Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss từ chức chỉ sau 6 tuần tại vị
Trở thành Thủ tướng Anh cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử
Bà Liz Truss, người trở thành thủ tướng Anh chỉ mới sáu tuần trước, đã từ chức sau khi một số lượng lớn các nghị sĩ Đảng Bảo Thủ mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của bà.
Bà sẽ trở thành thủ tướng Vương quốc Anh có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử sau khi thất bại trong việc ngăn chặn một cuộc nổi dậy công khai từ các nghị sĩ của chính bà đang yêu cầu bà ra đi.
Trình bày tại Downing Street ngay sau giờ ăn trưa hôm 20/10, bà Truss cho biết bà đã nói với Đức Vua Charles Đệ Tam rằng bà sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo Đảng Bảo Thủ.
Với chồng bà, ông Hugh O’Leary đứng bên, bà cho biết bà nhận ra rằng “với tình hình này, tôi không thể thực hiện sự ủy nhiệm mà tôi đã được Đảng Bảo Thủ bầu chọn.”
Bà Truss cho biết bà sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi một người kế nhiệm được chọn thông qua một cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ được tổ chức trong tuần tới.
Bà nói: “Điều này sẽ bảo đảm rằng chúng ta sẽ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tài khóa của mình và duy trì sự ổn định kinh tế cũng như an ninh quốc gia của đất nước chúng ta.”
Nhưng các đảng đối lập đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức.
Lãnh đạo Đảng Lao Động Nghị sĩ Keir Starmer đã yêu cầu một cuộc tổng tuyển cử “ngay bây giờ” để quốc gia có thể có “một cơ hội khởi đầu mới.”
Ông cho biết Đảng Bảo Thủ “đã cho thấy rằng họ không còn có quyền điều hành nữa”.
Ông Starmer nói: “Công chúng Anh xứng đáng có tiếng nói thích đáng về tương lai của đất nước.”
Lãnh đạo Đảng Dân Chủ Tự Do, Nghị sĩ Ed Davey nói: “Chúng tôi không cần một thủ tướng Đảng Bảo Thủ khác đi hết từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Chúng tôi cần một cuộc tổng tuyển cử ngay bây giờ và Đảng Bảo Thủ đã mất quyền lực.”
Khai tử kế hoạch ‘Trussonomics’
Bà Truss trở thành thủ tướng hôm 05/09 sau khi đánh bại cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo Thủ do ông Boris Johnson từ chức.
Sau đó, bà bắt đầu thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình để Vương quốc Anh trở thành một “nền kinh tế tăng trưởng cao, thuế thấp sẽ tận dụng các quyền tự do của Brexit.”
Chính phủ của bà đã sử dụng “kế hoạch tài khóa ứng phó chưa qua đánh giá tác động” (mini-budget), do Bộ trưởng Tài chính đương thời Kwasi Kwarteng đưa ra hôm 23/09, để bắt đầu chương trình kinh tế mới của bà — có biệt danh là “Trussonomics” — với việc cắt giảm thuế quy mô lớn trị giá 45 tỷ bảng Anh (50 tỷ USD).
Nhưng mọi việc đã trở nên tồi tệ, khi kế hoạch của bà nhằm tài trợ cho việc cắt giảm thuế bằng việc vay nợ của chính phủ thay vì cắt giảm chi tiêu dẫn đến lo ngại về mức nợ chính phủ không bền vững.
Sự hỗn loạn sau đó trên thị trường tài chính khiến đồng bảng Anh giảm mạnh so với đồng dollar và dẫn đến sự gia tăng chi phí đi vay đối với cả chính phủ lẫn các hộ gia đình Anh.
Bà Truss buộc phải sa thải ông Kwarteng và thực hiện một loạt hành động đảo ngược bẽ bàng. Ông Jeremy Hunt, tân bộ trưởng tài chính, sau đó đã đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch kinh tế mà bà đặt ra chỉ mới ba tuần trước.
Bất chấp nỗ lực của bà để cứu vãn vị trí thủ tướng của mình, xếp hạng tín nhiệm dành cho bà và Đảng Bảo Thủ của bà đã sụp đổ, với Đảng Lao Động hiện đang ở vị trí dẫn đầu với khoảng cách đáng kể so với các đảng khác trong các cuộc thăm dò dư luận.
Bản tin có sự đóng góp của PA
Do Alexander Zhang thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times