Đức âm nhã nhạc: Đường Huyền Tông mộng du nguyệt cung
“Đường Huyền Tông mộng du nguyệt cung” là một nhạc phẩm xuất sắc của Tony Chen, kể về giấc mơ vừa hư hư thực thực nhưng cũng đầy huyền thoại của một vị hoàng đế Đại Đường.
Mộng du nơi tiên cảnh
Đường Huyền Tông là vị hoàng đế có tâm cầu Đạo, ông từng kết bạn với một trong Bát Tiên là Trương Quả Lão. Trong cuộc đời mình, ông cũng nhiều lần mộng thấy tiên cảnh. “Thái Bình Quảng Ký” chép rằng, Đường Huyền Tông từng mơ thấy hơn mười vị Tiên cưỡi mây ngũ sắc đáp xuống sân rồng, mỗi vị cầm trên tay một loại nhạc cụ cùng diễn tấu. Đến khi nhạc dừng lại, một vị Tiên tiến lên phía trước nói: “Bệ hạ có biết đây là bản nhạc gì không? Đây là Tử Vân Khúc của Thần Tiên, giờ tôi muốn truyền thụ lại cho bệ hạ để làm âm nhạc tiêu chuẩn cơ bản của Đại Đường”. Đến khi tỉnh dậy, ông hồi tưởng lại và sau đó làm thành bản Tử Vân Khúc nổi tiếng trong Nhạc phủ.
Vào một đêm trăng thanh gió mát, trời cao vời vợi, ánh trăng vàng chếch choáng men say, Đường Huyền Tông ngước nhìn trăng mà không khỏi bồi hồi khao khát, trong lòng mơ tưởng được đặt chân lên cung Quảng Hàn. Trời mênh mang đất mênh mang, ông bất chợt thấy mình bé nhỏ. Là vị hoàng đế mang tâm hồn nghệ sĩ, ông muốn tấu lên một khúc nhạc dưới trăng. Nhưng thi hứng đã cạn, ý nhạc chưa đến, cây sáo ngọc trên tay cũng đành bất lực nằm im.
Trong cơn mộng mị, Đường Huyền Tông thấy một vị Đạo sỹ đến trước mặt, dùng phép tiên biến ra chiếc cầu đưa hoàng đế lên cung điện Nguyệt. Ông bước vào cung điện rực rỡ, thấy các nàng tiên xiêm y lộng lẫy đang nhảy múa theo tiếng nhạc du dương. Âm nhạc như dòng suối quét sạch bụi trần, khiến vị hoàng đế chìm đắm trong cõi thánh, không muốn trở về nhà.
Nhưng bằng một cái phẩy tay của vị Đạo sỹ, tất cả đều biến mất. Đường Huyền Tông tỉnh dậy thấy mình đã trở lại Trường An. Ông lại ngước nhìn bầu trời cao với xiết bao cảm xúc. Ánh trăng vẫn sáng trong vằng vặc, và giai điệu ca múa của các tiên nữ như vẫn thấp thoáng đâu đây, ông dần dần hồi tưởng lại và hoàn thành bản nhạc của mình.
Cảm âm nhạc phẩm
Câu chuyện trên đã truyền cảm hứng cho nghệ sỹ Tony Chen sáng tác “Đường Huyền Tông mộng du nguyệt cung”. Trong bản nhạc vừa có họa có thơ, chỉ nghe thanh âm mà như thấy cảnh tượng hiện ra ngay trước mắt:
Khúc dạo đầu mở ra một đêm trăng sáng, tiếng sáo vi vu, gió thổi vén làn mây mở ra ánh sáng vàng dát bạc. Lại nghe tiếp, ta như thấy từng bước chân chậm rãi của vị hoàng đế, cảm nhận được nỗi tâm tư mà ông không thể thổ lộ cùng ai, chỉ có thể giãi bày cùng gió trăng. Có một chút xao xuyến, một chút da diết, một chút bồi hồi, một chút hoài nghi, một chút tiếc nuối… Tiếng lòng của hoàng đế được thể hiện thật tinh tế qua đoạn nhạc mở đầu này.
Nhạc chuyển ý báo hiệu Đạo sỹ xuất hiện, ta như thấy có phép tiên tỏa ra từ cây phất trần. Miên man miên man, mênh mang mênh mang, lắng nghe tiếng nhạc ta thấy vị hoàng đế đang băng qua các tầng mây, xuyên qua thời không để ngoạn du nơi tiên cảnh. Và rồi giai điệu bỗng trở nên trong vắt, từng giọt đàn thánh thót gợi lên hình ảnh gót chân tiên đang nhảy múa. Vũ điệu có lúc chậm lúc nhanh, có lúc dịu dàng như dải lụa bay trong gió, có lúc lại vui tươi như giọt nắng bên thềm. Từ tiếng nhạc ta thấy được sự thanh thoát của các nàng tiên, và cũng từ tiếng nhạc mà thấy được sự rung cảm trong tâm vị hoàng đế nhà Đường.
Đoạn nhạc kết dường như lặp lại khúc mở đầu diễn tả tâm tư người trong cuộc: vẫn đầy khao khát khi ngước nhìn trăng sáng, nhưng không còn băn khoăn và vô vọng như trước. Ý tứ nhạc xuyên suốt cả tác phẩm diễn tả từng cung bậc cảm xúc của vị hoàng đế: khi ngắm nhìn trăng sáng thì thấy mình bất lực, khi du ngoạn qua các tầng không thì miên man vô định, khi thưởng thức vũ điệu tiên nga thì say sưa chếnh choáng, và khi trở về với thực tại thì hoài niệm thiết tha.
Và bây giờ, mời quý độc giả cùng trở lại đêm trăng của hơn nghìn năm trước với nhạc phẩm “Đường Huyền Tông mộng du nguyệt cung”, để cùng vị hoàng đế nhà Đường mộng du nơi tiên cảnh, phiêu đãng cùng gió mây.
Thảo Ngọc
Xem thêm: