Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới
Thi Thiên 130 De profundis: Nghệ thuật, nỗi đau buồn và niềm an ủi
“Nghệ thuật và âm nhạc mang đến cho cuộc sống nguồn sáng ý nghĩa, và thông qua đó, chúng ta có thể đương đầu với những khó khăn thử thách cũng như tìm thấy được sự an ủi và bình yên.”
Mở đầu Thi thiên 130 (Thi thiên 129 trong hệ đánh số cũ hơn) là câu: “Lạy Chúa, từ trong vực sâu, con kêu cầu Ngài” (De profundis clamavi ad te, Domine).
Việc chúng ta có theo đuổi một đức tin tôn giáo hay không không ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về những ngôn từ này. Mọi người ở tất cả các lứa tuổi, chủng tộc, và tín ngưỡng đã bị kéo vào vực sâu kinh hoàng bởi những tấn thảm kịch của cá nhân. Những tấn thảm kịch đó thường liên quan đến sự ra đi của một người mà họ yêu thương.
Trong thống khổ, một số người đang đau buồn thực sự tìm kiếm niềm an ủi nơi Đức Chúa. Những linh hồn đau khổ khác tìm kiếm sự an ủi nơi bạn bè và gia đình của họ. Một số người tìm đến các nhà tư vấn [tâm lý] hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ vượt qua buồn đau. Những người cô đơn và tuyệt vọng có thể tìm đến rượu hoặc ma túy.
Chính trị gia và nhà văn La Mã tên là Boethius (sống khoảng những năm 477–524) là người đã bị cầm tù và sau đó bị hành quyết. [Trong khoảng thời gian bị giam giữ], ông đã suy ngẫm kỹ lưỡng về tư tưởng của Hy Lạp cổ để xoa dịu tâm trí và giải thích cho bản thân về hoàn cảnh thê thảm cùng tột của chính mình. Và nhờ đó, ông đã để lại cho thế giới kiệt tác “Niềm an ủi của Triết học” (The Consolation of Philosophy).
Một vài người trong số những người đã bị tổn thương nhưng vẫn kiên cường bước tiếp này tìm thấy sự trợ giúp, điểm tựa tinh thần và hy vọng trong nghệ thuật.
Sự cứu rỗi và cái đẹp
Các nhạc sĩ – như Bach, Handel, Mozart, Leonard Bernstein, và những người khác – đã phổ nhạc cho Thi thiên 130. Tuy nhiên, các sáng tác của họ chỉ chạm đến bề mặt của loại hình nghệ thuật có thể mang lại sự trợ giúp và là điểm tựa tinh thần cho những con người đang trong thống khổ. Nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc, và nhạc sĩ đã mang đến cho thế giới vô số các tác phẩm về cái chết và sự mất mát. Các tác phẩm đó đã đem đến một khoảng thời gian nghỉ ngơi và hồi phục tinh thần sau những đau thương mất mát cho vô số người trong hơn 3,000 năm qua.
Trong lời tựa cuốn sách “Niềm an ủi: Tìm kiếm điểm tựa tinh thần trong thời kỳ đen tối” (On Consolation: Finding Solace in Dark Times), tác giả Michael Ignatieff đưa ra cho các độc giả một lời nhắc nhở sống động về sức mạnh an ủi của nghệ thuật [đối với con người]. Ông kể lại nhiều sự kiện, bắt đầu từ những đợt phong tỏa vào tháng 03/2020.
Trong những tháng ngày sợ hãi, cách ly, và cô đơn đó, với số người chết ngày càng gia tăng do COVID, rất nhiều các nghệ sĩ đã mang đến cho những người còn lại chúng ta sự động viên và niềm hy vọng. Chẳng hạn như dàn nhạc giao hưởng Rotterdam đã trình bày bản nhạc “Ode to Joy” của Beethoven trên Zoom. Hay một nghệ sĩ dương cầm tại Berlin biểu diễn các bản sonata hàng đêm qua internet. Hoặc các nhà thơ, nhà văn đến từ một số quốc gia đã chia sẻ những tác phẩm của họ từ trong phòng bếp và phòng khách.
Những cử chỉ nhân đạo này là nền tảng vững chắc cho nhận xét của nhà triết học Roger Scruton: “Nghệ thuật và âm nhạc mang đến cho cuộc sống bình thường ánh sáng đầy ý nghĩa, và thông qua đó, chúng ta có thể đương đầu với những khó khăn thử thách cũng như tìm thấy sự an ủi, bình yên.”
Tương tự như vậy, trong cuốn tiểu thuyết “Một người lính trong cuộc Đại Chiến” (A Soldier of the Great War) của nhà văn Mark Helprin, nhân vật Alessandro Giuliani, một giáo sư nghệ thuật và mỹ học lớn tuổi, đã nói lên mối quan hệ này: “Để nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới, [ta phải] chạm đến được những sợi dây liên kết chạy băng qua sự sống và cái chết mà không bị gián đoạn. Việc chạm vào những sợi dây liên kết ấy mang đến [cho chúng ta] hy vọng, bởi nếu [những sợi dây] có một đầu khác, có thể có ai đó đang ở phía bên kia cũng đang chạm vào những sợi dây ấy.”
Niềm xúc động dâng trào
Thông thường, một cuộc gặp gỡ tình cờ với một tác phẩm nghệ thuật có thể khiến khán giả kinh ngạc với dòng cảm xúc mãnh liệt trào dâng. Dòng cảm xúc được đó khiến chúng ta xúc động sâu sắc.
Ví dụ như, hãy tưởng tượng rằng có một bà mẹ trẻ bị mất đi một đứa con. Nhiều tháng sau, cô ấy đang ngồi bên một chiếc bàn trong thư viện công cộng, đọc lướt qua thời báo The Epoch Times. Khi đọc đến chuyên mục Nghệ thuật và Văn hóa, cô thấy bản thân mình đang chăm chú nhìn vào một tấm ảnh lớn chụp lại tác phẩm điêu khắc “Đức Mẹ sầu bi” của Michelangelo.
Đức Mẹ Mary ngồi đó trên ngọn đồi Golgotha, ôm xác đứa con trai bị đóng đinh vào lòng. Đôi mắt buồn đau và gương mặt sầu muộn của bà chạm đến trái tim người phụ nữ [đang ngồi] trong thư viện, khiến cô ấy bắt đầu khóc lên. Tảng đá trong lòng cô suốt những ngày dài tăm tối này đã được nước mắt của cô làm tan chảy.
Những giọt nước mắt ấy có thể sẽ khiến các vị độc giả quen thuộc khác của thư viện cảm thấy bối rối khó hiểu. Nhưng đối với người phụ nữ đó, nước mắt không chỉ thể hiện nỗi đau của cô, mà còn là một sự giải thoát khỏi nhà tù sầu khổ mà cô bị giam cầm đã lâu.
Phản ứng của cô ấy không hề xa lạ gì đối với tôi. Trong những tháng ngày dạy học của mình, tôi thường xuyên đọc thành tiếng các bài thơ và các đoạn văn cho học sinh nghe. Sau cái chết của vợ tôi vào năm 2004, tôi nhận ra rằng tôi không thể đọc trôi chảy một số đoạn nào đó mà không bị nghẹn lời. Và vì vậy, tôi sẽ chỉ định một học sinh đọc bài.
Ví dụ, [học sinh sẽ] đọc thành tiếng một đoạn văn trong cuốn “Con thỏ nhung” (The Velveteen Rabbit), mà trong đoạn, chú ngựa Skin Horse giải thích về tình yêu và ý nghĩa của việc trở nên chân thực. Tôi đang dùng đoạn văn đó làm mẫu bài tập viết cho các học sinh lớp 7 của mình. Đoạn văn đã khiến tôi [cảm động đến độ] rơm rớm nước mắt trước mặt cả lớp.
Tôi có một bản sao kịch bản của vở diễn “Thị trấn của chúng ta” (Our Town) do nhà soạn kịch Thornton Wilder chấp bút. Trong phân đoạn cuối vở kịch, câu chuyện kết thúc với cái chết của một người vợ trẻ. Cháu trai của nhà viết kịch và là người dẫn truyện nói với chúng ta rằng bộ phim này đã khiến khán giả rơi nước mắt, thậm chí đối với cả một người đàn ông như ông trùm Samuel Goldwyn của Hollywood. Tại sao vậy? Bởi vì tác giả Wilder đã phác họa sinh động “những sợi dây liên kết chạy băng qua sự sống và cái chết mà không bị gián đoạn [ấy].”
Khúc bi ca
Nhiều nhà văn đã sáng tác những khúc bi ca, dẫu là thơ hay là văn xuôi, với những suy tư sâu sắc, để khóc thương cho những người đã qua đời. Đó là một phương cách để họ đối diện với những mất mát và đau buồn của chính mình, hoặc để an ủi những người xung quanh.
Trong bài thơ “Về đứa con trai đầu lòng của tôi” (On My First Son), nhà thơ Ben Jonson đã than khóc cho sự ra đi của đứa con trai 7 tuổi của ông:
Tạm biệt con, hỡi chàng trai yêu quý của cha, niềm hạnh phúc của cha;
Tội lỗi của cha là đã quá thương yêu con, con trai yêu quý.
Con đã cho cha bảy năm, và [giờ] cha sẽ trả lại cho con,
Số phận của con, chính xác vào đúng ngày.
Than ôi, có thể nào ta không bao giờ làm cha nữa! Tại sao [lại thống khổ như vậy]
Ta liệu có nên than khóc cho trạng thái mà ta nên ghen tỵ?
Khi [con trai ta] rời khỏi thế giới trần tục và tội lỗi quá sớm,
Và khi con không phải nếm trải nỗi khổ cực của việc già đi?
Hãy an giấc trong sự yên bình dịu dàng, và nếu ai hỏi, con hãy trả lời rằng,
“Nằm tại đây là tác phẩm thi ca hay nhất của Ben Jonson.”
Vì điều này, từ nay trở đi, ta sẽ luôn thề rằng,
Không bao giờ quá nặng lòng với những gì ta yêu quý.
Rất nhiều nhà thơ cũng khuyên nhủ những người thân quyến [của người đã mất] tìm kiếm sự an ủi trong niềm vui cuộc sống. Lấy cảm hứng từ một phụ nữ Do Thái trẻ tuổi đã trốn thoát khỏi Đức Quốc xã, nhưng mẹ của cô đã qua đời trong cuộc diệt chủng Holocaust, bài thơ “Đừng đứng khóc trước mộ tôi” (Do Not Stand at My Grave and Weep) của tác giả Mary Elizabeth Frye nhắc những người đang sống nhớ rằng người đã mất vẫn luôn hiện diện theo hàng ngàn cách:
Đừng đứng trước mộ tôi và khóc,
Tôi không có ở đó; tôi không ngủ.
Tôi là nghìn ngọn gió đang thổi,
Tôi là ánh kim cương lấp lánh trên tuyết,
Tôi là mặt trời [đậu] trên hạt lúa chín,
Tôi là cơn mưa mùa thu nhẹ nhàng.
Buổi sớm yên tĩnh khi bạn thức dậy
Tôi là chú én vực dậy tinh thần
Giữa những chú chim lặng lẽ bay vòng.
Khi đêm xuống, tôi là ánh sao dịu dàng tỏa sáng
Đừng đứng trước mộ tôi và khóc,
Tôi không có ở đó; tôi không chết.
[Chúng ta có thể kể đến] nhiều tác phẩm bi thán khác. [Chẳng hạn như] tác phẩm “Một nhìn nhận về sự thống khổ” (A Grief Observed) của nhà văn C.S. Lewis, ghi chép lại sự qua đời của vợ ông. Hay bài hát dân gian “Liệu vòng tròn có được phá vỡ? (Will the Circle Be Unbroken?) của nước Mỹ. Hoặc hàng ngàn những bài Thánh lễ cầu nguyện và bi ca được phổ nhạc bởi các nhà soạn nhạc cổ điển. Và còn rất nhiều những sáng tác khác nữa. [Tất cả các bài ca này] cùng đồng hành với những người đã mất đi qua thung lũng của thần chết.
Sự chữa lành
Tất nhiên, thời gian là liều thuốc tốt nhất cho khổ đau. Qua nhiều tuần, nhiều tháng, và thậm chí là nhiều năm, gánh nặng khủng khiếp của sự thống khổ mà chúng ta phải chịu đựng sẽ trở nên nhẹ đi và có thể nhẫn chịu được. Theo thời gian trôi, những vết thương tươi mới từng khiến ta đau đớn như xẻo tim khoan xương đã trở thành những vết sẹo. Âm nhạc, văn học, hội họa, và các tác phẩm điêu khắc có thể trợ giúp ta trong quá trình [chữa lành] này. Nói cách khác, nghệ thuật là điểm tựa tinh thần giữ cho chúng ta vững vàng và tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục tiến về phía trước.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times