Từ vô thần sang tín thần, người họa sĩ vẽ thiên giới và khơi dậy thiện lương: ‘Thần và Phật thực sự tồn tại’
‘Nghệ sĩ phải là người biết yêu thương và tu dưỡng đạo đức.’
Từng là một người vô Thần, nhưng giờ đây các tác phẩm của một họa sĩ trẻ từng đạt giải thưởng, lại xoay quanh đức tin: miêu tả về thiên giới và thừa nhận sự tồn tại của thần. Những đề tài sáng tác ấn tượng của anh nêu lên sự tương phản giữa đức hạnh và thói xấu, một cách tự nhiên hướng người xem đến thiện niệm và lòng khoan dung.
Mời quý vị gặp gỡ anh Dương Minh Lộc, một họa sĩ vẽ minh họa kỹ thuật số sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Việt Nam.
Kể từ lúc còn đi học, anh Lộc đã say mê nghệ thuật thời kỳ Phục hưng, đặc biệt là hội họa. Quay về truyền thống và tôn vinh lẽ phải là những chủ đề cốt lõi trong các tác phẩm của anh. Anh tin rằng, những nghệ sĩ chân chính có thể khơi dậy niềm khát khao hướng thiện thuần khiết ở người khác — và để đạt được điều này, những người nghệ sĩ luôn phải lưu tâm đến việc ý niệm của họ sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm như thế nào.
Anh chia sẻ với The Epoch Times rằng, “Các giá trị truyền thống không chỉ thể hiện trên bề mặt một tác phẩm, mà còn thể hiện trong quá trình tạo ra tác phẩm ấy.”
Anh Lộc nói thêm: “Người họa sĩ suy nghĩ những gì khi tạo nên tác phẩm của mình? Họ nghĩ đến lợi ích mà họ đạt được hay là những điều có ý nghĩa cao cả hơn? Thế giới trong tác phẩm của họ có khiến người xem cảm thấy an hòa hơn không? Một người nghệ sĩ phải là người xem trọng việc tu dưỡng đạo đức, vì mọi ý niệm của họ trong cuộc sống đều có thể phản ánh vào bức tranh, và người xem có thể cảm nhận được thế giới nội tâm của họ.”
“Cuộc sống cần hướng đến sự sung túc và dư dả, nhưng tinh thần luôn cần tìm về với những giá trị đạo đức căn bản nhất. Cũng giống như một bức tranh đẹp: biểu hiện bên ngoài có thể rất ấn tượng, nhưng nội tâm của người nghệ sĩ phải tĩnh lặng và không có [những ý niệm bất hảo].”
Rèn luyện con đường
Niềm yêu thích của anh Lộc đối với thế giới nghệ thuật lớn dần ở trường học, khi lần đầu tiên anh nhìn thấy bức tranh “The Litta Madonna” của danh họa thời kỳ Phục hưng Leonardo da Vinci. Anh đã bị mê hoặc bởi kiệt tác này.
“Trong bức tranh ấy có điều gì đó lôi cuốn vượt xa hết thảy vẻ đẹp hiện thực — đó là một thực tại thiêng liêng,” anh nói. “Kể từ đó, tôi luôn ngưỡng mộ những bức tranh thời Phục hưng.”
Ở trường đại học, anh Lộc chọn ngành thiết kế nội thất và thực sự yêu thích các lớp nghệ thuật. Ngoài giờ học, anh làm phụ tá cho một họa sĩ, người đã dạy anh nhiều điều về hội họa. Sau khi tốt nghiệp, anh Lộc bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh minh họa kỹ thuật số. Hiện nay anh làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và chủ yếu vẽ tranh kỹ thuật số.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của anh là bức tranh mang tên “Tâm Bất Động,” đã nhận được giải thưởng “Nhân loại và Văn hóa” trong Cuộc thi Tranh sơn dầu năm 2019 do Đài truyền hình NTD tổ chức.
Bức tranh thể hiện một bé gái vững chãi đang tĩnh lặng thiền định, em được bao bọc trong ánh sáng vàng rực rỡ. Mối nguy đang rình rập được thể hiện dưới hình dạng của những con sói hung dữ và đói khát, nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí kiên định của em. Cô bé tượng trưng cho sức mạnh nội tâm thuần khiết và lòng trắc ẩn bao dung, điều chỉ tỏa sáng khi một người đối mặt với những nghịch cảnh của cuộc đời bằng trái tim kiên định và ý chí vững vàng.
Anh Lộc cho biết, bức tranh này đã nhận được phản hồi tích cực từ người xem khắp các nền văn hóa khác nhau, phần lớn họ chia sẻ rằng bức tranh mang lại cho họ một “cảm giác an hòa.” Những người khác nói rằng họ cảm thấy “năng lượng thuần chính” phát ra từ bức tranh này.
“Có lẽ đó là sứ mệnh của bức tranh này,” anh nói.
‘Thần và Phật thực sự tồn tại’
Trước đây là một người vô thần, anh Lộc bày tỏ anh từng là một trong vô số người kiêu ngạo cho rằng Đức Phật chỉ là một “nhà thông thái đã tạo ra triết lý cho một cuộc sống hạnh phúc.”
Một ngày nọ, khi anh đến thư viện của một ngôi đền để tìm một bộ phim cho người bạn, anh đã trải nghiệm điều kỳ lạ khiến anh phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của Thần Phật.
“Khi tôi đang tìm kiếm bộ phim trong thư viện thì một chồng đĩa DVD bất ngờ rơi trúng đầu tôi và tiếng cười của nhiều người vang lên, dù lúc đó thư viện rất vắng vẻ,” anh kể. “Khi ấy một câu hỏi lóe lên trong tôi: ‘Thần Phật có thật không?’”
Nhớ lại những quan niệm độc hại của chủ nghĩa vô thần đã được gột rửa khỏi tâm trí anh như thế nào, anh Lộc cho biết, một số người bạn của anh ở Việt Nam đã từng nói về môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn thiền định và cải thiện thân tâm cổ xưa bắt nguồn từ truyền thống Phật gia. Kỳ lạ là, Pháp Luân Công đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam — một quốc gia cộng sản — trong khi môn tu luyện này phải đối mặt với cuộc bức hại chưa từng có ở đất nước cộng sản lân bang Trung Quốc kể từ năm 1999.
Vì hiếu kỳ, anh Lộc đã mượn cuốn sách “Chuyển Pháp Luân,” cuốn sách chính của môn tu luyện tâm linh này, từ một người bạn của anh để đọc.
“Tôi thấy những điều viết trong sách rất khoa học, giải thích một số hiện tượng tâm linh theo một cách rất dễ hiểu,” anh nói. “Tôi nhận ra rằng Thần và Phật thực sự tồn tại, và sự tồn tại của họ là có căn cứ khoa học chứ không phải do trí tưởng tượng của con người tạo ra.”
“Bây giờ tôi thành tâm kính ngưỡng Thần Phật. Tôi tôn kính các ngài vì tôi biết các ngài thực sự tồn tại và luôn bảo hộ con người.”
Anh cho biết, những nguyên lý được giảng giải chi tiết trong cuốn sách đó cũng đã trả lời cho nhiều câu hỏi của anh, và giúp anh sống một cuộc đời đức hạnh.
“Tôi luôn thấy hạnh phúc đời người rất ngắn ngủi, và tôi tự hỏi liệu có một thứ hạnh phúc vĩnh hằng hay không,” anh nói. “Sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi hiểu rằng hạnh phúc vĩnh hằng chỉ có thể đạt được khi một người tuân theo nguyên lý của vũ trụ: Chân, Thiện, Nhẫn.”
“Pháp Luân Công đã cho tôi niềm tin rằng chỉ cần tôi điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình theo ‘Chân, Thiện, Nhẫn,’ thì bất cứ điều gì tôi đáng được có sẽ quay trở lại với tôi, theo những cách khác nhau. Khi bạn hiểu được cách mà cuộc sống vận hành, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc ngay cả trong những hoàn cảnh trắc trở.”
Nói về cuộc bức hại đức tin đang diễn ra, anh Lộc cho biết cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, “trở thành một cuộc khảo nghiệm lương tâm đối với người dân trên toàn thế giới.”
“Dù bạn ở quốc gia nào, màu da, hay tôn giáo nào … cũng khó có thể im lặng trước một tội ác như vậy,” anh nói.
Truyền cảm hứng về Đạo đức và Sự thật
Người thanh niên trí thức này tin rằng, việc giữ gìn các giá trị truyền thống và đạo đức trong cuộc sống thường nhật là bí quyết chắc chắn để đạt được những thành công lâu dài và có ý nghĩa cao cả hơn.
Việc nuôi dưỡng những đức tính cần thiết như nghĩ cho người khác trước, bảo trì một tâm thái tĩnh lặng và từ bi, đã trở thành nền tảng cho mọi việc mà anh Lộc làm. Anh nói rằng khi tâm trí thuần tịnh, nguồn cảm hứng sẽ tuôn trào một cách dễ dàng, giống như một nguồn nước vĩnh hằng.
“Có những lúc tôi cảm thấy mình thiếu cảm hứng để vẽ,” anh nói. “Nhưng tôi sớm nhận ra rằng mình đã để những suy nghĩ ích kỷ len lỏi vào quá trình sáng tạo thiêng liêng. Những suy nghĩ như, ‘Tôi hy vọng các bức tranh của mình sẽ được người khác khen ngợi’, hoặc tôi lo lắng người khác sẽ chỉ trích tác phẩm của tôi.”
“Niềm vui có được từ sự ích kỷ rất ngắn ngủi. Vì vậy, nếu bạn vẽ với những suy nghĩ như vậy, bạn sẽ sớm cảm thấy mất cảm hứng.
“Trong cuộc sống hiện đại, tôi cũng thấy có rất nhiều bộ phim, các lớp học, các doanh nghiệp, và nhiều người nổi tiếng, dạy mọi người cách làm việc thông minh để thành công nhanh chóng. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng những người thành công vững chắc luôn là những người theo đuổi những đức hạnh truyền thống như kiên nhẫn, trung thực, và khoan dung.”
Là một họa sĩ, anh Lộc nhấn mạnh rằng việc tôn vinh giá trị đạo đức trong thế giới sáng tạo có ý nghĩa sâu sắc. “Một bức tranh nên nhắc nhở mọi người về các giá trị đạo đức truyền thống,” anh nói, và chia sẻ thêm rằng thông qua những bức tranh như vậy, mọi người sẽ “khơi gợi thiện căn của họ và giúp họ có đức tin vào Thần.”
Anh Lộc đã có trải nghiệm thực tế khi những ý tưởng đầy cảm hứng của mình được Thần Phật chỉ dẫn. Anh nói rằng bất cứ khi nào anh nghĩ đến việc dùng bức tranh như một phương tiện để chuyển tải các giá trị chân chính hoặc sự tồn tại của các vị Thần, thì các ý tưởng đó lại lóe lên trong đầu anh và như đang “đợi để được anh vẽ ra.”
“Tôi cho rằng, hội họa như một cánh cửa kết nối người xem với các thế giới khác. Tất nhiên, có thiên quốc và cũng có thế giới ma quỷ,” anh nói. “Những thứ xấu xa cũng muốn được tôi vẽ ra. Vì vậy, tôi phải thanh tỉnh và loại bỏ những tư tưởng dục vọng. Nếu tôi vẽ để trở nên giàu có hoặc nổi tiếng, rất có thể tôi đang dẫn người xem đến những thế giới của sự hủy diệt, và nghệ thuật của tôi sẽ sớm đi vào bế tắc.”
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times