Người dân Hồng Kông hờ hững trước lời kêu gọi quyên góp cho quỹ cứu trợ lũ lụt ở miền Bắc Trung Quốc
Những trận mưa xối xả gần đây từ cơn bão Doksuri đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc, và những khu vực khác. Trong quá khứ, bất cứ khi nào Trung Quốc đại lục gặp phải thiên tai, thì cộng đồng Hồng Kông sẵn sàng giúp đỡ tài chính. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thái độ của người dân Hồng Kông đối với đại lục ngày càng trở nên hờ hững và thờ ơ. Lần này, ngay cả những trận lũ lụt tàn phá ở miền Bắc Trung Quốc cũng không nhận được bất kỳ khoản quyên góp tự phát nào của người dân.
Người dân Hồng Kông không muốn quyên góp nữa
Cô Trương, một người dân thành phố, nói: “Ở đâu có thiên tai, thì đó đều là do nhân họa (chính là do con người quan lý sai kém mà ra!)” Mặc dù cô rất đồng cảm với những người dân bị ảnh hưởng, nhưng cô cũng không muốn quyên góp số tiền có khả năng được dùng để cấp dưỡng cho một chính quyền độc tài. Ông Lý, một công dân khác, cũng đồng tình với cảm nhận của cô Trương, tuyên bố sẽ không quyên góp dù chỉ một xu, nói rằng: “Bao năm nay Trung Quốc đại lục đã lợi dụng thiện tâm của người dân Hồng Kông, và chúng tôi sẽ không để bị mắc lừa một lần nào nữa.”
Phản ứng của người dân đối với các lời kêu gọi quyên góp chủ yếu là thờ ơ, rất nhiều lời bình luận trên mạng đều mang thái độ chế giễu, chẳng hạn như “Cường quốc thế giới đâu cần đến tiền của người dân Hồng Kông” hoặc “Khó khăn có lớn đến đâu, thì khi chia cho 1.4 tỷ người cũng đều chỉ là muỗi.” Một số cư dân Hồng Kông đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã xem thảm họa này là hỷ sự hơn là tang sự.
Đáng chú ý là lần này không có các chiến dịch quyên góp quy mô lớn do các nhóm thân Bắc Kinh tổ chức. Bà Triệu Trụ Bang (Sunny Chiu Chu-pong), cựu Ủy viên Hội đồng Quận Sa Điền, đã lên Facebook đăng bài chế giễu rằng, tại sao không có quan chức, doanh nhân, hay nghệ sĩ yêu nước nào khởi xướng hoạt động gây quỹ? “Đội ngũ điều hành của ‘6 bộ và 15 cục,’ bao gồm các vị Trưởng Đặc khu, các vị Phó Trưởng Đặc khu, và các Ủy viên quản trị, đều nên xung phong đứng ra làm gương quyên góp ba tháng lương để giúp đỡ cho nước nhà, và kêu gọi người dân Hồng Kông đóng góp.”
Kể từ các cuộc biểu tình Phản đối Dự luật Dẫn độ năm 2019 và việc thực thi Luật An ninh Quốc gia năm 2020, thì thái độ của dân chúng Hồng Kông đối với đại lục đã nguội lạnh rõ rệt. Ngay cả trong các trận lũ lụt ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, vào tháng 07/2021, người dân thành phố cũng có phản ứng lạnh nhạt trước những lời kêu gọi quyên góp.
Cựu thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Lưu Mộng Hùng (Lew Mon-hung) nhận xét rằng lòng nhiệt thành yêu nước của người Hồng Kông đã suy yếu khi Bắc Kinh hủy bỏ lời hứa “một quốc gia, hai chế độ.” Thiện cảm một thời giữa đại lục và Hồng Kông đã biến thành ác cảm do môi trường chính trị trong thành phố ngày càng trở nên bại hoại. Cộng thêm những ảnh hưởng của đại dịch và xu hướng che giấu thông tin về thảm họa của Bắc Kinh, khiến người dân Hồng Kông không biết được thực hư về thảm họa, càng làm ảnh hưởng đến thiện chí đóng góp cứu trợ thiên tai của họ.
Khoản quyên góp trị giá 20 tỷ HKD của người dân Hồng Kông bị tố là ‘tin đồn nhảm’
Nhìn lại lịch sử, một thế kỷ trước, Hồng Kông đã quyên góp tiền để giúp đỡ Trung Quốc đại lục trong thời kỳ khủng hoảng. Vào ngày 22/11/1917, Hội đồng Lập pháp đã thông qua một nghị quyết quyên góp 100,000 dollar Hồng Kông (khoảng 12,798 USD) cho các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Bắc Trung Quốc.
Trong trận lũ lụt ở miền Đông Trung Quốc năm 1991, Hồng Kông đã gây quỹ được 470 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 60,15 triệu USD) cho quỹ cứu trợ trong vòng mười ngày. Số liệu thống kê sau đó cho thấy chính quyền Hồng Kông đã đóng góp 50 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 6.4 triệu USD), trong khi người dân quyên góp 600 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 76.79 triệu USD).
Một trong những đợt quyên góp lớn nhất ở Hồng Kông là trong trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008. Theo cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ “Đại Công Báo,” các khoản đóng góp từ các lĩnh vực khác nhau ở Hồng Kông đã đạt con số đáng kinh ngạc 20 tỷ dollar Hồng Kông (tương đương 2.56 tỷ USD), lập kỷ lục toàn cầu.
Tuy nhiên, hồi tháng Năm năm nay, một người dùng Weibo ở đại lục đã chia sẻ tin tức về khoản quyên góp hào phóng trị giá 20 tỷ dollar Hồng Kông (khoảng 2.56 tỷ USD) của Hồng Kông trong trận động đất ở Vấn Xuyên, nhưng lại bị tố là “lan truyền tin đồn nhảm.” Tài khoản của người dùng này đã bị phạt, cho rằng họ đã phổ biến “thông tin sai sự thật.” Bộ phận “Đính chính Tin đồn” của Weibo khẳng định rằng tính đến ngày 30/09/2009, Hồng Kông, Ma Cao, và Đài Loan chỉ quyên góp được 3 tỷ dollar Hồng Kông (khoảng 0.38 tỷ USD).
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc bị chê cười trong lúc kêu gọi quyên góp
Hôm 02/08, Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh đã đưa ra một thông báo yêu cầu công chúng quyên góp, với lý do lũ lụt lan rộng cũng như nhu cầu cấp thiết về phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, phần bình luận dưới lời kêu gọi quyên góp chủ yếu là những ngôn từ xúc phạm hoặc không quyên góp tượng trưng chỉ một xu.
Để ngăn chặn “những khoản quyên góp ác ý,” hôm 03/08, Hội Chữ thập đỏ đã kín đáo tăng số tiền quyên góp tối thiểu từ 0.01 Nhân dân tệ lên 1 Nhân dân tệ. Cư dân mạng tinh ý đã nhanh chóng nhận ra sự thay đổi này.
Một người dùng Weibo tên là “Cà chua Trứng bác” viết: “Cho dù số tiền quyên góp nhiều hay ít thì cũng đều là tâm ý của người dân. Thế nào gọi là ‘quyên góp ác ý,” ai quyết định được điều đó chứ? Không hiểu trong tâm nghĩ gì mà lại thốt ra ngôn từ đó?”
Đa số mọi người đều tin rằng Hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh chịu ảnh hưởng và bị khống chế từ chính quyền. Nhiều vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các quỹ quyên góp đã làm giảm uy tín của tổ chức này kể từ năm 1998, cũng là nguyên do khiến người dân không nguyện ý muốn quyên góp ở những lần sau.
Cựu nhà bất đồng chính kiến Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang) đến từ Thâm Quyến nhận xét rằng mọi người trên khắp thế giới đã thức tỉnh. Trung Quốc từng nhận được sự viện trợ rất lớn trên toàn cầu đối với các thảm họa như lũ lụt năm 1998 và trận động đất ở Vấn Xuyên, nhưng sau đó mọi người nhận ra rằng hầu hết các khoản tiền đã bị các quan chức tham nhũng của Trung Quốc biển thủ, và ba năm phong tỏa chống dịch gần đây một lần nữa khiến người dân nhận thức rõ hơn về cách chế độ này kiểm soát người dân của chính mình.
Người dân Trác Châu cũng được kêu gọi quyên góp
Chính quyền Trung Quốc đã khởi xướng dự án “Xả Lũ để Bảo vệ Bắc Kinh,” chỉ định một vài khu vực ở Hà Bắc là điểm lưu giữ nước lũ, và Trác Châu là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo các bài báo của The Paper (hay Bành Phái Tân Văn), Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc đã công khai tuyên bố: “Hà Bắc nên đóng vai trò là thành hào bảo vệ của Bắc Kinh,” điều này đã khiến công chúng phẫn nộ. Bản tin đó đã bị xóa.
Tuy nhiên, tình hình thiên tai ở Trác Châu vẫn rất nghiêm trọng. Bí thư Đảng ủy địa phương, Thị trưởng, và các quan chức của Cục Quản lý Khẩn cấp đã không xuất hiện trong nhiều ngày sau trận lụt để chỉ thị công tác cứu trợ thiên tai.
Các cuộc trò chuyện giữa các nạn nhân lũ lụt và các đội cứu hộ trong nhóm WeChat “Trung tâm Thông tin Trác Châu” tiết lộ rằng các nỗ lực cứu hộ nhận được rất ít sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Việc ăn ở của nhân viên cứu hộ là tự họ sắp xếp, còn các quan chức của chính quyền không ra mặt cũng không tham gia vào các cuộc thảo luận. Tất cả các hoạt động cứu trợ thiên tai đều là nhân viên cứu hộ và người dân tự phối hợp với nhau.
Tuy nhiên, mấy ngày sau, giới chức địa phương lại công khai kêu gọi người dân quyên góp qua các tài khoản chính thức.
Cư dân mạng đại lục Lý Thiết Chùy (Li Tiechui) nhận xét: “Sau bốn ngày chờ đợi, thông báo đầu tiên từ tài khoản chính thức của Trác Châu là về một hoạt động gây quỹ. Thật là mất mặt!” Một cư dân mạng khác bình luận: “Yêu cầu quyên góp cho một thảm họa do con người tạo ra sao? Ngay cả khi chúng ta quyên góp, thì chỗ tiền ấy cuối cùng sẽ rơi vào túi họ.”
Ông Dịch đến từ tỉnh Sơn Đông nói với The Epoch Times rằng. “Hôm nọ chính quyền mới quyên góp cho Sudan nhưng với chính người dân của họ thì họ đâu có quan tâm. Vậy mà họ vẫn có gan kêu gọi sự đóng góp của người dân.”
Trong khi đó, trên phần bình luận về bảng thành tích quyên góp của trang web Hội Chữ thập đỏ, một cư dân mạng có tên người dùng là “Những người nông dân nhỏ bé” đã để lại lời nhắn: “Tôi tin rằng khi thảm họa xảy ra, Hội Chữ thập đỏ nên mở kho cứu trợ của mình, chứ không đơn thuần là mở mỗi tài khoản ngân hàng.”
Các vấn đề với hàng tỷ Nhân dân tệ trong quỹ tái thiết ở Hà Nam
Văn phòng Kiểm toán Tỉnh Hà Nam gần đây đã công bố một báo cáo tiết lộ các vấn đề với hàng tỷ Nhân dân tệ được phân bổ phục vụ tái thiết sau thảm họa trong hai năm qua.
Theo nhiều thông tin khác nhau của các hãng truyền thông đại lục, hôm 28/07, Văn phòng Kiểm toán Tỉnh Hà Nam đã công bố “Báo cáo Công tác Kiểm toán về Thực hiện Ngân sách Cấp tỉnh và các khoản Thu và Chi Công khố Khác cho năm 2022.”
Báo cáo tiết lộ rằng sau hậu quả của thảm họa lũ lụt chưa từng có hồi tháng 07/2021, vốn ảnh hưởng đến tỉnh Hà Nam, việc sử dụng hàng tỷ Nhân dân tệ để tái thiết sau thảm họa trong hai năm sau đó là đáng ngờ.
Trong số này, 242 dự án có vấn đề về chất lượng kỹ thuật, liên quan đến 73 quận và huyện, với số vốn đầu tư là 3.346 tỷ Nhân dân tệ.
Hai mươi bốn dự án khác đã được đưa vào sử dụng mà không qua kiểm tra nghiệm thu, liên quan đến một khoản đầu tư đã hoàn thành là 563 triệu Nhân dân tệ.
Hai mươi hai dự án đã báo cáo sai thời gian khởi công và hoàn thành, liên quan đến số tiền 1.283 tỷ Nhân dân tệ.
Báo cáo cũng đề cập cụ thể đến các vấn đề ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Kỳ, và một doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỉnh, về việc sử dụng không đúng mục đích 405 triệu Nhân dân tệ được cấp cho để phục hồi và tái thiết sau thảm họa.
Đáp lại, nhiều cư dân mạng lên án các quan chức Hà Nam biển thủ các quỹ cứu trợ thiên tai.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times