Vì tình yêu, chàng trai nghèo Ấn Độ đạp xe hơn 4 tháng sang Thụy Điển tìm vợ
Trong quan niệm truyền thống, hôn nhân là do ông Trời sắp đặt, người ta thường nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.” Ở Ấn Độ từng có một câu chuyện tình nổi tiếng, câu chuyện cảm động này kể về một chàng trai nghèo Ấn Độ tình cờ gặp một thiếu nữ Thụy Điển và tiến đến hôn nhân. Về sau, khi cô gái trở về Thụy Điển, chàng trai đã đạp xe hơn bốn tháng để tìm cô ấy.
Theo BBC, vào mùa đông năm 1975, nữ sinh viên 19 tuổi người Thụy Điển Charlotte Von Schedvin cùng những người bạn của mình đã lái xe trong 22 ngày dọc theo con đường mòn Hippie xuyên qua lục địa Á-Âu, họ từ Âu Châu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan và Pakistan để đến Ấn Độ du lịch.
Tại Connaught Place ở Delhi, thiếu nữ Schedvin đã gặp chàng trai P.K. Mahanandia, một nghệ thuật gia 24 tuổi đến từ Odisha. Anh Mahanandia nổi tiếng nhờ được các hãng thông tấn đưa tin, anh từng phác họa những danh nhân nổi tiếng như cựu Quyền Tổng thống Ấn Độ B.D. Jatti.
Anh Mahanandia tuyên bố mình có thể hoàn thành một bức phác họa trong vòng 10 phút. Cảm thấy tò mò về điều này, Schedvin đã đề nghị anh vẽ cho cô. Tuy nhiên, bức tranh của anh không làm Schedvin hài lòng, vì vậy cô đã yêu cầu anh vẽ lại vào ngày hôm sau. Ngày hôm sau cũng tương tự như vậy, cô vẫn không hài lòng với tác phẩm của anh.
Anh Mahanandia giải thích rằng khi gặp Schedvin, anh chợt nhớ đến lời tiên đoán mà mẹ anh đã nói mấy năm trước, bởi vậy anh không thể nào vẽ tốt. Anh là một người Dalit có địa vị thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ, trước đây anh từng bị phân biệt đối xử ở trường học, mỗi khi tâm trạng anh không vui, mẹ anh đều sẽ an ủi anh.
Mẹ anh nói, theo chiêm tinh học, người vợ tương lai của anh đến từ một vùng đất xa xôi, cô ấy không chỉ yêu âm nhạc mà còn sở hữu cả một khu rừng, cung hoàng đạo của cô là Kim Ngưu.
Sau khi Mahanandia hỏi, Schedvin, cô gái người Thụy Điển có thân phận quý tộc trả lời rằng cô quả thực sở hữu một khu rừng, hơn nữa cô thích chơi piano, và cung hoàng đạo của cô cũng là Kim Ngưu.
Anh Mahanandia nói với BBC rằng: “Một giọng nói bên trong tôi nói với tôi rằng cô ấy chính là ‘chân mệnh thiên nữ’ [của tôi]. Khi lần đầu tiên gặp mặt nhau, chúng tôi đã bị hút vào nhau như nam châm. Đó là tình yêu sét đánh.”
(Bấm vào đây để xem ảnh của họ).
Theo lời mời của Mahanandia, Schedvin đã cùng anh đến thăm Odisha và ngôi làng của anh. Khi cô gặp cha anh lần đầu tiên, cô mặc sari (loại trang phục truyền thống, được phụ nữ Ấn Độ dùng quấn quanh cơ thể). Cho đến tận bây giờ, anh vẫn không thể biết làm thế nào mà cô ấy đã làm được điều đó.
Anh Mahanandia nói, “Với sự chúc phúc của cha tôi và gia đình, chúng tôi đã kết hôn theo truyền thống của bộ lạc.”
Cặp đôi mới cưới này sau đó đã quay trở lại Delhi, và đây cũng là lúc họ phải chia tay. Schedvin đã đi theo con đường cũ để trở về nhà ở thị trấn dệt may Boras của Thụy Điển, còn Mahanandia thì hứa rằng anh sẽ đến Thụy Điển gặp cô.
Sau hơn một năm trao đổi thư từ, Mahanandia vẫn không có đủ tiền để mua vé máy bay. Vì vậy, anh đã bán tất cả những gì mình có, mua một chiếc xe đạp và bắt đầu men theo con đường mòn Hippie từ Ấn Độ đến Thụy Điển để tìm vợ.
Vào ngày 22/01/1977, anh Mahanandia bắt đầu hành trình tìm vợ đầy khó khăn của mình, anh đạp xe khoảng 70km mỗi ngày. Ngày 28/05/1977, anh đặt chân đến Âu Châu, sau đó đi tàu hỏa đến Gothenburg, Thụy Điển.
Cuối cùng, anh đã được đoàn tụ với Schedvin và gặp cha mẹ cô. Họ đã chính thức kết hôn ở Thụy Điển, sau khi kết hôn họ có hai người con. Hiện nay, ông Mahanandia vẫn là một nghệ thuật gia và đang làm việc ở Thụy Điển, ông từng là Đại sứ Văn hóa tại của bang Odisha, Ấn Độ tại Thụy Điển.
Ông Mahanandia nhớ lại hành trình tìm vợ và nói rằng: “Nghệ thuật đã cứu tôi. Tôi vẽ ký họa cho mọi người, một số người cho tôi tiền, trong khi những người khác cho tôi thức ăn hoặc chỗ ở.”
Ông nhớ rằng vào những năm 1970 thế giới rất khác so với hiện nay. Ví dụ, khi ấy ông không cần giấy thông hành để đi đến hầu hết các quốc gia.
Ông nói rằng, mặc dù trong chuyến đi đó ông thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và đau chân, nhưng nghĩ đến việc được gặp lại Schedvin và được thăm những địa điểm mới, cảm giác vui mừng này đã giúp ông có thể tiếp tục hành trình.
Chỉ có một điều mà ông vẫn luôn không hiểu, đó là tại sao mọi người lại nghĩ rằng đạp xe từ Ấn Độ sang Âu Châu là một việc lớn như vậy?
Trần Tuấn Thôn thực hiện
Tôn Vân biên tập
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ