Các chuyên gia: NATO tìm kiếm một liên minh phòng thủ ở châu Á để cùng chống Trung Cộng
Các chuyên gia đưa ra giả thuyết, nếu cuộc xâm lược Ukraine của Nga chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho NATO, thì mối đe dọa ngày càng tăng từ một lực lượng hiếu chiến khác — Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — đối với Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến NATO quyết định thành lập văn phòng liên lạc ở châu Á để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột hoặc chiến tranh tiềm tàng nào trong khu vực này.
Trong một bài diễn thuyết hôm 09/05 trước giới báo chí, đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ Koji Tomita cho biết, NATO (hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) — một liên minh quân sự gồm các quốc gia Âu Châu và Bắc Mỹ — dự định mở văn phòng liên lạc tại Tokyo vào tháng Bảy tới.
Không lâu sau đó, hôm 01/06, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng “Lần thứ hai trong lịch sử, chúng ta sẽ có tất cả các nhà lãnh đạo của bốn đối tác Châu Á-Thái Bình Dương là Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Nam Hàn, tham dự hội nghị thượng đỉnh của chúng ta tại thủ đô Vilnius [của Lithuania].”
Bốn quốc gia này lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng Sáu năm ngoái, bốn tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 02/06 với The Epoch Times, ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và là chủ bút của Tạp chí Rủi ro Chính trị, cho biết NATO đang tìm cách củng cố liên minh quân sự của mình: “Vì Trung Quốc và Nga đã liên kết với nhau trong cái rốt cuộc là một trục tấn công, cùng với Iran và Bắc Hàn, chờ đợi các hệ thống liên minh của Hoa Kỳ ở châu Âu và châu Á đối chọi với họ trong một liên minh phòng thủ bằng cách liên kết các cấu trúc thể chế của họ.”
Ông nói: “Cuối cùng chúng ta sẽ thấy Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand, và Philippines gia nhập NATO hoặc một hệ thống liên minh dân chủ tương đương ít chính thức hơn.”
Liên minh Âu-Á
“Tôi nghĩ là cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã cho mọi người mở rộng tầm mắt một lần nữa về khuynh hướng hiếu chiến của Nga. … Mối đe dọa đó đã thúc đẩy NATO thay đổi các cấp độ hợp nhất,” ông Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii, nói với The Epoch Times hôm 02/06. Ông nói rằng việc ĐCSTQ ủng hộ Nga và hành vi bắt nạt của ĐCSTQ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã “thúc đẩy một lợi ích chung trong việc tăng cường hợp tác an ninh” giữa NATO và các đối tác tiềm năng ở châu Á.
Trong chiến tranh Nga-Ukraine, ĐCSTQ đã bí mật bán các sản phẩm quân sự công nghệ cao cho Nga thông qua các công ty vỏ bọc ở Hồng Kông và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Họ đã vận chuyển các linh kiện điện tử cho radar hỏa tiễn phòng không tới Nga và cung cấp hình ảnh vệ tinh để trợ giúp các lực lượng lính đánh thuê Nga đang tham chiến ở Ukraine.
Không chỉ viện trợ quân sự, ĐCSTQ còn viện trợ kinh tế cho Nga. Phớt lờ các biện pháp trừng phạt chung mà Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và các nước EU áp đặt lên Nga, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga đạt mức cao kỷ lục 190 tỷ USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm trước đó, theo tin tức của đài BBC hôm 20/03.
Ông Schuster nói rằng NATO đang “có mối quan tâm mới và ngày càng tăng đối với an ninh ở châu Á,” và việc đặt văn phòng liên lạc tại Tokyo cho thấy “Nhật Bản đang xích lại gần châu Âu hơn về mặt hợp tác an ninh.”
Ông Schuster gợi ý rằng an ninh của châu Á cũng liên quan đến nền hòa bình của châu Âu, đồng thời nói thêm rằng, “Xét cho cùng, châu Âu có lợi ích thương mại rất lớn. Và bất kỳ mối đe dọa nào đối với các Tuyến đường biển Quốc tế, Tự do hàng hải, bất kỳ hành vi bắt nạt nào đe dọa bất kỳ quốc gia Á Châu nào, thì đều ảnh hưởng đến châu Âu.”
Chính sách ngoại chiến lang của ĐCSTQ
Theo ông Shuster, việc thành lập văn phòng liên lạc của NATO ở Tokyo cho thấy chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ trong 5 năm qua đã phản tác dụng, bởi vì quan điểm của châu Âu về Trung Quốc đã thay đổi.
“Trong một số trường hợp, các quốc gia [Âu Châu] đang trở nên hoài nghi Trung Quốc về mặt ngoại giao,” ông nói, viện dẫn các hoạt động chiến lang của ĐCSTQ ở Đông Nam Á, Đài Loan, và các quốc gia lân bang phía nam khác, cũng như sự ủng hộ của nước này đối với cuộc xâm lược của Nga.
Những người cai trị ĐCSTQ đã thể hiện bản chất bất hảo của họ với thế giới bằng cái gọi là “ngoại giao chiến lang” trong những năm qua. Tháng Hai năm nay, Giám đốc CIA Burns lưu ý rằng thông tin tình báo của Hoa Kỳ cho thấy lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ra lệnh cho Quân Giải phóng Nhân dân chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
“Điều này làm tăng thêm sự bất ổn toàn cầu vốn đã gia tăng từ cuộc xâm lược của Nga vào Nga. Cả hai mối đe dọa đang làm thay đổi chính sách an ninh quốc gia ở tất cả các nền dân chủ hùng mạnh nhất trên thế giới,” ông Corr nói.
Tháng 11/2021, Lithuania, một quốc gia nhỏ ở châu Âu, đã cho phép Đài Loan mở văn phòng ngoại giao trên đất Âu Châu; văn phòng đầu tiên của nước này ở châu Âu sau 18 năm. Chính quyền Trung Quốc vẫn đang tuyên bố rằng họ có chủ quyền đối với Đài Loan.
Hồi tháng Năm, các ngoại trưởng EU đã tổ chức một cuộc họp không chính thức tại Stockholm để hiệu chuẩn lại chính sách của họ đối với Trung Quốc, trong đó đã thông qua đề cương chiến lược của Đại diện cao cấp của EU về Chính sách Ngoại giao và An ninh Josep Borrell nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Trong năm qua, Hoa Kỳ đã từng bước phát triển một khung chính sách quân sự, công nghệ, và chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ. Tháng hai năm ngoái, Hoa Kỳ đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới nhất của mình, được thiết kế nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở tất cả các khu vực từ Nam Á đến Quần đảo Thái Bình Dương. Hồi tháng Năm, Tổng thống Biden đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chuyến công du tới Đông Á, với sự tham gia của 13 quốc gia như Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam. Trong cùng tháng đó, Hoa Kỳ đã tổ chức Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) với các nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản tại Tokyo.
Bây giờ đến lượt NATO hành động, ông Corr cho biết văn phòng tương lai của NATO ở Tokyo có thể cung cấp chi viện kịp thời trong trường hợp chẳng hạn như xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và ĐCSTQ hoặc Bắc Hàn, xung quanh Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông.
Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự
Ông Corr nói rằng tất cả các nền dân chủ trên thế giới đang hợp tác với nhau và “tự trang bị vũ khí để phòng vệ trước Nga và Trung Quốc” một cách toàn diện hơn, trong đó có Nhật Bản.
Theo ông Corr, Nhật Bản có lịch sử chiến tranh chống lại cả hai quốc gia này bắt đầu từ các cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ 19 với Trung Quốc và đầu thế kỷ 20 với Nga.
Tháng Mười Hai năm ngoái, chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ chi 43 ngàn tỷ yên (khoảng 322 tỷ USD) vào quốc phòng trong năm năm tới, bao gồm cả việc khai triển các hỏa tiễn đầu tiên có thể tấn công các mục tiêu quân sự tại các quốc gia khác. Hồi tháng Ba, Thủ tướng Fumio Kishida công bố một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cam kết đầu tư hàng tỷ dollar.
“Khoản chi tiêu mới dành cho quân sự của Nhật Bản có mục đích chủ yếu là để răn đe Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Đài Loan và Nhật Bản không có vũ khí hạt nhân để chống lại một quốc gia hung hăng có vũ khí hạt nhân là điều thiếu sót,” ông Corr cho hay.
Ông Corr nói tiếp, “Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra với một Ukraine phi hạt nhân bị Nga xâm lược. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga sẽ không bao giờ xảy ra nếu nước này không từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994. Chúng ta cũng có thể cho rằng Trung Quốc sẽ xâm chiếm Đài Loan nếu Hoa Kỳ không giúp Nhật Bản và Đài Loan có được những vũ khí ít nhất cũng mạnh mẽ và hiện đại như những loại vũ khí được Trung Quốc sử dụng.”
Ông Schuster chia sẻ các quan điểm tương tự rằng Nhật Bản phải lo lắng về các mối đe dọa từ phía bắc khi quân đội Trung Quốc và Bắc Hàn tăng cường sức mạnh. Sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi tháng Tám năm ngoái, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự kéo dài nhiều ngày, bao gồm cả việc bắn hỏa tiễn vào vùng biển xung quanh quần đảo của Nhật Bản.
Ông Schuster nói, “Nhật Bản cần một Thái Bình Dương rộng mở để tồn tại. Về mặt kinh tế, họ nhập cảng hơn 90% nhu cầu năng lượng. Và điều đó có nghĩa là đại dương này phải rộng mở và tự do.”
Mặt khác, nếu ĐCSTQ mở rộng phạm vi xâm lược của mình sang chuỗi đảo này, thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh của Nhật Bản, ông Schuster nói, “Logic tương tự cũng áp dụng cho Đài Loan. Đài Loan cũng nhập cảng hơn 90% năng lượng của mình.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times