Vương quốc Anh, và giờ đây là Thụy Sĩ — Một thứ gì đó sắp đổ vỡ
Đầu tiên là Vương quốc Anh, giờ là Thụy Sĩ. Sự hỗn loạn rất lớn về tài chính của Vương quốc Anh đã tạo ra mọi tin tức, thu hút sự chú ý của thế giới về việc quốc gia này đột nhiên chuyển sang tình trạng đầy kịch tính có đặc trưng của các nước chưa phát triển. London không phải lúc nào cũng là trung tâm tiền sạch mà nơi này đang cho thấy trong những thập niên gần đây. Đồng bảng Anh đã gặp phải các vấn đề thường hay xảy ra dưới thời chủ nghĩa xã hội “có kiểm soát” trong những năm 1950 và 1960.
Lịch sử đã bị lãng quên là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực sự đã từng cứu trợ Vương quốc Anh vào năm 1976.
Tại sao? Tất cả các đặc điểm bề mặt đều quen thuộc. Một tài liệu đặc biệt tồi tệ, gần như là hài hước của chính phủ được chuẩn bị cho nội các của Thủ tướng James Callaghan được tìm thấy nhiều năm sau đó đã tiết lộ rằng chính phủ, Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England), và tất cả người và ngựa của nữ hoàng đều không thể tiến gần tới việc cứu được đồng bảng Anh.
Tài liệu này chỉ ra sự cần thiết phải giảm tỷ lệ lạm phát giá xuống ít nhất 15%. Mục tiêu đó sẽ cần đến nỗ lực lớn để nhanh chóng đưa mức lương trung bình tăng dưới 20% trong đợt lương tiếp theo. Do đó, định mức tăng tiền lương 15% được cho là mục tiêu hợp lý hơn.
Do chính phủ đã điều hành hầu hết các ngành công nghiệp chính, nên Nghị viện trước thời bà Margaret Thatcher cũng là nơi sử dụng lao động lớn nhất của Vương quốc Anh. “Định mức lương 15%” đã hoàn toàn là một sự nhạo báng — kiểu tư duy nửa vời điển hình của giới hàn lâm (hoặc của những người theo chủ nghĩa xã hội) hơn là thông lệ của nền kinh tế ngoài đời thực.
Vương quốc Anh đã sa sút, và tiền của thế giới đã không nán lại được trong sự sụp đổ không thể tránh khỏi để đưa được London quay trở lại với lẽ thường. Nếu đồng bảng Anh chỉ có thể bán được 2 USD vào tháng 03/1976, thì đến tháng 10/1976, nó đã giảm xuống dưới mức 1.65 USD.
Thêm vào tình trạng hỗn loạn đang gia tăng này là việc Ngân hàng Trung ương Anh đã phụ thuộc rất nhiều vào nhập cảng tiền mặt từ ngoại quốc. Ngoại trừ việc tiền nhập cảng này không phải là tiền mặt “thật” — không ai thực sự sử dụng thứ đó và đã không sử dụng trong hơn một thế kỷ qua. Thay vào đó, những giao dịch hoán đổi đã được sử dụng — nói cách khác, là việc ghi nợ trên tài khoản của các tổ chức chính phủ khác nhau này.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, cùng với Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, đã đề nghị tổng cộng 2 tỷ USD để hỗ trợ Ngân hàng Trung ương Anh giải cứu đồng bảng Anh. Nhóm Mười quốc gia (G10 trừ Ý), cộng với Thụy Sĩ, kéo theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế vào cuộc đã bảo đảm thêm 3.2 tỷ USD. Thời ấy, hơn 5 tỷ USD là một khoản tiền rất lớn.
Tuy nhiên, các giao dịch hoán đổi này là có thời gian đáo hạn; chúng không phải là quà tặng hay trợ cấp, do đó chúng cần được hoàn trả. Những khoản tiền có nguồn gốc từ Mỹ sẽ đến hạn chỉ trong ba tháng, trong thời gian một quý duy nhất mà chính phủ Vương quốc Anh đã phải đưa các vấn đề tài chính, việc làm, và lạm phát của mình vào trật tự. Hoặc, một cách thực tế hơn, là đưa ra một số lộ trình hợp lý cho dù đau đớn đến đâu.
Quý vị không cần phải đoán xem điều đó đã có tác dụng ra sao.
Thay vì [giúp ích], các khoản giao dịch hoán đổi đáo hạn, tiền mặt ghi nợ được hoàn trả, vốn quốc tế tháo chạy lại tái diễn, do đó trước cuối năm 1976, Vương quốc Anh đã phải ‘muối mặt’ khi được IMF cứu trợ. Như đã trở thành thông lệ của cứu trợ, nhóm siêu quốc gia này đã yêu cầu những sự nhượng bộ khắc nghiệt cho việc cứu trợ, một trong những gói cứu trợ lớn nhất (về quy mô vào thời điểm đó) trong lịch sử.
Nguồn vốn tài chính không ưa thích sự bất ổn, và không ưa thích nhất là trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà hành động khắc phục được coi là không thể diễn ra nhất. Vương quốc Anh hầu như đã không đơn độc về tình trạng khó khăn của thời kỳ những năm 1970; trong suốt nửa sau của thập niên đó, một số quốc gia đã phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tiền tệ với mức độ tương tự hoặc tồi tệ hơn.
Việc bị gộp chung với tất cả những quốc gia là thị trường mới nổi khác không chỉ là một đòn giáng vào lòng tự hào của người Anh, mà nó còn là thước đo để đánh giá mức độ nghiêm trọng của khoảng thời gian đó.
Nếu toàn câu chuyện này nghe có vẻ quen thuộc với đôi tai của chúng ta, thì đó không còn là vấn đề về lạm phát hay tăng lương mà là sự tháo chạy của tiền tệ ra khỏi tình trạng bất ổn. Trên thực tế, việc tiền tháo chạy khỏi sự bất ổn đã trở nên phổ biến hơn gần đây so với kể từ năm 2008 (ít nhất là kể từ năm 2020).
Vấn đề với đồng bảng Anh hồi tháng Chín và tháng Mười năm 2022 hiện giờ, là trái phiếu dollar ngoại biên Âu Châu (Eurodollar). Trong khi quá nhiều trái phiếu Eurodollar trong suốt thời kỳ Đại Lạm Phát đã dẫn đến tình trạng mất ổn định ở rất nhiều nơi, cung cấp tài chính cho quá nhiều sự liều lĩnh cho đến khi đổ vỡ, thì ngày nay sự thiếu hụt trái phiếu nghiêm trọng và đang gia tăng đang gây ra các vấn đề tương tự về khủng hoảng tiền tệ — và tại rất nhiều trong số chính những quốc gia ấy.
Tôi đã viết nhiều lần về sự thiếu hụt này vì những lý do ấy; sự thiếu hụt đó sẽ không biến mất. Tỷ giá thấp trên thị trường mua bán có kỳ hạn (repo) của đồng dollar Mỹ (SOFR) hoặc đối với tín phiếu chính phủ, không chỉ tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, mà còn cả tín phiếu chính phủ Nhật Bản, đều là những cảnh báo quan trọng và không thể nhầm lẫn. Giá trị trao đổi của đồng USD tăng vọt là một dấu hiệu cho thấy hệ thống tiền tệ rất mong manh và dễ bị tháo chạy.
Nhưng rủi ro tiền tháo chạy không tồn tại riêng đối với London. Ấn Độ, New Zealand, Trung Quốc, và các nước khác, tất cả đều đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Eurodollar trong năm nay, và cơn thịnh nộ đó vẫn đang lan rộng (một cách đáng ngại) bởi vì sự yếu kém, chứ không phải lạm phát, ở khắp mọi nơi.
Thụy Sĩ không hề nằm dưới những sức ép tương tự như những gì khá rõ ràng trên khắp Vương quốc Anh. Tuy nhiên, rất lặng lẽ, trong khoảng thời gian bảy ngày bắt đầu từ hôm 06/10, 9 ngân hàng ở Thụy Sĩ đã đấu thầu 3.1 tỷ USD tài trợ bằng USD từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Swiss National Bank). Một tuần sau, số lượng đặt mua tăng hơn gấp đôi, lên 6.3 tỷ USD, do 15 ngân hàng đã đặt mua đột ngột.
Nguồn cuối cùng cho tài trợ USD này là Cục Dự trữ Liên bang, sử dụng công cụ mà Fed gọi là hoán đổi thanh khoản ngân hàng trung ương (central bank liquidity swaps). Vâng, sử dụng nhiều giao dịch hoán đổi hơn.
Trong khi 6 tỷ USD là một con số hết sức to lớn cách đây 50 năm, dường như con số này không mấy giá trị để nhắc tới theo thời giá ngày nay. Ngoại trừ việc sử dụng hoán đổi USD, giống như cho vay chiết khấu cũ của Fed hoặc cầu xin IMF của các quốc gia, là một biện pháp cuối cùng. Phải dùng bao nhiêu các quỹ USD nếu có một danh sách ngày càng tăng các ngân hàng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế trợ giúp bằng USD từ Thụy Sĩ đây?
Câu hỏi này nên tự có trả lời. Hai tuần liên tiếp, chúng tôi phải tự hỏi liệu diễn biến này có phải chỉ là khởi đầu.
Chúng tôi chỉ không biết là 9 ngân hàng nào, bây giờ là 15 ngân hàng, bất cứ ai bất cứ khi nào cũng sẽ không biết được sớm. Trên thực tế, một điểm khác biệt chính giữa các giao dịch hoán đổi này và việc cho vay hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương (the discount window) là tính ẩn danh. Và thực tế này cho thấy các ngân hàng sử dụng đấu giá Thụy Sĩ/USD có thể không phải là ngân hàng địa phương. Có lẽ họ là công ty con của các ngân hàng ngoại quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Đối với phần còn lại trong chúng ta đang hy vọng tránh xa khỏi những gì đang diễn ra ở Vương quốc Anh, và giờ đây là Thụy Sĩ, thì thực tế này thể hiện sự leo thang [nhu cầu] về tiền tệ không mong muốn theo kiểu không phù hợp, bất ổn định. Thực tế rằng đang có sự lan rộng qua các cấu trúc ngân hàng quốc gia khác nhau đủ rộng để đã chạm tới London, và trên danh nghĩa là Zurich, cho chúng ta biết điều gì đó rất quan trọng về tình trạng của hệ thống tiền tệ toàn cầu — và quan trọng hơn là hướng đi của nó.
Hệ thống tiền tệ toàn cầu đang bị phá vỡ theo những cách đáng kể. Và, như đã lưu ý nhiều lần trước đây, sự phá vỡ này không liên quan gì đến việc tăng lãi suất — một đặc điểm cũng có ở những năm 1970.
Cũng chẳng có được sự an ủi nào trong những giao dịch hoán đổi này; chúng gần như vô dụng (xem ở trên). Khai thác hữu ích duy nhất của chúng là cho chúng ta biết khi nào hệ thống này thực sự xấu đi, chẳng hạn như năm 2007–2008, 2011–2012 hoặc 2020. Càng sử dụng nhiều giao dịch hoán đổi, các điều kiện ắt phải càng trở nên tồi tệ hơn.
Chúng ta đã thấy điều này sắp xảy ra. Sự bất thường của USD đã gia tăng trong suốt cả năm. Và đó là lý do tại sao các thị trường đang đặt cược rất nhiều, rất dai dẳng, vào tỷ giá thấp hơn trong những tháng tới, bất kể các ngân hàng trung ương thế giới tuyên bố họ sẽ không làm điều đó bao nhiêu lần hay mạnh mẽ đến mức nào.
Một cái gì đó nhất định phải đổ vỡ, thực sự làm xáo trộn thế giới, giả sử nó chưa bắt đầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times