Hạ viện sẽ phải đối mặt với điều gì khi bước vào tuần thứ ba không có chủ tịch
Hạ viện Hoa Kỳ đang bước sang tuần thứ ba không có chủ tịch và chưa có người thay thế rõ ràng.
Hôm 03/10, tám thành viên Đảng Cộng Hòa do Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) dẫn đầu cùng sự tham gia của toàn bộ các thành viên Đảng Dân Chủ ở Hạ viện, đã bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California). Trong khi nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa bày tỏ sự phẫn nộ, thì mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng ông McCarthy không còn đường quay trở lại vị trí chủ tịch trong bối cảnh chính nội bộ đảng của ông cũng không hài lòng với khả năng lãnh đạo của ông.
Kể từ đó, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã nhập cuộc cạnh tranh với hy vọng thay thế vị cựu chủ tịch này, nhưng không mấy thành công.
Đảng này lần đầu tiên đề cử Lãnh đạo Khối đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) thay vì Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) cho vị trí cao nhất tại Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu kín với tỷ lệ 111 phiếu thuận–99 phiếu chống.
Tuy nhiên, việc ứng cử của ông Scalise chưa bao giờ được đưa ra sàn Hạ viện để có một cuộc bỏ phiếu chính thức của Hạ viện, vì thành viên Đảng Cộng Hòa Louisiana thấy rõ rằng sự phản đối trong đảng của ông đã khiến ông không có cơ hội trở thành chủ tịch.
Dân biểu Jordan bị loại
Tuần trước, ông Jordan, ứng cử viên thứ hai của Đảng Cộng Hòa cho chức vụ này, cũng bị buộc phải rút lui.
Sau khi ông Scalise rút lại ứng cử, Đảng Cộng Hòa, trong một cuộc bỏ phiếu kín khác, đã đề cử ông Jordan làm chủ tịch. Nhưng những rạn nứt vẫn còn rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu này: Ông Jordan nhận được 124 phiếu bầu, trong khi Dân biểu Austin Scott (Cộng Hòa-Georgia) — người đã không vận động tranh cử và tuyên bố ra ứng cử ngay trước cuộc bỏ phiếu — nhận được 81 phiếu bầu.
Nhưng việc ứng cử của ông Jordan, giống như của ông Scalise, đã dừng lại.
Sau ba vòng bỏ phiếu thất bại trong việc bầu ông làm chủ tịch Hạ viện hồi tuần trước, Đảng Cộng Hòa, trong một cuộc bỏ phiếu kín, đã đồng ý rút lại đề cử ông Jordan của họ.
Ban đầu, ông Jordan đã giành được 200 phiếu bầu — thiếu 17 phiếu so với số phiếu ông cần để trở thành chủ tịch. Ở vòng thứ hai và thứ ba, ông tiếp tục mất đi sự ủng hộ, điều này cho thấy rõ rằng dù đã hứa sẽ tiếp tục tranh cử nhưng rất có thể ông sẽ không thể vượt qua vạch đích.
Sau khi đảng của ông loại bỏ ông khỏi vị trí người được chỉ định làm chủ tịch, ông Jordan đã thừa nhận thất bại và cho biết ông sẽ tiếp tục làm việc để bầu được ứng cử viên cuối cùng.
Ông Jordan nói: “Chúng ta cần phối hợp với nhau và tìm ra ai sẽ là chủ tịch của chúng ta. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ nhất có thể để giúp đỡ cá nhân đó để chúng ta có thể giúp người dân Mỹ.”
Tuần này, Đảng Cộng Hòa sẽ tiếp tục cố gắng tìm kiếm một ứng cử viên mà đảng này có thể đi đến đồng thuận khi sắp đến 3 tuần ngày ông McCarthy bị phế truất.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Israel vẫn chưa được Quốc hội giải quyết, mà quốc hội không thể làm gì nếu không có chủ tịch.
Với việc ông Jordan bị loại khỏi cuộc đua, đây là những điều cần chú ý khi Đảng Cộng Hòa quay trở lại Capitol Hill.
Các ứng cử viên
Hiện có tám ứng cử viên đã công bố ứng cử cho vị trí cao nhất trong Hạ viện, và không có ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng nào trong số đó. Và nhiều ứng cử viên khác có thể vẫn chưa được công bố, vì Đảng Cộng Hòa có thời hạn đến cuối ngày 22/10 để công bố nỗ lực tranh cử.
Ông Scott, người nhận được gần 40% phiếu bầu trong đảng của mình trong cuộc đua đối đầu với ông Jordan, đã tuyên bố ông sẽ lại ra tranh cử chiếc búa chủ tịch.
Ông Scott nói trong một bài đăng trên X: “Nếu chúng ta muốn trở thành đa số, chúng ta cần hành động như khối đa số, và điều đó có nghĩa là chúng ta phải làm những điều đúng đắn và hợp cách. Hiện giờ [ông Jordan] đã rút lui, tôi sẽ lại ra tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện.”
Cũng tham gia tranh cử có Phó lãnh đạo Khối đa số Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota), thành viên Đảng Cộng Hòa cao cấp nhất hiện đang tham gia cuộc đua.
Người ta đồn rằng ông Emmer đang tranh cử vị trí của ông Scalise trong khi ông Scalise đang tranh cử chức chủ tịch, và giờ đây đã tự ra ứng cử cuộc đua chức chủ tịch.
Cũng ra tranh cử còn có Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida), ứng cử viên có nhiều khả năng thu hút phe cánh hữu nhất trong hội nghị Đảng Cộng Hòa.
Là thành viên của House Freedom Caucus, nhóm bảo tồn truyền thống lớn nhất tại Hạ viện, ông Donalds cũng tỏ ra sẵn sàng làm việc với các thành viên ôn hòa hơn trong đảng.
Tháng trước, trong các cuộc đàm phán bên trong nội bộ đảng về việc giữ cho chính phủ mở cửa, ông Donalds là đồng tác giả của một thỏa thuận thỏa hiệp nhằm giữ cho chính phủ được tài trợ đồng thời tăng cường an ninh biên giới bằng cách đưa vào một số điều khoản về luật nhập cư.
Tuy nhiên, dự luật đó đã thất bại do gặp phải sự phản đối của ông Gaetz và các thành viên Đảng Cộng Hòa cánh hữu khác.
Dân biểu Kevin Hern (Cộng Hòa-Oklahoma), một thành viên của Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng Hòa (RSC) — một cơ quan bao gồm cả những thành viên Đảng Cộng Hòa chủ trương ôn hòa và những thành viên Đảng Cộng Hòa cánh hữu — cũng đang tìm kiếm đề cử của đảng mình.
Ban đầu, ông Hern tham gia cuộc đua ngay sau khi ông McCarthy bị phế truất nhưng đã rút lui do tỷ lệ ủng hộ ông Scalise và ông Jordan cao hơn.
Hiện giờ, ông Hern đã trở lại cuộc đua.
“Chúng ta phải đoàn kết và thực hiện nhanh chóng,” ông Hern nói trong bài đăng X thông báo việc ra tranh cử, trong đó ông đề cập đến việc ông Jordan đã không duy trì được sự tin tưởng trong đảng mình. “Tôi đã nói chuyện với từng Thành viên của Hội nghị trong vài tuần qua. Chúng ta cần một kiểu nhà lãnh đạo khác, người có thành tích thành công đã được chứng minh, đó là lý do tại sao tôi đang tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện.”
Cũng tham gia tranh cử còn có các thành viên Đảng Cộng Hòa không mấy nổi trội, bao gồm các Dân biểu Gary Palmer (Cộng Hòa-Alabama), Jack Bergman (Cộng Hòa-Michigan), Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), và Pete Sessions (Cộng Hòa-Texas).
Ngày 23/10, khi quay trở lại Capitol Hill, Đảng Cộng Hòa sẽ tổ chức một diễn đàn ứng cử viên, nơi họ sẽ nghe ý kiến từ những người này và bất kỳ ứng cử viên nào khác sẽ công bố ứng cử.
Sau đó, họ sẽ tiến hành lần bỏ phiếu thứ ba cho ứng cử viên chức chủ tịch, có thể là bỏ phiếu kín. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng Hòa sẽ tùy thuộc vào việc thu hẹp phạm vi và chọn ai sẽ là người thứ ba đạt tiêu chuẩn.
Trao quyền cho chủ tịch lâm thời
Nhưng với việc các thành viên Đảng Cộng Hòa bị chia rẽ sâu sắc, thì một số thành viên Đảng Cộng Hòa đang tìm kiếm một lựa chọn khác: trao cho Chủ tịch Lâm thời Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) quyền hạn khẩn cấp.
Cuộc chiến chức chủ tịch giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa diễn ra vào một thời điểm bất lợi ở Hoa Thịnh Đốn.
Trong khoảng một tháng nữa, dự luật tài trợ tạm thời khiến ông McCarthy bị bãi nhiệm sẽ hết hạn, có khả năng khiến chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn phải đóng cửa.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa cũng đang tìm cách đối phó với cuộc tấn công vào Israel của Hamas, một nhóm người Palestine từ lâu đã bị chính phủ Hoa Kỳ chỉ định là tổ chức khủng bố.
Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu 106 tỷ USD viện trợ chung cho Ukraine và Israel — một con số mà nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa không sẵn lòng chấp nhận.
Nhưng trước những tai họa đang diễn ra và sắp xảy ra này, Hạ viện, và nói rộng ra là Hoa Thịnh Đốn, bị tê liệt khi không có chủ tịch.
Vì điều này, một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã thoáng nghĩ đến khả năng trao cho ông McHenry — thành viên Đảng Cộng Hòa được ông McCarthy lựa chọn để thay thế ông nếu có bất cứ điều gì xảy ra với ông — khả năng hoạt động như một chủ tịch lâm thời trong khi Đảng Cộng Hòa sắp xếp mọi việc trong hội nghị của họ.
Con đường này là một con đường mà nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa không sẵn lòng chấp nhận.
Trên giấy tờ, hiến pháp không cấm làm như vậy. Điều I của Hiến pháp chỉ yêu cầu Hạ viện chọn một chủ tịch. Quyền hạn của người chủ tịch đó được quy định bởi các quy định của Hạ viện.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa, bao gồm cả Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) và những người khác, không sẵn lòng chấp nhận lộ trình như vậy, có nghĩa là gần như chắc chắn việc này sẽ cần được thực hiện với sự giúp đỡ của Đảng Dân Chủ.
Về phần mình, các thành viên Đảng Dân Chủ đã tỏ ra cởi mở trong việc chấp nhận lựa chọn này, miễn là có sự thỏa hiệp.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu con đường này có được các nhà lập pháp nghiêm túc theo đuổi hay không. Nhưng trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra và mối đe dọa đóng cửa chính phủ đang rình rập, thì đây là một lựa chọn có thể được xem xét nghiêm túc hơn theo thời gian.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times