‘Vựa lúa’ lao đao, nông dân tuyệt vọng, an ninh lương thực Trung Quốc đáng lo ngại
Sau khi lũ lụt tàn phá nhiều nơi ở Bắc Kinh và Hà Bắc, những trận mưa lớn liên tục trút xuống các khu vực như Hắc Long Giang và Cát Lâm, nơi được mệnh danh là “vựa lúa” của Trung Quốc. Mực nước ở các địa phương này đột ngột dâng cao, khiến nhiều người thiệt mạng, làm ngập cánh đồng lúa và phá hủy nhà kính trồng rau, khiến nông dân rơi vào cảnh tuyệt vọng. Điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại của ngoại giới về vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc.
Đồng ruộng ở Hắc Long Giang và Cát Lâm ngập trong biển nước, nông dân tuyệt vọng
Trong đợt lũ này, lưu lượng nước ở các con sông được sử dụng để tưới tiêu ở tỉnh Hắc Long Giang đã tràn bờ đê, làm ngập ruộng lúa và phá hủy các nhà kính trồng rau. Thiết bị trong các nhà xưởng này cũng bị hư hỏng nặng nề. Tại thành phố Ngũ Thường, tỉnh Hắc Long Giang, nơi nổi tiếng với loại gạo có chất lượng thượng hạng, rất nhiều thôn làng và đồng ruộng phì nhiêu rộng lớn đã trở thành biển nước.
Hôm 07/08, tờ “Tuần san Tam Liên Sinh Hoạt” (lifeweek.com.cn) đưa tin, khu vực sản xuất gạo thượng hạng ở thành phố Ngũ Thường – lúa nước ở làng Dân Lạc, đã bị thiệt hại trên diện rộng. Dân làng cho biết, những năm trước trời mưa một trận rồi ngưng, nhưng năm nay mưa lớn xối xả trong ba ngày liền, chỉ có thể đứng từ xa mà nhìn từng ruộng lúa tươi tốt chìm trong biển nước.
Trận lũ năm nay khiến nông dân ở thành phố Ngũ Thường rơi vào cảnh tuyệt vọng. Tháng Tám là thời điểm cây lúa thụ phấn, ruộng hơi khô ráo mới là điều kiện lý tưởng. Một vị quan chức ở thôn Long Phượng Sơn cho biết, hồi tháng Bảy có 20 ngày mưa đứt quãng, nhưng hồ chứa vẫn phải xả nước. Tuy nhiên, kể từ ngày 02/08, trời đột nhiên mưa lớn trong ba ngày, mực nước trong hồ chứa tăng cao, nên phải xả lũ khẩn cấp.
Ông Triệu Chí Trung (Zhao Zhizhong), một người dân ở thôn Long Phượng Sơn, thị trấn Long Phượng Sơn, cho biết đêm ngày 03/08, hồ chứa đột nhiên mở lớn cửa đập, thế nước cuồn cuộn tuôn trào trong ba ngày, phá hủy rất nhiều ngôi nhà và đồng ruộng ở vùng hạ lưu. Tâm huyết của ông Triệu Chí Trung cũng trôi theo dòng nước, hoa màu ngập úng nên chắc chắn không thể thu hoạch. Rất nhiều bông lúa úng nước đều bắt đầu ngả sang màu đen, sản lượng sẽ sụt giảm rất nhiều.
Lãnh đạo thôn này cho biết, “Nông nghiệp không giống với các ngành nghề khác, hễ ngập nước thì mọi thứ đều mất hết rồi.”
Sau khi hai hồ chứa xả lũ, mực nước của sông Lạp Lâm dâng cao hơn năm mét, nước sông chảy ngược vào dọc theo đồng ruộng. Vùng đồng bằng Đông Bắc không được che chắn, dòng nước lớn trút xuống nhấn chìm đồng ruộng ở nơi trũng thấp.
Ông Chu (Zhu), 74 tuổi ở Chu Gia Đồn, cho biết khoảng 03 giờ sáng ngày 04/08, ông mới biết hồ chứa ở thượng nguồn xả lũ khẩn cấp, cộng thêm mưa lớn gây ngập lụt trong thành phố. Nước không kịp thoát, chảy ngược vào trong thôn. Hơn 20 mẫu lúa của gia đình ông bị ngập hoàn toàn trong nước lũ. Ông nghẹn ngào nói: “Bao đời nay nông dân chúng tôi chỉ biết làm ruộng, cho đến bây giờ vẫn thế. Một khi có thiên tai là mất hết.”
Vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc dấy lên mối lo ngại
Ngày 07/08, CNN đưa tin cho biết các vùng đất canh tác khu vực Đông Bắc Trung Quốc bị ngập lụt, làm gia tăng mối lo ngại của người dân về nguy cơ tiềm ẩn đối với vấn đề an ninh lương thực ở Trung Quốc.
Tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh được xem là những vựa lúa vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Sản lượng lương thực ở các tỉnh này chiếm hơn 1/5 sản lượng lương thực của Trung Quốc, bao gồm các loại lương thực nổi tiếng như đậu nành, bắp và gạo.
Tuần trước (31/07-06/08), Bộ Nông nghiệp và Nông thôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết gần đây mưa lớn kéo dài liên tục tấn công Trung Quốc và lũ lụt có thể gây “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến sản xuất nông nghiệp của nước này.
Cuối tháng 05/2023, một vựa lúa quan trọng khác của Trung Quốc là tỉnh Hà Nam cũng gặp thảm họa. Mưa lớn liên tục khiến ruộng lúa mì của tỉnh thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng. Truyền thông Hoa lục cho biết, mưa lớn liên tục đúng vào mùa thu hoạch lúa mì, khiến sản lượng lúa mì ở địa phương chịu thiệt hại lớn nhất trong vòng mười năm qua.
Sản lượng lúa mì của tỉnh Hà Nam chiếm khoảng 1/3 sản lượng lúa mì trên cả nước Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ, mưa lớn đúng vào mùa thu hoạch lúa mì năm nay ở Hà Nam dẫn đến sản lượng lương thực vụ hè năm nay của Trung Quốc giảm 0.9%. Đây là lần giảm sản lượng lương thực vụ hè đầu tiên ở Trung Quốc trong vòng bảy năm qua.
Ngoài ra, một quan chức ở Đài khí tượng Trung ương Trung Quốc cho biết trong một buổi họp báo hồi tháng trước rằng, hạn hán do thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục ở miền bắc Trung Quốc vào tháng 6 năm nay, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các loại cây trồng mới mới gieo hạt như bắp và đậu nành.
CNN đưa tin cho hay, mùa hè năm 2022, Trung Quốc đã trải qua đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng nhất trong vài chục năm trở lại đây, dẫn đến tình trạng thiếu điện trên diện rộng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và công nghiệp. Những đòn giáng liên tiếp vào nông nghiệp Trung Quốc trong vài tháng qua sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực của Trung Quốc trong thời gian ngắn.
Tình trạng thiếu lương thực của Trung Quốc tiếp tục gia tăng
Trong một bài viết đăng tải hồi tháng 04/2023 của ông Vương Hách (Wang He), ký giả chuyên đề ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cho thấy nguy cơ về an ninh lương thực đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền ĐCSTQ.
Trên thực tế, kể từ năm 2004, nền mậu dịch xuất cảng sản phẩm nông sản của Trung Quốc đã chuyển từ quốc gia xuất cảng ròng sang nhập cảng ròng. Năm 2014, Trung Quốc chính thức trở thành nước nhập cảng lương thực nhiều nhất trên thế giới. Từ năm 2015 cho đến nay, Trung Quốc nhập cảng hơn 100 triệu tấn lương thực mỗi năm. Trong những năm gần đây, lương thực nhập cảng chiếm tỷ trọng hơn 20% trong tổng sản lượng lương thực ở Hoa lục, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng tiêu thụ lương thực ở Hoa lục.
Ông Vương Hoành Quảng (Wang Hongguang), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Lương thực và Thực phẩm Trung Quốc của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc là 86%, tỷ lệ tự cung tự cấp thực phẩm chỉ là 70%. Ngoài ra, đội ngũ của ông Đỗ Ưng (Du Ying), nguyên Phó Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã sử dụng các phương pháp khác nhau để tính toán những thay đổi của tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm của Trung Quốc. Kết quả tính toán nhìn chung là nhất quán. Tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm của Trung Quốc trong 20 năm qua đã giảm từ khoảng 100% xuống còn khoảng 76% như hiện tại. Trung bình mỗi năm giảm hơn 1%. Theo tính toán, đến năm 2035, tỷ lệ tự cung cấp thực phẩm có thể giảm từ khoảng 76% như hiện tại xuống còn khoảng 65%.
Phương Hiểu Tông thực hiện
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times