Gia tộc Bibiena: Những bậc kỳ tài trong việc thiết kế Nhà hát Âu Châu
‘’Architecture, Theater, and Fantasy: Bibiena Drawings From the Jules Fisher Collection” (Kiến trúc, nhà hát và những điều tuyệt diệu: Bản vẽ Bibiena từ bộ sưu tập Jules Fisher), một triển lãm tại Thư Viện & Bảo Tàng The Morgan
Năm 1716, nhà thơ Alexander Pope nhận được một lá thư từ nhà văn Lady Mary Wortley Montagu, người vừa mới xem vở diễn “Angelica vincitrice di Alcina” ở Vienna.
“Chưa từng có điều gì tráng lệ hơn thế, và tôi có thể dễ dàng tin vào những gì tôi được kể, rằng những bộ trang trí và trang phục đã tiêu tốn của Hoàng Đế ba mươi nghìn bảng Anh [hơn 4.1 triệu đô la ngày nay],” lời cô viết được trích dẫn trong danh mục triển lãm của Bảo tàng & Thư viện Morgan: “Architecture, Theater, and Fantasy: Bibiena Drawings From the Jules Fisher Collection” (Kiến trúc, nhà hát và những điều tuyệt diệu: Bản vẽ Bibiena từ bộ sưu tập Jules Fisher).
Những kiến trúc xa hoa, tuyệt diệu mà cô nhắc đến được thiết kế bởi gia tộc Bibiena người Ý, những người tiên phong trong cách tiếp cận mới đối với thiết kế rạp hát. Đó là một sáng kiến khiến họ được săn đón nhất trong gần một thế kỷ.
Khoảng 300 năm sau buổi biểu diễn ở Vienna, ông John Marciari, thuộc bộ phận giám tuyển Charles W. Engelhard của Morgan và là người đứng đầu bộ phận tranh vẽ và bản in, đã từng nghe những lời cảm thán tương tự: Hai người đồng sự của ông đang trên đường đến một cuộc họp, họ đi đường tắt qua phòng học nơi Marciari đang nghiên cứu tuyển tập các bản vẽ thiết kế Bibiena.
“Đây là những nhân viên khá trẻ ở độ tuổi 20, họ đã nhìn thấy những bức vẽ này và ngây người ra,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Họ chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy và muốn biết nhiều hơn, ông nói thêm.
Không có một cuộc triển lãm nào ở Mỹ dành riêng cho Bibiena trong hơn 30 năm qua, và mặc dù ông Marciari đã lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm như thế, nhưng ông không chắc có bao nhiêu người quan tâm. Nhưng phản hồi của các đồng nghiệp đối với các bản vẽ Bibiena đã khích lệ ông rất nhiều.
Ông Marciari cho chúng tôi biết thêm về triển lãm của Thư viện & Bảo tàng Morgan “Kiến trúc, Nhà hát và Những điều tuyệt diệu: Những bức vẽ Bibiena từ Bộ sưu tập Jules Fisher”.
The Epoch Times: Triển lãm này ra đời như thế nào?
Ông John Marciari: Morgan có một bộ sưu tập lớn các bản vẽ sân khấu, bao gồm hơn 100 bức vẽ Bibiena, phần lớn là thông qua di sản của nhà thiết kế phim trường người Mỹ Donald Oenslager, người đã gửi gắm bộ sưu tập của mình tới Morgan sau khi ông qua đời. Jules Fisher, nhà thiết kế ánh sáng từng đoạt Giải Tony, là một người đam mê sưu tập các bức vẽ Bibiena, và ông đã nghĩ Morgan là ngôi nhà cuối cùng cho bộ sưu tập của mình để hòa vào bộ sưu tập lớn đã có ở Morgan. Vì vậy, ông bắt đầu nói với chúng tôi về điều đó, cho chúng tôi ý tưởng để tôn vinh món quà đầy hứa hẹn của ông ấy bằng một cuộc triển lãm. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi có một bộ sưu tập thực sự phong phú về đề tài này mà chưa từng triển lãm trong nhiều thập kỷ, và nói chung là không ai có.
Vì vậy, chúng tôi thật sự rất vui khi thấy nhiều người quan tâm đến buổi triển lãm, cả những người chỉ biết mơ hồ về Bibienas, hay chưa bao giờ nghe nói về chúng, và những người không thực sự biết chúng có liên quan đến nhà hát mà đơn giản chỉ là yêu thích các bộ thiết kế này.
The Epoch Times: Trong khoảng một thế kỷ, gia tộc Bibiena chiếm lĩnh thiết kế nhà hát ở Âu Châu. Bibienas là ai?
Ông Marciari: Người nghệ sĩ đầu tiên trong gia tộc này là một họa sĩ, hoàn toàn không liên quan đến nhà hát. Giovanni Maria Galli (1618–1665) của gia tộc Bibiena sinh ra tại thị trấn Bibbiena ở Tuscany. Ông đã đến Bologna [miền bắc nước Ý] để trở thành một họa sĩ, ông chuyên về phong cách trompe l’oeil, là các bức vẽ trần và tường của cung điện khiến không gian kiến trúc trông như rộng lớn hơn.
Ông Giovanni đã đào tạo các con trai của mình là Ferdinando (1657–1743) và Francesco (1659–1739), và hai người bắt đầu làm việc cho Gia tộc Farnese, tại thời điểm này họ tới lui giữa thành phố Parma và Piacenza ở miền bắc nước Ý.
Ferdinando và Francesco đang làm việc cho pháp viện công tước. Giống như tất cả các họa sĩ gắn bó với pháp viện vào thời điểm đó, họ là những người đam mê nghệ thuật và đã vẽ một số bức tranh, nhưng họ cũng được yêu cầu tham gia thiết kế đồ trang trí đương đại cho các lễ hội và truyền bá các nghi lễ nếu ai đó đến thăm thị trấn. Một họa sĩ tại một pháp viện như thế sẽ làm tất cả mọi thứ. Và lẽ tự nhiên, việc những nhà hát trở nên quan trọng trở lại vào thế kỷ trước ở Parma và gần đây là ở Piacenza, chắc hẳn công tước sẽ yêu cầu họ giúp thiết kế cho một số buổi biểu diễn ở nhà hát.
Vì Ferdinando đã được đào tạo về nghệ thuật vẽ phối cảnh phức tạp, ông hẳn đã nghĩ: Chà, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta sử dụng phối cảnh hai điểm tụ mà các nhà khoa học đã biết đến nhưng chưa từng được ứng dụng trong nhà hát hoặc hội họa trước đây. Vì vậy, thay vì dùng phối cảnh một điểm tụ ở giữa sân khấu, các tòa nhà được vẽ bằng cách sử dụng hai điểm tụ ở sau cánh gà của sân khấu.
Vì vậy về cơ bản, vị trí các tòa nhà trên sân khấu rất linh động và khán giả nhìn thấy chúng ở một góc xiên. Nó có vài ý nghĩa: Một trong đó là không gian ba chiều ảo có thể cảm nhận từ bất kỳ nơi đâu trong nhà hát, không chỉ từ một khán giả nào đó ngồi ở trung tâm khán đài. Và nó cũng mở rộng không gian vô tận. Nếu bạn có một điểm tụ ở giữa sân khấu, hiệu ứng phối cảnh sẽ không đạt hiệu quả ở các vị trí khác. Trong khi nếu tạo phối cảnh ở góc xiên, cùng một vài cây cột, bạn có thể tạo ra không gian vô hạn bên ngoài nó mà không cần phải vẽ tất cả các cột riêng lẻ, vì điểm tụ của phối cảnh là không nhìn thấy. Nó thực sự đã thay đổi cách thức dựng cảnh trên sân khấu.
Chưa một ai từng thấy một sân khấu trông như thế này trước đây; đó là một thế giới hoàn toàn mới.
Và cách mà đồng nghiệp của tôi Arnold Aronson, một giáo sư về nhà hát, mô tả điều này trong danh mục triển lãm là thay vì sử dụng proscenium (1) – phần không gian mở rộng tầm nhìn – thì với thiết kế Bibiena, đó là cửa sổ nhìn ra một thế giới song song tráng lệ mà chân thực. Chúng ta không cần phải giả định rằng đó là không gian của ai; đó là một cửa sổ mở ra một thế giới hoàn toàn khác.
Đó là một sự thay đổi hoàn toàn về mô hình trong lịch sử của rạp hát, sự thay đổi mạnh mẽ đến mức tất cả những ai từng xem những gì Bibienas đã làm đều cố gắng mời một thành viên trong gia tộc đến và thiết kế dựng cảnh tại rạp của họ.
Vì vậy, Bibienas bắt đầu vươn xa, từ khu vực Bologna, Parma, Piacenza lên Mantua, đến Venice, tất nhiên xa hơn nữa là Vienna (các rạp hát rất thịnh hành tại đây), nơi mà cả gia tộc Bibienas làm việc qua các thế hệ. Họ thực sự đã làm việc trong các rạp hát ở khắp mọi nơi, từ Lisbon ở phía Tây đến St. Petersburg ở phía Đông, và từ Naples ở phía Nam đến Stockholm ở phía Bắc.
Đó là một trong những kỷ nguyên rực rỡ của nhà hát. Opera Ý đã trở nên phổ biến, các buổi biểu diễn âm nhạc và nhà hát có quy mô chưa từng thấy trước thế kỷ 18. Nó khiến tôi nghĩ về việc nổi tiếng khắp thế giới của một người như Vivaldi hay như ca sĩ castrato (2) người Ý Farinelli. Đó thực sự là một thế giới nghệ thuật quốc tế dành cho âm nhạc và nhà hát vào thế kỷ 18, vì vậy Bibienas đã thu được lợi nhuận nhờ phát minh của mình và họ cũng đánh đúng thời điểm khi mà các rạp hát nhìn chung đang mở rộng.
Gia tộc Bibiena đã xây 13 nhà hát trong suốt thế kỷ 18, chỉ có hai trong số đó còn tồn tại. Vì vậy, các bản vẽ là bản lưu trữ tốt nhất để chúng ta biết về tài năng của họ.
The Epoch Times: Danh mục triển lãm mô tả các bộ bản vẽ của Bibienas là nghệ thuật vẽ phối cảnh. Ông có thể vui lòng cho chúng tôi biết thêm về điều đó?
Ông Marciari: Nhìn chung, đây là những bản vẽ phục vụ cho công việc. Chúng thực sự không nhằm mục đích là bức vẽ, mà là các hồ sơ làm việc để tạo ra sân khấu ảo. Tôi sẽ mô tả quy trình làm việc theo cách này: Người thiết kế dựng cảnh có một ý tưởng trong đầu về những gì anh ta muốn khán giả cảm nhận trên sân khấu. Đó sẽ là một không gian ba chiều ảo: là những gì khán giả nhìn thấy trên sân khấu, phía sau các diễn viên theo chiều sâu của sân khấu. Và sau đó, bạn phải chuyển nó sang một bản phác thảo hai chiều, ý tưởng đầu tiên là như thế.
Nhiều thành viên trong gia tộc Bibienas và những người khác từng làm việc trong nhà hát đã được đào tạo là họa sĩ. Vì vậy, họ bắt đầu làm việc với một bản phác thảo; đó là cách làm việc của các họa sĩ Ý. Sau đó, họ đi từ bản vẽ sơ phác đến một bản vẽ hoàn thiện, giải thích các bản vẽ một cách tỉ mỉ cho những người thi công về ý định của họ.
Ý tưởng trong đầu của nhà thiết kế được thể hiện trên trang giấy như một bản vẽ hai chiều, sau đó cần được thực hiện trong rạp hát thông qua sự kết hợp của phần phông nền có bánh xe được đưa vào từ cánh gà hoặc được thả xuống từ hệ thống phông nền phía trên sân khấu. Vì vậy, bây giờ bạn có các hình vẽ hai chiều được chuyển đổi thành các bức tranh ba chiều ảo, nhưng vẫn được tạo ra từ những bức tranh phẳng hai chiều. Họ chưa bao giờ thực sự xây dựng các cột và vòm trên sân khấu. Tất cả được vẽ trên nhiều lớp mặt phẳng, sử dụng kỹ thuật phối cảnh trompe l’oeil, công việc của gia tộc Bibiena bắt đầu như thế.
The Epoch Times: Tôi cũng đọc trong danh mục triển lãm có ghi thẩm quyền của những bức vẽ này hơi có vấn đề. Tại sao vậy?
Ông Marciari: Bởi vì họ là một xưởng gia đình, nơi cha đào tạo (các) con trai và (các) cháu trai của mình, và tất cả họ đều làm việc cùng nhau trong các dự án, nên rất khó để biết ai chịu trách nhiệm cho bất kỳ việc gì. Ví dụ, giả sử bạn có thể có một buổi biểu diễn ở Vienna, nơi Giuseppe Galli Bibiena là người ký hợp đồng, chịu trách nhiệm lập hồ sơ cho buổi biểu diễn. Nhưng ông ấy có con trai Carlo của mình, và biết bao nhiêu trợ lý khác làm việc với ông. Vì vậy, ngay cả khi bạn có thể kết nối một bản vẽ với một buổi biểu diễn cụ thể, thật khó để biết liệu đó là do Giuseppe, Carlo hay một trong những người khác tạo ra.
Quy bức vẽ cho một thế hệ trong gia đình sẽ dễ dàng hơn là chỉ định thành viên nào đó đã thực hiện nó. Ví dụ, Giuseppe đã viết một cuốn sách và xuất bản rất nhiều mẫu thiết kế, vì vậy chúng ta có thể nghiên cứu các mẫu thiết kế của Giuseppe và xem chúng khác biệt như thế nào so với các thiết kế của cha anh, Ferdinando.
Nhưng tôi không muốn bám vào sự quy kết như thế. Khi tôi xem các bức vẽ của các họa sĩ Ý, sự phân chia trách nhiệm là một trong những điều đầu tiên tôi lo lắng, nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của tôi hoặc của hầu hết các học giả khi nghĩ về Bibienas. Một lần nữa, đó là bởi vì bản vẽ không được thực hiện như một tác phẩm nghệ thuật. Chúng không phải là những bản vẽ nhằm mục đích được công nhận là tác phẩm của người này hay người khác; chúng là những bản vẽ thi công.
The Epoch Times: Điều gì khiến ông thích thú nhất khi thực hiện cuộc triển lãm kết hợp này?
Ông Maciari: Chuyên môn của tôi là nghệ thuật Ý: về các bức tranh và bản vẽ của các họa sĩ trong thế kỷ 16-18. Tôi không có chuyên môn về nhà hát. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu lịch sử của các bản vẽ nhà hát ở một mức độ nhất định khi tôi thực hiện triển lãm này.
Những điều tôi đã cố gắng giải thích trước đó về ý kiến rằng đây là những bức vẽ hai chiều mà mục đích cuối cùng là tạo ra một sản phẩm ba chiều trên sân khấu bằng cách làm thành các bức tranh hai chiều ảo này. Đó là một mối quan hệ rất khác so với khi họa sĩ bắt đầu phác thảo trên một mảnh giấy hoặc một cái gì đó tương tự, rồi sau đó vẽ trên một tấm vải phẳng.
Việc cân nhắc các ý tưởng, bản vẽ trên trang giấy và sự sáng tạo trên sân khấu, trong sự kết hợp giữa hai và ba chiều này, tôi thấy rằng đó là một cách suy nghĩ thú vị về những bản vẽ này, và những điều họa sĩ đang cố gắng truyền đạt khi đặt bút lên giấy.
Tôi cũng thích cách bạn thực sự có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra. Trong một số bản vẽ, chúng trông giống như là những bản phác thảo tự do, nhưng có những nét chì được đo đạc cẩn thận bên dưới để thiết lập phối cảnh. Một số trong các bản vẽ có các chữ viết, chỉ định rõ của các mặt phẳng khác nhau.
Và nữa, nhà thiết kế dựng cảnh làm việc với một nhà viết kịch, biên đạo múa, nhạc sĩ, và sau đó là người bảo trợ; họ hợp tác rất chặt chẽ. Trong một số bản vẽ, chúng ta có thể thấy sự phối hợp của họ, nơi có thiết kế, và sau đó rõ ràng là ai đó đã nói: “Không, không, bạn phải thay đổi cái này hoặc chỉnh trang cái này thêm một chút.” Trong triển lãm này, có một bản vẽ được hoàn thiện cẩn thận, nhưng sau đó, phần trang trí bổ sung đã nhanh chóng được thêm vào, và thậm chí còn có các yếu tố bổ sung được dán lên. Đối với tôi, những gì để lại trên giấy có lẽ là khía cạnh thú vị nhất của buổi triển lãm.
Thực tế, điều tôi thích thú là những bản vẽ này cho thấy đây là những tài liệu thi công. Bức vẽ của Ferdinando “Phần bên trái của Sảnh Palatial, một thiết kế sân khấu” vẽ vào khoảng năm 1720–1730, là một bản phác thảo thực sự sống động, nhưng nó nằm ở phần trên của bản vẽ phối cảnh mà ông vẽ cẩn thận bằng bút chì. Bạn có cảm giác rằng ông phải làm nó trở nên sống động. Sau khi thiết kế không gian một cách cẩn thận, như một họa viên, như một nhà khoa học phối cảnh. Để tạo cảm giác kịch tính với sáng và bóng đổ, ông ấy đã vẽ lên trên cùng của nó. Và sau đó bản vẽ cũng có các chữ cái chìm lẫn trong đó, “G”, “H”, v.v., tương ứng với các phần khác nhau của phần dựng cảnh, các phông nền, được sử dụng để tạo ảo giác trên sân khấu. Vì vậy, đó là phần yêu thích của tôi. Đó là nơi bạn nhìn thấy tất cả mọi thứ được lưu lại trên một mảnh giấy.
Triển lãm, “Kiến trúc, Nhà hát và Những điều tuyệt diệu: Bản vẽ Bibiena từ Bộ sưu tập Jules Fisher” tại Thư viện & Bảo tàng Morgan kéo dài đến ngày 12 tháng 9. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập TheMorgan.org
Chú thích của người dịch:
- (1)Proscenium: khung ngăn chia giữa tiền sân khấu và sàn diễn, vị trí để rèm
- (2)Castrato: một nam ca sĩ bị thiến khi còn nhỏ để giữ được giọng (nữ) cao
- (3)Capriccio: là một kiến trúc tưởng tượng, đặt các tòa nhà, tàn tích khảo cổ và các yếu tố kiến trúc khác nhau trong một không gian hư cấu.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: