Cựu sĩ quan tình báo: Nhật Bản cần luật để ngăn chặn gián điệp của ĐCSTQ tiếp cận bí mật thương mại
Các báo cáo của Nhật Bản đã tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang sử dụng các chuyên gia Trung Quốc ở ngoại quốc và các chuyên gia Nhật Bản để đánh cắp công nghệ tân tiến nhất cho chính quyền Trung Quốc.
Sau khi bị thẩm vấn, những người này rời khỏi Nhật Bản mà không bị truy tố.
Hồi đầu tháng Tư, cảnh sát Nhật Bản được cho là đã điều tra một đảng viên ĐCSTQ, khi đó đang làm kỹ thuật viên cho một công ty Nhật Bản, đã gửi cho Trung Quốc dữ liệu công nghệ canh tác tân tiến của Nhật Bản, theo The Japan Times, vốn đưa tin rằng người đàn ông này có liên hệ với quân đội của ĐCSTQ.
Đây là trường hợp mới nhất về gián điệp của ĐCSTQ ở Nhật Bản bị cảnh sát Nhật Bản phanh phui.
Người đàn ông này được cho là đã thừa nhận với cảnh sát Nhật Bản rằng anh ta đã đánh cắp dữ liệu và rời khỏi Nhật Bản sau cuộc phỏng vấn.
Một cựu sĩ quan tình báo Nhật Bản đã kêu gọi Nhật Bản tăng cường các nỗ lực lập pháp để ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ, bằng cách kiểm tra lý lịch của những người có quyền truy cập vào thông tin bí mật.
Trong vài năm qua, sau khi Hoa Kỳ áp đặt các lệnh cấm công nghệ đối với Trung Quốc, thì Nhật Bản lại trở thành mục tiêu chính cho hành vi trộm cắp công nghệ của ĐCSTQ.
Ông Masatoshi Fujitani, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Kanazawa và nhà nghiên cứu cao cấp tại Cơ quan Quản lý An ninh Kinh tế cho biết: “Điều cấp thiết [đối với Nhật Bản] là thiết lập một hệ thống kiểm tra bảo mật càng sớm càng tốt, hệ thống này sẽ quy định rằng chỉ những người vượt qua được vòng xét duyệt này mới có quyền truy cập vào thông tin mật.”
Ông Fujitani trước đây làm việc tại Cục Tình báo An ninh Công cộng, nơi nghiên cứu và phân tích chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Trung Quốc, Bắc Hàn, Nga, và an ninh kinh tế.
Theo Đài Á Châu Tự do (RFA) hồi tháng 07/2022, ông Fujitani tuyên bố trên kênh truyền hình cáp Nhật Bản ABEMA rằng ông ước tính Trung Quốc đã gửi 20,000 đến 25,000 gián điệp đến Nhật Bản.
Ông Fujitani nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng Bộ Thương mại (MOC) của ĐCSTQ chỉ cần quyết định xem họ cần công nghệ nào, và Bộ Công an của họ sẽ thực hiện hoạt động gián điệp.
Nông nghiệp thông minh được đưa vào Danh mục các Ngành Khuyến khích Đầu tư Ngoại quốc năm 2022 của Bộ Thương mại nước này, trong đó sử dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất. Dữ liệu mà người đàn ông Trung Quốc nói trên gửi về Trung Quốc được cho là “có liên quan đến một chương trình được cài đặt trên một thiết bị được sử dụng để duy trì môi trường thích hợp cần thiết để trồng các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm nhiệt độ bên trong nhà kính và độ ẩm của đất.”
Theo ông Fujitani, Bộ Thương mại Trung Quốc không phải là cơ quan duy nhất tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp ở Nhật Bản.
Bên cạnh Bộ Thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cử cán bộ kỹ thuật đến Đại sứ quán Trung Quốc để thu thập và phân tích thông tin tình báo kỹ thuật của nước sở tại.
Ông Fujitani nói, “Tôi biết một quan chức như vậy trong Bộ phận Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.”
‘Chiến thuật biển người’
ĐCSTQ sử dụng công dân Trung Quốc trong các hoạt động gián điệp, được quy định trong Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 06/2017, buộc người dân và các công ty Trung Quốc phải hợp tác với các cơ quan tình báo của nhà cầm quyền nước này. ĐCSTQ gọi chiến lược này là “chiến thuật biển người”, vì chiến thuật này có thể sử dụng đến một số lượng lớn dân thường.
Theo luật như vậy, bất kỳ người Trung Quốc nào ở Nhật Bản đều có thể trở thành gián điệp của ĐCSTQ, ngay cả khi người đó không thích ĐCSTQ.
Việc ban hành luật này đã làm dấy lên lo ngại ở Nhật Bản.
Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến cuối năm 2022, có 745,411 công dân Trung Quốc sinh sống tại Nhật Bản, không bao gồm những người Trung Quốc đã nhập quốc tịch Nhật Bản.
Ông Fujitani bày tỏ lo ngại về việc Nhật Bản không có luật chống gián điệp và tình trạng thiếu nhân lực trong các cơ quan tình báo Nhật Bản.
Ông Fujitani nói, “Vì Nhật Bản không có luật chống gián điệp nên Nhật Bản không thể thực thi luật chống gián điệp [Trung Quốc], vốn chỉ có thể được xem như là hành vi vi phạm luật kiểm soát nhập cư, trộm cắp, và các tội nhẹ khác,” nói thêm rằng các hoạt động do thám rộng lớn của ĐCSTQ liên quan đến cả cư dân Trung Quốc lẫn công dân Nhật Bản.
Ông Fujitani nói thêm, “Nếu một ngày quân đội ĐCSTQ phát triển các loại vũ khí và tấn công Nhật Bản bằng công nghệ đánh cắp từ Nhật Bản, tôi nghĩ là không một người Nhật nào có thể chấp nhận điều này.”
Du học sinh Trung Quốc bị ép làm gián điệp
ĐCSTQ sử dụng lòng ái quốc để xúi giục du học sinh thực hiện hoạt động gián điệp công nghiệp hoặc quân sự cho nhà cầm quyền.
Tại Nhật Bản vào năm 2021, một nghi phạm 36 tuổi, được xác định danh tính là Vương Kiến Bân (Wang Jianbin), từng là một sinh viên du học Nhật Bản. Anh Vương bị cáo buộc hành động dưới sự chỉ đạo của một người phụ nữ. Người này là vợ của một quân nhân trong Đơn vị 61419 về chiến tranh mạng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Lực lượng cảnh sát nói với Nikkei Asia rằng anh Vương đã bị thành viên quân đội kia tác động qua mạng xã hội với lý do “cống hiến cho đất nước”. Anh Vương được cho là đã khai rằng “chúng tôi có một đội nhóm hùng mạnh.”
Anh Vương đã nghĩ ra một công ty giả mạo và một bí danh để cố gắng mua bất hợp pháp nhu liệu bảo mật tân tiến của Nhật Bản vốn chỉ được bán cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, công ty bán nhu liệu này đã phát hiện ra nhiều điều bất thường trong tờ đơn của anh Vương và từ chối giao dịch.
Anh Vương cũng được vợ của thành viên PLA nói trên hướng dẫn thuê một máy chủ, sau đó chia sẻ ID và mật khẩu. Trong năm 2016 và 2017, máy chủ này bị cáo buộc đã được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng vào 200 công ty và tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản, trong đó có cả Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản.
Cảnh sát Tokyo đã nhận được lệnh bắt giữ anh Vương, người đã rời Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản rò rỉ thông tin cho công ty Trung Quốc
Các báo cáo cho thấy ĐCSTQ cũng nhắm mục tiêu các chuyên gia Nhật Bản để lấy thông tin bí mật thông qua các nền tảng truyền thông xã hội.
Trong một trường hợp, một cựu nhà nghiên cứu Nhật Bản làm việc cho một công ty hóa chất hàng đầu của nước này đã bị cáo buộc làm rò rỉ thông tin bí mật cho một nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Theo Asahi Shimbun, một hãng thông tấn lớn của Nhật Bản, người đàn ông 45 tuổi này là cư dân của Phường Yodogawa, Osaka, từng làm việc tại Công ty Hóa chất Sekisui. Người đàn ông này đã gửi thông tin hai lần cho công ty Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 08/2018 đến tháng 01/2019 bằng tài khoản thư điện tử của chính mình.
Ông ta được cho là đã được tiếp cận trên LinkedIn và cảnh sát đã cáo buộc ông ta tiết lộ bí mật thương mại về quy trình sản xuất các hạt dẫn điện, vốn được sử dụng trong bảng điều khiển cảm ứng của điện thoại thông minh, cho Công ty TNHH (Tập đoàn) Tam Hoàn Triều Châu. Công ty này đã mời ông ta đến Trung Quốc nhiều lần, bao trọn gói đi lại và ăn ở.
Asahi Shimbun đưa tin, ông này đã thừa nhận các cáo buộc nói trên.
Sekisui đã sa thải người đàn ông này vào tháng 05/2019.
Bản tin có sự đóng góp của Giang Tả Nghi
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times