Viên quan dạy học trong mộng biết được những chuyện sau khi qua đời
Vào thời Bắc Tống, có một viên quan dạy học nọ trong giờ nghỉ trưa đã có một giấc mơ kỳ lạ, ông ta nhìn thấy những triều thần đã qua đời, còn biết được rằng qua một trăm ngày sau, ông ta sẽ đến “Biện Chính Ti” để làm quan quản ngục.
Vào thời Bắc Tống năm Tuyên Hòa, một ngày nọ, một viên quan dạy học tỉnh Dương Châu tên gọi Nghiêm Thanh trong lúc nghỉ trưa đã mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong mộng, có người gõ cửa gọi ông ta. Ông lập tức mang theo mũ rồi vội vàng đi ra ngoài. Ông nhìn thấy một cái bảng được dựng trên một con đường rộng rãi và bằng phẳng, nhưng trong lúc vội vàng ông không kịp nhìn xem trên đó viết những gì.
Một lúc sau, ông bước vào một cánh cổng và nhìn thấy rất nhiều lính canh đang đứng bên trong, một bầu không khí uy nghiêm đáng sợ. Lúc này, một viên quan sai xuất hiện, dẫn ông vào bên trong cung điện và khom lưng cúi đầu nói: “Nghiêm Thanh đến rồi.” Nghiêm Thanh nơm nớp lo sợ, mồ hôi đầm đìa, phủ phục trên mặt đất, sợ tới mức không quỳ nổ.
Lúc này, từ trên cao ném xuống một tấm bảng lớn, trên đó có rải hàng vạn chiếc đinh, phân bố ngang dọc như bàn cờ, tấm bản lớn được đặt nằm nghiêng dưới bậc thềm. Nghiêm Thanh nghe thấy có tiếng gọi mình đi lên. Có một vị thân mang Miện Phục ngồi trên công đường, bên trái ông là quan hậu cần mặc y phục màu tím; bên phải là quan hậu cần mặc y phục màu đỏ. Nghiêm Thanh lén nhìn họ, nhìn thấy vị trưởng quan thân mang Miện Phục kia hóa ra là nguyên Thượng Thư, Thái Thú Dương Châu- Lưu Cực; còn vị mặc y phục màu đỏ lại chính là quan Lưỡng Chiết chuyển vận Phó sứ Lưu Hà.
Lưu Cực hỏi Nghiêm Thanh, luật trà-muối đã được thay đổi chưa? Nghiêm Thanh trả lời: “Tôi chỉ là một viên quan dạy học, không biết gì về luật trà-muối cả” (Thuế trà vào thời Tống trải qua nhiều lần sửa đổi cải cách, đến lúc Thái Kinh thiết lập chế độ cấp phép mua bán trà, do các thương nhân kinh doanh trà tự tìm mua giấy phép và tự buôn bán; Chính Hòa năm thứ 3 tức năm 1113, Thái Kinh lại lập nên luật giấy phép mua bán muối). Lưu Cực hỏi tiếp,vậy luật học đã có thay đổi chưa? Nghiêm Thanh đáp: “Vẫn như cũ, nhưng gần đây đang xây dựng học thuyết Tống Nho”
Sau đó, Lưu Cực lệnh cho vị mang y phục màu đỏ mang sổ sách đến và để Nghiêm Thanh đọc trang có tên của ông ta trên đó. Trên mỗi trang, họ tên và địa chỉ quê quán của một người được viết lớn, còn công tội của người đó được viết bằng chữ nhỏ ở bên dưới.
Nghiêm Thanh đang đọc thì phát hiện một cái tên quen thuộc. Tên riêng của ông được viết ở trang giữa, những dòng chữ nhỏ ghi lại công tội của ông rất ít. Xem ra Nghiêm Thanh ngày thường làm người rất tốt, về phương diện đạo đức không có quá nhiều sai sót.
Lưu Thượng Thư nói với ông ta: “Một trăm ngày sau ngươi hãy đến đây.” Nói rồi lệnh cho vị quan mang y phục màu tím đưa ông đến trại ở phía tây. Đến nơi vừa đẩy cửa vào thì thấy bên trong trại rất nhiều tội nhân đang la hét ầm ĩ hỗn loạn, già trẻ nam nữ đều có cả. Bọn họ hoặc mặc quần áo dính đầy máu, hoặc thắt dây quanh cổ, thống khổ bi thương, khuôn mặt sầu não, nước mắt đầm đìa. Cảnh tượng quả thật vừa thương tâm vừa hãi hùng.
Vị mặc y phục tím lại đưa Nghiêm Thanh ra ngoài.Lưu Thượng Thư nói: “Ngươi cai quản nhà ngục này, đợi áp giải một người nào đó cùng với quan đề cử muối hương thành Hoài Nam là Hoàng Đôn Tín đến” Từ năm Chính Hòa thứ hai đến năm Tuyên Hòa thứ bảy, triều Tống thực hiện luật giấy phép buôn bán trà-muối, mỗi loại lại thiết lập “Đề cử muối hương trà phèn sự ti”, quan phụ trách được gọi là “Đề cử muối hương trà phèn sự”, gọi tắt là “Đề cử”, “muối hương”, “trà muối” v.v. Có thể thấy Hoàng Đôn Tín là quan chủ quản phụ trách thu thuế trà, muối v.v.
Nghiêm Thanh nâng vạt áo lui ra ngoài, sờ vào tấm bảng rồi đi xuống. Một vị nha sai vẫy tay gọi Nghiêm Thanh đi ra. Nghiêm Thanh ngang qua con đường rộng rãi và bằng phẳng mà mình đã đi qua trước đó, ngẩng đầu nhìn tấm biển bên đường, thấy trên đó viết ba chữ “Biện Chính Ti”. Mộng đến đây thì Nghiêm Thanh tỉnh dậy. Ông đem sự việc này kể với giáo quan Tiền Trọng.
Hoàng Đôn Tín khi đó rất kiêu căng ngạo mạn. Không lâu sau, vào một ngày nọ, hắn ta trong lúc nổi giận lôi đình thì đột ngột mắc bệnh, và qua đời ngay trong đêm. Sau đó, Nghiêm Thanh quả nhiên cũng lâm bệnh và qua đời. Sự việc này được bàn tán xôn xao khắp thành Dương Châu, lúc đó rất nhiều người biết chuyện Nghiêm Thanh nằm mộng đến “Biện Chính Ti” .
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ