Vì sao họ sợ ông Jim Jordan trở thành Chủ tịch Hạ viện
Trong bối cảnh đang diễn ra những tranh cãi về việc ai sẽ là người được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, người ta nhận thức được rằng vai trò này xếp thứ ba trong thứ tự kế vị tổng thống.
Đương kim tổng thống dường như chỉ làm việc vừa đủ. Người đứng thứ hai sau tổng thống hiện đang vắng mặt không phép, cũng không bao giờ đủ tiêu chuẩn theo bất kỳ nghĩa nào, và nếu bà ấy được đánh giá cao theo cách nào đó, mà hầu như là không được như vậy, thì người ta cũng chỉ xem bà như một trò đùa.
Điều đó khiến cho Chủ tịch Hạ viện ở rất gần với trung tâm quyền lực. Đối với nhiều người ở Hoa Thịnh Đốn, đây là một vấn đề hệ trọng. Cách đây vài năm, Uniparty (Độc Đảng) đã quyết định không bao giờ cho phép một “người theo chủ nghĩa dân túy” khác — nghĩa là người thực sự thỏa mãn được công chúng trên thực tế chứ không chỉ bằng lời nói — đến gần trung tâm quyền lực này.
Khi vị trí này đột nhiên được mở ra, nhờ một cuộc bỏ phiếu do một nghị sĩ có hơi hướng nổi loạn thúc đẩy, và việc đó khiến nơi này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông Jim Jordan của Ohio đã trở thành thành viên được kính trọng và nổi tiếng nhất trong khối cử tri trung thành của Đảng Cộng Hòa. Mọi người đều đã nhìn thấy ông ấy trên truyền hình. Theo chủ thuyết tích cực của mình, ông ấy hiện diện mọi lúc mọi nơi, và là một người đầy nhiệt huyết phản đối công việc như thường lệ ở Capitol Hill.
Theo bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào, ông ấy là người nhất định sẽ giành thắng lợi, miễn là khối cử tri trung thành của Đảng Cộng Hòa đi theo cách mà họ muốn. Điện thoại đã reo lên trong nhiều ngày khi nhiều người gọi điện thoại đến và yêu cầu một cuộc bỏ phiếu công khai và sẵn sàng trừng phạt các nhà lập pháp vốn ưa trốn tránh trách nhiệm.
Nghị sĩ Thomas Massie của Kentucky, một trong số ít các chính trị gia quốc gia có nghị lực thực sự cộng với trí thông minh cao, dành sự tôn trọng cao nhất cho ông Jordan. Sau đây là những gì ông Massie đã viết khi đang ở trong trận chiến này. Đây là những lời quan trọng:
“Tôi đã nhận được hàng ngàn phiếu bầu trong thời gian ở Quốc hội. Không có cuộc bỏ phiếu nào minh bạch như cuộc bỏ phiếu cho chức Chủ tịch Hạ viện của ông Jim Jordan. Tại sao cuộc bầu chọn của ông ấy lại không được dễ dàng chút nào? Bởi vì sự lãnh đạo của ông ấy đại diện cho một mối đe dọa có thể nhận thấy được đối với sự phát triển không được kiểm soát của chính phủ liên bang cồng kềnh của chúng ta.”
Tất nhiên, các hãng truyền thông thiên tả mô tả ông Jordan là khuynh hữu và là một người theo phe cựu Tổng thống Trump, mà điều này chắc chắn gây ấn tượng sai lầm, nếu những từ đó không có nghĩa nào khác ngoài việc ra hiệu rằng “chúng tôi không thích ông ta.” Trên thực tế, ông ấy là nhà điều tra giỏi nhất về các mưu đồ của nhà nước ngầm, một người tranh luận mãnh liệt, và là người tận tâm phản đối nạn tham nhũng và chính phủ toàn quyền trên mọi mặt trận.
Ông ấy là một đại diện xuất sắc cho những ý tưởng tiên tri và quyền lực nhất trong Đảng Cộng Hòa. Đặc biệt nhất, ông coi nhà nước hành chính là kẻ thù giấu mặt của Hiến Pháp Hoa Kỳ và quyền tự do của người Mỹ nói chung.
Và đây chính là lý do tại sao thế lực quyền lực nhất định đang ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn lại toàn tâm toàn ý để bảo đảm rằng ông Jordan không thể đến gần trung tâm quyền lực như vậy. Ngày nay, nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục hoạt động và ngăn chặn những kẻ nổi loạn đã trở nên vô cùng căng thẳng.
Nhà nước ngầm muốn che đậy điều đó. Họ đang cư xử như cách mà nhà văn Machiavelli từng mô tả về vị hoàng tử thông thái, đáng sợ hơn là được yêu quý. Cũng giống như vị hoàng tử này, họ thà nghiền nát và phá hủy hơn là gây ra những tội lỗi nhỏ khiến có thể bị báo thù. Trong trường hợp có bất kỳ đại diện chính thống nào của phong trào dân túy, thì họ sẽ không có sự khoan nhượng nào. Đây là lý do tại sao những người trong nội bộ Hoa Thịnh Đốn đã giật mạnh mọi đòn bẩy có sức ảnh hưởng có thể để ngăn ông Jordan tiến đến chức Chủ tịch Hạ viện.
Vấn đề quan trọng ở đây là, nhà nước hành chính tồn tại lâu đời ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn này có hai nhánh chính, bộ máy quan liêu dân sự cũ kỹ vốn nghiễm nhiên cho rằng mình thực sự chịu trách nhiệm cho đất nước, cộng với một lớp sâu hơn của cộng đồng tình báo vốn biết chắc chắn rằng mình là thế lực thực sự đang điều hành quốc gia này.
Cả hai nhánh này đều sống trong bóng tối suốt một thời gian rất dài mà công chúng không phát hiện ra rằng đây là nhánh thứ tư và có tầm quan trọng nhất của chính phủ. Nhánh này không có trong Hiến Pháp nhưng điều hành mọi thứ dù thế nào đi chăng nữa.
Việc ông Donald Trump ra tranh cử năm 2016 thực sự là một bước ngoặt. Đây là khởi nguồn của sự hoảng loạn. Những tuyên bố lố bịch rằng Nga có trách nhiệm trong sự đắc cử của ông chính là hoạt động tâm lý đầu tiên. Phải mất nhiều năm và nguồn lực rất lớn nhưng cuộc điều tra này được cho là không mang lại kết quả gì đáng kể. Điều này còn tệ hơn cả một cuộc tấn công của đảng phái. Đó là một Hoa Thịnh Đốn già nua đang chiến đấu giành lấy sự sống của mình trước những điều mà họ thực sự lo sợ.
Hóa ra đó chỉ là sự khởi đầu. Điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi cuối cùng họ đã khai triển âm mưu nhằm đè bẹp ông Trump một cách tối đa, sự ứng phó trước một loại virus đã khiến ông Trump phải cho phép các cuộc phong tỏa, mà điều này đã dẫn đến việc chi tiêu hàng ngàn tỷ USD, tạo ra tiền, và các khoản thanh toán phúc lợi tăng lên một cách bùng nổ, chưa kể đến một cuộc tấn công ồ ạt vào quyền sở hữu của hầu hết người dân. Những người được hưởng lợi duy nhất chính là các đại doanh nghiệp vốn thù ghét ông Trump, và các thành viên Đảng Dân Chủ vốn lợi dụng nỗi sợ bệnh dịch của người dân để mở rộng tự do bỏ phiếu gửi qua đường bưu điện nhằm khiến ông mất cơ hội giành lại Tòa Bạch Ốc.
Tại đây, một phần của động lực này là kế hoạch thông minh của ông Trump nhằm phân loại lại các nhân viên trong nhà nước ngầm là dưới quyền của tổng thống chứ không phải của các nghiệp đoàn lao động của họ. Thay đổi đó — cuối cùng đã được thực hiện trong những tuần trước cuộc bầu cử năm 2020 — sẽ giúp rút cạn đầm lầy hiệu quả hơn bất cứ điều gì mà ông ấy đã từng thử trước đó. Đó chính là khoảnh khắc thực sự của cơn hoảng loạn. Không có một nhà nước ngầm thường trực và không thông qua bầu cử, thì toàn bộ âm mưu đó sẽ cạn kiệt và về căn bản là bị dao động.
Việc ứng phó đại dịch là điều cuối cùng đã khiến nhà nước hành chính này lộ diện trước công chúng, và tạo ra một phong trào đại chúng ở cấp độ mới quyết tâm ngăn chặn hành vi cướp bóc tư tưởng Mỹ này. Đó là tình trạng của chúng ta ngày nay: một cuộc tranh đấu dữ dội và sống còn giữa nhân dân và nhà nước ngầm, chính xác như được miêu tả trong mọi cuốn tiểu thuyết phản địa đàng. Hiểu được điều đó thì quý vị sẽ hiểu được hầu hết mọi tiêu đề trên báo chí Mỹ ngày nay.
Và không chỉ có Hoa Kỳ. Cuộc tranh đấu vĩ đại này đang diễn ra trên khắp thế giới. Đó là cuộc chiến giữa giới tinh hoa và nhân dân. Giới tinh hoa có mọi quyền lực nhưng nhân dân lại có niềm đam mê và ý tưởng. Những gì sắp xảy ra thực sự phụ thuộc vào một chuỗi các bước lặp đi lặp lại mà dường như không liên quan gì đến bức tranh toàn cảnh nhưng thực tế lại có liên quan.
Việc bầu chọn ông Jim Jordan làm Chủ tịch Hạ viện là một phần của cuộc tranh đấu vĩ đại đó, một trong nhiều cuộc tranh đấu khác sẽ diễn ra trong những năm sắp tới. Đây là lý do tại sao có rất nhiều người quyết tâm ngăn chặn điều đó xảy ra. Nếu một người như thế này có thể đứng thứ ba trong thứ tự kế vị tổng thống, thì bộ máy quan liêu thường trực ở Hoa Thịnh Đốn và tất cả các nhóm lợi ích mà họ phục vụ sẽ đi về đâu?
Khi bài này được viết ra, chúng ta không biết kết quả chung cuộc. Nhưng chúng ta biết chắc chắn điều này: đây mới chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến trường kỳ nhằm giành lại quyền lực từ chính phủ cho người dân.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times