Các chuyên gia xem sự thăng hoa của giá vàng là sự phản ánh của những lo ngại về kinh tế và các chiến lược phòng ngừa rủi ro
Một chuyên gia tài chính cũng dự đoán giá bạc sẽ tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung của kim loại này.
Giá vàng đã tăng mạnh vào giữa tháng Ba, đạt mức cao mới trong lịch sử. Vì vàng là một công cụ phòng ngừa rủi ro đầu tư, nên sự tăng giá của kim loại quý hiếm này nhấn mạnh mối lo ngại của một số nhà đầu tư về rủi ro ngày càng tăng trong môi trường kinh tế và chính trị toàn cầu.
Liệu giá vàng có tiếp tục tăng trong hai năm tới? Chính xác thì trạng thái chân thực của vàng là gì? Và trong khi giá vàng tăng, thì bạc cũng trở nên phổ biến, vậy nguồn cung bạc trong tương lai sẽ như thế nào?
Chuyên gia tài chính Lý Tử Dung (Li Zirong) gần đây đã nói với chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của đài truyền hình NTD rằng việc phát hành tiền tệ quá mức trong thời kỳ đại dịch đã dẫn đến lạm phát, làm dấy lên sự quan tâm đến vàng.
Theo ông Lý, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Hoa Kỳ đã in khoảng 8 ngàn tỷ USD, tương đương với tăng thêm khoảng 40% nguồn cung USD toàn cầu, một mức tăng to lớn. Hiệu ứng rõ ràng nhất của việc này là sự mất giá của đồng tiền. Sẽ cần một quá trình lâu dài để thị trường hấp thụ được 8 ngàn tỷ USD này, và quá trình này chắc chắn sẽ dẫn đến giá vàng liên tục tăng.
Ông Lý nói, “Tôi có quan điểm khá bi quan về nền kinh tế Hoa Kỳ. Dù siêu lạm phát chưa xảy ra nhưng nguy cơ siêu lạm phát là có thực nếu chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục in tiền một cách không kiềm chế, đây là điều thật đáng sợ đối với tất cả mọi người.”
Ông nói, “Lịch sử thường lặp lại. Tình hình hiện nay rất giống với tình trạng lạm phát vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930 khi lãi suất được nâng lên trên 20% để kiểm soát lạm phát.”
Ông nói, “Nhưng bây giờ việc kiểm soát lạm phát thật khó khăn ngay cả khi chính phủ có hành động tương tự như ngày ấy, vì tình hình kinh tế hiện nay đã hoàn toàn khác so với thời điểm đó. Lúc đó nợ quốc gia của Hoa Kỳ chưa đến 1 ngàn tỷ USD, nhưng hiện nay nợ đã lên tới 34 ngàn tỷ USD, riêng việc trả lãi đã tiêu tốn gần 1 ngàn tỷ USD mỗi năm, tình trạng này không thể duy trì lâu dài. Nếu như hệ thống đồng dollar Mỹ có vấn đề, thì công cụ tài chính duy nhất còn lại trên thế giới để phòng ngừa rủi ro, và cũng là công cụ an toàn nhất, thực sự chỉ có thể là vàng.”
Khủng hoảng làm khuếch đại cơn sốt vàng
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia bình luận về các vấn đề thời sự Trung Quốc và biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, cho biết trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng giá vàng và giá USD thường di chuyển theo hướng trái ngược nhau. Khi đồng USD mạnh hơn, thì giá vàng sẽ giảm.
Ông Thạch nói, “Hiện tại, Chỉ số USD đang ở mức mạnh nhất trong vòng một thập niên, đặt ra câu hỏi về việc liệu đồng USD có tiếp tục mạnh lên hay sẽ bắt đầu suy giảm. Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Vì vậy mọi người đều đang đánh giá vấn đề này.”
Ông lưu ý rằng lạm phát đã không tiếp tục giảm trong tháng Hai mà thay vào đó lại tăng lên. Nhiều người đang tự hỏi liệu xu hướng này có duy trì tiếp tục hay thậm chí sẽ còn tiếp tục trong suốt cả năm.
Ông Thạch nói, “Liệu lãi suất của Hoa Kỳ sẽ bắt đầu giảm vào nửa cuối năm như nhiều người dự đoán, hay sẽ tiếp tục tăng để kiềm chế lạm phát? Câu trả lời là không chắc chắn sẽ theo hướng nào.”
“Và đừng quên, đây là một năm bầu cử. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ chịu rất nhiều áp lực để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp, nên số liệu kinh tế có vẻ sẽ khả quan hơn một chút, nên năm bầu cử cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc.”
Ông cho biết thêm rằng ngân hàng trung ương của nhiều nước vẫn đang mua vàng. Một ngân hàng ở Thụy Sĩ đã dự đoán rằng vàng sẽ tăng lên 2,200 USD/ounce từ tháng Hai đến tháng Ba năm nay và dự đoán này giờ đây có vẻ vô cùng chính xác.
Ông Thạch nói, “Trước đây, giá vàng đã tăng đáng kể. Trong hơn 10 năm từ những năm 1970 đến những năm 1980, giá vàng đã tăng từ 35 USD lên hơn 700 USD.”
Ông Lý cũng đề cập rằng đã có nhiều dự đoán khác nhau về giá vàng, bao gồm 3,000 USD, 5,000 USD, 8,000 USD và thậm chí 20,000 USD mỗi ounce, tất cả đều dựa trên phân tích hợp lý.
Ông nói, “Xu hướng mua vàng của các ngân hàng trung ương không hề chậm lại. Năm 2022 là năm phá kỷ lục, với việc các ngân hàng trung ương mua tổng cộng 1,082 tấn vàng, tổng lượng mua của năm 2023 chỉ kém 45 tấn so với năm 2022, cho thấy xu hướng mua vàng vẫn duy trì đà tăng rất mạnh.”
Bà Quách Quân (Guo Jun), giám đốc The Epoch Times ấn bản Hồng Kông, cho rằng việc nới lỏng định lượng chắc chắn sẽ khiến đồng tiền mất giá.
Bà Quách nói, “Trong hai năm qua, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nới lỏng định lượng, với nợ quốc gia của Hoa Kỳ lên tới hơn 30 ngàn tỷ USD và nguồn cung tiền M2 của nước này là khoảng 21 ngàn tỷ USD. Trung Quốc thậm chí đã phát hành nhiều tiền hơn — 290 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng với 40 ngàn tỷ USD.”
Bà nói: “Với việc các quốc gia trên thế giới phát hành tiền tệ quá mức, thị trường trở nên kỳ vọng tiền tệ sẽ mất giá trong thời gian dài, đây là nguyên nhân căn bản khiến giá vàng tăng.”
Bà cho rằng ngoài những nguy cơ kinh tế, rủi ro địa chính trị cũng có tác động không nhỏ đến cơn sốt vàng.
“Người Trung Quốc có câu nói: ‘Thịnh thế trữ đồ cổ, loạn thế mua vàng kim.’ Một người bạn của tôi gần đây thấy tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có ý định đưa quân đến Ukraine, đã lập tức liền đặt lệnh mua vàng. Nếu quân Nga và Pháp bắt đầu giao tranh ở Ukraine, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra chiến tranh giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân. Việc Pháp tham chiến có nghĩa là NATO cũng tham gia, và liệu xung đột có leo thang thành chiến tranh hạt nhân hay không thì vẫn chưa rõ.”
Bà Quách tiếp tục nói rằng các cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông giữa Iran và Israel, ở Eo biển Đài Loan, ở Biển Đông, và trên Bán đảo Triều Tiên đều liên quan đến sự đối đầu của hai phe lớn trên thế giới và đều liên quan đến những quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân.
Bà nói, “Trước đây, bất cứ khi nào thế giới xảy ra khủng hoảng địa chính trị, các quỹ toàn cầu đều đổ về Hoa Kỳ, mua tài sản bằng USD để phòng ngừa rủi ro. Nhưng hiện tại, với nền kinh tế Hoa Kỳ có triển vọng không chắc chắn và đồng USD đang ở mức cao, thì liệu đồng USD có thể duy trì được ổn định hay không là vẫn còn chưa rõ, khiến vàng trở thành lựa chọn ưu tiên trong những tình huống như vậy.”
Vàng của Trung Quốc chủ yếu do nhà nước kiểm soát
Bà Quách nhắc nhở khán giả rằng vàng là kim loại quý hiếm.
“Cho đến nay, nhân loại đã khai thác được khoảng 200,000 tấn vàng, phần lớn được khai thác sau những năm 1950,” bà nói. “200,000 tấn vàng tượng trưng cho điều gì? Với mật độ của vàng là 19.32, nghĩa là 1 mét khối nặng 19.32 tấn, 200,000 tấn gần tương đương với hơn 10,000 mét khối. Điều này ngụ ý rằng tất cả số vàng hiện có có thể nhét vừa một sân bóng đá có chiều cao 1 mét (khoảng 3.3 feet). Dựa trên giá vàng hiện tại, con số này lên tới khoảng 13 ngàn tỷ USD.”
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 2,000 tấn vàng dự trữ, đứng thứ sáu trên toàn cầu.
Bà Quách lưu ý rằng vàng của Trung Quốc chủ yếu do nhà nước cộng sản kiểm soát, có rất ít vàng nằm trong tay tư nhân. Bà giải thích lịch sử đằng sau hiện tượng này.
Bà Quách nói, “Cuối năm 1949, ngay sau khi đoạt quyền, ĐCSTQ đã ra lệnh tịch thu toàn bộ số vàng tư nhân, giới hạn lượng vàng mà mỗi cá nhân nắm giữ ở mức 2 lượng (dưới 2 ounce). Phần còn lại phải bán cho chính phủ với giá bằng 70% giá thị trường, một biện pháp cưỡng chế mà về căn bản là một vụ cướp lớn.”
Bà nói, “Vào thời điểm đó, việc tích trữ vàng tư nhân là một trọng tội ở Trung Quốc. Nếu một gia đình bị phát hiện bí mật giấu vàng, thì không chỉ vàng bị tịch thu, mà các tài sản khác cũng bị tịch thu, và gia đình đó sẽ bị áp những hình phạt nặng. Hoạt động khai thác vàng ở Trung Quốc, ngoại trừ các mỏ nhỏ, chủ yếu do nhà nước quản lý, có sở cảnh sát chuyên trách giám sát.”
Bà Quách cho biết thêm, tình trạng này chắc chắn trái ngược hoàn toàn với những quốc gia nơi sở hữu tư nhân phổ biến hơn nhiều, chẳng hạn như Ấn Độ, nơi ngân hàng trung ương nắm giữ hơn 600 tấn vàng, nhưng lượng vàng nắm giữ của tư nhân có thể lên tới 15,000 tấn.
Giá bạc ‘sẵn sàng tăng vọt’
Ông Lý cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về xu hướng giá bạc trên Diễn đàn Tinh anh.
“Chúng ta thường nói về câu ngạn ngữ cổ, ‘Loạn thế mua vàng kim.’ Điều tương tự cũng xảy ra với bạc. Khi giá vàng tăng đến mức người ta không đủ tiền mua hoặc khi không có vàng để mua, người ta sẽ chuyển sang mua bạc.”
Ông nói, “Tôi tin rằng giá bạc sẽ tăng đáng kể trong khoảng ba năm tới và chúng ta có thể xem xét giá bạc từ một số khía cạnh. Một khía cạnh là mối quan hệ cung-cầu, và khía cạnh khác là việc tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Ví dụ: tỷ lệ vàng/bạc hiện là 1 ounce vàng trên 88 ounce bạc, đây là tỷ lệ tương đối cao trong lịch sử, cho thấy bạc đang ở mức đáy.”
Về mối quan hệ cung cầu, ông Lý đã dự đoán nhu cầu bạc sẽ tăng mạnh trong tương lai, đặc biệt với sự bùng nổ của các nguồn năng lượng mới như pin, pin quang năng, và tấm pin quang năng, tất cả đều đòi hỏi một lượng đáng kể bạc do tính dẫn điện vượt trội mà ít kim loại khác có thể thay thế được.
Ông Lý cho biết: “Người ta ước tính rằng nếu pin và tấm pin quang năng tiếp tục được sản xuất với tốc độ như hiện tại thì 80% trữ lượng bạc sẽ cạn kiệt vào năm 2026.”
Ông nói, “Hiện tại, Mexico là quốc gia sản xuất bạc lớn nhất, chiếm 20% sản lượng bạc toàn cầu. Tuy nhiên, do lượng bạc được sản xuất ra ở Mexico là quá lớn, nên người ta dự đoán rằng trữ lượng bạc của nước này có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào cuối năm 2025.”
“Mọi người thử nghĩ xem, như thế có nghĩa là 20% nguồn cung bạc của thế giới sẽ sớm biến mất. Vì vậy, từ góc độ nguồn cung, tôi tin rằng giá bạc cũng sẽ tăng mạnh.”
Ông Lý cũng phân tích nhu cầu bạc của các nhà đầu tư cá nhân.
Ông nói, “Bạc đặc biệt phù hợp với công chúng nói chung vì giá thấp, hiện chỉ ở mức 25 USD/ounce. So với giá trong lịch sử, mức giá này là thấp hơn mức lẽ ra phải có.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times