Việc Serbia giam giữ các học viên Pháp Luân Công theo ‘mệnh lệnh của Trung Quốc’ gây lo ngại ở Hoa Kỳ
Ủy viên của ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ cho biết: “Không chính phủ nào nên chấp nhận những yêu cầu phi tự do của Trung Quốc để đàn áp chính công dân của mình.”
Quyết định của Serbia khi bắt giữ các học viên của một tín ngưỡng bị bức hại, phù hợp với [mong muốn của] Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã gây lo ngại ở Hoa Kỳ. Một nhà theo dõi tự do tín ngưỡng đã gọi đó là “thỏa thuận Faustian.”
Ngay trước khi nhà lãnh đạo chế độ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đến thăm Belgrade vào đầu tháng Năm (2024) để phô trương rầm rộ và ký kết hàng chục thỏa thuận với các quan chức Serbia, sáu học viên của môn thiền định Pháp Luân Công cùng với hai người thân của họ đã bị giam giữ với cáo buộc rằng họ gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng đối với những người được quốc tế bảo vệ.” Những người bị giam giữ này, bao gồm cả một phụ nữ đã 80 tuổi, chỉ được thả sau khi ông Tập rời khỏi đất nước.
Pháp Luân Công là một tu luyện tập trung vào nguyên lý chân, thiện, nhẫn, và vào cuối những năm 1990 đã có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc.
Kể từ năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc và kể từ đó đã giam giữ, tra tấn, và sát hại vô số học viên Pháp Luân Công.
Hiện nay, năng lực rõ ràng của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng đến một quốc gia Âu Châu ở mức độ như vậy đang khiến các nhà bảo vệ nhân quyền lo ngại.
Ông Eric Ueland, ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, chia sẻ với The Epoch Times: “Ở Trung Quốc, chính quyền đàn áp tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Công vì các hoạt động tín ngưỡng của họ, khiến hàng ngàn người bị bắt giữ, bỏ tù, và thậm chí tử vong trong thời gian bị giam giữ. Đáng buồn thay, cuộc bức hại này còn vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.”
“Chính phủ Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc đàn áp xuyên quốc gia để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích Đảng Cộng Sản Trung Quốc và những hành vi đàn áp tự do tôn giáo trắng trợn của đảng này. Không chính phủ nào nên chấp nhận những yêu cầu phi tự do của Trung Quốc để đi đàn áp chính công dân của mình.”
Hành động của Serbia cũng khiến bà Katrina Lantos Swett lo lắng. Bà là chủ tịch Tổ chức Nhân quyền và Công lý Lantos.
Bà nói với hãng truyền thông NTD cùng hệ thống với The Epoch Times rằng Serbia dường như sẵn lòng “thực hiện mệnh lệnh của Trung Quốc” mà không quan tâm đến tác động đối với công dân của mình.
Bà nói: “Đây là những người tuân thủ luật pháp, vốn thực sự là một điều may mắn cho bất kỳ cộng đồng nào mà họ là thành viên trong đó.”
“Tuy nhiên, không thể nghi ngờ gì về thực tế rằng điều này đã thực hiện, hoặc là theo chỉ đạo của ĐCSTQ, hoặc thậm chí còn đáng lo ngại hơn nếu đúng như vậy, như một nỗ lực cho thấy họ muốn làm hài lòng Trung Quốc đến mức nào, họ sẵn sàng nịnh nọt chế độ độc tài, đàn áp này đến mức nào.”
Serbia là một quốc gia cộng sản cho đến những năm 1990 khi các đảng cộng sản khắp Đông Âu sụp đổ.
Dưới chế độ cộng sản, chính quyền nhắm vào những người mà họ cho là đáng ngờ với lý do “giam giữ để phòng ngừa.” Học viên Pháp Luân Công Dejan Markovic, một trong tám người bị giam giữ, cho biết việc giam giữ ông ấy cũng có ý nghĩa tương tự.
Sau khi giam giữ các học viên để đề phòng cho chuyến thăm của ông Tập, ông Markovic cho biết cảnh sát trưởng Belgrade nói với ông rằng ông ấy biết họ là những người tốt.
Ông Markovic kể với The Epoch Times, cảnh sát trưởng nói rằng: “Tôi sẽ không thẩm vấn quý vị. Tôi không cần phải thẩm vấn quý vị. Nhưng công tố viên đã yêu cầu chúng tôi phải giam giữ đủ 48 giờ.”
Theo phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp Trương Nhi Bình (Zhang Erping), việc Serbia lựa chọn “sát cánh cùng ĐCSTQ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở hải ngoại” là “đáng kinh tởm.”
“Thật xấu hổ khi Serbia, một quốc gia cộng sản cách đây không lâu, giờ lại đạt được thỏa thuận Faustian với ĐCSTQ,” ông nói với The Epoch Times. “Lịch sử sẽ không nhìn nhận tốt đẹp đối với những người hợp tác với một chế độ đã sát hại khoảng 60 triệu sinh mạng vô tội trong những năm qua, đặc biệt là với tội ác kinh hoàng đó là lấy cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bằng vũ lực.”
Bà Lantos Swett cho biết những gì đã xảy ra ở Serbia chứng tỏ rằng chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với những người bất đồng chính kiến “rộng lớn và xảo quyệt hơn nhiều so với những gì người ta tưởng.”
“Chúng ta cần phải lên án điều này,” bà bày tỏ. “Trung Quốc, dù có mạnh đến đâu, cũng sẽ có điểm yếu, họ không thích bị chỉ trích. Và họ rất để tâm và nhạy cảm với danh tiếng toàn cầu của mình.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times