin rằng phải kết thúc.
Ông đã không giới hạn sự chỉ trích của mình chỉ ở Đảng Cộng Hòa và phái bảo tồn truyền thống.
Ông nói, “Các thành viên Đảng Dân Chủ phải cẩn thận để không sử dụng tiêu chí đánh giá của chính sách công nghiệp quốc gia như một cái cớ để gán cho một loạt những sở thích chính trị của riêng họ, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em, hoặc các quy định ‘công bằng’ bắt buộc (rất có hại cho chính sách công nghiệp tốt).”
Thương mại chia rẽ các nhà tư tưởng
Một thách thức căn bản hơn đối với cả ông Goldman và ông Auerback đến từ những người ủng hộ thương mại tự do.
Một người là ông Donald Boudreaux, một kinh tế gia tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason.
Trong một bức thư gửi cho Trung tâm Lối sống Hoa Kỳ của Viện Claremont, ông mô tả bài viết của ông Goldman là “sự giẫm đạp bằng hiểu biết sai lầm kinh tế và những sai sót về thực tế.”
Ông Boudreaux chỉ ra rằng tài sản ròng của người Mỹ đã tăng lên đáng kể trong nhiều thập niên, ngay cả khi Hoa Kỳ liên tục chịu thâm hụt thương mại.
Sự khởi đầu của thời kỳ đó trùng hợp với sự trỗi dậy của Nhật Bản với tư cách là một cường quốc sản xuất — một cường quốc mà giống như Trung Quốc, từng được dự báo là sẽ gây ra mối đe dọa kinh tế lớn.
Ông Bryan Riley, giám đốc Sáng kiến Thương mại Tự do của Hiệp hội Người nộp thuế Quốc gia, nói với The Epoch Times rằng sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng nhập cảng là một vấn đề có tính chất hai mặt.
Ông nói trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times hôm 19/04: “[Điều đó] cũng có nghĩa là các nhà cung cấp ngoại quốc phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ để đạt được thành công. Và có một sự khác biệt lớn giữa ‘sự phụ thuộc’ và việc chỉ đơn giản chọn nhập cảng một số sản phẩm nhất định vì làm như vậy tiêu tốn một lượng tiền hợp lý hơn.”
Trong khi ông Goldman tuyên bố rằng chính sách công nghiệp của Mỹ đang khiến thu nhập thực tế giảm, thì ông Riley trích dẫn dữ liệu từ cả Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và Cục Dự trữ Liên bang cho thấy thu nhập có xu hướng tăng lên trong những thập niên gần đây, ngay cả khi các chính sách thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực.
Dữ liệu CBO kết thúc vào năm 2019. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, kết thúc vào năm 2022, cho thấy thu nhập cá nhân khả dụng thực tế giảm từ năm 2021 trở đi — khoảng thời gian trùng khớp với hầu hết thời gian diễn ra phản ứng với COVID-19, cũng như phát sinh chi tiêu của Quốc hội trong thời kỳ đại dịch và nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden.
Những lời cảnh báo của ông Goldman về mối nguy lâu dài của việc đổi tiền Mỹ lấy hàng hóa ngoại quốc cũng không làm ông Riley bối rối.
Ông nói: “Nếu khách hàng ngoại quốc chọn đầu tư tiền của họ vào Hoa Kỳ vì chúng ta là nơi trú ẩn an toàn hoặc vì chúng ta cung cấp môi trường đầu tư tuyệt vời hoặc vì họ muốn mua công khố phiếu của Hoa Kỳ, thì chúng ta được hưởng lợi. Nếu họ muốn mua hàng xuất cảng của Hoa Kỳ, thì chúng ta được hưởng lợi. Ý tưởng rằng chúng ta được hưởng lợi nếu người ngoại quốc mua hàng xuất cảng của Hoa Kỳ mà không được lợi khi họ đầu tư vào nền kinh tế của chúng ta là sai lầm.”
Ông Riley cũng đặt câu hỏi về đề nghị của ông Goldman nhằm thúc đẩy đầu tư vào quốc gia thông qua các khuyến khích ưu đãi nhằm vào các quỹ hưu trí.
Ông nói, “Theo luật, các quỹ hưu trí được yêu cầu phải hoạt động hoàn toàn vì lợi ích của những người tham gia và những người thụ hưởng kế hoạch hưu trí. Chính phủ không nên làm suy yếu khả năng đầu tư tiền của các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ hưu trí khi họ thấy thích hợp mà không quan tâm đến việc một số nhà vận động hành lang ở Hoa Thịnh Đốn nghĩ rằng tiền của họ nên được đầu tư như thế nào.”
Những lo ngại về việc nghĩa vụ ủy thác của các nhà quản lý lương hưu có thể xung đột như thế nào với một dòng đầu tư cụ thể của các bên liên quan — chẳng hạn như, ESG — đã thúc đẩy các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và Thượng viện dẫn đầu một nghị quyết chung thể hiện sự không đồng tình với một quy tắc về ESG của Bộ Lao động của Tổng thống Biden.
Ông Biden đã lần đầu tiên chấp bút phủ quyết khi bãi bỏ dự luật đó. Các thành viên Đảng Cộng Hòa sau đó đã không vượt qua được rào cản yêu cầu đa số 2/3 trong Hạ viện, mà lẽ ra đã có thể giúp họ bỏ qua quyền phủ quyết của ông Biden.
Ông Riley đồng quan điểm với ông Goldman về giáo dục, thuế, và các quy định. Tuy nhiên, về thương mại và chi tiêu do chính phủ chỉ thị, thì có khoảng cách không nhỏ giữa hai người này.
Ông Riley nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên trao cho chính phủ liên bang nhiều quyền lực hơn nữa để chuyển các nguồn lực sang cho các nhóm lợi ích chính trị đầy quyền lực dựa theo sức mạnh vận động hành lang của họ, hoặc để chọn lựa người thắng kẻ thua.”
Trong thư điện tử ngày 21/04 của mình, ông Goldman nhắc lại rằng chính phủ không được tham gia vào việc lựa chọn người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong lĩnh vực thương mại, “ngoại trừ một số lĩnh vực có tầm quan trọng rõ rệt [về an ninh quốc gia], ví như vi mạch bán dẫn.”
Chú thích:
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times