Xin đừng quên sự tốt đẹp của Hoa Kỳ
Tháng 8 năm 1945. Cha tôi, một trung sĩ Lục quân và một người lính bộ binh chiến đấu ở Ý, đang trên đường trở về Hoa Kỳ để tham gia vào cuộc chiến tranh với Nhật Bản. Anh trai của ông là một bác sĩ trong Quân y. Bố vợ tương lai của tôi làm việc trong quân đội ở Thái Bình Dương và cũng đang chuẩn bị cho cuộc tấn công vào nước Nhật.
Ngày 06/08, Hoa Kỳ thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Ngày 08/08, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản.
Ngày 09/08, Hoa Kỳ thả một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki.
Ngày 15/08, Thiên hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh.
Sau thông báo đó, mẹ tôi khi ấy vẫn còn là một thiếu niên, thấy mình đang “lội” qua một dòng sông hoa giấy ăn mừng trên đường phố Detroit, một phần của niềm vui đó là vì cuối cùng chiến tranh đã kết thúc.
Ngày 02/09, đại diện của Nhật Bản đã ký vào văn bản đầu hàng trên tàu USS Missouri, Thế chiến thứ II chính thức kết thúc.
Mùa hè năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ II, nhưng ít người trong chúng ta sẽ tôn vinh chiến thắng lịch sử trước các thế lực phát xít và bạo quyền đó. Tâm trí chúng ta bị những mối lo lắng và khổ não tức thời xâm chiếm. Ngoài sự hỗn loạn do đại dịch gây ra, chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc bạo loạn ở một số thành phố và lời kêu gọi xóa bỏ nền văn hóa và Hiến pháp của Hoa Kỳ. Nhiều người, bao gồm cả một số chính trị gia của chúng ta, đã phủ nhận tư tưởng chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ (American exceptionalism) vốn quan niệm rằng Hoa Kỳ không giống bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử thế giới. Họ cho rằng Hoa Kỳ là xấu xa, một quốc gia độc ác với một lịch sử bạo tàn mà Hiến pháp và các lý tưởng phải bị xóa bỏ hoặc thay đổi.
Họ có đúng không? Rằng Hoa Kỳ chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì độc đáo?
Đống đổ nát và chủ nghĩa cộng sản
Hãy trở về sự kiện tháng 08/1945 cùng những năm sau chiến tranh và suy xét.
Khi chiến tranh kết thúc, phần lớn thế giới nằm trong đống đổ nát. Quần đảo Anh tiếp tục duy trì hệ thống cấp phát lương thực trong nhiều năm. Nền kinh tế của Pháp và Ý bị san phẳng, các nhà máy đóng cửa, nhiều công dân phải sống trong cảnh nghèo đói. Những thành phố ở Đức điêu tàn vì bom đạn, Nhật Bản trở thành quốc gia của những tàn tích trong khói lửa và người dân ban đầu đã rất khiếp sợ trước sự chiếm đóng của Hoa Kỳ. Năm 1947, Winston Churchill mô tả Âu Châu là “một đống đổ nát, một nấm mồ, một nơi sản sinh ra bệnh dịch hạch và sự thù hận.”
Trong khi đó, Liên Xô, quốc gia phải hứng chịu hàng triệu cái chết của quân và dân, đang biến Đông Âu thành một khối quốc gia cộng sản, nhốt toàn bộ các quốc gia đằng sau cái mà ngài Churchill gọi là “Bức màn sắt”. Ở Trung Quốc, Đảng cộng sản của Mao Trạch Đông đã nắm quyền kiểm soát. Một số quốc gia – như Hàn Quốc, Việt Nam và Đức – cuối cùng bị chia tách thành hai: giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, giữa tự do và độc tài.
Đối lập hoàn toàn với sự tàn lụi này và quyền lực của chủ nghĩa cộng sản chính là Hoa Kỳ.
Hậu phương
Không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, các nhà máy của Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu chiến đã chuyển từ việc sản xuất xe tăng và tàu chiến sang sản xuất hàng tiêu dùng: ô tô, tủ lạnh, radio, tivi, đồ dùng nhà bếp và hàng trăm mặt hàng khác. Hệ thống doanh nghiệp tự do của chúng ta cung cấp những mặt hàng này khắp đất nước, và mức sống tăng vọt. Các vùng ngoại ô mọc lên, một hệ thống đường cao tốc liên bang khổng lồ được xây dựng và mỗi ngày đều có những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, bao gồm cả những tiến bộ y học và du hành vào không gian.
Hoa Kỳ cũng nâng cao sự tự do cho người dân. Trong vòng 20 năm sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, sự phân biệt đối xử bị khai tử. Người dân Hoa Kỳ gốc Phi đã giành được quyền bầu cử, và Đạo luật Dân quyền năm 1964 đã chấm dứt sự phân biệt chủng tộc trong trường học và chốn công sở.
Sự hào phóng của người dân Hoa Kỳ
Hơn nữa, trong khi chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới đang nhắm vào việc nô dịch con người và đàn áp tự do, Hoa Kỳ đã vươn tới việc bảo tồn tự do và xây dựng lại một thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh. Với hàng tỷ USD viện trợ, Kế hoạch Marshall và các chương trình khác của Hoa Kỳ đã giúp ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản phát triển ở Âu Châu và cho phép các nước như Ý và Pháp khởi động nền kinh tế trở lại.
Đặc biệt quan trọng là sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Đức và Nhật Bản. Trong suốt chiều dài lịch sử, câu ngạn ngữ cổ “Chiến lợi phẩm về tay người chiến thắng” luôn đúng, và những dân tộc bị đánh chiếm thường bị bắt làm nô lệ hoặc bị bần cùng hóa. Trong một số trường hợp, họ chỉ đơn giản là bị tiêu diệt, giống như người Carthage sau Chiến tranh Punic lần thứ ba.
Tuy nhiên, thay vì khiến người Đức và người Nhật phải quỳ gối, Hoa Kỳ đã phục hưng hai quốc gia này bằng cách định hướng họ thành các quốc gia dân chủ và cung cấp những khoản viện trợ kinh tế khổng lồ. Đi đôi với nền tảng đạo đức làm việc của hai dân tộc này, chiến thuật của Hoa Kỳ đã thành công đến mức trong vòng 20 năm, Nhật Bản và Đức đã cạnh tranh về thương mại trên trường quốc tế, phát triển công nghệ mới và phần lớn công dân của họ có thu nhập ở mức trung lưu.
Và một lần nữa, phần lớn do sự dẫn dắt của Hoa Kỳ, nền dân chủ đã phát triển mạnh mẽ ở cả hai quốc gia nói trên. Đã qua rồi thời của những đội quân ngông cuồng, những kẻ độc tài, trại tập trung và cảnh sát ngầm. Thay vào đó là các phòng bỏ phiếu, các đảng phái chính trị và hiến pháp. Nhật Bản và Đức ngày nay hiện lên như những tượng đài sống về lòng nhân từ và sự hào phóng của người dân Hoa Kỳ.
Hãy giữ cho nền dân chủ tồn tại
Hoa Kỳ sau chiến tranh cũng đã viện trợ kinh tế và quân sự cho các nước khác trên thế giới. Hàn Quốc vẫn là một đất nước sôi động cho đến ngày nay là nhờ Hoa Kỳ và các đồng minh đánh bại âm mưu xâm lược quốc gia nhỏ bé này của Bắc Triều Tiên và Trung Cộng. Trong thời gian này, Hoa Kỳ cũng hỗ trợ tài chính và các khoản khác cho những quốc gia đang gặp khó khăn để giúp họ duy trì quyền tự do, nhiều quốc gia trong số đó ở Phi Châu và Á Châu.
Sự tương phản giữa các nền dân chủ đích thực và chủ nghĩa cộng sản đã rất rõ ràng, ví dụ sinh động nhất về sự khác biệt này là thành phố Berlin. Năm 1961, chính phủ Đông Đức bắt tay với người Nga xây dựng một bức tường ngăn cách Đông và Tây Berlin, một hàng rào bê tông được thiết kế để ngăn những người tị nạn chạy trốn đến Tây Berlin và tìm kiếm tự do. Ở một bên của bức tường là Đông Berlin với những đường bao quanh, những cửa hàng của chính phủ với những kệ hàng trống trơn, và khi màn đêm buông xuống, chỉ còn bóng tối và sự yên lặng. Phía bên kia là Tây Berlin với các cửa hàng và đường phố sầm uất, các nhà hàng và khách sạn cao cấp, ánh đèn rực rỡ, câu lạc bộ và quán bar.
Hoa Kỳ có động cơ ẩn giấu nào trong việc hỗ trợ các nước này không? Tất nhiên là có. Các quốc gia đó đóng vai trò là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Hoa Kỳ, cung cấp địa điểm cho các căn cứ quân sự rộng lớn của Hoa Kỳ và là đồng minh chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Mang lại nền dân chủ và kinh doanh tự do cho thế giới đã trao cho chúng ta nhiều lợi ích tốt đẹp.
Nhưng rồi thì sao? Nếu tôi đưa 5 USD cho một ai đó đang gặp khó khăn trên đường phố, anh ta có để tâm đến chuyện liệu rằng sự hào phóng nhỏ bé đó có khiến tôi cảm thấy tốt hơn về bản thân mình không?
Chủ nghĩa cấp tiến thực sự của Hoa Kỳ
Sự giàu có và tình yêu tự do này của Hoa Kỳ đến từ đâu? Tại sao Abraham Lincoln từng mô tả Hoa Kỳ là “niềm hy vọng cuối cùng lớn nhất trên trái đất?” Đâu là gốc rễ cho sự thịnh vượng lớn lao của Hoa Kỳ đến mức chúng ta đã thúc đẩy một nửa thế giới sau chiến tranh phục hồi kinh tế? Tại sao chúng ta phải đấu tranh trường kỳ với những kẻ độc tài và ủng hộ nền dân chủ?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này trong một câu duy nhất: “Chúng ta khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, họ được Tạo Hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được Sống, được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc.”
Những từ đó trong bản Tuyên ngôn Độc lập của ngài Thomas Jefferson đã định hình nên tư tưởng chính trị cấp tiến nhất. Ở đây không phải là giả định, mà là “chân lý” và “sự thật hiển nhiên”, có nghĩa là những sự thật này rất rõ ràng đối với người quan sát bình thường nhất. “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” có nghĩa là người giàu và người nghèo, da đen, da trắng và da nâu, và công dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có quyền bình đẳng trong phòng xử án và phòng bỏ phiếu, và không ai cần cúi đầu trước ai. “Một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm” có nghĩa là con người được sinh ra với những quyền mà không chính phủ nào có thể ban cho hay tước đoạt. “Sống, Tự do và mưu cầu Hạnh phúc” là huyết mạch của Giấc mơ Hoa Kỳ.
Hãy giữ cho Giấc mơ tồn tại
Khi chúng ta không nhớ những dòng chữ đó, hoặc gạt chúng sang một bên như một thứ đồ lỗi thời và vô dụng, Giấc mơ sẽ chết.
Do đó, chúng ta phải bỏ qua những người mà ngày nay đã quay lưng lại với Tuyên ngôn Độc lập của ngài Jefferson và những người muốn chúng ta làm như vậy. Như chúng ta đã làm trong quá khứ, chúng ta phải cố gắng sửa chữa những bất công khi chúng ta phát hiện ra chúng, nhưng chúng ta chẳng cần bận tâm đến những kẻ nói với chúng ta rằng Hoa Kỳ vốn dĩ xấu xa và cả những kẻ chủ trương hủy bỏ nền văn hóa và sự độc nhất của Hoa Kỳ.
Chúng ta hãy đeo một chiếc kính mới và dành thời gian nhìn lại một quốc gia thời hậu chiến không chỉ mang lại sự thịnh vượng và công bằng hơn cho công dân của mình mà còn làm điều tương tự cho các quốc gia khác. Chúng ta hãy nhớ đến những nhà lãnh đạo của thời đại đó — những người đàn ông như Harry Truman, George C. Marshall, Douglas MacArthur và Dwight Eisenhower — tất cả đều tin vào Giấc mơ tự do của Hoa Kỳ và sự thịnh vượng của nó.
Chúng ta cũng hãy nhớ đến 400,000 người dân Hoa Kỳ đã ngã xuống trên những vùng đất xa quê hương để chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít và độc tài.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times