Vàng giao dịch ở mức giá cao kỷ lục gần 2,150 USD giữa những kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất
Phần lớn các nhà giao dịch lãi suất chỉ mong đợi việc cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.
Giá vàng đã liên tục tăng trong vài ngày qua lên các mức cao kỷ lục khi giới đầu tư ngày càng kỳ vọng Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất.
Hôm 06/03 vào lúc 9 giờ 35 phút sáng theo giờ chuẩn miền Đông (EST), vàng giao ngay được giao dịch ở mức khoảng 2,142 USD/ounce, tăng 7.96% so với mức thấp của hôm 14/02. Con số này cao hơn mức cao lịch sử 2,141.59 USD đạt được hôm 05/03. Giá đã tăng lên mỗi ngày trong năm ngày liên tiếp. Giá đã tăng vọt khi nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed có thể sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Vàng và lãi suất được cho là có mối tương quan nghịch — nghĩa là lãi suất giảm sẽ khiến các tài sản như vàng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
“Lý do lớn ở đây là chúng tôi thấy thị trường ngày càng tin rằng chúng ta đang tiến đến gần một đợt cắt giảm lãi suất của Fed hơn là lùi xa hơn,” ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nói với Reuters. “Thị trường phải cảm thấy thuyết phục hơn một chút để giá vàng tăng cao hơn, nhưng cuối cùng trong quý 2, chúng tôi nghĩ rằng giá có thể lên tới hơn 2,300 USD.”
Ông Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree, đã viện dẫn những rủi ro địa chính trị phát sinh từ Hồng Hải và nhiều cuộc bầu cử được ấn định sẽ diễn ra trên toàn thế giới trong năm nay như những nguyên nhân thúc đẩy “nhu cầu vàng bán lẻ tiếp tục tăng.”
Ông nói: “Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu vàng mất đi một chút mức tăng này khi Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hạ thấp khả năng việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, nhưng một khi việc cắt giảm lãi suất trông có vẻ chắc chắn sẽ xảy ra, thì chúng tôi dự kiến vàng sẽ giao dịch ở mức giá cao hơn đáng kể.”
Sau cuộc họp hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hồi tháng Một, cơ quan này đã giữ nguyên lãi suất chuẩn. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên rằng Fed khó có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng Ba của FOMC.
“Ủy ban không kỳ vọng việc giảm phạm vi mục tiêu là phù hợp cho đến khi họ có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang di chuyển bền vững về mức 2%,” FOMC cho biết trong một tuyên bố. “Lạm phát tháng Một là 3.1%, cao hơn rất nhiều so với mức mục tiêu 2%.”
Kể từ tháng Ba năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 11 lần. Kết quả là lãi suất hiện đang ở mức 5.25%, mức cao nhất trong vòng hai thập niên. Cuộc họp sắp tới của Fed dự kiến sẽ diễn ra vào hai ngày 19 và 20/03.
Trong bài diễn văn của mình trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 06/03, ông Powell cho biết ngân hàng trung ương dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Theo CME FedWatch Tool, tính đến ngày 06/03, chỉ có 3% các nhà giao dịch lãi suất kỳ vọng lãi suất sẽ giảm 25 điểm cơ bản từ phạm vi 5.25-5.50% hiện tại trong cuộc họp vào tháng Ba.
Một tỷ lệ áp đảo các nhà giao dịch — 57.1% — kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản sẽ được thực hiện trong cuộc họp của Fed vào tháng Sáu.
Việc mua bán, nhu cầu, và giá vàng
Ngoài lãi suất của Fed và căng thẳng địa chính trị, giá vàng còn chịu sự chi phối từ các yếu tố khác. Ví dụ, những biến động của đồng USD có thể tác động đến vàng.
Tương tự, việc mua vàng của ngân hàng trung ương cũng là một trong những yếu tố chính quyết định mức giá. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua 1,037 tấn vàng trong năm 2023, lần thứ hai liên tiếp lượng mua vàng vượt quá 1,000 tấn.
Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay, WGC viết: “Ít có dấu hiệu cho thấy xu hướng mua có từ năm 2010 này sẽ giảm bớt, ngay cả khi lượng mua ròng xấp xỉ 1,000 tấn khó có thể xảy ra trong năm thứ ba liên tiếp. Điều này củng cố niềm tin của chúng tôi rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tiếp tục là các bên mua ròng trong năm nay.”
Ông Kar Yong Ang, nhà phân tích thị trường tài chính tại công ty môi giới giao dịch tiền tệ trực tuyến Octa, tin rằng việc mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ đóng vai trò là “động lực chính” thúc đẩy giá vàng trong năm nay, theo hãng truyền thông The Asset.
Ông nói, “Nếu xu hướng này tiếp tục và mức dự trữ vàng tiến tới chiếm trung bình 40% thành phần dự trữ, thì điều đó có nghĩa là sẽ có thêm một lượng vàng trị giá 3.2 ngàn tỷ USD nữa — một mức tăng 25% vào năm 2025, tương ứng với mức giá là 2,500 USD một ounce.”
Theo ông Ang, áp lực lạm phát cũng sẽ là yếu tố then chốt tác động đến giá vàng.
“Theo truyền thống, giá vàng có mối tương quan nghịch với tỷ lệ lạm phát. Tỷ lệ lạm phát càng thấp thì lãi suất công khố phiếu càng thấp. Do đó, sức hấp dẫn tương đối của các tài sản không sinh lãi như vàng sẽ tăng lên,” ông nói với The Asset.
Trong một báo cáo hồi tháng trước, Goldman Sachs dự đoán giá vàng sẽ tăng 6% lên 2,175 USD/ounce trong 12 tháng tới. Mặc dù tiền đã chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng, nhưng dòng tiền chảy ra này đã được bù đắp bằng việc mua vàng của các ngân hàng trung ương.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư Saxo, cũng đã có những nhận định tương tự trong báo cáo ngày 04/03.
Ông viết: “Cho đến nay, những nhà đầu tư vào loại vàng được gọi là ‘vàng chứng chỉ’ trong các quỹ ETF và hợp đồng tương lai đã bán ròng khối lượng vàng khoảng 100 tấn trong các quỹ ETF, trong khi các nhà đầu cơ trên thị trường tương lai đã giảm một nửa vị thế mua ròng của họ sau khi bán khoảng 190 tấn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times