Nguyên thần ly thể đến Âm phủ, biết trước tương lai, quả nhiên linh nghiệm
Người tin vào vận mệnh thì đồng ý với quan niệm “trong u minh đã có định số”, nhưng một số người không tin vào vận mệnh, cũng không tin có thiên đường và địa ngục.
Tuy nhiên, từ xưa đã lưu lại không ít những ghi chép do chính tác giả trải nghiệm về “nguyên thần (linh hồn) ly thể” đến địa ngục, qua đó chứng nghiệm được “trong u minh có định số”, đồng thời tiến thêm một bước chứng minh về sự tồn tại của thiên đường và địa ngục. Hãy cùng xem câu chuyện đã được nghiệm chứng dưới đây về việc nguyên thần ly thể vào địa ngục, biết trước được tương lai.
Linh hồn ly thể vào địa ngục biết trước sự việc ba năm sau
Vào thời nhà Đường, thư sinh Lý Mẫn Cầu nhiều lần tham gia kỳ thi tiến sỹ nhưng kết quả đều trượt, hơn mười lần như vậy, cuộc sống càng lúc càng nghèo khó, điêu đứng. Lý thư sinh không còn nhà để trở về, lại không có huynh đệ thân thích để nương nhờ, cả đời ngược xuôi bôn tẩu chỉ cầu một bữa ăn no. Chàng cảm thấy cuộc đời không còn ý vị gì nữa.
Một đêm vào năm Đại Hòa thứ nhất thời Đường Văn Tông, khi đang một mình buồn bã ngồi trong phòng thì đột nhiên Lý thư sinh cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng, trôi bồng bềnh như đám mây, dần dần trôi đến một nơi hoang vu ở ngoại thành. Chàng trông thấy cây cỏ, núi sông ở đây không khác gì nhân gian, chỉ không biết là nơi nào. Một lúc lâu sau, trước mặt xuất hiện một tòa thành trấn, Lý thư sinh bèn tiến vào, nhìn thấy trên đường có rất nhiều người qua lại, ngựa xe như nước, tiếng người huyên náo.
Một người mặc y phục màu trắng tiến đến trước mặt Lý thư sinh hành lễ. Lý Mẫn Cầu hỏi: “Ông có phải là nô bộc trước đây của tôi chăng?” Người đó đáp: “Tiểu nhân là Trương Ngạn, hơn mười năm trước công tử đã thuê tôi. Lúc đó tôi cùng công tử đến bờ sông Kính Châu nhưng không may mất mạng qua đời.
Lý Mẫn Cầu lại hỏi: “Ông hiện giờ ở đây làm gì?” Trương Ngạn đáp: “Từ khi tôi đến đây thì luôn đi theo hầu hạ Liễu Thập bát lang. Liễu Thập bát lang hiện nay đảm nhận chức Phán quan ở Thái Sơn phủ quân, địa vị cao quý. Mỗi ngày, Ngài ấy đều bận rộn thẩm lý án kiện, không dễ gì gặp mặt. Công tử và Liễu Thập bát lang có giao tình xưa cũ, sự việc hôm nay của công tử phải do ngài ấy làm thì mới được, tôi sẽ đi thông báo trước.”
Trong phút chốc, Trương Ngạn lại xuất hiện, và đưa Lý Mẫn Cầu tiến vào cổng lớn của quan thự. Lý Mẫn Cầu trông thấy hướng chính Bắc của sân có một tòa nhà lớn, cột đỏ tường trắng, vô cùng tráng lệ. Lại trông thấy một dãy phòng ở phía Tây, bên ngoài có rất nhiều người mặc y phục màu vàng và màu xanh đang tập trung ở đó. Một số người khác thì mặc y phục màu tím, màu đỏ, trên tay cầm công văn đứng hầu. Một số người mặc y phục trắng có búi tóc lộ ra ngoài đang đứng dựa vào tường. Một số người thì mang gông cùm, bị người ta dắt đi chờ đợi xét hỏi. Còn có người ôm hồ sơ công văn án kiện chuẩn bị tiến vào trong. Hết thảy tổng cộng có khoảng vài trăm người.
Trương Ngạn vẫy tay nói với những người khác rằng: “Có khách đến!” Lập tức có người cúi đầu dẫn đường cho Lý Mẫn Cầu, lại xuất hiện một người khác chắp tay hành lễ thỉnh mời chàng bước vào. Lý Mẫn Cầu trông thấy một quan viên thân mặc y phục màu tím đang đứng dưới bậc cấp liền tiến đến hành lễ. Chàng vừa ngẩng đầu nhìn thì hóa ra đó là người quen cũ, tú tài Liễu Giải đã qua đời.
Liễu Giải nhìn chăm chú vào người đứng trước mặt, rồi hoảng hốt nói rằng: “Không nên gặp công tử ở đây.” Liễu tú tài lập tức thỉnh mời Lý thư sinh vào trong phòng, hai người thân thiết nhắc lại chuyện cũ. Liễu Giải nói: “Âm dương khác nhau, nay công tử đến nơi này quả thật là việc ngoài tưởng tượng. Có phải có người đã nhầm lẫn nên đưa công tử đến đây chăng? May mà có tôi ở đây, tôi sẽ sắp xếp thay công tử.”
Lý Mẫn Cầu nói: “Không hề có ai gọi tôi đến đây.” Liễu Giải do dự một lúc rồi nói: “Có thể trong mệnh của công tử có an bài sự việc này, nhưng công tử nên nhanh chóng rời khỏi nơi đây.” Lý Mẫn Cầu nói: “Tôi nghèo xơ xác, công tử ở đây nắm giữ đại quyền, không thể giúp tôi thay đổi vận mệnh một chút được ư?”
Liễu Giải đáp: “Giả dụ như công tử ở dương gian làm quan, lẽ nào có thể lấy việc công làm việc tư chăng? Nếu có mưu đồ như vậy thì khó tránh bị xử phạt giáng chức. Nhưng tôi có thể giúp công tử biết được phúc lộc trong mệnh số.” Nói rồi, Liễu tú tài bèn ra lệnh cho quan lại mặc y phục màu vàng bên cạnh rằng: “Đưa Lý Nhị Lang đến Tào ty, nói sơ qua cho công tử biết về tình hình ba năm sau.”
Lý Mẫn Cầu đi theo viên quan mặc y phục màu vàng ra khỏi đại sảnh, đi chệch về phía đông, tiến vào một đình viện. Đình viện được bao quanh bởi 6-7 gian phòng. Cửa sổ mỗi phòng đều mở rộng, trong phòng bày biện đầy giá sách. Trên giá đặt những cuộn văn thư giấy trắng và giấy vàng. Mỗi cuộn đều có nhãn ghi chú, số lượng vô cùng nhiều.
Viên quan mặc y phục màu vàng lấy ra một cuộn văn thư trong số các giá sách ấy, rồi lật đến một trang giấy, sau đó gấp lại, chỉ để lộ ra mười mấy dòng chữ để Lý Mẫn Cầu đọc. Văn tự chép rằng: “Lý Mẫn Cầu năm Đại Hòa thứ 2 dừng thi khoa cử, tháng Năm năm đó được 240 quan tiền (bên cạnh dùng bút mực đỏ làm dấu). Số tiền này có được nhờ Y Tể bán trang viện trong thôn. Ba năm sau, Lý Mẫn Cầu có được quan chức, nhậm chức ở Trương Bình Tử”. Lúc Lý Mẫn Cầu xem đến đoạn này thì viên quan liền gấp sổ lại.
Lý Mẫn Cầu xin được xem hết phần còn lại, nhưng bị từ chối, viên quan đưa chàng ra ngoài. Họ đi qua một cánh cổng lớn, cổng mở ra một nửa. Lý Mẫn Cầu thò đầu ra ngoài xem thì trông thấy bốn mặt cũng đều là những căn nhà lớn. Trong nhà đều có giường, bên trên có mấy trăm ấn đồng, xen lẫn vài trăm con rắn lớn nhỏ đốm đỏ bên trên, ngoài ra không có gì khác.
Lý Mẫn Cầu hỏi viên quan rằng: “Những thứ này có tác dụng gì?” Viên quan chỉ cười mà không đáp lời. Khi trở lại chỗ của Liễu phán quan, Liễu Giải nói với Lý Mẫn Cầu rằng: “Nếu không phải chúng ta là bằng hữu thì cũng sẽ không để công tử xem được những thứ này. Tuy tôi rất muốn công tử lưu lại thêm một chút nữa, nhưng lại e làm trễ nãi đại sự trở về của công tử.” Sau khi hai người tạm biệt, Liễu Giải lại nói: “Ở đây rất khó tìm được nón nỉ Dương Châu. Sau khi trở về nhờ công tử gửi cho tôi một cái.” Sau đó, Liễu Giải lại nói với Trương Ngạn rằng: “Ngươi dẫn theo hai người lão luyện, cưỡi ngựa hộ tống Lý Nhị Lang trở về, không được tùy ý dạo chơi tham quan, tránh kinh động những người không quen biết.”
Lý Mẫn Cầu rời khỏi quan thự, leo lên lưng ngựa, hai người đi trước dẫn đường, Trương Ngạn cầm cương. Tốc độ như gió, rất nhanh họ đã đến một nơi trời đất tối đen. Trương Ngạn cáo biệt Lý Mẫn Cầu nói: “Nhị Lang bảo trọng.” Lúc này, Lý Mẫn Cầu cảm giác dường như bị đẩy vào một cái hố lớn, lập tức tỉnh dậy. Bầu trời bình minh vẫn chưa sáng hẳn, chàng phát hiện mình vẫn còn đang ngồi trong nhà trọ tối hôm qua.
Âm phủ an bài mệnh bạc, ở nhân gian ứng nghiệm
Lý Mẫn Cầu về sau không truy cầu công danh nữa. Vài tháng sau, cuộc sống chàng càng bần cùng và đói khổ hơn. Mấy năm trước, những người con trai của đại tướng quân Y Thận (thụy là Tráng Mậu) từng thỉnh cầu Lý Mẫn Cầu làm em rể của họ, nhưng lúc đó Lý Mẫn Cầu chuyên tâm vào việc khoa cử, nên trước sau vẫn không đồng ý. Lúc này, sự việc lại lần nữa được nhắc lại. Lý Mẫn Cầu lập tức đồng ý, chỉ trong vòng mười ngày đã hoàn thành hôn sự.
Y gia tổng cộng có năm người con gái, trong đó bốn người đã thành gia lập thất. Thê tử của Lý Mẫn Cầu là người nhỏ tuổi nhất. Anh trai Y Tể của cô vừa bán được căn nhà ở Thành Nam được 1,000 quan tiền. Y Tế sau đó đã đem số tiền này chia đều cho năm người em gái. Lý Mẫn Cầu sau khi kết hôn nhận được 200 quan tiền. Bốn người chị gái nghĩ đến việc em mình nhỏ tuổi nhất, Lý Mẫn Cầu lại bần cùng, nên mỗi người lại bỏ ra mười quan tiền cho họ. Nhờ đó, Lý Mẫn Cầu tổng cộng có được 240 quan tiền.
Lý Mẫn Cầu từng đảm nhận một chức quan nhỏ, trong thời gian dài vẫn không được thăng tiến. Trong năm đó, chàng ta đã dùng khoản tiền này để tham gia vào kỳ thi tuyển chọn cấp cao hơn. Mùa xuân năm sau (năm Đại Hòa thứ 3), Lý Mẫn Cầu được bổ nhiệm làm Huyện úy huyện Hướng Thành ở Đặng Châu. Một hôm, trong lúc đang đi dạo bên ngoài huyện thành, Lý Mẫn Cầu phát hiện trong đống đổ nát phủ đầy gai góc có một bia đá cổ có dòng chữ đã bị bào mòn. Chàng nhờ người làm sạch lớp rêu trên tấm bia rồi cẩn thận xem xét, cuối cùng kiểm tra ra được dòng chữ được khắc trên tấm bia là “Trương Hành bi” (Trương Hành tự là Bình Tử, là văn học gia, khoa học gia và Thái sử thời Đông Hán). Lý Mẫn Cầu đột nhiên hiểu rõ rằng dòng chữ “địa điểm nhậm chức là Trương Bình Tử” được ghi trong sổ sách mà quan viên Âm phủ cho chàng xem quả nhiên chính xác.
Lời kết: Suy nghĩ về vận mệnh
Ghi chép những gì tai nghe mắt thấy trong câu chuyện linh hồn ly thể của Lý Mẫn Cầu đã thể hiện cho chúng ta thấy ý nghĩa “trong u minh tự có định số.” Mặc dù mệnh của Lý Mẫn Cầu vẫn chưa đến lúc mất đi, nhưng lại có được một chuyến đi đến Âm phủ. Đây có thể chính là trong u minh đã có sự an bài, có thể chính là Thượng Thiên ngẫu nhiên an bài để tiết lộ cho người thế gian biết về một mặt khác của không gian khác, khơi dậy suy nghĩ của con người đối với sinh mệnh: tại sao những cơ hội trong đời người đều được an bài kỹ lưỡng đến như vậy? Những gì linh hồn của Lý Mẫn Cầu khi ly thể trông thấy được chính là quả trong tương lai kiếp này của chàng ta, chứ không biết được nhân của nó. Chính điều này đã thúc đẩy con người đi sâu tìm hiểu: Căn cứ để an bài vận mệnh là gì? Vận mệnh không tốt thì làm cách nào để thay đổi?
Phật gia nói: “Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này. Muốn biết quả đời sau, hãy xem nhân hiện tại.” Câu nói này cảnh tỉnh con người không nên tạo nghiệp cho tương lai của bản thân, đồng thời nếu muốn có được vận mệnh tốt thì hãy thận trọng trong việc làm của mình, nên hành thiện tích đức chiêu phúc. Như “Dịch kinh – Khôn quái – Văn ngôn viết” đã nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Tạm dịch: Nhà tích thiện, ắt phúc có dư; nhà không tích thiện, ắt họa có dư). Làm nhiều việc thiện tất có hậu phúc!