Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với đồng USD, mà là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ
Cựu Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ lo ngại rằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể thay thế đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Cảnh báo này được đưa ra sau khi các bản tin cho biết về các thỏa thuận giữa nhiều quốc gia về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch hàng hóa.
Trong nhiều năm, đã có những suy đoán về sự sụp đổ của đồng USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ toàn cầu, nhưng đồng bạc xanh vẫn tiếp tục là đồng tiền được giao dịch và sử dụng rộng rãi nhất trong thế giới tiền pháp định.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng USD cho đến nay là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường ngoại hối. Năm 2022, đồng USD “vẫn là đồng tiền thanh toán chiếm ưu thế của thế giới.” Hồi tháng 04/2022, đồng USD chiếm 88% tổng số giao dịch, không thay đổi so với lần khảo sát trước đó.
Đồng euro, đồng yên Nhật, và đồng bảng Anh lần lượt là các đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai, thứ ba, và thứ tư. Hồi tháng 04/2022, đồng euro đã tiếp tục là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai, chiếm 30.5% tổng số giao dịch (tỷ lệ này là ít hơn một chút so với năm 2019). Đồng yên Nhật và đồng bảng Anh lần lượt chiếm tỷ lệ tham gia tương ứng là 17% và 13% trong tất cả các giao dịch, hầu như không thay đổi so với cuộc khảo sát năm 2019.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã có mức tăng thị phần lớn nhất kể từ cuộc khảo sát năm 2019, chiếm 7% tổng số giao dịch vào năm 2022 (so với 4% vào năm 2019). Mặc dù đồng nhân dân tệ đã vươn lên vị trí đồng tiền được giao dịch nhiều thứ năm, nhưng thị phần 7% của đồng tiền này vẫn còn quá khiêm tốn so với tỷ trọng của nền kinh tế Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu.
Làm cách nào mà hai quốc gia có hệ thống tài chính đóng cửa hoặc bị can thiệp mạnh mẽ có thể thúc đẩy được một đồng tiền dự trữ toàn cầu? Đây là câu hỏi mà các nhà đầu tư có trong đầu trước khả năng về một đồng tiền chung giữa Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Brazil. Làm sao các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào vị thế dự trữ giá trị của một loại tiền tệ nếu loại tiền này được quảng bá bởi các quốc gia nổi tiếng với việc liên tục phá giá đồng tiền của mình?
Trung Quốc không gây ra mối đe dọa nào đối với đồng tiền của Hoa Kỳ. Trung Quốc, nếu có, cảm thấy bị đe dọa bởi chính phủ và ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Hãy cùng xem xét lý do tại sao.
Ngày nay, không có lựa chọn thay thế khả dĩ nào cho đồng USD. Đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới bởi thị trường tài chính của đồng tiền này mở và linh hoạt, dòng vốn được tự do lưu chuyển, có sự bảo đảm cho nhà đầu tư và bảo đảm về mặt pháp lý, và vị thế như một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn, như năm 2022 một lần nữa đã chứng minh.
Sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ trong vai trò là một đồng tiền toàn cầu bị cản trở nghiêm trọng bởi các biện pháp kiểm soát vốn và ấn định tỷ giá tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Một quốc gia không thể đồng thời có một đồng tiền dự trữ toàn cầu và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Không có nhà đầu tư hoặc công ty toàn cầu nào muốn một loại tiền tệ có tỷ giá hối đoái bị ngân hàng trung ương cố định theo một quy trình được cho là vì mục đích ổn định, một tỷ giá mà quý vị buộc phải tin là tương đương với tỷ giá của đồng tiền ấy khi được thả nổi. Kịch bản đó là quá nguy hiểm để có thể chấp nhận. Đồng rúp của Nga cũng gặp phải chính vấn đề này. Với các biện pháp kiểm soát vốn và một hệ thống tài chính hạn chế, sự bảo đảm cho nhà đầu tư và bảo đảm về mặt pháp lý là đáng nghi vấn.
Chúng ta có xu hướng bỏ qua tầm quan trọng của việc có một khuôn khổ độc lập, ổn định, và minh bạch để bảo đảm về mặt pháp lý và bảo đảm cho nhà đầu tư đối với một loại tiền được sử dụng rộng rãi trên phạm vi quốc tế. Khi tính độc lập của hệ thống pháp luật và quy định bị nghi ngờ, thì đồng tiền của chính phủ sẽ luôn là một giai thoại (một câu chuyện đùa). Các thể chế độc lập, sự minh bạch, việc vốn được tự do lưu chuyển, và sự bảo đảm về mặt pháp lý là rất quan trọng. Vì những lý do này mà đồng yên Nhật, đồng euro, và đồng bảng Anh được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch quốc tế so với đồng nhân dân tệ, và đó cũng như lý do tại sao đồng franc Thụy Sĩ (CHF), đồng dollar Canada (CAD), và đồng dollar Úc (AUD) là các đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng việc mở cửa thị trường tài chính, thả nổi tỷ giá, và thiết lập một khung pháp lý minh bạch và độc lập là tất cả những gì mà các quốc gia có thể làm. Nếu Trung Quốc tỉnh ngộ và quyết định tăng giá trị đồng tiền của mình, thì họ có thể làm như vậy bằng cách áp dụng các hệ thống thị trường mở và tự do mà các quốc gia khác ưa chuộng. Trung Quốc không thể mong đợi vừa có một hệ thống tài chính hạn chế và bị điều tiết lại vừa sở hữu một đồng tiền toàn cầu.
Để một loại tiền được xem là tiền, nó phải hoạt động như một phương tiện lưu trữ giá trị, một đơn vị đo lường, và một phương tiện trao đổi phổ biến. Nhiều loại tiền do chính phủ phát hành không phải là các phương tiện thanh toán hay dự trữ giá trị phổ biến.
Đồng euro có phải là một rủi ro đối với đồng USD không? Năm 2022 đã chứng minh rằng đồng tiền này không phải. Đồng euro vẫn là một đồng tiền mạnh, nhưng đồng tiền này chủ yếu được sử dụng cho các giao dịch xuyên biên giới trong Liên minh Âu Châu. Đồng euro cũng mong manh do rủi ro tái định giá vẫn còn, vì một số thành viên khu vực đồng euro có thể quyết định rời khỏi liên minh tiền tệ này vào một thời điểm nào đó, một rủi ro có xu hướng gia tăng cùng với chủ nghĩa dân túy và sự khó đoán về chính trị.
Cho đến nay, chúng ta chỉ mới thảo luận về các loại tiền pháp định quốc tế. Tất nhiên, vàng và bạc vẫn luôn tồn tại. Bên cạnh đó, Bitcoin cũng đang bắt đầu chứng minh một số tiềm năng trong vai trò là một hệ thống thanh toán và đơn vị đo lường toàn cầu. Việc phi quốc hữu hóa tiền tệ, như được mô tả trong cuốn “Choice in Currency” (Lựa Chọn Loại Tiền Tệ) của nhà kinh tế học Hayek, có thể là một viễn cảnh gần hơn chúng ta tưởng.
Vậy thì ai là người có thể gây nguy hiểm cho vị thế của đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới? Chỉ có chính phủ Hoa Kỳ, với sự trợ giúp của Cục Dự trữ Liên bang, mới có thể truất phế đồng USD khỏi ngôi vị của đồng bạc này.
Bằng cách nào đây? Bằng cách thổi phồng thâm hụt và nợ đến mức không thể kiểm soát rồi tiền tệ hóa các khoản đó. Nếu thế giới nhận định rằng tổ chức phát hành Mỹ kim đã từ bỏ cam kết duy trì việc bảo tồn giá trị cho các đơn vị của loại tiền tệ này và chính phủ Hoa Kỳ đang liên tục làm xói mòn sức mua của đồng tiền thông qua thâm hụt chi tiêu và làm suy giảm an ninh nhà đầu tư và an ninh pháp lý, thì niềm tin vào đồng USD có thể sẽ biến mất.
Thử nghiệm thảm khốc của năm 2020 và sự bùng nổ tiền tệ và lạm phát sau đó đã phủ bóng đen nghi ngờ đầu tiên lên đồng USD.
Hoa Kỳ có thể tự tay chấm dứt “vị thế đồng tiền dự trữ thế giới” nếu tiếp tục tin rằng nước này có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và tiếp tục chuyển sự bất cân đối tài khóa và tiền tệ của mình sang phần còn lại của thế giới, để rồi làm xói mòn sức mua của đồng tiền thông qua việc tiền tệ hóa nợ cao hơn và thâm hụt lớn hơn.
Cho đến nay, đồng USD vẫn duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới bởi vì tất cả các lựa chọn thay thế khác đều đã thực thi sự bất cân đối tiền tệ tương tự hoặc lớn hơn mà không có được nhu cầu toàn cầu cho loại tiền đó như đồng USD được hưởng thông qua các biện pháp bảo vệ pháp lý và nhà đầu tư mà đồng USD cung cấp. Hoa Kỳ chỉ có thể giữ được ngai vàng cho đồng tiền của mình nếu thể hiện cam kết vững chắc trong việc duy trì dự trữ giá trị, thị trường mở, và sự bảo đảm về mặt pháp lý.
Các chính phủ luôn tin rằng họ có thể kiểm tra giới hạn sức chịu đựng của công dân mình bằng cách làm xói mòn sức mua của đồng tiền và không ngừng làm tăng nợ và mất cân đối tài khóa, cho đến khi họ thất bại. Do đó, bảo vệ một chính sách tài khóa và tiền tệ vững chắc là hành động ái quốc nhất.
Một chính phủ, vốn tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với thâm hụt và nợ nần vì phần còn lại của thế giới sẽ chấp nhận điều đó, là mối đe dọa duy nhất đối với vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu số một của đồng USD. Tất cả các đế chế đều sụp đổ khi người trị vì đất nước tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn và chỉ cần in tiền cho đến khi họ có thể thoát khỏi các vấn đề của mình.
Chính phủ Hoa Kỳ phải nhận ra rằng họ có tất cả các công cụ cần thiết để duy trì vị thế của đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới. Họ cũng phải nhận ra rằng họ đang sử dụng các công cụ có thể phá hủy đồng tiền này. Quyết định này nằm trong tay họ. Cách duy nhất để các loại tiền pháp định có thể duy trì vị thế của mình là khi thế giới tiếp tục đặt niềm tin vào các loại tiền đó. Thật khinh suất khi vượt quá giới hạn của niềm tin tài chính.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times