Vẻ đẹp trong mắt người xem: Chiêm nghiệm mục đích của cái đẹp và nghệ thuật
Làm thế nào chúng ta có thể tạo nên một nền văn hóa dựa trên những lý tưởng mà Đấng Sáng tạo toàn năng đã truyền cho chúng ta trong khi vẫn tránh được những sai lầm của lịch sử?
Tất cả chúng ta đều đã nghe qua câu nói “Vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn,” nhưng điều này có ngụ ý gì và có giá trị gì không? Trong loạt bài viết này, chúng ta sẽ có một cái nhìn thú vị về những cuộc tranh luận triết học xung quanh cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với cái đẹp và nghệ thuật. Thông qua những câu hỏi và sự chiêm nghiệm, chúng tôi hy vọng sẽ hiểu sâu hơn về vẻ đẹp và nghệ thuật cũng như vai trò của chúng trong cuộc sống của chúng ta.
Trong nền Cộng Hòa, triết gia Plato tranh luận rằng các nghệ sĩ đại diện (nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ) là những kẻ nói dối và họ nên bị kiểm duyệt hoặc loại trừ khỏi nền cộng hòa lý tưởng. Trong các tác phẩm của Plato, nhân vật chính là triết gia Socrates đã nói:
“Có vẻ như nếu một người đàn ông dựa vào sự thông minh của mình, để có thể trở thành nhiều người và bắt chước mọi thứ, anh ta nên đến thành phố của chúng ta và mong muốn trình diễn các bài thơ của mình, chúng ta nên cúi đầu trước anh ta như một vị Thánh, kỳ diệu và ngọt ngào. Nhưng chúng ta nên nói với anh ta rằng không có người đàn ông nào như vậy trong thành phố của chúng ta và việc đó lẽ ra là không hợp pháp. Chúng ta sẽ đổ nhựa cây một dược lên đầu anh ta, đội cho anh ta những vòng hoa, và tiễn anh ta đến một thành phố khác.”
Tại sao Plato coi các nghệ sĩ đại diện là những kẻ dối trá và cố gắng chỉ trích hoặc trục xuất họ khỏi trạng thái lý tưởng? Để trả lời những vấn đề này, trước tiên chúng ta phải xem xét ngắn gọn Plato muốn nói gì về Chân Lý?
Tôi luôn luôn coi Chân lý, theo Plato, là lý tưởng mà Đấng Sáng tạo toàn năng đã đặt vào trong tâm trí của chúng ta. Hãy làm một thí nghiệm suy nghĩ để hiểu rõ hơn khái niệm này: Nhắm mắt lại và hình dung về một con người hoàn mỹ. Họ trông như thế nào? Âm thanh họ phát ra như thế nào? Họ cư xử ra sao? Họ đối xử với người khác như thế nào? Suy nghĩ và cảm xúc của họ là gì? Hãy cố gắng hết sức làm cho người lý tưởng này không có khuyết điểm. Điều này khó khăn hơn những gì bạn tưởng tượng lúc đầu.
Con người hoàn mỹ mà chúng ta tưởng tượng này vốn không tồn tại trên Trái Đất này mà chỉ hiện lên trong tâm trí của chúng ta, do đó tâm trí của chúng ta có thể tiếp cận với một Chân Lý cao hơn mà trên thế giới này không thể có được, và chân lý cao hơn này là chân thật và còn thật hơn cả thế giới.
Tuy nhiên, theo Plato, nghệ sĩ không tiếp cận với những chân lý cao hơn này mà chỉ đơn giản bắt chước những gì có sẵn trong thế giới. Ví dụ, để vẽ một con người, nghệ sĩ không cần biết bất cứ điều gì về một con người hoàn mỹ; thay vào đó, nghệ sĩ chỉ chăm chăm đến việc phải nắm vững kỹ thuật hoặc những thủ pháp trong hội họa.
Các nghệ sĩ có rất nhiều khả năng quyền lực có thể tạo ra ảnh hưởng đến công chúng, đó là lý do tại sao họ rất nguy hiểm: bởi vì họ không đạt đến chân lý cao hơn, họ có thể dẫn hướng công chúng trong các hoạt động nguy hiểm và có hại, những trạng thái cảm xúc, thái độ, v.v. . Plato minh họa luận điểm này bằng cách sử dụng các miêu tả của nhà thơ Homer về các vị thần và anh hùng Hy Lạp. Những nhân vật này thường được khắc họa trong các hành động bạo lực, hãm hiếp, thịnh nộ hoặc trừng phạt.
Thế nhưng những vị thần và anh hùng này được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật là những hình mẫu để chúng ta tôn thờ và noi theo. Thờ phượng những vị thần và anh hùng hành xử theo những cách không xứng đáng với vị trí của họ là đang báng bổ và tán thành những tư duy, cảm xúc và hành động mang tính phá hoại.
Vì thế, Plato khuyên rằng những người tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đó nên rời đi hoặc bị kiểm duyệt bởi vua triết gia, người có quyền tiếp cận những chân lý lớn hơn. Nhà vua triết gia có thể dẫn dắt sáng tạo nội dung của âm nhạc, hội họa hoặc thơ ca để mọi người chỉ được truyền cảm hứng bởi nghệ thuật đại diện cho những chân lý lớn hơn.
Hãy vận dụng suy nghĩ vào một thử nghiệm khác và hình dung điều này có thể trông như thế nào ngày nay. Hãy tưởng tượng chúng ta mong muốn một xã hội mà trong đó những người hàng xóm, con cái, vợ/chồng và cộng đồng của chúng ta đều đối xử với nhau bằng lòng vị tha, trung thực, thiện lương và nhân ái. Liệu chúng ta có muốn các sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh và thơ văn đầy rẫy những tham luyến, dục vọng, bạo lực và xấu ác không? Liệu chúng ta có tận dụng cơ hội để kiểm duyệt những thứ có thể thúc đẩy tư duy, cảm xúc và hành vi gây bất lợi cho các nguyên tắc giáo dục của xã hội chúng ta không? Plato sẽ nói là có.
Một số người cho rằng quan điểm của Plato về kiểm duyệt và theo đuổi trạng thái lý tưởng là nguy hiểm. Ví dụ, đảng Quốc xã nhắm đến việc trục xuất – và tiêu diệt – tất cả những thứ không phù hợp với quan điểm của nó về sự hoàn hảo. Nó tưởng tượng, giống như chúng ta đã làm ở trên, một con người hoàn hảo sẽ trông như thế nào, và sau đó bằng mọi giá đưa lý tưởng này vào thế giới bằng vũ lực.
Hitler đã tổ chức hai cuộc triển lãm nghệ thuật: “Triển lãm nghệ thuật suy bại,” trưng bày nhiều bức tranh theo trường phái biểu hiện của người Do Thái và triển lãm “Nghệ thuật vĩ đại của Đức,” trưng bày nhiều bức tranh cổ điển của người Đức hơn. Đây là hai cuộc triển lãm được sử dụng như một chiến dịch hận thù nhằm hợp pháp hóa sự suy đồi của người Do Thái và xóa sổ họ và nghệ thuật của họ khỏi việc theo đuổi trạng thái lý tưởng.
Các cực đoan khác bao gồm thầy tu Friar Savonarola của nước Dominica, người đã đốt các tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng mà ông cho là tội lỗi, hoặc cuộc Cải cách Tin lành đã tìm cách phá hủy một lượng lớn nghệ thuật tôn giáo mà họ cho là báng bổ và cuộc Cách mạng Văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy nghệ thuật và văn học của 5,000 năm văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Mặc dù đến từ các thời đại và nền văn hóa khác nhau, nhưng tất cả những ví dụ này đều có một điểm chung: những người tìm cách trục xuất các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật đã tin rằng họ hoàn toàn đúng; rằng chân lý của họ là chân lý duy nhất và mọi thứ khác nên bị trục xuất, kiểm duyệt và/hoặc xóa sổ. Chúng ta có thể phát hiện những điểm tương đồng trong cái mà ngày nay được gọi là “văn hóa xóa sổ.” (cancel culture)
Thật là tai hại và cực đoan nếu buộc ai đó phải sống theo một tiêu chuẩn hoàn hảo do tưởng tượng; sử dụng vũ lực cũng cản trở chúng ta có thể tự do đưa ra các quyết định về mặt đạo đức với tư cách là một con người. Làm sao có đạo đức nếu không có tự do?
Tất nhiên, không có ví dụ nào trong số này phù hợp với lý tưởng của Plato về việc bôi dầu cho các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật đó để được kiểm duyệt bằng dầu cây một dược và vòng hoa trước khi tiễn họ đi, nhưng những ví dụ này cho thấy các vấn đề có thể bồi đắp thêm vào cách tiếp cận kiểm duyệt của Plato.
Tôi tin rằng vấn đề là ở chỗ chúng ta đang kiểm duyệt ai. Con người lý tưởng mà chúng ta hình dung trước đây chỉ tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta chứ không phải của bất kỳ ai khác. Có lẽ trách nhiệm của chính phủ không phải là kiểm duyệt nghệ sĩ, mà là nghệ sĩ nên tự kiểm duyệt mình, có lẽ người nghệ sĩ phải hướng ánh nhìn vào nội tâm của mình. Làm thế nào chúng ta có thể chiêm nghiệm thấu đáo về ý nghĩa của việc sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hướng đến lòng vị tha, trung thực, thiện lương và nhân ái?
Bạn có suy nghĩ gì về lý tưởng liên quan đến kiểm duyệt của Plato ? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một nền văn hóa dựa trên những lý tưởng mà Đấng Sáng tạo toàn năng đã truyền cho chúng ta trong khi vẫn tránh được những sai lầm của lịch sử?
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).