6 điểm đáng chú ý từ cuộc tranh biện đầu tiên giữa TT Biden và cựu TT Trump trong năm 2024
Nhập cư, phá thai, và kinh tế là một trong những chính sách hàng đầu được hai ứng cử viên nêu bật trong cuộc tranh biện gay gắt này.
Tổng thống (TT) Joe Biden và cựu TT Donald Trump đã trình bày nhiều tầm nhìn và quan điểm cạnh tranh nhau về một loạt các vấn đề trong cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên do CNN tổ chức hôm 28/06.
Mặc dù cuộc tranh biện đôi khi bị ngắt quãng bởi những lập luận công kích cá nhân và những phản ứng mang tính thăm dò, nhưng hai đề cử viên tổng thống tương lai này cũng đã tranh biện về các chính sách quan trọng, từ nhập cư đến phá thai, nhằm tìm cách gây ảnh hưởng đến những cử tri chưa đưa ra quyết định trong một cuộc đua mà các cuộc thăm dò cho thấy là rất sít sao.
Dưới đây là một số điều rút ra được từ cuộc tranh biện này.
Vấn đề phá thai
Phá thai đã và đang là một điểm mấu chốt trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 trong bối cảnh TT Biden tìm cách nhấn mạnh vai trò của cựu TT Trump trong việc bãi bỏ án lệ Roe kiện Wade.
Sau khi gần đây Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ một thách thức đối với thuốc phá thai gửi qua đường bưu điện, cựu TT Trump cho biết ông sẽ không chặn việc tiếp cận loại thuốc này. Ông cũng cho biết ông “tin rằng có những trường hợp ngoại lệ” đối với việc phá thai, bao gồm loạn luân, cưỡng gian, và bảo vệ mạng sống của người mẹ.
Cựu TT Trump kêu gọi [trao quyền quyết định] tính hợp pháp của việc phá thai trở lại các tiểu bang. Sau đó, ông cáo buộc rằng TT Biden ủng hộ luật “cực đoan” về phá thai khi cho phép thực hiện thủ thuật này vào tháng thứ chín của thai kỳ.
TT Biden trả lời: “Chúng tôi không ủng hộ việc phá thai muộn, thế thôi, chỉ thế thôi.”
Tổng thống liên kết sự kết thúc của án lệ Roe kiện Wade với lệnh cấm phá thai sau 6 tuần hiện nay ở Florida.
Ông cho rằng sau sáu tuần, “Quý vị thậm chí không biết bản thân mình có thai hay không, nhưng quý vị không thể khám bác sĩ và để bác sĩ quyết định hoàn cảnh của quý vị ra sao, liệu quý vị có cần giúp đỡ hay không.”
Cả hai ứng cử viên đều nói rằng sẽ cứng rắn về vấn đề biên giới
TT Biden và cựu TT Trump đều ca ngợi thành tích của họ về an ninh biên giới và nhập cư.
TT Biden đề cập đến thỏa thuận nhập cư được ông đề nghị, mà trước đó đã bị Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện chặn lại. Ông nói rằng thỏa thuận này bao gồm những loại máy móc để phát hiện fentanyl trên đường vượt qua biên giới phía Nam của Hoa Kỳ.
“Chúng ta cần những loại máy móc đó,” ông nói.
Cựu tổng thống cáo buộc đối thủ của ông đã “mở cửa biên giới” và chỉ đến bây giờ, khi gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên, thì đối thủ của ông mới “cố gắng cứng rắn một chút về vấn đề biên giới.”
Ông cũng gợi ý rằng các chính sách nhập cư của TT Biden là nhằm tăng lượng cử tri.
Mặc dù đôi khi không đề cập đến các chi tiết cụ thể, nhưng vị cựu tổng tư lệnh vẫn giữ nguyên nội dung các bình luận liên quan đến vấn đề biên giới của mình trong quá trình vận động tranh cử.
Khi ký giả Jake Tapper của CNN hỏi về cam kết mà ông thường nhắc lại nhiều lần là thực thi chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc, cựu tổng thống đã không thay đổi lập trường.
Ukraine và Israel là hai vấn đề nổi bật trong phần thảo luận về chính sách đối ngoại
Chính sách đối ngoại là một chủ đề lớn khác.
TT Biden cho rằng “chỉ có Hamas” tìm cách tiếp tục cuộc chiến với Israel. Ông cho biết đề nghị hòa bình gồm ba giai đoạn của ông đã nhận được sự ủng hộ từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức khác.
Quay trở lại một chủ đề thường xuyên trong chiến dịch tranh cử, cựu TT Trump cho biết cuộc tấn công của Hamas vào ngày 07/10/2023 lẽ ra sẽ không xảy ra dưới nhiệm kỳ của ông.
Ông cũng nói điều tương tự về cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, giai đoạn mới nhất của cuộc xung đột bắt đầu bằng việc Nga xâm lược nước láng giềng này hồi tháng 02/2022.
TT Biden cáo buộc cựu TT Trump đã tìm cách rời khỏi NATO.
Cựu TT Trump bị hỏi dồn là liệu ông có chấp nhận đề nghị hòa giải của TT Putin hay không. Ông Putin đã đưa ra các điều khoản về một lệnh ngừng bắn tiềm năng với điều kiện là Nga giữ phần lại lãnh thổ Ukraine mà nước này đã tuyên bố chủ quyền và Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.
Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa này cho biết các điều khoản của thỏa thuận tiềm năng đó là “không thể chấp nhận được.”
Ông cũng cam kết sẽ “giải quyết” cuộc xung đột này trước Ngày Nhậm chức.
Trường phái kinh tế Biden và trường phái kinh tế MAGA
Hai ứng cử viên trên sân khấu đã đưa ra các lập luận về nền kinh tế trong các nhiệm kỳ tổng thống tương ứng của họ.
Cả hai nhiệm kỳ tổng thống của hai ông đều xảy ra việc đóng cửa vì dịch COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế có liên quan. Đạo luật CARES trị giá 2.2 ngàn tỷ USD được ban hành hồi năm 2020 khi ông Donald Trump còn là tổng thống, trong khi TT Biden có dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.9 ngàn tỷ USD của riêng ông hồi năm 2021.
TT Biden cho biết cựu TT Trump đã để lại cho ông một nền kinh tế “rơi tự do” và ông ca ngợi rằng việc làm đã tăng trưởng trong thời gian ông đương nhiệm.
Đối thủ Đảng Cộng Hòa của ông lập luận rằng trong số đó có nhiều công việc là các vị trí được “phục hồi” lại sau nhiều tổn thất nặng nề và đột ngột trong quá trình ứng phó với COVID-19. Ông cho rằng những công việc còn lại là thuộc về những người nhập cư bất hợp pháp.
Cựu TT Trump cũng cho biết các chính sách của ông đã mang đến “nền kinh tế tốt nhất trong lịch sử đất nước chúng ta” trước khi dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế lệch khỏi quỹ đạo.
TT Biden không đồng tình, nói rằng kể từ thời chính phủ cố TT Hoover, cựu tổng thống là người đầu tiên rời nhiệm sở với số lượng công ăn việc làm ít hơn so với khi ông mới nhậm chức.
TT Biden cho biết ông sẽ “khiến giới siêu giàu bắt đầu phải đóng góp phần công bằng của họ” để duy trì khả năng thanh toán cho các chương trình An sinh Xã hội. Ông cũng nhắc lại cam kết không tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 400,000 USD.
Khi được hỏi liệu việc cựu tổng thống áp đặt thuế quan có khiến giá cả tăng lên hay không, ứng cử viên Đảng Cộng Hòa cũng đã bảo vệ cho biện pháp này, trong đó có chính sách thuế quan áp dụng đối với hàng tỷ dollar hàng nhập cảng từ Trung Quốc, vốn vẫn được duy trì dưới thời chính phủ TT Biden.
“Sẽ không khiến giá cả tăng lên. Điều đó chỉ sẽ khiến các quốc gia vẫn luôn bóc lột chúng ta trong nhiều năm, như Trung Quốc và nhiều nước khác … nhằm buộc họ phải trả cho chúng ta rất nhiều tiền [và] giảm đáng kể thâm hụt [thương mại] của chúng ta,” cựu TT Trump nói.
Cựu TT Trump cam kết chấp nhận kết quả bầu cử năm 2024 nếu cuộc bầu cử ‘công bằng và hợp pháp’
Ông Tapper hỏi cựu TT Trump rằng ông sẽ nói gì với những cử tri tin rằng ông đã vi phạm lời tuyên thệ của tổng thống là “duy trì, bảo vệ, và bảo hộ” Hiến Pháp qua những điều ông “đã làm và không làm” vào ngày 06/01.
Cựu tổng thống không trả lời thẳng câu hỏi này, thay vào đó, ông nhấn mạnh đất nước đã trở nên tốt hơn như thế nào vào ngày 06/01 trước khi TT Biden đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.
Ông nói rằng: “Chúng ta đã được tôn trọng trên toàn thế giới.”
Khi được hỏi lại câu hỏi này, cựu TT Trump cho biết ông đã nói với những người biểu tình hãy tụ tập “một cách ôn hòa và yêu nước.”
Nữ ký giả Dana Bash của CNN cũng hỏi cựu tổng thống liệu ông có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 “bất kể người chiến thắng là ai” hay không.
Lúc đầu, cựu TT Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này, khiến bà Bash phải hỏi lại thêm hai lần nữa.
Cuối cùng, cựu tổng thống đã nói rằng ông sẽ chấp nhận kết quả, miễn là “một cuộc bầu cử hoàn toàn công bằng, hợp pháp, và tốt đẹp.”
Khi được hỏi liệu ông có thể nói rằng bạo lực chính trị là không thể chấp nhận được hay không, cựu tổng thống trả lời: “Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Cựu TT Trump né tránh, TT Biden đưa ra những câu trả lời lưỡng lự
Buổi tối tranh biện này đáng chú ý với nhiều câu nói hớ hênh, chuyển đề tài ngay giữa câu, và đôi khi cả hai ứng cử viên né tránh các câu hỏi của người điều tiết chương trình.
TT Biden có giọng nói khàn khàn trong nhiều phần của cuộc tranh biện, và đôi lúc gặp khó khăn trong buổi tối này.
TT Biden đã nói vấp: “Cuối cùng chúng tôi đã đánh bại Medicare,” khiến cựu TT Trump đáp trả. “Ông ấy nói đúng. Ông ấy đã đánh sập Medicare. Ông ấy đã đánh sập chương trình này.”
Sau cuộc tranh biện, Phó TT Kamala Harris thừa nhận rằng tổng thống đã có một “bước khởi đầu chậm rãi.”
Tuy nhiên, bà nhận xét rằng đó hoàn toàn là “sự lựa chọn” mà người dân Mỹ sẽ đưa ra vào tháng Mười Một.
Bà nói với CNN: “Tôi đang nói về một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong suốt cuộc đời của chúng ta.”
Cựu TT Trump cũng chuyển chủ đề khi trả lời các câu hỏi. Khi được hỏi về ý định tiến hành “chiến dịch trục xuất nội địa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ,” ông thay đổi chủ đề và bắt đầu chỉ trích chính sách nhập cư của TT Biden.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times