Đồng bảng Anh gần như sụp đổ — một lời cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu
Sự sụt giảm của đồng bảng Anh có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.
Tình trạng gần như sụp đổ của đồng bảng Anh hồi tháng trước chỉ là một trong nhiều câu chuyện như vậy về các đồng tiền đang suy giảm và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đang diễn ra trên toàn cầu. Sự việc này như một điềm báo đáng sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sắp xảy ra.
Đồng USD đã đạt mức cao nhất trong 20 năm. Gần như tất cả các loại tiền tệ khác đều đang mất giá, và các bước mà các chính phủ đang thực hiện để bảo vệ đồng tiền của họ đang gây ra lạm phát. Các quốc gia đang giảm dự trữ bằng đồng dollar của họ và mua vào tiền tệ riêng của nước họ, nhưng hàng hóa, dầu mỏ, và năng lượng đều được định giá bằng dollar. Nợ ngoại quốc cũng phải trả bằng dollar. Do đó, việc cạn kiệt nguồn dự trữ USD sẽ làm cho các khoản thanh toán quốc tế này trở nên đắt đỏ hơn.
Để giải cứu đồng bảng Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã can thiệp và mua lại số bảng Anh trị giá 73 tỷ USD. Kết quả là dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh sụt giảm với mức kỷ lục là 54 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh đã giảm liên tục trong 12 tháng qua, chỉ đạt mức 171 tỷ USD trong tháng Chín.
Nhưng không chỉ có Vương quốc Anh thực hiện các bước như vậy. Chính phủ Nhật Bản đã chi gần 20 tỷ USD trong tháng Chín để hỗ trợ đồng yên. Ấn Độ đã chi 75 tỷ USD để hỗ trợ đồng rupee. Và Bắc Kinh đã cảnh báo các ngân hàng nhà nước chuẩn bị tiếp tục mua vào hàng loạt để cứu một đồng nhân dân tệ gặp khó khăn. Để chống lại lạm phát, vốn đã ở mức 18%, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cấm tăng giá. Vì lệnh cấm tăng giá không tác động được đến chi phí, nên các nhà cung cấp sẽ từ chối bán với giá thấp hơn, và đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hàng.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đang lên kế hoạch chi tiêu hỗ trợ 388 tỷ USD để chống lại giá năng lượng tăng ở Liên minh Âu Châu. Biện pháp này sẽ làm tăng lạm phát đồng thời tăng nợ.
Cuộc khủng hoảng gần đây xảy ra hôm 26/09 khi đồng bảng Anh mất gần 5% giá trị chỉ qua một đêm, chạm mức thấp nhất trong 37 năm. Đồng bảng Anh, thường có giá trị cao hơn một chút so với đồng dollar, gần như ngang bằng ở mức 1.035 USD so với đồng bạc xanh. Sau nhiều tháng mất giá, đồng bảng Anh có giá trị thấp hơn 21% so với hồi tháng Một. Sự lao dốc này đã diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố một kế hoạch tài khóa ứng phó mới chưa qua đánh giá tác động (mini budget) — nhằm thúc đẩy nền kinh tế — chống lại lạm phát bằng cách thực hiện cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm. Chính phủ cũng đã thông báo giảm thuế đối với việc bán địa ốc và giới hạn giá năng lượng. Đồng thời, Vương quốc Anh có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong sáu tháng tới, việc cắt giảm thuế dự kiến sẽ tiêu tốn của chính phủ 48.17 tỷ USD, trong khi hỗ trợ năng lượng dự kiến sẽ tiêu tốn 64.12 tỷ USD. Chênh lệch giữa chi phí năng lượng thực tế và giới hạn giá của chính phủ sẽ được chính phủ trả cho các công ty sản xuất năng lượng. Và những khoản thanh toán này sẽ được tài trợ bằng nợ chính phủ tăng lên. Kết quả là, chính phủ buộc phải tăng trần nợ, cho phép họ vay nhiều hơn.
Trong khi đó, chi phí đi vay của chính phủ Vương quốc Anh đã tăng đáng kể do lãi suất tăng và sự hoài nghi do cam kết tăng chi tiêu và tăng nợ chính phủ của Vương quốc Anh gây ra. Nợ công của nước này vốn đã vượt quá 85% tổng sản phẩm quốc nội.
Cắt giảm thuế trong khi tăng chi tiêu chính phủ và nợ công đều là những chính sách nới rộng làm tăng thêm lạm phát. Hồi tháng Chín, kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng đã tăng lên 9.5%. Lạm phát cao sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Vương quốc Anh là hơn 9%. Ngoài ra, 39.8% thanh niên được xem là không hoạt động, có nghĩa là họ không còn tìm kiếm việc làm. Tổng số thanh niên từ 18 đến 24 tuổi “không đi học, không có việc làm, hoặc không được đào tạo” (NEET) là 12.5%. Lạm phát cao kết hợp cùng với thất nghiệp phù hợp với định nghĩa của lạm phát đình trệ.
Các nhà đầu tư đang bỏ phiếu bằng hành động. Trong 16 tháng qua, tiền đã liên tục chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Vương quốc Anh. Chỉ riêng trong tháng Chín, các nhà đầu tư đã rút 2.7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư của Vương quốc Anh như một kết quả của việc công bố mini budget. Đầu tư chảy ra khỏi một quốc gia sẽ khiến đồng tiền mất giá. Phần lớn đầu tư rời khỏi các quốc gia khác đang chảy vào Hoa Kỳ, tình trạng này lại đang thúc đẩy đồng dollar tăng giá.
Các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Vương quốc Anh, đang vướng vào một vòng luẩn quẩn của lạm phát, giá trị tiền tệ thấp, khó khăn thanh toán quốc tế, chi phí vay nợ cao, nợ tăng, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đồng USD tăng giá, và nỗi sợ công dân chết cóng vào mùa đông này.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times