Vì sao ông ấy bị bệnh lại trở nên giàu có?
Trong tiếng Quảng Đông có câu: “Tài lai tự hữu phương, ngô sử cám bàng hoàng. Cật kỷ đa, trứ kỷ đa đô hệ chỉnh định cát.” Nghĩa là: một người sẽ phát tài theo cách riêng, quý vị không cần nhọc lòng khổ tâm để trù mưu tính kế. Ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu, dùng bao nhiêu đều đã được định trước. Những câu chuyện sau đây phản ánh sự thật này.
Giữa niên hiệu Càn Long và Gia Khánh, có Vương mỗ người Giao Hà làm người gác cổng tại cửa biển Quảng Đông ở Quảng Châu. Vương mỗ bản tính đần độn và rất khó có thể làm chủ nhân hài lòng. Các gia nô khác đều được chia các món hời, còn ông ta thường bị gạt ra ngoài. Vì vậy người ta gọi ông là “Hắc vương” (có nghĩa là xui xẻo). Mùa hè năm nọ, Vương mỗ tình cờ bị bệnh kiết lị, y phục ông dính đầy chất lỏng ô uế. Sau khi khỏi bệnh, Vương mỗ ra bờ sông để giặt sạch quần áo và đồ dùng. Thỉnh thoảng ông ta dùng mũi để ngửi xem chất bẩn đã trôi sạch chưa. Lúc đó có hai chiếc thuyền lớn đang neo đậu bên bờ sông. Người trên thuyền thấy Vương mỗ chốc lát lại ngửi đồ, liền đưa hai ngón tay ra hiệu cho Vương mỗ từ xa. Vương mỗ không hiểu người kia có ý gì nên vẫn vừa giặt vừa ngửi. Người trên thuyền giơ thêm năm ngón tay nhưng Vương mỗ vẫn không hiểu, nên xua tay tỏ ý không hiểu ý của anh ta. Người trên thuyền lúc này ngừng ra hiệu.
Đêm hôm đó, người trên thuyền bất ngờ đến chỗ Vương mỗ ở, và đưa cho ông một tờ ngân phiếu trị giá một trăm ngàn lạng bạc. Vương mỗ kinh hãi muôn phần và hỏi tại sao?
Người kia nói: “Ban ngày khi ở bờ sông ông đã đồng ý rồi, sao còn phải hỏi lại?” Vương mỗ càng bối rối và ngạc nhiên, nhưng biết trong chuyện này tất phải có lý do, nên ông ta liền nhận tờ ngân phiếu, sau đó âm thầm hỏi gia nô khác.
Người khác bảo anh: “Đây là những người buôn lậu lưu huỳnh. Thuyền đậu ở đâu thì trong nước thế nào cũng có mùi lưu huỳnh. Thấy ông chốc lát lại ngửi, ông ta tưởng ông đã phát hiện ra bí mật buôn lậu lưu huỳnh của họ nên đưa tay ra hiệu. Họ nguyện ý dùng tiền để giải quyết âm thầm với ông. Bây giờ họ đã đưa tiền cho ông, ông nhận cũng không sao.”
Vương mỗ bỗng nhiên có được số tiền lớn nên thường xuyên mua những thứ quý hiếm để tặng chủ mẫu (thê tử của người chủ). Khi ngày chúc thọ của Hòa Thân đang đến gần, chủ mẫu nghĩ rằng Vương mỗ có khả năng làm được việc nên đã nói những lời tốt đẹp cho ông ấy trước mặt người chủ, và để ông vào kinh tặng lễ vật. Trên đường đi, Vương mỗ bị ốm nên ngày tặng lễ vật bị trì hoãn lại. Vương mỗ đoán rằng khi quay trở về ông ta sẽ bị phạt, nhưng trốn thoát không phải là biện pháp. Khi ông ấy đang do dự không biết phải làm gì, thì Hòa Thân bất ngờ bị phụng chỉ điều tra. Sau đó, Vương mỗ vội vàng gửi thư cho chủ nhân. Ông nói dối rằng sau khi tiến kinh nghe tin xấu về Hòa Thân nên đã giữ lễ vật lại và chưa gửi tặng. Ông ta trì hoãn thời gian để xem có sự thay đổi gì không. Hiện nay Hòa Thân đã xảy ra chuyện gì, chủ nhân có thể tránh bị liên lụy.
Khi nhận được thư, chủ nhân vui mừng khôn xiết. Sau khi Hòa Thân bị xử tội, rất nhiều bè đảng vây cánh của ông ta bị liên lụy. Phàm là người có tên trong cuốn sổ chúc thọ, không ai được tha. Chỉ có chủ nhân của Vương mỗ bình an vô sự, điều này hoàn toàn nhờ công lao của ông. Sau khi Vương mỗ trở về, chủ nhân của ông ta vô cùng cảm kích, và tặng ông ta tất cả những lễ vật đã chuẩn bị mừng thọ Hòa Thân. Chúng trị giá không dưới một triệu lượng bạc. Vương mỗ trở thành một cự phú ở Giao Hà. Con cháu của ông nhờ vậy cũng được hưởng phúc.
Bệnh tật là điều thống khổ nhất trong cuộc đời. Nhưng “hắc vương” lại vì bị bệnh mà trở nên giàu có, thật là quá kỳ lạ.
Câu chuyện có được báu vật bất ngờ
Vào thời Khang Hy, trong một cửa hàng bán các mặt hàng đã qua sử dụng trên phố Nam ở Quận Thành bày bán một mảnh da cũ. Tấm da cũ rộng hơn một thước, dài năm sáu thước, bốn phía được khâu bằng những đường chỉ mỏng. Hai mặt sơn màu tím, rất mịn màng. Ba góc đều có góc cạnh sắc nét, chỉ có một góc hơi tròn và có một lỗ nhỏ để luồn dây thừng treo lên tường. Thận mỗ, một tú tài của làng Quy An Lộ, đã mua miếng da cũ này với giá vài chục đồng, và dùng nó để đỡ cánh tay khi viết chữ vào mùa hè.
Hơn một năm sau, mép tấm da cũ bị chuột gặm. Thận mỗ nhìn thấy qua vết nứt ở giữa phần bị hư hỏng có một đường may. Nhìn kỹ vào bên trong dường như có chữ viết mờ nhạt. Vì vậy, anh ta tách hết những đường may mỏng xung quanh, và mở ra xem. Bên trong ẩn giấu tổng cộng mười sáu bức thư họa của Tô Đông Pha. Những nét mực trên bức thư họa còn như mới, ngoài ra còn có một tờ ghi chú nhỏ ghi rằng: “Số bức thư họa đều được lấy từ trưởng tôn (cháu trai cả) của Đông Pha tiên sinh. Đây là bút tích thật của ông ấy, được cất giấu trong da để tránh bị thất lạc. Mùa thu năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Hàm Thuần viết.”
Trên ghi chú không đề tên, chỉ có một con dấu chữ chìm khắc dòng chữ “Tùng Hạ Lão Ông”. Thư pháp trên tờ giấy mạnh mẽ và phóng khoáng, phong cách rất giống như thiếp thư pháp của “Hoàng Đình Kinh”. Khảo chứng niên đại thì số thư họa này đều là năm thứ năm kể từ khi Tống Độ Tông lên nắm quyền vào cuối thời Nam Tống. Có vẻ như người này rất trân trọng những bức thư họa nên đã dùng hai miếng da kẹp lại và khâu chúng với nhau, nhưng lại không hề biết rằng chúng gần như đã bị mai một. Dù đã trải qua ba triều đại và nhiều cuộc binh lửa chiến tranh, nhưng tấm da này vẫn còn hoàn hảo như trước. Có lẽ chúng có bút tích của Tô Đông Pha nên được thần linh bảo vệ chăng? Thận tú tài như thể tìm được kho báu. Anh ta trang trí những bức thư họa này thành một cuốn sách và ghi lại sự việc ở trang cuối cùng để lưu lại cho hậu thế.
Trường hợp trên không phải là độc nhất vô nhị. Thương Cảnh Dương, cháu trai của Thương Tư Kính, Tri phủ Quế Lâm, đã mua một miếng gỗ đàn hương tím trong một cửa hàng nhỏ ở kinh thành với giá hơn mười đồng tiền. Miếng gỗ rộng không quá ba tấc, dài hơn năm tấc, dày khoảng bảy, tám phân, góc cạnh đã được đánh bóng, rõ ràng là một món đồ cũ. Thương Cảnh Dương đặt miếng gỗ đàn hương tím lên bàn làm cái chặn giấy.
Một ngày nọ, khi đang viết bài, tình cờ do ý văn không thông suốt, nên mặc dù đầu não đang suy nghĩ nhưng tay ông lại cầm gỗ đàn hương tím gõ nhè nhẹ lên mặt bàn. Bỗng nhiên ông phát hiện một đầu gỗ dài ra hơn một chút. Thương Cảnh Dương rất ngạc nhiên. Sau đó ông gõ thêm vài lần nữa, và phát hiện ra rằng có một ngăn kéo được giấu bên trong tấm gỗ. Bên trong ngăn kéo có một chiếc túi nhung nhỏ màu đỏ. Ông đổ chiếc túi nhỏ ra thì thấy có hai mươi hạt châu, hai chiếc nhẫn và hai chiếc bông tai bằng vàng đính ngọc châu tím. Những hạt châu to như hạt đậu, còn chiếc nhẫn được chạm khắc tinh xảo với những đường chạm rất nhỏ. Đôi bông tai được đính hai hạt châu lớn, cả hai đều phát sáng. Miếng gỗ đàn hương tím này ban đầu được nữ tử trong khuê phòng sử dụng để quấn những sợi tơ, được gọi là tuyến bản. Ngăn kéo ngầm trong đó được làm bởi những người thợ nổi tiếng. Chúng được làm rất tinh tế, không để lại dấu vết nên dù cất giữ những đồ vật có giá trị bên trong, nhưng người ta hoàn toàn không hề hay biết.