Vàng giao dịch ở mức cao kỷ lục 2,300 USD sau khi Fed gợi ý sẽ cắt giảm lãi suất
Hôm thứ Năm (05/04), giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục sau khi Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell gợi ý rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, một diễn biến thường giúp kim loại này tăng giá.
Giá vàng giao ngay đã vượt mức 2,300 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch ngày 04/04, đạt kỷ lục mới. Kể từ ngày 25/03, giá vàng đã tăng mỗi ngày trong bảy ngày giao dịch liên tiếp. Hôm thứ Năm, vàng giao ngay được giao dịch ở mức 2,291 USD/ounce. Tính đến 12 giờ 30 phút chiều theo giờ chuẩn miền Đông (EST), giá vàng đã tăng 5.89% so với mức giá 2,163.50 USD đạt được vào ngày 25/03. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục sau khi ông Powell cho biết sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, như dự kiến của nhiều nhà đầu tư.
Ông Powell cho biết trong một bài diễn văn tại Trường Cao học Kinh doanh Stanford thuộc Đại học Stanford, California, hôm 03/04: “Chúng tôi đã giữ lãi suất chính sách ở mức hiện tại kể từ tháng Bảy năm ngoái. Như đã thể hiện trong các dự báo riêng biệt mà Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) công bố hai tuần trước, tôi và các đồng sự tiếp tục tin rằng lãi suất chính sách dường như đã đạt đến mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt này.”
“Nếu nền kinh tế phát triển rộng như chúng tôi mong đợi, hầu hết những người tham gia FOMC đều thấy việc bắt đầu hạ lãi suất chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay là phù hợp.” Kể từ tháng Ba năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 11 lần. Kết quả là lãi suất hiện đang ở mức 5.25%, cao nhất trong vòng hai thập niên.
Vàng và lãi suất được cho là có mối tương quan nghịch — nghĩa là lãi suất giảm khiến các tài sản như vàng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool, hơn 93% các nhà giao dịch lãi suất không kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ mức hiện tại trong cuộc họp sắp tới của cơ quan này vào tháng Năm. Tuy nhiên, hơn 58% kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Sáu.
Ngoài ra, các cuộc xung đột toàn cầu đang diễn ra cùng lạm phát gia tăng đang đóng vai trò như một trợ lực củng cố lâu dài cho giá vàng. Khi các nhà đầu tư cảnh giác với lạm phát cao, họ có xu hướng đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn, một yếu tố thúc đẩy giá vàng lên cao.
The Kobeissi Letter, một bản tin bình luận về thị trường vốn toàn cầu, cho biết trong một bài đăng trên X hôm 04/04: “Giá vàng đã chính thức vượt qua mức 2,300 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Kể từ ngày 14/02, vàng đã tăng lên mức đáng kinh ngạc 300 USD/ounce hoặc tăng 15% trong vòng chưa đầy hai tháng.”
“Ngay cả khi ba lần cắt giảm lãi suất bị loại bỏ khỏi dự báo thị trường, thì giá vàng vẫn đang lên cao hơn. Căng thẳng địa chính trị và lo ngại lạm phát mới là những nguyên nhân chính. Nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dự đoán mức giá vàng hơn 3,000 USD khi đà tăng tiếp tục. Có phải thị trường vàng đang chuẩn bị cho một làn sóng lạm phát khác?”
Giá vàng năm 2024
Ngân hàng đầu tư JP Morgan đang giữ một quan điểm lạc quan về vàng trong năm 2024. Theo một báo cáo phát hành hồi tháng Một của ngân hàng này, bà Natasha Kaneva, trưởng Bộ phận Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu của JP Morgan, cho biết, “Trên khắp các mặt hàng, trong năm thứ hai liên tiếp, dự đoán tăng giá mang tính cấu trúc duy nhất mà chúng tôi đưa ra là đối với vàng và bạc.”
Ông Gregory Shearer, trưởng Bộ phận Chiến lược Kim loại Cơ bản và Kim loại Quý, cho biết JP Morgan nhận thấy vàng và bạc sẽ tiếp tục tăng giá tốt cho đến nửa đầu năm 2025.
Một báo cáo hồi tháng Hai của Goldman Sachs nêu ra rằng rủi ro giảm giá vàng trong năm nay dự kiến sẽ hạn chế do “lượng mua vào của ngân hàng trung ương tăng mạnh và căng thẳng địa chính trị ở mức cao.”
Báo cáo này nêu rõ, “Việc các ngân hàng trung ương mua vàng — đặc biệt là các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Ấn Độ — đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch trao đổi vàng. Những giao dịch mua đó một phần được thúc đẩy bởi những căng thẳng địa chính trị, chẳng hạn như việc Nga xâm lược Ukraine và đại dịch COVID.”
“Các ngân hàng trung ương đã mua trung bình 1,060 tấn trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, so với lượng mua vào 509 tấn trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2019. Sự gia tăng này xảy ra khi Trung Quốc chuyển nguồn dự trữ khỏi USD và các quốc gia như Ba Lan cũng tăng cường dự trữ vàng của họ.”
Trong bản cập nhật ngày 10/01, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) lưu ý rằng rủi ro địa chính trị gia tăng đã làm tăng thêm một mức lợi nhuận ước tính khoảng 5% vào năm 2023, giảm thiểu nhược điểm do lạm phát giảm.
“Mặc dù chúng tôi vẫn xem sự phục hồi đáng kể của lạm phát là một khả năng xa vời, nhưng kịch bản này có thể sẽ là tích cực đối với vàng, vì lạm phát làm suy yếu chính sách tiền tệ và gây ra rủi ro về một kịch bản hạ cánh cứng còn khó khăn hơn trong tương lai.”
WGC kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục “đi ngang với tiềm năng tăng giá” nếu nền kinh tế Hoa Kỳ trải qua “hạ cánh mềm,” một tình huống mà nhóm tin rằng có xác suất xảy ra 45–65%.
Trong kịch bản “hạ cánh cứng” ít có khả năng xảy ra hơn — với xác suất 25–55% — WGC dự kiến giá vàng sẽ tăng “cao hơn đáng kể” và đạt mức cao kỷ lục mới.
Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ thể hiện một tình huống “không hạ cánh,” theo đó lạm phát và tăng trưởng kinh tế tăng tốc trở lại, WGC dự đoán giá vàng sẽ không thay đổi và phải đối mặt với áp lực giảm giá. Kịch bản “không hạ cánh” có xác suất thấp nhất, chỉ 5–10%.
Trong năm 2024, WGC dự đoán các cuộc bầu cử lớn trên toàn cầu ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên minh Âu Châu, và Đài Loan sẽ là một rủi ro địa chính trị. Do đó, họ cho biết, “nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư của các nhà đầu tư có thể sẽ cao hơn bình thường.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times