Vẽ tranh nhân vật truyền thống trở thành tâm điểm chú ý tại cuộc thi của đài truyền hình NTD
Câu lạc bộ nghệ thuật Salmagundi tổ chức cuộc thi vẽ tranh nhân vật của đài truyền hình NTD với các giải thưởng dành cho những nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.
NEW YORK — Qua nhiều thế kỷ, nghệ thuật đã dần xa rời truyền thống. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều nghệ sĩ triển vọng muốn hồi sinh nền nghệ thuật vĩ đại. Kể từ năm 2008, “Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế NTD” (NIFPC) đã ủng hộ mạnh mẽ việc quay trở về dòng tranh sơn dầu truyền thống.
Thuộc chuỗi các sự kiện văn hóa và nghệ thuật quốc tế do Đài truyền hình NTD tổ chức, NIFPC là một cuộc thi độc đáo nhằm dẫn dắt việc sáng tạo nghệ thuật quay trở về con đường cổ điển. Sứ mệnh của cuộc thi là “thúc đẩy vẻ đẹp thuần chân, thuần thiện, và thuần mỹ của tranh sơn dầu truyền thống,” từ đó hồi sinh truyền thống hội họa hiện thực.
Cuộc thi năm nay nhận được hàng trăm bài dự thi, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau như chân dung tự họa, sum họp gia đình, sự cứu rỗi, sự trừng phạt, và đàn áp tôn giáo. Ban giám khảo đã chọn ra hơn 50 tác phẩm vào đến vòng chung khảo từ khoảng 20 quốc gia. Họ không chỉ đánh giá kỹ pháp của các nghệ sĩ mà còn xem xét liệu các bức tranh vẽ nhân vật này có truyền tải sự thuần khiết, mỹ hảo, và chính nghĩa, nhằm dẫn lối và nâng cao [tiêu chuẩn đạo đức] của nhân loại hay không.
Tác phẩm đạt giải thưởng cao nhất
Trong lời mở đầu của album triển lãm, chủ khảo kiêm điêu khắc gia tài năng Trương Côn Luân giải thích vì sao không có tác phẩm đạt giải vàng năm nay. “Huy chương vàng của cuộc thi này sẽ là cột mốc chói lọi trong lịch sử phát triển nghệ thuật của nhân loại, do đó phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất, và phải là sự kết hợp hoàn hảo giữa nội dung tích cực và kỹ pháp xuất chúng. Nếu không có tác phẩm nào đáp ứng tiêu chuẩn cao như vậy, thì huy chương vàng sẽ không được trao.”
Vào hôm 18/01, danh sách các thí sinh đạt giải được công bố tại Câu lạc bộ nghệ thuật Salmagundi, Thành phố New York. Giải Bạc là giải thưởng cao nhất năm nay và được trao cho nhóm ba nghệ sĩ Trần Hồng Dư (Đài Loan), Lý Viên (Nhật Bản), và Thái Thiếu Hàng (Đài Loan), những người đã sáng tạo bộ ba bức tranh “Phật ân hạo đãng” (The Infinite Grace of Buddha).
Ông Lý đã tạo ra bộ ba bức tranh này cùng hai học trò là các họa sĩ Trần Hồng Dư và Thái Thiếu Hàng. Ông đã vẽ bức chính giữa, thể hiện lòng từ bi của Sáng Thế Chủ sẽ mang đến sự cứu rỗi cho tất cả chúng sinh trong thời khắc cuối cùng.
Bộ ba bức tranh khắc họa câu chuyện về sự phán xét cuối cùng đã được lưu truyền trong nhiều nền văn hóa. “Qua bức tranh, chúng tôi hy vọng truyền tải thông điệp rằng mỗi sinh mệnh đều có ước muốn quay trở về ngôi nhà trên Thiên thượng,” cô Trần, người vẽ bức tranh bên trái, cho biết. Họa phẩm của cô vẽ những người tu luyện tâm tính thông qua Pháp Luân Đại Pháp, và những ai buông bỏ tự ngã khỏi những ràng buộc trần thế, sẽ được thăng thiên. Pháp Luân Đại Pháp là một con đường tu luyện tự thân truyền thống dạy các học viên sống theo nguyên lý chân, thiện, nhẫn, và thực hiện năm bài công pháp thiền định.
Cô Trần bắt đầu mài giũa kỹ năng hội họa của mình ở trường cấp hai khi là học sinh mỹ thuật của thầy Lý. Cô cho biết cô được truyền cảm hứng từ nghệ sĩ thời Phục Hưng Giovanni Battista Tiepolo, và những bức tranh về các vị thần tiên phương Đông ở hang động Đôn Hoàng, Trung Quốc.
Về việc nhận giải thưởng, cô Trần chia sẻ: “Tôi rất xúc động và bất ngờ. Khi nhận được huy chương, tôi cảm thấy mình đang gánh vác sứ mệnh tiếp nối nền hội họa truyền thống.”
Ở bức tranh bên phải, anh Thái miêu tả Pháp Luân vĩ đại, biểu tượng của Pháp Luân Đại Pháp, chiếu sáng khắp hoàn vũ. Ở phía trên, các vị Phật xếp hàng trên các tầng trời, và phía dưới, các vị thần bại hoại và những linh hồn tà ác rơi xuống và bị diệt vong trong địa ngục vô gián.
Để tỏ lòng biết ơn đối với những kiệt tác nghệ thuật của các bậc thầy vĩ đại thời Phục Hưng, nguồn cảm hứng của anh Thái đến từ mong ước tái hiện các bức tranh khổ lớn, chẳng hạn như bộ ba bức tranh của danh họa Rubens, các bức bích họa trên trần nhà, và “Sự phán xét cuối cùng” của nghệ thuật gia Michelangelo.
“Tôi hy vọng mình có thể sáng tạo ra điều gì đó vĩ đại như vậy trong thời đại ngày nay,” anh nói.
Anh Thái chia sẻ, anh mong muốn rằng tác phẩm nghệ thuật của anh truyền tải một thông điệp quan trọng thật sinh động. “Tôi hy vọng nhắc nhở mọi người rằng, trong thế giới của chúng ta, có những lực lượng vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta đang chi phối mọi thứ, có thế lực tốt và cũng có thế lực xấu. Có thể ở những không gian cao tầng hơn, một cuộc chiến giữa thiện và ác đang diễn ra.”
Về việc nhận giải thưởng, anh Thái bộc lộ: “Tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi, vậy nên đây là một giải thưởng không tưởng. Tôi sẽ coi đây là lời khích lệ cho quá trình sáng tạo [nghệ thuật] của mình.”
Tác phẩm đạt giải đồng
Có năm nghệ sĩ đạt giải đồng năm nay.
Họa sĩ tự học người Peru Pablo Josué Roque Almanza yêu thích khắc họa truyền thống và văn hóa Andes. Trong cuộc thi lần trước, tác phẩm “Between Generations” (Giữa các thế hệ) của ông miêu tả người đàn ông Andes đi trồng trọt đã đạt giải Nhân văn & Văn hóa.
Năm nay, ông đạt giải đồng cho tác phẩm “Origin” (Nguồn cội) mô tả câu chuyện dân gian truyền miệng “Truyền thuyết về hồ Titicaca” (còn gọi là “Truyền thuyết về Manco Cápac và Mama Ocllo”), kể về nguồn gốc của nền văn minh Inca. Theo truyền thuyết, Thần Inti (mặt trời) đã sáng lập nền văn minh này bằng cách tạo ra những người con Mano Cápac và Mama Ocllo từ bọt nước của Hồ Titicaca. Ngài ban cho họ một cây đũa phép bằng vàng và dặn họ hãy tìm một thành phố vĩ đại, nơi mà cây đũa phép nhẹ nhàng chìm xuống lòng đất. Đó chính là cách thủ đô Cucso của người Inca ra đời.
Ông Almanza tìm thấy nguồn cảm hứng từ phong cách nghệ thuật cổ điển và hàn lâm, và ông hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa văn hóa Andes cho các thế hệ tương lai.
Họa sĩ người Brazil Clodoaldo Geovani Martins chuyên vẽ các bức tranh về cảnh sinh hoạt đời thường ở vùng nông thôn. Anh có thói quen chú ý đến cảnh vật [xung quanh] và lưu lại [trong trí nhớ] để mang vào các tác phẩm trong tương lai.
Trong cuộc thi lần trước, anh từng đạt được Giải thưởng Nhân văn & Văn hóa cho bức tranh “Milena’s Friends” (Những người bạn của Milena), miêu tả con gái anh đang chơi đùa.
Việc ghi lại một khoảnh khắc vui tươi khác trong bức tranh “Bath Time” (Giờ tắm) đã giúp anh đạt được giải Đồng năm nay. Khung cảnh con gái cùng những người chị em họ của cô bé chơi đùa với chú chó con đã truyền cảm hứng cho anh tái hiện lại cảnh tượng tương tự với một số chú chó con trong trang trại. “Tôi nhìn thấy khung cảnh đó, khung cảnh thật mộc mạc giản dị, và đó là điều luôn thu hút tôi,” anh nói.
Trong bức tranh này, anh đã khéo léo thể hiện làn khói bốc lên từ bếp lửa và ánh sáng mặt trời rọi qua mái nhà. Anh tin rằng, chi tiết này và các chi tiết khác, chẳng hạn như vết nứt trên tường hoặc mái nhà bị hỏng, là những chi tiết thu hút rất nhiều sự chú ý.
Anh Martins hy vọng người xem tranh cũng cảm nhận được niềm vui tương tự như cảm giác của ông khi tạo nên tác phẩm đó. “Tôi thấy vui khi được đóng góp một chút, dù chỉ một chút, bằng tác phẩm của mình.”
“Điều quan trọng nhất là mang đến những thông điệp ý nghĩa, một câu chuyện mang lại nguồn năng lượng tốt đẹp cho mọi người.”
Anh vui mừng khi nhận được giải đồng cho bức tranh của mình. “Thật vinh dự cho tôi khi một lần nữa được tham gia cuộc thi này, một cuộc thi rất uy tín, rất quan trọng, và được công nhận trên toàn thế giới.”
Anh Adam Clague, cư dân thành phố Kansas, đã đạt giải đồng cho bức tranh “Jenna’s Joy” (Niềm vui của bé Jenna). Tác phẩm này được một gia đình ở tiểu bang Ohio đặt hàng, sau khi họ xem tranh của anh tại một phòng trưng bày địa phương. Cha mẹ của bé Jenna muốn có một bức chân dung của con gái họ, vì vậy anh Clague đã lái xe đến nhà họ để thực hiện các bản phác thảo và chụp ảnh trước khi quay lại xưởng vẽ của mình.
Mẹ của Jenna muốn bức chân dung thể hiện vẻ mặt hân hoan của con gái sau khi được tha thứ vì hành vi không ngoan, giống như các tín đồ Cơ Đốc được Chúa Jesus tha thứ. “Đó là thử thách tôi gặp phải với tư cách là một họa sĩ … và công việc này rất khó khăn.”
Tất cả phụ thuộc vào kỹ năng của anh: “Tôi không có ống sơn nào có màu tên niềm hân hoan,” anh nói.
Anh rất lưu tâm đến bố cục tổng thể, anh sử dụng màu sắc và đường nét để khắc họa hình ảnh đứa bé chạy ùa ra sân sau tràn ngập ánh nắng. “Thật may mắn khi Chúa đã ban cho một ngày nắng đẹp,” anh chia sẻ. Các đường phối cảnh của ngôi nhà và các bậc thang cũng như tán lá hướng ánh nhìn vào nhân vật chính một cách tự nhiên. Bộ váy trắng của bé Jenna nổi bật nhờ lối đi sáng sủa và bầu trời trong xanh.
Anh Clague nói rằng gia đình rất vui mừng với bức chân dung, và anh còn vui mừng gấp bội khi bức tranh này vinh dự nhận được một giải thưởng trong cuộc thi của Đài truyền hình NTD.
Họa sĩ Đài Loan Ngô Điển Trừng (Tien-Cheng Wu) vẽ bức tranh “The Revival” (Hồi sinh), thể hiện một cô gái đang tập bài thiền định thứ hai của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Đại Pháp. Cô đứng trong một khu rừng rợp bóng cây xanh tươi, phản ánh năng lượng tích cực mà cô tỏa ra khi luyện công.
Họa sĩ người Mỹ John Darley thích vẽ về con người và phong cảnh miền Tây nước Mỹ, nơi anh sống. Anh đạt giải đồng cho bức tranh “Vivian” (Bé Vivian), tác phẩm được gia đình bé gái đặt hàng. Dáng vẻ cứng cỏi, trái ngược với lứa tuổi của cô bé Vivian khi cô đứng trước dãy núi tại ngôi nhà của gia đình phản ánh ấn tượng của anh về cô bé này, mà anh nhìn nhận là một người trẻ tuổi có tầm nhìn và cá tính mạnh mẽ. “Tôi chỉ muốn thể hiện được cá tính đó, bộc lộ được sự tự tin này và niềm hy vọng vào tương lại,” anh cho biết.
Anh thêm những ngọn núi vào hậu cảnh vì chúng “mang đến cảm giác giống như một nơi đầy sức mạnh và sự che chở, một nơi mà bạn có thể … sống cuộc đời của mình mà không sợ lời ra tiếng vào của người khác.”
Bài dự thi của anh Darley trong cuộc thi lần trước, tác phẩm “Grandfather” (Người Ông), nhận được giải khuyến khích. Anh giải thích rằng kỹ pháp để khắc họa người cao niên sẽ khác với kỹ pháp khắc họa người trẻ tuổi. Nhưng cả hai đều đòi hỏi “sự tập trung cao độ.”
Điều kỳ lạ là, anh Darley nói anh biết mình vẽ một bức tranh có đúng hướng không khi anh tắt đèn trong xưởng vẽ để nhìn ngắm tác phẩm nghệ thuật của mình. “Nó không hoàn toàn tối, mà là tối mờ,” anh nói. “Và có cảm giác rạng rỡ phát ra từ bức tranh. Giống như một thứ ánh sáng lung linh vậy.”
Giải thưởng của Đài truyền hình NTD có ý nghĩa rất lớn đối với người họa sĩ này. “Khi ai đó đánh giá cao tác phẩm của bạn và trao cho bạn một giải thưởng, đặc biệt là giải thưởng bằng hiện kim, điều đó thực sự tiếp thêm sức mạnh” để bạn tiếp tục vẽ. Tại lễ khai mạc, chủ khảo Trương đã giải thích rằng “Tất cả các họa sĩ đang thực hiện môn nghệ thuật … chính nghĩa truyền thống này, họ đến với thế giới với một sứ mệnh. … Chúng tôi ở đây để cứu nhân loại thông qua nghệ thuật. Chúng tôi ở đây giúp nhân loại thăng hoa thông qua nghệ thuật của chúng tôi.”
Những người thắng cuộc
Giải bạc:
Bộ ba bức tranh: “The Infinite Grace of Buddha” (Phật Ân Hạo Đãng) của các họa sĩ (trái) Trần Hồng Dư (Đài Loan), (giữa) Lý Viên (Nhật Bản), và (phải) Thái Thiếu Hàng (Đài Loan)
Giải đồng:
Tác phẩm “Jenna’s Joy” (Niềm vui của bé Jenna) của họa sĩ Adam Clague (Hoa Kỳ)
Tác phẩm “Vivian” (Bé Vivian) của họa sĩ John Darley (Hoa Kỳ)
Tác phẩm “Bath Time” (Giờ tắm) của họa sĩ Clodoaldo Geovani Martins (Brazil)
Tác phẩm “Origin” (Cội nguồn) của họa sĩ Pablo Josué Roque Almanza (Peru)
Tác phẩm “The Revival” (Hồi sinh) của họa sĩ Đài Loan Ngô Điển Trừng (Tien-Ching Wu)
Giải Kỹ thuật xuất sắc:
Tác phẩm “Alexandra” của họa sĩ Sandra Kuck (Hoa Kỳ)
Tác phẩm “A Self Portrait With a Pearl Earring” (Bức chân dung tự họa với đôi bông tai ngọc trai) của họa sĩ Alessandra Marrucchi (Ý)
Tác phẩm “Revelation” (Sự mặc khải) của họa sĩ Lauren Tilden (Hoa Kỳ)
Tác phẩm “Worries (Self-Portrait)” (Những nỗi phiền muộn (Chân dung tự họa)) của họa sĩ Phillippe Lhuillier (Pháp)
Tác phẩm “Flying Apsaras in the Golden Age” (Các phi thiên thời thịnh thế) của họa sĩ Tăng Hạo (Hao Zeng) (Trung Quốc)
Tác phẩm “Thom” của họa sĩ Nard Kwast (Hà Lan)
Giải Họa sĩ trẻ xuất sắc
Tác phẩm “Merciful Encouragement” (Sự khích lệ đầy từ bi) của họa sĩ Lâm Dụ Huyên (Yu Hsuan Lin) (Đài Loan)
Tác phẩm “Tiananmen Square After the Rain” (Quảng trường Thiên An Môn sau cơn mưa) của họa sĩ Thiệu Duệ Tường (Jui-Hsiang Shao) (Đài Loan)
Giải Nhân văn kiệt xuất
Nam Anh và Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times