Kinh tế Trung Quốc suy thoái thúc đẩy một ‘cơn sốt vàng’ mới trong bối cảnh bất ổn toàn cầu
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái như hiện nay, người dân Trung Quốc đang đổ xô đi mua vàng vì giá trị của vàng có nhiều khả năng ổn định theo thời gian hơn, và ngay cả chính quyền Trung Quốc cũng đã tăng lượng vàng nắm giữ của mình thêm 30% vào năm ngoái (2023). Trước nhu cầu tăng cao, giá vàng đã liên tục tăng kể từ cuối năm ngoái.
Hôm 01/03, giá vàng tương lai ở New York đã là 2,092.15 USD/ounce, tăng 1.82% so với ngày giao dịch trước đó.
Hôm 04/12 năm ngoái (2023), giá vàng đã đạt một mức cao trong lịch sử sau 40 tháng, đạt 2,152 USD.
Trong năm 2023, cả lượng vàng mua vào của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), ngân hàng trung ương của Trung Quốc, lẫn của khu vực tư nhân Trung Quốc đều đã tăng 30% so với năm trước. Các nhà phân tích tin rằng cuộc đối đầu leo thang với Hoa Kỳ đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giảm lượng nắm giữ USD và tăng lượng nắm giữ vàng như một phương án dự phòng. Còn đối với công chúng Trung Quốc, thì việc mua vàng đóng vai trò như một phương thức bảo vệ tài sản trong bối cảnh lĩnh vực địa ốc suy thoái và đồng nhân dân tệ mất giá.
Theo số liệu thống kê do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố hôm 31/01, lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới trong năm 2023 là xấp xỉ 1,037 tấn, cao thứ hai kể từ năm 1950, chỉ đứng sau mức cao kỷ lục khoảng 1,082 tấn của năm 2022. Sự gia tăng nắm giữ vàng của ĐCSTQ là đáng kể nhất, với lượng mua ròng là 225 tấn vào năm ngoái, vượt quá ⅕ tổng lượng mua ròng của tất cả các ngân hàng.
Đằng sau cơn sốt mua vàng
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, với văn hóa mua và tiết kiệm kim loại quý này có từ lâu đời.
Năm ngoái, giá vàng tại Trung Quốc đã có đà tăng mạnh. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay, một “cơn sốt mua vàng” đã quét qua Trung Quốc trong bối cảnh người dân tràn vào các tiệm vàng và tiệm trang sức dẫn đến các cửa tiệm và nhân viên bị quá tải. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài tám ngày, lượng bán vàng đã tăng tới 70% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy mức tiêu thụ vàng ở Trung Quốc vượt quá 1,000 tấn vào năm 2023, tăng 8.78% so với năm trước. Trong số đó, đồ trang sức bằng vàng có mức tăng trưởng 7.97% so với năm trước, trong khi vàng miếng và xu vàng tăng 15.70%.
Bình luận với The Epoch Times về cơn sốt vàng này, ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), một giáo sư tại Đại học South Carolina Aiken, cho rằng xu hướng này xảy ra ở Trung Quốc là do tâm lý lo ngại của người dân Trung Quốc về tương lai của nền kinh tế nước này, cũng như sự mất giá của đồng nhân dân tệ và áp lực lạm phát. Họ đang thực hiện các bước phòng ngừa lạm phát và tìm cách giảm thiểu rủi ro do những thảm họa và chiến tranh tiềm ẩn.
“Ngày nay, người dân Trung Quốc thiếu niềm tin vào đồng tiền pháp định của ĐCSTQ, và có thể sẽ có những sáng kiến về tiền kỹ thuật số trong tương lai, tất cả những yếu tố đó đều rất đáng lo ngại,” ông giải thích. “Mua vàng trong những thời điểm khó khăn là một truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ người dân Trung Quốc.”
Ông Tạ tin rằng sức mua của người dân có thể bị hạn chế do họ đang rút tiền từ thị trường chứng khoán và tài khoản tiết kiệm để mua vàng. Mặt khác, Bắc Kinh cũng đang mua vàng vì họ biết là họ đã in quá nhiều tiền và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất dần giá trị. Vì vậy, cuối cùng, sự nhiệt tình này có thể sẽ không kéo dài được lâu.
Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, trong tháng Một năm nay (2024), giá địa ốc thương mại tại 70 thành phố lớn và thành phố tầm trung đã tiếp tục giảm, với giá địa ốc mới ở các thành phố lớn giảm 0.5% và giá địa ốc cũ giảm 4.9% so với năm trước. Giá địa ốc của Trung Quốc đã giảm trong 22 tháng liên tiếp.
Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, và Thâm Quyến đã dỡ bỏ các hạn chế trước đây đối với việc mua nhà, cho thấy các chiến thuật kích thích mua nhà ở của ĐCSTQ đã thất bại, khiến thị trường địa ốc rơi tự do.
Khi thị trường địa ốc và các thị trường cổ phiếu, chứng khoán, quỹ, quỹ tín thác, v.v. của Trung Quốc đều suy giảm, vàng đóng vai trò như một tài sản phòng hộ chống lại suy thoái kinh tế. Mua vàng là dấu hiệu bi quan về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong tương lai ở Trung Quốc.
Dự báo và dự đoán về giá vàng
Trong 24 năm qua kể từ khi bắt đầu thiên niên kỷ này, giá vàng chỉ giảm trong năm năm, trong khi lại tăng trong 19 năm còn lại. Mức tăng đáng kể nhất xảy ra vào năm 2019 và năm 2020, với mức tăng lần lượt là 18.83% và 24.43%. Có sự sụt giảm nhẹ vào năm 2021 và 2022, tiếp theo là mức tăng 7.34% vào năm 2023, với mức giá trung bình là 1,932.14 USD/ounce.
Do các yếu tố như dự trữ vàng sụt giảm, chi phí nhân công tăng, chi phí khai thác tăng, và lãi suất của Hoa Kỳ giảm trong dài hạn, giá vàng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Hôm 13/12 năm ngoái, Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nói với giới truyền thông sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoạch định chính sách rằng các thành viên đã thảo luận về việc cắt giảm lãi suất thay vì một đợt tăng lãi suất khác. Khi thị trường dự đoán có sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Hệ thống Dự trữ Liên bang, thì lãi suất dài hạn ở Hoa Kỳ được kỳ vọng là sẽ giảm.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chứng khoán Rakuten của Nhật Bản nhận xét rằng việc lãi suất của Hoa Kỳ giảm, yếu tố ngăn chặn sự tăng giá của vàng, đang tạo thuận lợi cho dòng tiền chảy vào thị trường vàng — vốn là tài sản không có lãi suất.
Theo UBS, đến cuối năm nay, giá vàng có thể tăng lên mức 2,250 USD/ounce, đồng thời Goldman Sachs cũng dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2,175 USD trong năm nay.
Hiện nay, xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Israel và Hamas, đồng thời xung đột cũng có nguy cơ xảy ra ở các khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông, và Eo biển Đài Loan. Những cuộc chiến tranh như vậy, bên cạnh các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc do Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây áp đặt, đã dẫn đến nhiều yếu tố bất ổn và các rủi ro tiềm ẩn.
Một số nhà phân tích thị trường Nhật Bản tin rằng nếu cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thắng cử vào tháng Mười Một, thì chính sách Nước Mỹ Trước Tiên của ông có thể sẽ còn cô lập Trung Quốc hơn nữa và có thể cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Những thay đổi chính sách như vậy có thể đẩy giá vàng lên thậm chí còn cao hơn nữa.
Ngoài ra, các vấn đề tài khóa ở Hoa Kỳ đang trở nên tồi tệ hơn, với khoản nợ công của chính phủ liên bang vượt quá 33 ngàn tỷ USD. Đối với các nhà đầu tư, nguy cơ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Hoa Kỳ vẫn còn. Sự suy giảm uy tín của đồng USD sẽ thúc đẩy dòng vốn chảy vào thị trường vàng.
Jon Sun, Jane Tao, và Michael Zhuang thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times