Venice, nơi những vị Tổng trấn cai quản
Trong Phần 1 của loạt bài về Venice, Đức hạnh, và Tội lỗi, chúng ta thảo luận về việc làm thế nào cơ quan cai quản Venice đã thành công trong suốt hơn 1,000 năm.
Venice, một thành phố lạ thường, được xây dựng trên vùng đầm lầy và sông nước và là nơi có nền cộng hòa kéo dài hơn 1,000 năm. Trong suốt thời gian dài, nơi đây là cường quốc thống trị — một đế chế — ở vùng Địa Trung Hải. Vào năm 1797, nền Cộng Hòa này bị Hoàng đế Napoleon phá hủy khi ông đánh chiếm thành phố và chấm dứt sự cai trị của Tổng trấn cuối cùng — người kế vị thứ 120. Vào thời điểm nền cộng hòa sụp đổ, quyền lực và tầm ảnh hưởng của nó đã suy yếu từ lâu, nhưng không có gì đáng hổ thẹn khi nói rằng một thành phố đã rơi vào tay Hoàng đế Napoleon, vì hầu hết châu Âu đều như vậy.
Hình mẫu nền cộng hòa của Venice đã ảnh hưởng đến các vị Tổ phụ Lập quốc của nước Mỹ trên một vài phương diện: khát vọng về sự trường tồn của nền cộng hòa (một nền cộng hòa được xây dựng để trường tồn), phân chia quyền lực cho người khác, và cả khái niệm về chủ nghĩa liên bang của cộng hòa Venice đã gây được tiếng vang.
Tuy nhiên, điều thậm chí đáng kinh ngạc hơn nữa là có 120 Tổng trấn đã liên tiếp cai quản nơi đây trong hơn 1,000 năm. Nhưng ai, ngoài một sử gia, có thể kể tên bất kỳ người nào trong số họ? Chúng ta có thể kể ra những cái tên Washington, Lincoln, và những vĩ nhân khác thật dễ dàng; tương tự, chúng ta biết về Hoàng đế Napoleon, và Thủ tướng Winston Churchill. Họ là những người đã gặt hái được nhiều thành tựu trong đời mình — dù là tốt hay xấu — và danh tiếng của họ lan xa khắp thế giới. Nhưng các vị Tổng trấn Venice thì sao? Làm thế nào mà Venice có một đế chế kéo dài 1,000 năm với 120 nhà lãnh đạo (Tổng trấn, không phải vua), nhưng chúng ta hầu như không biết gì về họ?
Bí mật khác thường của Venice
Sự khác biệt về Tổng trấn bao gồm các cơ chế phức tạp và rối rắm để lựa chọn người nắm giữ vị trí này — một quá trình gần như không thể mô tả ngắn gọn. Mục đích là để ngăn chặn bất kỳ cá nhân hoặc gia tộc nào có được quyền thống trị thành phố; đó là một cơ chế đã khởi được tác dụng.
Căn cứ vào lịch sử nhân loại, có bao nhiêu khả năng một gia tộc nắm quyền thống trị sẽ không xuất hiện? Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra với nền Cộng hòa La Mã trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Và cách Venice không xa là La Mã từng tồn tại trong 2,000 năm lịch sử dưới quyền lực của giáo hoàng, nơi những gia tộc thống trị (chẳng hạn như nhà Borgias) hoặc tệ hơn, hoàng gia (chẳng hạn như Vua Philip the Fair của Pháp, người đã đày giáo hoàng đến vùng Avignon) nắm quyền kiểm soát. Ở Venice thì không như vậy.
Quả thật, ở Venice, trong khi Tổng trấn phụ trách cai quản, trên thực tế khó mà xác định được ai là người đang nắm quyền. Một điều nữa đáng chú ý về các Tổng trấn là quyền lực của họ bị kiềm chế bởi rất nhiều biện pháp kiểm soát đến mức họ không bao giờ có thể hành động mà được hưởng sự miễn trừ trách nhiệm.
Trong kỷ nguyên dân chủ hiện nay của chúng ta, có lẽ chúng ta luôn coi việc không một ai có quyền kiểm soát là điều hiển nhiên, và chúng ta nhận thấy được giá trị của hệ thống kiểm soát và cân bằng (checks and balances). Nhưng liệu điều đó có kéo dài không? Trong xã hội Mỹ quốc hiện nay, hệ thống kiểm soát và cân bằng đang chịu sức ép nghiêm trọng vì cả cựu tổng thống cũng bị điều tra, và các cuộc điều tra cũng đang được tiến hành với tổng thống đương nhiệm. Vậy mà, Venice vẫn duy trì 1,000 năm kiểm soát và cân bằng thành công? Thật phi thường.
Thứ ba, chúng ta đến với một vài điều thậm chí còn lạ lẫm hơn đối với thời hiện đại — thời đại mà chúng ta bị ám ảnh về thành tựu cá nhân, như nhiều người hùng và nhân vật phản diện trong quá khứ. Dường như việc trở nên nổi bật là điều xếp cuối cùng trong tâm trí của những nhà lãnh đạo và chính trị gia của Venice cổ đại; trên thực tế, sự nổi bật mới là điều đáng lo lắng và sợ hãi. Mọi người đều có nghĩa vụ tuân theo các truyền thống của họ, nhưng điều quan trọng nhất chính là Venice: truyền thống của Venice, hoạt động kinh doanh của Venice (giống như Mỹ quốc hiện giờ là trung tâm thương lại lớn nhất thế giới), và vinh quang của Venice là lý do cư dân thành phố này sinh tử vì nó.
Đúng là chúng ta biết về một vài người nổi tiếng đến từ Venice, nhưng họ thường là những nhà soạn nhạc và họa sĩ đại tài (ví dụ như Vivaldi và Tintoretto), những người hiếm khi rời khỏi Venice và vì thế Venice là chủ đề chính trong các tác phẩm của họ. Họ bận tâm đến tính thẩm mỹ và tính thương mại của các tác phẩm mỹ thuật và âm nhạc của mình. Nhà soạn nhạc Vivaldi không muốn bản nhạc của ông được tái bản trong sách vì ông tin rằng ông có thể kiếm nhiều tiền hơn từ việc bán bản thảo có chữ ký của mình!
Một nghịch lý
Và tại đây chúng ta chạm đến một điều nghịch lý kỳ lạ của Venice: Một mặt, nó gần như là thành phố thương mại và tư bản nhất thế giới; và mặt khác, có vẻ đây là đất nước cộng sản nhất, vì mọi người đều bị đặt dưới lợi ích nhà nước, mặc dù đây không phải là chủ nghĩa cộng sản toàn trị thời nay — tuyệt nhiên không.
Hình ảnh ẩn dụ mà tôi sẽ sử dụng để mô tả Venice là một đàn kiến vô cùng hùng mạnh với mọi chú kiến đều làm việc (và nhìn chung chúng có vẻ hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu của mình), mỗi chú kiến đều phục vụ cho điều tốt đẹp hơn, và không chú kiến nào được phép trở nên quá nổi trội và quá hùng mạnh. Trong thần thoại Hy lạp, chàng Achilles được xem là chiến binh siêu đẳng, nhưng quân lính của chàng được gọi là các chiến binh Myrmidon, hay là những chú kiến. Họ có lực đấm mạnh mẽ hơn hạng cân của họ (nếu tôi được phép kết hợp các ẩn dụ). Venice giống như các chiến binh Myrmidon, nhưng không có Achilles.
Chúng ta học được gì từ điều này? Rõ ràng, trong thế giới phương Tây hiện đại, chúng ta sẽ không chấp nhận sự kiềm nén tính cá nhân như vậy, vì chúng ta đã quá quen với điều đó, giống như cá sống trong nước, hít thở mà không tự hay biết. Một vài chế độ đàn áp cá nhân, nhưng về lâu dài chúng sẽ ổn định được bao lâu? Liệu Bắc Triều Tiên có kéo dài được 1,000 năm không? Cả Trung Quốc nữa?
Và Hoa Kỳ thì sao? Tôi không phải là một chuyên gia về chính trị (và tôi thậm chí không phải là người Mỹ), nhưng các vị Quốc phụ đã học hỏi từ Venice. Thật thú vị là nền Cộng hòa của Hoa Kỳ ra đời ngay khi Venice vừa sụp đổ, như thể ngọn đuốc của chủ nghĩa cộng hòa đã được truyền cho quốc gia này.
Nghe kỳ ảo không? Có lẽ là vậy, nhưng nếu Hoa Kỳ muốn tồn tại được 1,000 năm, có lẽ đúng khi nói rằng người dân phải bảo đảm họ tiếp tục giữ gìn hai trụ cột đã giúp Venice trường tồn: là sự phân chia quyền lực và chủ nghĩa liên bang, trong đó quyền lực được tách bạch.
Ngược lại, sự tập trung quyền lực hiện giờ xảy ra ở tất cả các nước phương Tây như lực hút của lỗ đen. Tập trung [quyền lực] là một sự suy đồi cần được chống lại bằng mọi giá vì nó dẫn đến sự vượt quá quyền hạn của nhà nước.
Trong phần 2 của loạt bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về Nhà Nguyện Scrovegni ở Padua. Ở đó, chúng ta có thể khám phá những họa phẩm tuyệt đẹp của danh họa Giotto và bảy đức hạnh cũng như bảy tội ác.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times