Vị vương hậu tận tâm ít người biết đến: Marie Leszczynska và Cung điện Versailles
Trung thành và sùng đạo, bà Marie Leszczynska (1703–1768) vốn là công chúa Ba Lan. Sau khi kết hôn với Vua Louis XV, bà trở thành Vương hậu nước Pháp và là vị vương hậu có thời gian trị vì lâu nhất tại Versailles – 42 năm. Bà có ảnh hưởng khá lớn đối với cuộc sống của người dân nước Pháp dù không phải trên phương diện chính trị.
Điển hình là bà luôn hết lòng vì phu quân – Vua Louis XV, các hoàng tử công chúa, và người dân Pháp. Bà cũng là người trung thành với đức tin của mình; Vương hậu Marie tham dự Thánh lễ hai lần một ngày và xưng tội mỗi ngày một lần.
Charles Jean-François Hénault (1685–1770), Chủ tịch Nghị viện Paris, đồng thời là cố vấn và phụ tá của Vương hậu Marie đã viết trong hồi ký của mình: “Bằng sự mẫu mực của bản thân, bà đã biến một triều đình phóng túng thành nơi tuân thủ phép tắc tôn giáo, mà không làm giảm đi vẻ đẹp hay sự uy nghiêm của nó.”
Mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc các nhiệm vụ tại triều đình, Vương hậu Marie sẽ lui về không gian riêng, nơi bà giữ mối quan hệ với một nhóm nhỏ hoàng tộc và những người bạn tâm giao, bao gồm các nhà văn, triết gia và các bộ trưởng.
Các phòng ốc rộng lớn của Vương hậu bao gồm: một nhà nguyện nhỏ – bà dùng căn phòng này để thể hiện sự thành kính trước thần linh, Phòng trưng bày Green Gallery, Phòng tắm, Phòng nghỉ và thậm chí cả Thư phòng. Thư phòng là một “không gian cực kỳ nhỏ”, Vương hậu Marie cất giữ bộ sưu tập thơ của mình tại đây. Điều này được Charles-Philippe d’Albert, Công tước xứ Luynes, chia sẻ trong hồi ký của ông.
Các phòng ốc mở ra nhiều sân hiên và ban công trang nhã có treo những vòng hoa. Bà Marie cũng thích những khu vườn có các tác phẩm điêu khắc bằng chì và một hòn non bộ bao quanh sân của Đức ông, một địa điểm nhỏ được đặt tên theo con trai của Vua Louis XIV và Vương hậu Marie Thérèse.
Những phòng ốc này là không gian riêng của bà. Đây chính là nơi bà dùng để đọc sách, nghỉ ngơi, cầu nguyện, thêu thùa may vá hoặc vẽ tranh. Dù phụ thân của bà, vốn là quốc vương Ba Lan, bị truất ngôi nhưng Vương hậu Marie vẫn được giáo dục như một công chúa, bà học ngôn ngữ, khiêu vũ, ca hát, chơi nhạc cụ, hội họa, v.v. Green Gallery là nơi Vương hậu vẽ tranh, chơi nhạc, và sử dụng máy in của riêng mình để in ấn.
Một bộ sưu tập gồm 50 bức tranh, một số do chính Vương hậu sáng tác, và các tác phẩm nghệ thuật khác, được trưng bày như một phần của cuộc triển lãm tại Versailles với chủ đề, “Phong cách nghệ thuật của Marie Leszczynska: Marie Leszczynska, một Vương hậu chưa được biết đến” (The Taste of Marie Leszczynska: Marie Leszczynska, an Unknown Queen), đã diễn ra từ ngày 16/04/2020 và kéo dài đến mùa xuân năm 2020. Triển lãm do hai giám tuyển Gwenola Firmin và Marie-Laure de Rochebrune thực hiện – cả hai đều là giám tuyển trưởng tại Bảo tàng Quốc gia Cung điện Versailles và Trianon – và được hỗ trợ bởi tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Vincent Bastien.
Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong triển lãm phản ánh tình yêu của Vương hậu Marie dành cho gia đình, Chúa và cái đẹp.
Chân dung gia đình
Nhiều bức tranh trong các phòng ốc của Vương hậu Marie vẽ 10 người con của bà, tất cả đều sinh từ năm 1727 đến năm 1737. Khi người con trai đầu tiên, Hoàng tử Louis Ferdinand, chào đời, bà đã ủy quyền cho Alexis-Simon Belle (1674–1734) vẽ chân dung của hoàng tử. Bức tranh được treo trong phòng tắm của bà. Vương hậu rất thích nó nên đã giao cho Belle vẽ một lần nữa, nhưng lần này là vẽ cả hai mẹ con.
Rất có thể bức tranh Vương hậu Marie cùng con trai Louis Ferdinand được vẽ chỉ một năm sau khi hoàng tử chào đời.
Trong bức tranh, Vương hậu Marie ngồi thẳng lưng và điềm tĩnh, thể hiện “phong thái lịch thiệp” vốn có như nhận xét của Madame Campan về thời trẻ của bà. Madame Campan là người phụ trách đọc sách cho các tiểu công chúa của bà Marie. Những viên kim cương được dệt khắp mái tóc của Vương hậu, giống như những viên ngọc được đính trong những đường thêu kim loại tinh xảo trên chiếc váy vàng của bà. Vương hậu nhẹ nhàng nắm tay con trai mình. Tiểu hoàng tử vẫn chỉ là một cậu bé, nhưng bắt chước nét mặt của mẹ mình với phong thái hoàng gia vốn tương phản với sự non nớt của cậu. Có lẽ cậu bé ấy đã biết trước số phận của mình. Chiếc vương miện vàng trên ghế trường kỷ chắc chắn báo hiệu tương lai của cậu. Tiểu hoàng tử ngồi trên một chiếc áo choàng có lót lông và thêu họa tiết hoa bách hợp, trang phục mà cậu sẽ mặc khi lên ngôi.
Các biểu tượng và nét tinh xảo tương tự có thể được thấy trong bức chân dung Quốc vương Louis XV (1710–1774) của Pháp, được vẽ vào khoảng năm 1728 bởi một nghệ sĩ khuyết danh. Tại đây, Vua Louis mặc cổ áo mang huy hiệu Thánh Linh (Holy Spirit), và chiếc áo choàng thêu hoa bách hợp mà tiểu hoàng tử đã ngồi lên trong bức chân dung với mẹ của mình. Trên bàn phía bên phải của Quốc vương là vương miện, vương trượng và quyền trượng Bàn tay Công lý Charlemagne, một loại quyền trượng của Pháp với phần đầu thể hiện bàn tay của Chúa đang ban phước.
Tác phẩm nghệ thuật của Vương hậu Marie
Một người bạn của Vương hậu Marie, công tước xứ Luynes đã chia sẻ, Vương hậu không có năng khiếu vẽ bẩm sinh, nhưng bà có thể vẽ khá tốt và “nhận được nhiều niềm vui từ hội họa”.
Jean-Baptiste Oudry (1686–1755) là một trong những họa sĩ yêu thích của Vương hậu Marie. Bà đã sao chép một trong những bức tranh của ông mà con trai bà, Hoàng tử Louis Ferdinand, đã đặt làm. Trên nền canvas, bức “Một nông trại, vẽ lại của Jean-Baptiste Oudry” thể hiện một cảnh thanh bình cho thấy một vụ mùa bội thu và những bàn tay chăm chỉ của người nông dân trong khung cảnh nông thôn. Người ta cho rằng họa sĩ trong cung đình của nhà vua Étienne Jeaurat đã hỗ trợ bà thực hiện bức tranh. Jeaurat đã cố vấn cho Vương hậu vẽ tranh trong khoảng thời gian 15 năm.
Năm 1761, Vương hậu Marie cùng năm họa sĩ cung đình đã vẽ một loạt các bức tranh sơn dầu phong cách Trung Hoa được gọi là “Phòng Trung Hoa”. Loạt tranh được vẽ phối cảnh từ góc nhìn trên cao theo phong cách Trung Hoa, với các chi tiết tinh tế về kiến trúc, trang phục và cảnh quan. Bức tranh mô tả nhiều hoạt cảnh khác nhau như một buổi trà đạo, hoạt động truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên, và một hội chợ ở Nam Kinh.
Versailles đã mua lại các bức tranh “Căn phòng Trung Hoa” vào năm 2018. Các tác phẩm đã được bảo tồn bởi gia đình của cung nữ Comtesse de Noailles kể từ khi Vương hậu để lại những bức họa cho cung nữ này vào năm 1768.
Thánh Francis Xavier và cái chết
Vương hậu Marie có một khát vọng mạnh mẽ là giúp đỡ những người khốn khổ thoát khỏi bất hạnh. Bà được cho là đã tuyên bố rằng: “Tôi không cần váy; người nghèo thậm chí còn không có cả áo sơ mi.” Bà đã hỗ trợ các bệnh viện, phòng khám và các quỹ từ thiện, cống hiến hết mình để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Bà cũng đã thành lập một tu viện ở Versailles để giáo dục những cô gái nghèo. Tu viện được khánh thành sau khi bà qua đời.
Niềm tin Cơ Đốc của Vương hậu Marie được thể hiện mạnh mẽ trong không gian sống của bà, trong những cuốn sách bà đọc và trong cả những tác phẩm nghệ thuật bà thưởng thức.
Bà thích các chủ đề và câu chuyện về những người Cơ Đốc Giáo tử vì đạo cũng như các tu sĩ Dòng Tên thời kỳ đầu. Vào thời điểm đó, các tu sĩ Dòng Tên đang bị trục xuất mạnh mẽ khỏi Pháp.
Vương hậu Marie đặc biệt quan tâm đến Thánh Francis Xavier. Bậc tu sĩ Dòng Tên này trước đó đã dành thời gian ở Ấn Độ và trên đường đến Trung Hoa đại lục năm 1552 để truyền giáo. Nhưng ông đã qua đời trên đảo Thượng Xuyên, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông trước khi thực hiện được ước nguyện. Bà đã yêu cầu họa sĩ Charles-Antoine Coypel (1694–1752) vẽ bức tranh “Cái chết của Thánh Francis Xavier” vào năm 1749 để thể hiện lòng thành kính của bản thân.
Tông màu tối của thi thể Thánh Francis nằm trên đất gần như chia đôi bức tranh: Bóng tối của sự chết chóc đối lập với ánh sáng thần thánh của các thiên thần vẫy gọi và chào đón vị tu sĩ Dòng Tên lên thiên đường.
Hải Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times