Việc bổ nhiệm tân trưởng ban Mặt trận Thống nhất báo hiệu sự leo thang xâm nhập ngoại quốc của ĐCSTQ
Một chuyên gia về Trung Quốc gợi ý rằng gần đây Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Thạch Thái Phong (Shi Taifeng) làm tân trưởng ban của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) trong một hành động có thể được xem là một phần trong nỗ lực leo thang ảnh hưởng ở ngoại quốc của chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Ông Thạch cũng là hội trưởng Hội Ái hữu Trung Hoa ở Hải ngoại (COFA), nơi chiêu mộ những người Trung Quốc giàu có và có ảnh hưởng đang sinh sống tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, về làm giám đốc cho COFA và hoạt động với tư cách là những người có ảnh hưởng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại khu vực địa phương của họ. Toàn bộ giám đốc và hội viên của COFA đều phải được UFWD chấp thuận.
“Cái gọi là COFA chỉ là ‘một con rối tay’ của UFWD ở ngoại quốc,” ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia về Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times.
Ông Lý cho biết ngay cả cái tên COFA cũng là lừa đảo vì rất khó để biết được đây là loại cơ quan nào. Ở phương Tây không có tổ chức tương tự thế này, điều này cho thấy ĐCSTQ không muốn tiết lộ chức năng thực sự của COFA.
Không giống như các hệ thống tình báo quân sự và an ninh quốc gia của ĐCSTQ, UFWD hoạt động một cách không chính thức, tập trung vào việc thúc đẩy các mạng lưới ở ngoại quốc, và chiêu mộ nhân viên tình báo không chuyên.
UFWD có một lịch sử lâu dài trong việc thâm nhập vào các quốc gia ngoại quốc. Tổ chức này hoạt động cả về mặt chính trị và kinh tế để đưa những người có ảnh hưởng trên khắp thế giới lên cầm dây cương cho ĐCSTQ.
Ở trong nước, UFWD cũng sẽ thâm nhập vào các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo của Trung Quốc mà ĐCSTQ nhắm đến.
Trưởng ban quyền lực nhất
Ông Thạch Thái Phong, 67 tuổi, được xem là trưởng ban Mặt trận Thống nhất quyền lực nhất trong lịch sử của ĐCSTQ với nhiều chức danh quan trọng, chẳng hạn như Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương, Bí thư Ban Bí thư Trung ương, phó bí thư đảng Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị, phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị. Ông Thạch cũng từng là phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, phó bí thư tỉnh ủy kiêm tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô, Bí thư Đảng ủy Ninh Hạ, Bí thư Đảng ủy Nội Mông, và Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, theo các tuyên bố chính thức.
Việc một phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị trở thành trưởng ban công tác mặt trận thống nhất là một thông lệ của ĐCSTQ.
Việc ông Thạch được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị Trung ương sau Đại hội Đảng lần thứ 20 hồi tháng 10/2022 có nghĩa là ông đã chính thức tiến vào cấp ra quyết định của ĐCSTQ.
Hiện tại, thẩm quyền của UFWD là rộng lớn chưa từng có, kiểm soát Ủy ban Quốc gia về Các vấn đề Dân tộc và các văn phòng phục vụ cho các khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng.
Ngoài ra, Văn phòng Kiều Vụ (hay Văn phòng Các vấn đề Hoa kiều) của Quốc Vụ viện và Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước, lần lượt là các cơ quan kiểm soát ngoại vụ và tín ngưỡng tôn giáo, cũng đã được sáp nhập vào UFWD cách đây năm năm.
Ông Lý cho biết, việc mở rộng phạm vi quyền hạn của UFWD cũng như của trưởng ban cho thấy ĐCSTQ đang xây dựng một “mặt trận đại đoàn kết” ẩn chứa tham vọng toàn cầu hiếu chiến, đồng thời đưa ra lời cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế phải cảnh giác với khả năng leo thang hơn nữa của các hoạt động gián điệp ở ngoại quốc của chế độ này.
Utah, một tiểu bang bị xâm nhập nặng nề
Tổ chức COFA đang hoạt động rất tích cực ở hải ngoại, và tiết lộ mới đây về hoạt động thâm nhập của tổ chức này vào tiểu bang Utah bất chấp căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Theo một bản tin của Associated Press hôm 28/03, ĐCSTQ và những người ủng hộ đảng này đã dành nhiều năm để xây dựng mối liên hệ với các quan chức ở Utah. Do đó, các nhà lập pháp Utah đã trì hoãn luật mà Bắc Kinh không ưa thích, phủ quyết các nghị quyết bày tỏ sự không hài lòng với ĐCSTQ, và lên tiếng ủng hộ đối với những cách giúp cải thiện hình ảnh của nhà cầm quyền cộng sản này.
Sự thâm nhập này thành công như vậy một phần lớn là nhờ vào ông Lạc Đào Văn (Taowen Le), một cư dân Utah và là giám đốc của COFA.
Ông Lạc là giáo sư tại Khoa Hệ thống Thông tin và Công nghệ tại Đại học Tiểu bang Weber ở Utah, theo báo cáo. Ông đã tham dự một cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị ở Bắc Kinh vào năm 2022, khi ông được UFWD dẫn lời trong một ấn phẩm rằng, “Tôi cảm nhận sâu sắc những điểm mạnh trong hệ thống của Trung Quốc.”
Khi một nhà lập pháp tiểu bang Utah đưa ra nghị quyết lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào năm 2021, Ông Lạc đã gửi một tin nhắn công kích nhà lập pháp này. Báo cáo cho biết nghị quyết này đã không được thông qua vào năm đó và một nghị quyết tương tự vào tháng Một thậm chí còn không có cơ hội được trình bày.
Bài báo kể trên cho biết ông Lạc đã gửi một đề nghị cá nhân tới Thống đốc Utah Spencer Cox để có một cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc. Ông cũng đã tổ chức các cuộc họp cho các quan chức của Utah và ĐCSTQ, tháp tùng các nhà lập pháp đến Trung Quốc, và tư vấn về cách tốt nhất để giành được sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Ông Lạc nói với hãng thông tấn AP rằng sự ủng hộ của ông đối với các vấn đề Trung Quốc là tự phát và không phải tuân theo lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Bài báo dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng các quan chức địa phương ở Hoa Kỳ có nguy cơ bị ĐCSTQ thao túng và phong trào gây ảnh hưởng của cộng sản là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Phóng viên của Epoch Times đã không thể liên lạc với ông Lạc để đề nghị bình luận.
Rất nhiều liên minh Hoa kiều
Hồi tháng 09/2020, Quỹ Jamestown, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại tiểu bang Washington, đã công bố một báo cáo phân tích báo cáo tài chính của các cơ quan Trung Quốc. Họ phát hiện ra rằng UFWD đã chi hơn 2.6 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2019, nhiều hơn cả chi tiêu của Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Công an của ĐCSTQ.
Báo cáo này cho biết, trong số 2.6 tỷ USD này, gần 600 triệu dollar đã được chi cho các văn phòng để gây ảnh hưởng đến người ngoại quốc và các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Hồi tháng 10/2020, tờ Newsweek đã công bố một cuộc khảo sát độc quyền đưa tin rằng có khoảng 600 tổ chức ở Hoa Kỳ đang duy trì liên lạc thường xuyên với hoặc nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Newsweek đã xác định các loại tổ chức sau có liên kết với UFWD của ĐCSTQ: Hội Đồng hương Trung Quốc (ít nhất 83), Trung tâm Trợ giúp người Hoa (10), phòng thương mại (32), hãng truyền thông Hoa ngữ (13), gần một nửa của Hiệp hội Chuyên gia Trung Quốc (70), Hội Xúc tiến Hòa bình (38), các tổ chức hữu nghị (5), và 129 nhóm thực hiện các hoạt động giáo dục và văn hóa.
“Ngoài ra, có 265 Hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc dành cho khoảng 300,000 sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Những hiệp hội này có liên quan đến chính trị [ĐCSTQ], thường thông qua các nhà ngoại giao Trung Quốc, thường là thư ký giáo dục trong lãnh sự quán,” bài báo điều tra này cho biết.
Bài báo này cũng nói rằng cần lưu ý rằng hầu hết người Trung Quốc trong mỗi nhóm có thể không được biết về mối liên hệ của tổ chức mà họ đang sinh hoạt với ĐCSTQ và rằng các cá nhân có thể đã tham gia vì ý thức cộng đồng hoặc vì cơ hội kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Lý tin rằng hầu hết các tổ chức này trông giống như các tổ chức xã hội dân sự, nhưng họ đều là các cơ quan mật vụ làm việc thay mặt cho ĐCSTQ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times